KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM A: GIẢI PHÓNG BẢN THÂN KHỎI CÁI TÔI ĐỂ LỚN LÊN TRONG TINH THẦN PHỤC VỤ
Hôm Chúa Nhật 15/1/2023, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin, khi giải thích đoan Tin Mừng theo thánh Gioan, Đức Phanxicô đã mời gọi các linh mục và tín hữu noi gương Gioan Tẩy Giả biết xóa mình đi để lớn lên trong tinh thần phục vụ đích thực.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em ngày Chúa Nhật vui vẻ!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay (x. Ga 1, 29-34) tường thuật chứng tá của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu, sau khi làm phép rửa cho Người ở sống Giođan. Ông nói: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (cc. 29-30).
Lời tuyên bố này, chứng tá này, cho thấy tinh thần phục vụ của Gioan. Ông được sai đi để dọn đường cho Đấng Mêsia, và đã làm như thế mà không tiếc bản thân mình. Về mặt con người mà nói, người ta sẽ nghĩ rằng mình sẽ được ban một “giải thưởng”, một vị trí nổi bật trong đời sống công khai của Chúa Giêsu. Nhưng không. Khi hoàn thành sứ mạng của mình, Gioan biết cách tránh sang một bên, ông rút lui khỏi sân khấu để nhường chỗ cho Chúa Giêsu. Ông đã thấy Thần Khí ngự xuống trên Người (x. cc. 33-34), ông đã chỉ ra Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, và bây giờ đến lượt mình, ông khiêm nhường lắng nghe. Ông đi từ ngôn sứ đến môn đệ. Ông rao giảng cho dân chúng, thu nạp môn đệ và huấn luyện họ một thời gian dài. Tuy nhiên, ông không ràng buộc bất cứ ai với chính mình. Và điều này thật khó, nhưng đó là dấu hiệu của nhà giáo dục đích thực: không ràng buộc mọi người với mình. Gioan làm điều này: ông đặt các môn đệ của mình theo dấu chân của Chúa Giêsu. Ông không quan tâm đến việc có người đi theo mình, đến danh tiếng và thành công, nhưng ông làm chứng và rồi lùi lại một bước, để nhiều người có được niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nói: ông mở cánh cửa, rồi ông rời đi.
Với tinh thần phục vụ này, với khả năng nhường chỗ cho Chúa Giêsu của mình, Gioan Tẩy Giả dạy chúng ta một điều quan trọng: tự do không dính bén. Vâng, bởi vì thật dễ bị dính bén với vai trò và địa vị, với nhu cầu được tôn trọng, công nhận và khen thưởng. Và điều này, dù tự nhiên, không phải là một điều tốt, bởi vì sự phục vụ liên quan đến sự nhưng không, chăm sóc người khác mà không vì ích lợi cho bản thân, không có động cơ thầm kín, không mong chờ được đền đáp. Như Gioan, cũng tốt cho chúng ta để vun trồng nhân đức biết từ bỏ mình đúng lúc, làm chứng rằng điểm quy chiếu của cuộc sống là Chúa Giêsu. Bước sang một bên, học cách rút lui: tôi đã hoàn thành sứ mạng này, tôi đã có cuộc gặp gỡ này, tôi sẽ đứng sang một bên và nhường chỗ cho Chúa. Học cách đứng sang một bên, không nhận lấy phần báo đáp cho bản thân.
Chúng ta hãy nghĩ xem điều này quan trọng biết bao đối với một linh mục, người được đòi hỏi rao giảng và cử hành, không phải vì sự quan trọng của bản thân mình hay lợi ích, nhưng để đồng hành với người khác đến với Chúa Giêsu. Hãy nghĩ điều này quan trọng thế nào đối với các bậc cha mẹ, nuôi dưỡng con cái với biết bao hy sinh, nhưng rồi họ đã để chúng tự do đi trên con đường riêng của chúng trong công việc, trong hôn nhân, trong cuộc sống. Thật tốt và đúng đắn khi cha mẹ tiếp tục bảo đảm sự hiện diện của họ, nói với con cái của họ rằng, “Bố mẹ sẽ không để con một mình đâu”, nhưng với sự kín đáo, không xâm phạm. Sự tự do để lớn lên. Và điều tương tự cũng áp dụng cho các phạm vi khác, như tình bạn, cuộc sống lứa đôi, đời sống cộng đoàn. Việc giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc với cái tôi của mình và việc biết bước sang một bên phải trả một giá nào đó, nhưng rất quan trọng: đây là bước quyết định để lớn lên trong tinh thần phục vụ, mà không tìm kiếm điều gì đáp lại.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy thử tự hỏi: chúng ta có khả năng nhường chỗ cho người khác không? Có khả năng lắng nghe họ, để cho họ tự do, không ràng buộc họ với chính chúng ta, không đòi hỏi sự công nhận không? Và cũng thế, chúng ta có khả năng đôi khi để cho họ nói không? Đừng nói, “Nhưng bạn không biết gì cả!”. Hãy để họ nói, nhường chỗ cho người khác. Chúng ta thu hút người khác đến với Chúa Giêsu, hay đến với chính mình? Và hơn nữa, theo gương của Gioan: chúng ta có biết cách vui mừng khi mọi người đi theo con đường riêng của họ và đi theo tiếng gọi của họ, ngay cả khi điều này đòi hỏi sự tách rời nào đó với chúng ta? Chúng ta có vui mừng trước những thành tựu của họ, cách chân thành và không ghen tỵ không? Điều này đang để cho người khác lớn lên.
Xin Đức Maria, người nữ tỳ của Chúa, giúp chúng ta thoát khỏi những dính bén, biết dọn đường cho Chúa và nhường chỗ cho người khác.
———————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS