KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN NĂM C: LỜI CHÚA LUÔN LUÔN LÀ “HÔM NAY”

Written by xbvn on Tháng Một 24th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Phụng vụ, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

“Lời Chúa không giống như câu chuyện cổ đại, không: hôm nay. Hôm nay, Lời Chúa nói với trái tim của anh chị em.” Đức Phanxicô nhắc nhớ như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật III thường niên, Chúa Nhật Lời Chúa, và đồng thời nhấn mạnh rằng “Lời Chúa luôn luôn là “hôm nay”” khi giải thích về lời nói của Chúa Giêsu : “Hôm nay lời Thánh Kinh này đã được ứng nghiệm”.

Đức Thánh Cha quả quyết: “Đôi khi xảy ra rằng các bài giảng và giáo huấn của chúng ta vẫn chung chung, trừu tượng; chúng không chạm đến tâm hồn và cuộc sống của người dân. Và tại sao? Bởi vì chúng thiếu sức mạnh của hôm nay này; điều mà Chúa Giêsu “lấp đầy ý nghĩa” bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần là hôm nay.” Đối với ngài, “một lời nói trong đó sức mạnh của hôm nay không phát huy được thì không xứng đáng với Chúa Giêsu và không giúp ích cho đời sống của con người.”

Vị Cha chung của Giáo hội muốn con cái Giáo hội ghi nhớ rằng “Lời Chúa thay đổi chúng ta, đi vào công việc của chúng ta, soi sáng cuộc sống hằng ngày của chúng ta, an ủi và mang lại trật tự. Hãy nhớ: Lời Chúa biến đổi một ngày bình thường thành ngày hôm nay trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta.” Và lời khuyên:  “Chúng ta hãy làm quen với Tin mừng, Tin Mừng sẽ mang lại cho chúng ta sự mới mẻ và niềm vui của Thiên Chúa”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu bắt đầu việc rao giảng của mình (x. Lc 4, 14-21): đó là bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu. Ngài đến Nadarét, nơi Ngài lớn lên, và tham gia cầu nguyện ở hội đường. Ngài đứng lên để đọc, và trong cuộn sách của ngôn sứ Isaia, Ngài gặp thấy đoạn liên quan đến Đấng Mêsia, cống bố sứ điệp an ủi và giải thoát đối với người nghèo và người bị áp bức (x. Is 61, 1-2). Khi đọc xong, “mọi người đều chăm chú nhìn Ngài” (c.20). Và Chúa Giêsu bắt đầu nói: “Hôm nay lời Thánh Kinh này đã được ứng nghiệm” (c.21). Hôm nay, chúng ta hãy dừng lại ở điểm này. Đó là lời đầu tiên của lời rao giảng của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca. Được Chúa công bố, nó chỉ ra một “hôm nay” mà trải qua mọi thời đại và luôn có giá trị. Lời Chúa luôn luôn là “hôm nay”. Lời Chúa bắt đầu với một “hôm nay”: khi anh chị em đọc Lời Chúa, một “hôm nay” bắt đầu trong tâm hồn anh chị em, nếu anh chị em hiểu rõ Lời Chúa. Hôm nay. Lời tiên tri của Isaia có từ nhiều thế kỷ trước, nhưng Chúa Giêsu, “trong quyền năng của Thánh Thần” (c.14) làm cho lời đó trở nên thích hợp và, trết hết, làm cho nó được ứng nghiệm, và cho thấy cách để đón nhận Lời Chúa: hôm nay. Lời Chúa không giống như câu chuyện cổ đại, không: hôm nay. Hôm nay, Lời Chúa nói với trái tim của anh chị em.

Những người đồng hương của Chúa Giêsu bị đánh động bởi lời của Ngài. Mặc dù, bị bao phủ bởi thành kiến, họ không tin Ngài, nhưng họ nhận ra rằng giáo huấn của Ngài khác với giáo huấn của các thầy dạy khác. Họ  cảm thấy rằng có gì đó hơn nhiều nơi Chúa Giêsu. Có gì vậy? Có sự xức dầu của Chúa Thánh Thần. Đôi khi xảy ra rằng các bài giảng và giáo huấn của chúng ta vẫn chung chung, trừu tượng; chúng không chạm đến tâm hồn và cuộc sống của người dân. Và tại sao? Bởi vì chúng thiếu sức mạnh của hôm nay này; điều mà Chúa Giêsu “lấp đầy ý nghĩa” bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần là hôm nay. Hôm nay đang nói với anh chị em. Vâng, đôi khi người ta nghe những cuộc hội nghị hoàn hảo, những bài phát biểu được biên soạn tốt, nhưng chúng không đánh động tâm hồn và vì thế mọi sự vẫn như trước. Thậm chí nhiều bài giảng – tôi nói điều này với lòng kính trọng nhưng cách đau đớn – là những lời trừu tượng, và thay vì đánh thức tâm hồn, chúng đã gây mê cho nó. Khi các tín hữu bắt đầu nhìn vào đồng hồ của mình – “khi nào bài giảng này kết thúc?” – chúng gây mê cho tâm hồn. Giảng thuyết có nguy cơ này: nếu không có sự xức dầu của Chúa Thánh Thần, nó sẽ làm nghèo Lời Chúa, và đi đến chủ nghĩa luân lý và các khái niệm trừu tượng; nó trình bày Tin Mừng cách tách rời, như thể nó ở bên ngoài thời gian, xa với thực tại. Và đây không phải là cách. Nhưng một lời nói trong đó sức mạnh của hôm nay không phát huy được thì không xứng đáng với Chúa Giêsu và không giúp ích cho đời sống của con người. Đó là lý do tại sao những ai giảng dạy, xin vui lòng, là người đầu tiên cảm nghiệm được ngày hôm nay của Chúa Giêsu, để có thể thông truyền điều đó trong ngày hôm nay của người khác. Và nếu họ muốn thuyết giảng, hội thảo, hãy để họ làm như thế, nhưng ở nơi khác, chứ không phải vào lúc bài giảng, nơi họ phải trao ban Lời Chúa theo cách làm rung động lòng người.

Anh chị em thân mến, vào ngày Chúa Nhật Lời Chúa này, tôi muốn cảm ơn những người rao giảng và loan báo Tin Mừng, vốn vẫn trung thành với Lời Chúa làm rung động lòng người, vẫn trung thành với “hôm nay”. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để họ có thể sống ngày hôm nay của Chúa Giêsu, sức mạnh dịu ngọt của Thánh Thần của Ngài, Đấng làm cho Thánh Kinh trở nên sống động. Lời Chúa thực sự sống động và hữu hiệu (x. Dt 4, 12);  Lời Chúa thay đổi chúng ta, đi vào công việc của chúng ta, soi sáng cuộc sống hằng ngày của chúng ta, an ủi và mang lại trật tự. Hãy nhớ: Lời Chúa biến đổi một ngày bình thường thành ngày hôm nay trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy cầm Tin Mừng lên và chọn mỗi ngày một đoạn nhỏ để đọc đi đọc lại. Giữ sách Tin Mừng trong túi hay cặp của anh chị em, để đọc khi đi đường, vào bất cứ lúc nào, và đọc cách yên tĩnh. Với thời gian, chúng ta sẽ khám phá ra rằng những lời này được đặc biệt tạo ra cho chúng ta, cho cuộc sống của chúng ta. Những lời này sẽ giúp chúng ta đón nhận mỗi ngày với một cái nhìn tốt hơn, thanh thản hơn, bởi vì khi Tin Mừng đi vào thế giới hôm nay, thì Tin Mừng lấp đầy nó bằng chính Thiên Chúa. Tôi muốn đưa ra một gợi ý. Vào các ngày Chúa Nhật của năm phụng vụ này, Tin Mừng theo thánh Luca, Tin Mừng về lòng thương xót, sẽ được công bố. Tại sao cũng không đọc Tin Mừng này cách cá nhân, tất cả Tin Mừng này, một đoạn ngắn mỗi ngày? Một đoạn ngắn. Chúng ta hãy làm quen với Tin mừng, Tin Mừng sẽ mang lại cho chúng ta sự mới mẻ và niềm vui của Thiên Chúa!

Lời Chúa cũng là ngọn hải đăng soi dẫn cho hành trình hiệp hành vốn đã bắt đầu trong toàn thể Giáo hội. Khi chúng ta cố gắng lắng nghe nhau, cách quan tâm và phân định – bởi vì đó không phải là một vấn đề ý kiến, không phải, nhưng là phân định Lời Chúa, ở đó – chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Và xin Đức Mẹ ban cho chúng ta sự kiên trì để nuôi dưỡng bản thân mỗi ngày bằng Tin Mừng.

———————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31