KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ NĂM B: CHÚNG TA KHÔNG MẤT GÌ KHI BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU, NHƯNG CÓ ĐƯỢC PHẨM GIÁ
“Đời sống của một Kitô hữu không phải là một vở kịch mà anh chị em có thể đeo mặt nạ phù hợp nhất với mình. Vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn, Ngài giải thoát tâm hồn khỏi sự giả hình, Ngài giải thoát nó khỏi sự giả dối, khỏi tính hai mặt. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là Vua của chúng ta là xa lánh khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, khiến nó trở nên hàm hồ, tối tăm, buồn bã.” Đức Phanxicô nhắc nhở như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin Lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ hôm 21/11/2021.
Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi “ở với Chúa Giêsu” để “chúng ta trở nên chân thật”, được “giải thoát khỏi nô lệ cho sự dữ”. Bởi vì “chúng ta không mất gì khi bước theo Ngài – không mất gì, không – nhưng chúng ta có được phẩm giá…”.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay, Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, kết thúc với lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Tôi là vua” (Ga 18, 37). Ngài thốt lên những lời này trước mặt Philatô, trong khi đám đông kêu la lớn tiếng rằng Ngài phải bị kết án tử. Ngài nói: “Tôi là vua”, và đám đông kêu la lên Ngài phải bị kết án tử. Hoàn toàn tương phản. Giờ quyết định đã đến. Trước đó, có vẻ Chúa Giêsu không muôn dân chúng tôn vinh Ngài làm vua: chúng ta nhớ lại lần đó sau khi hóa bánh và cá ra nhiều thì Ngài tự rút lui để cầu nguyện (x. Ga 6, 14-15).
Sự thật là vương quyền của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với vương quyền của thế gian. Ngài nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Ngài không đến để thống trị nhưng là để phục vụ. Ngài không đến giữa những dấu hiệu của quyền lực, nhưng với sức mạnh của các dấu chỉ. Ngài không mặc phù hiệu quý giá, nhưng trần truồng trên thập giá. Và chính qua dòng chữ trên thập giá mà Chúa Giêsu được xác nhận là “vua” (x. Ga 19, 19). Vương quyền của Ngài thực sự vượt quá những thông số của con người! Chúng ta có thể nói rằng Ngài không giống như những vị vua khác, nhưng Ngài là một vị Vua đối với người khác. Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này: trước mặt Philatô, Chúa Kitô nói Ngài là vua vào lúc mà đám đông chống lại Ngài; nhưng khi đám đông đi theo và tung hô Ngài, thì Ngài giữ khoảng cách với lời tung hô này. Nghĩa là, Chúa Giêsu cho thấy rằng Ngài toàn quyền tự do khỏi ham muốn danh vọng và vinh quang trần thế. Còn chúng ta – chúng ta hãy tự hỏi – chúng ta có biết cách bắt chước Ngài về mặt này không? Chúng ta có biết cách kiểm soát khuynh hướng muốn luôn được săn đón và tán thưởng, hoặc chúng ta có làm mọi sự để được người khác quý trọng? Vì thế, tôi hỏi: đâu là quan trọng? Có phải là sự hoan nghênh hay sự phục vụ mới là quan trọng về những gì chúng ta làm, cách riêng liên quan đến sự cam kết Kitô hữu của chúng ta?
Chúa Giêsu không chỉ trốn chạy khỏi việc tìm kiếm bất kỳ sự vĩ đại trần thế nào, nhưng Ngài còn làm cho tâm hồn những ai theo Ngài được tự do và toàn quyền. Anh chị em thân mến, Ngài giải thoát chúng ta khỏi nô lệ cho sự dữ. Vương quốc của Ngài đang giải thoát, không có gì áp bức về nó. Ngài đối xử với mỗi môn đệ như một người bạn, không phải như một thần dân. Ngay cả khi ở trên mọi quốc vương, Ngài không vạch ranh giới phân chia nào giữa Ngài và người khác. Thay vào đó, Ngài muốn có những những anh chị em để chia sẻ niềm vui của Ngài (x. Ga 15, 11). Chúng ta không mất gì khi bước theo Ngài – không mất gì, không – nhưng chúng ta có được phẩm giá bởi vì Chúa Kitô không muốn thái độ nô lệ xung quanh Ngài, nhưng là những người tự do. Và – bây giờ chúng ta có thể tự hỏi – sự tự do của Chúa Giêsu xuất phát từ đâu? Chúng ta khám phá ra rằng bằng cách trở lại với lời khẳng định của Ngài trước mặt Philatô: “Tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: làm chứng cho sự thật” (Ga 18, 37).
Sự tự do của Chúa Giêsu xuất phát từ sự thật. Chính sự thật giải thoát chúng ta (x. Ga 8, 32). Nhưng sự thật của Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng, điều gì đó trừu tượng: sự thật của Chúa Giêsu là một thực tại, chính Ngài là Đấng đã tạo nên sự thật bên trong chúng ta để giải thoát chúng ta khỏi những điều bịa đặt và giả dối mà chúng ta có bên trong, khỏi sự giả hình. Ở với Chúa Giêsu, chúng ta trở nên chân thật. Đời sống của một Kitô hữu không phải là một vở kịch mà anh chị em có thể đeo mặt nạ phù hợp nhất với mình. Vì khi Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn, Ngài giải thoát tâm hồn khỏi sự giả hình, Ngài giải thoát nó khỏi sự giả dối, khỏi tính hai mặt. Bằng chứng tốt nhất cho thấy Chúa Kitô là Vua của chúng ta là xa lánh khỏi những gì làm ô nhiễm cuộc sống, khiến nó trở nên hàm hồ, tối tăm, buồn bã. Khi cuộc sống trở nên hàm hồ – một chút đây đó – thì nó trở nên buồn bã, rất buồn bã. Dĩ nhiên, chúng ta phải luôn đối diện với những giới hạn và khiếm khuyết của chúng ta: tất cả chúng ta đều là tội nhân. Nhưng khi chúng ta sống dưới uy quyền của Chúa Giêsu, thì chúng ta không trở nên băng hoại, chúng ta không trở nên giả dối, có khuynh hướng che lấp sự thật. Chúng ta không sống cuộc sống hai mặt. Hãy nhớ rõ điều này: tất cả chúng ta đều là tội nhân, đúng vậy; băng hoại, không bao giờ, không bao giờ. Tội nhân, vâng; băng hoại, không bao giờ. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta mỗi ngày tìm kiếm sự thật của Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ thế gian và dạy cho chúng ta biết khống chế các tật xấu của chúng ta.
—————————-
Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha tiếp tục nói:
Hôm nay, lần đầu tiên vào ngày lễ trọng Chúa Kitô Vua, Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được cử hành tại tất cả các Giáo hội địa phương. Đây là lý do tại sao có hai bạn trẻ từ Rôma đang ở bên cạnh tôi, đại diện cho tất cả giới trẻ Rôma. Tôi thân ái chào các bạn trẻ từ Giáo phận của chúng ta, và tôi hy vọng rằng tất cả các bạn trẻ trên thế giới có thể cảm thấy rằng họ là một phần sống động của Giáo hội, những nhân vật chính của sứ mạng của Giáo hội. Cảm ơn các bạn đã đến đây! Và đừng quên rằng cai trị là phục vụ. Đó là gì? Cai trị là phục vụ. Tất cả cùng nhau: cai trị là phục vụ. Như Đức Vua của chúng ta dạy chúng ta. Bây giờ tôi mời hai bạn trẻ này chào anh chị em. Hãy nói điều gì đi (ngài nói với bạn trẻ nữ).
Bạn nữ: Chúc mừng Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đến tất cả các bạn!
Đức Giáo hoàng: Hãy nói điều gì đó sáng tạo (với bạn trẻ nam).
Bạn nam: Chúng ta hãy làm chứng rằng tin vào Chúa Giêsu thật là đẹp!
Đức Giáo hoàng: Thấy đó! Điều này thật là đẹp! Cảm ơn con. Hãy ở lại đây (với hai bạn trẻ).
————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: Vatican.va)
Tags: Angelus, Giới trẻ, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- GIÁO HỘI ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 17. THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ NÓI : « XIN NGƯỜI NGỰ ĐẾN ! ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO