KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI 15/8/2021: “SỰ KHIÊM HẠ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN VỀ THIÊN ĐÀNG”
“Thiên Chúa không nâng chúng ta lên bởi vì những món quà của chúng ta, bởi vì sự giàu sang của chúng ta hay chúng ta làm mọi sự tài ba thế nào, nhưng vì sự khiêm hạ.” Đức Phanxicô nhắc nhở các Kitô hữu như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 15/8/2021, Lễ Đức Mẹ Lên Trời, và qua đó mời gọi các Kitô hữu noi gương sự khiêm hạ và phục vụ của Mẹ, “sự khiêm hạ là con đường dẫn về Thiên Đàng”.
Và Đức Thánh Cha mời gọi: “Đối với chúng ta cũng thế, sự khiêm hạ luôn là điểm xuất phát, luôn luôn, nó là khởi đầu của việc chúng ta có đức tin. Có tâm hồn nghèo khó là căn bản, nghĩa là cần đến Thiên Chúa. Những ai có tâm hồn đầy ứ sẽ không có chỗ cho Thiên Chúa”.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chi em và chúc anh chị em một ngày lễ hạnh phúc!
Trong Tin Mừng hôm nay, ngày lễ Kính trọng thể Đức Mẹ Lên Trời, bài Magnificat vang vọng trong Phụng vụ. Bài Thánh ca ngợi khen này giống như một “bức hình” về Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria “vui mừng trong Thiên Chúa”, tại sao? “Bởi vì Ngài đã đoái nhìn đến phận nữ tỳ hèn mọn”, như bài Thánh ca nói (x. Lc 1, 47-48).
Bí quyết của Đức Maria là sự khiêm hạ. Chính sự khiêm hạ của Mẹ đã lôi kéo ánh mắt của Thiên Chúa trên Mẹ. Ánh mắt nhân loại luôn tìm kiếm sự lớn lao và để mình bị lóa mắt bởi những gì hào nhoáng. Thay vào đó, Thiên Chúa không nhìn ở vẻ bề ngoài, Thiên Chúa nhìn vào tâm hồn (x. 1 Sm 16, 7) và bị lôi cuốn bởi lòng khiêm hạ. Sự khiêm hạ trong tâm hồn làm Thiên Chúa yêu thích. Hôm nay, khi nhìn Đức Maria được lên trời, chúng ta có thể nói rằng sự khiêm hạ là con đường dẫn về Thiên Đàng. Từ “khiêm hạ”, như chúng ta biết, đến từ tiếng Latinh “humus”, có nghĩa là “bùn đất”. Thật là nghịch lý: để lên cao, lên Trời, thì cần phải ở dưới thấp, như bùn đất! Chúa Giêsu dạy điều này: “Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14, 11). Thiên Chúa không nâng chúng ta lên bởi vì những món quà của chúng ta, bởi vì sự giàu sang của chúng ta hay chúng ta làm mọi sự tài ba thế nào, nhưng vì sự khiêm hạ. Thiên Chúa yêu thích sự khiêm hạ. Thiên Chúa nâng người khiêm hạ lên; Ngài nâng người phục vụ lên. Thực ra, Đức Maria không gán cho mình “tước hiệu” nào ngoại trừ tước hiệu nữ tỳ, để phục vụ: Mẹ là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38). Mẹ không nói gì khác về bản thân, Mẹ không tìm kiếm gì khác cho bản thân. Chỉ là nữ tỳ của Chúa.
Như thế, hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi, mỗi người chúng ta trong tâm hồn mình: sự khiêm hạ của tôi như thế nào? Tôi muốn được người khác công nhận không, muốn khẳng định bản thân và được ca tụng không, hay đúng hơn tôi nghĩ về phục vụ? Tôi có biết cách lắng nghe như Đức Maria không, hay tôi chỉ muốn nói và được chú ý? Tôi có biết cách giữ thinh lặng như Đức Maria, hay tôi nói luôn mồm? Tôi có biết cách lùi lại, xoa dịu những cuộc cãi cọ và tranh luận, hay tôi luôn muốn nổi trội hơn? Chúng ta hãy nghĩ về những câu hỏi này, mỗi người chúng ta: sự khiêm hạ của tôi như thế nào?
Trong sự bé mọn của mình, Đức Maria đạt được Thiên Đàng trước tiên. Bí quyết thành công của Mẹ rõ ràng là ở chỗ Mẹ nhìn nhận sự thấp hèn của mình, Mẹ nhìn nhận sự nghèo hèn của mình. Với Thiên Chúa, chỉ những ai tự nhận mình không là gì mới có thể nhận được tất cả. Chỉ những ai trút bỏ tất cả mới có thể được Ngài đổ đầy. Và Đức Maria là “Đấng đầy ân sủng” (c. 28) chỉ vì sự khiêm hạ của Mẹ. Đối với chúng ta cũng thế, sự khiêm hạ luôn là điểm xuất phát, luôn luôn, nó là khởi đầu của việc chúng ta có đức tin. Có tâm hồn nghèo khó là căn bản, nghĩa là cần đến Thiên Chúa. Những ai có tâm hồn đầy ứ sẽ không có chỗ cho Thiên Chúa. Và nhiều lần, chúng ta đầy ứ chính mình, và ai đầy ứ bản thân mình sẽ không có chỗ cho Thiên Chúa, nhưng những ai khiêm hạ sẽ để cho Chúa thực hiện những điều cao cả (x. c. 49).
Thi hào Dante gọi Đức Trinh Nữ Maria là “khiêm tốn hơn và cao thượng hơn bất kỳ thụ tạo nào » (Paradise, XXXIII, 2). Thật tuyệt đẹp khi nghĩ rằng thụ tạo khiêm hạ nhất và cao thượng nhất trong lịch sử, người đầu tiên đạt được Thiên Đàng với toàn thể con người của mình, cả hồn và xác, đã trải qua phần lớn cuộc đời của mình trong những bức tường nhà, Mẹ đã trải qua cuộc đời Mẹ trong đời thường, trong sự khiêm hạ. Những tháng ngày của “Đấng đầy ân sủng” không có gì là nổi bật. Chúng tiếp nối nhau ngày này qua ngày khác, thường giống hệt nhau, trong thầm lặng: bề ngoài không có gì phi thường. Nhưng ánh mắt của Thiên Chúa luôn ở với Mẹ, thán phục sự khiêm hạ của Mẹ, sự sẵn sàng ứng trực của Mẹ, vẻ đẹp của tâm hồn Mẹ không bao giờ bị nhơ bẩn bởi tội lỗi.
Đó là một thông điệp hy vọng lớn lao cho chúng ta, cho anh chị em, cho mỗi người chúng ta, cho anh chị em mà những ngày sống luôn như nhau, mệt mỏi và thường khó khăn. Hôm nay, Đức Maria nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa cũng mời gọi anh chị em đến số phận vinh quang này. Đây không phải là mỹ ngôn: đó là sự thật. Đó không phải là một kết thúc đẹp đẽ, giả tạo, một ảo tưởng ngoan đạo hay sự an ủi sai lạc. Không, đó là sự thật, đó là thực tại trong sáng, đó là hiện thực, sống động và đích thực như Đức Mẹ được lên Trời. Hôm nay, chúng ta hãy mừng lễ Mẹ bằng tình yêu con thảo, chúng ta hãy mừng lễ Mẹ vui tươi nhưng khiêm hạ, được thúc đẩy bởi niềm hy vọng một ngày nào đó được ở cùng mẹ trên Thiên Đàng!
Và giờ đây chúng ta hãy cầu xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên hành trình từ Trần gian về Thiên Đàng. Xin Mẹ nhắc nhở cho chúng ta rằng bí quyết cho cuộc hành trình được chứa đựng trong từ “khiêm hạ”. Chúng ta đừng quên từ này mà Đức Mẹ luôn nhắc nhở cho chúng ta. Và sự thập hèn và sự phục vụ đó là những bí quyết để đạt được mục tiêu, đạt tới Thiên Đàng.
Tý Linh chuyển ngữ
(theo Vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM