KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
Trong kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 29/12/2024, lễ Thánh Gia Nadarét, Đức Phanxicô khuyến khích các tín hữu học biết đối thoại và lắng nghe trong gia đình, bởi vì một gia đình không giao tiếp thì không thể hạnh phúc. Ngài nói : « Điều chúng ta có thể học được từ Thánh Gia hôm nay chính là sự lắng nghe lẫn nhau ».
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, mừng ngày Chúa Nhật!
Hôm nay, chúng ta mừng kính Thánh Gia Nadarét. Tin Mừng nói về Đức Giê-su, lúc 12 tuổi, khi kết thúc cuộc hành hương thường niên lên Giêrusalem, đã đi lạc Đức Maria và Thánh Giuse, những người sau đó đã tìm thấy Người trong Đền Thờ đang đối thoại với các thầy dạy (x. Lc 2, 41-52). Tác giả Tin Mừng Luca cho thấy tâm trạng của Đức Maria khi hỏi Đức Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (c. 48). Và Đức Giêsu đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con phải có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (c. 49).
Đây là kinh nghiệm thường thấy của một gia đình đan xen giữa những thời điểm êm đềm và những khoảnh khắc kịch tính. Đó dường như là câu chuyện về một cuộc khủng hoảng gia đình, cuộc khủng hoảng của thời đại chúng ta, của người thiếu niên khó tính và bậc cha mẹ không thể thấu hiểu được cậu ấy. Chúng ta hãy dừng lại để nhìn vào gia đình này. Anh chị em biết tại sao Gia đình Nadarét lại là kiểu mẫu không? Bởi vì đó là một gia đình đối thoại, lắng nghe, trò chuyện. Đối thoại là một yếu tố quan trọng đối với một gia đình! Một gia đình không giao tiếp chẳng thể là một gia đình hạnh phúc.
Thật tốt khi người mẹ không bắt đầu với lời quở trách, nhưng bằng câu hỏi. Đức Maria không kết tội cũng chẳng chê trách, nhưng cố gắng thấu hiểu cách để đón nhận Người Con quá khác biệt này bằng cách lắng nghe. Dẫu cho nỗ lực này, Tin Mừng nói rằng Maria và Giuse “không hiểu những gì Người vừa nói” (c.50), cho thấy rằng trong gia đình, thật quan trọng để lắng nghe hơn là thấu hiểu. Lắng nghe là coi trọng người khác, thừa nhận quyền tồn tại và suy nghĩ tự chủ của họ. Những đứa trẻ cần điều này. Hãy suy nghĩ cẩn thận, thưa các bậc cha mẹ: hãy lắng nghe con cái của mình, chúng cần điều này!
Những bữa ăn là dịp đặc biệt cho cuộc đối thoại trong gia đình. Thật tốt để ở lại bên nhau quanh bàn ăn và trò chuyện. Điều này có thể giải quyết nhiều vấn đề, và trên hết liên kết các thế hệ: con cái nói với cha mẹ, cháu chắt trò chuyện với ông bà… Đừng bao giờ khép kín nơi chính mình, hoặc tệ hơn, với đầu óc hướng về điện thoại di động. Đừng bao giờ làm điều này, Hãy chuyện trò, lắng nghe nhau, đây là cuộc đối thoại vốn rất hữu ích cho anh chị em và làm cho anh chị em lớn lên!
Gia đình của Đức Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse là thánh. Tuy vậy, chúng ta nhận thấy rằng ngay cả cha mẹ của Đức Giêsu cũng không luôn luôn hiểu Người. Chúng ta có thể suy tư về điều này, và chúng ta chớ ngạc nhiên nếu đôi khi xảy ra việc chúng ta không hiểu nhau. Khi điều này xảy ra, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta đã lắng nghe nhau chưa? Liệu chúng ta có đối mặt với các vấn đề bằng cách lắng nghe nhau không, hay chúng ta khép mình trong thinh lặng, đôi lúc trong oán giận và kiêu căng? Chúng ta có dành chút thời gian để trò chuyện không? Điều chúng ta có thể học được từ Thánh Gia hôm nay chính là sự lắng nghe lẫn nhau.
Chúng ta hãy phó dâng bản thân cho Đức Trinh Nữ Maria và cầu xin cho gia đình của chúng ta ơn lắng nghe.
—————————————
Sau Kinh Truyền Tin:
Anh chị em thân mến!
Tôi gửi lời chào thân ái đến tất cả anh chị em, những cư dân Rôma và các khách hành hương. Hôm nay, tôi gửi lời chào đặc biệt đến các gia đình đang hiện diện nơi đây, và với những ai kết nối từ tư gia qua truyền thông. Gia đình là tế bào của xã hội, là kho báu quý giá để nâng đỡ và bảo vệ!
Suy nghĩ của tôi hướng về nhiều gia đình ở Nam Hàn hôm nay đang đau buồn cho vụ tai nạn hàng không đầy bi kịch. Tôi hiệp thông trong lời cầu nguyện cho những người sống sót và cho những người đã ra đi.
Và chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho các gia đình đang chịu đau khổ bởi chiến tranh: ở Ukraina, Palestin, Israen, Myanma, Sudan, North Kivu: chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi gia đình đang bị rơi vào chiến tranh.
Cầu chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành và một ngày cuối năm an bình. Xin không quên cầu nguyện cho tôi. Chúc buổi trưa ngon miệng, và hẹn gặp lại!
——————————-
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Giáng-sinh, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ LÃNH NHẬN ƠN TOÀN XÁ TRONG NĂM THÁNH
- ÂN XÁ NĂM THÁNH, CƠN MƯA LÒNG THƯƠNG XÓT CHO MỌI NGƯỜI
- CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG ĐỨC BÀ CẢ
- ĐỨC PHANXICÔ: NĂM THÁNH LÀ CƠ HỘI KHAI MỞ CÔNG TRƯỜNG TÂM HỒN CỦA CHÚNG TA
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA : THÁNH GIA NADARÉT, MẪU GƯƠNG ĐỐI THOẠI VÀ LẮNG NGHE
- PHÓ CHÁNH ÁN TÒA ÂN GIẢI TỐI CAO: TÒA GIẢI TỘI, CỬA THÁNH CHO TÂM HỒN
- VĂN PHÒNG PHỦ GIÁO HOÀNG : THÔNG TIN ĐẶT VÉ THAM DỰ CÁC BUỔI TIẾP KIẾN CHUNG VÀ CÁC NGHI LỄ
- MỞ CỬA THÁNH ĐỀN THỜ LATÊRANÔ: “GIEO NIỀM HY VỌNG VÀ XÂY DỰNG TÌNH HUYNH ĐỆ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỞ CỬA THÁNH TẠI NHÀ TÙ REBIBBIA: “HÃY BÁM LẤY NIỀM HY VỌNG”
- LỄ ĐÊM GIÁNG SINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU