KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM A: HÃY RA KHỎI NGÔI MỘ CỦA CÁC VẤN ĐỀ CỦA MÌNH ĐỂ LÀM CHỨNG CHO NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚA GIÊSU
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 26/3/2023, qua đoạn Tin Mừng về sự phục sinh của Ladarô, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy giữ vững đức tin ngay cả khi mọi sự xem ra không còn gì hy vọng, “đừng để mình bị những cảm giác tiêu cực đè bẹp”. Ngài mời gọi họ hãy ra khỏi ngôi mồ của các vấn đề của mình để phó thác cho Chúa Giêsu, Đấng ban sự sống, và đồng thời “làm chứng cho niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu” trong môi trường sống của mình.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chi em!
Hôm nay, Chúa Nhật V Mùa Chay, bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta sự sống lại của Ladarô (x. Ga 11, 1-45). Đây là phép lạ cuối cùng của Chúa Giêsu được thuật lại trước Lễ Phục Sinh: sự sống lại của người bạn của Ngài là Ladarô. Ladarô là người bạn thân thiết của Chúa Giêsu, Ngài biết rằng anh ấy sắp chết; Ngài bắt đầu lên đường, nhưng đến nhà của anh ấy bốn ngày sau khi chôn cất, lúc mà giờ đây mọi hy vọng đã tắt. Tuy nhiên, sự hiện diện của Ngài đã thắp lại một chút niềm tin nơi tâm hồn của hai chị em Mátta và Maria (x. cc. 22.27). Họ bám vào ánh sáng này, vào niềm hy vọng nhỏ bé này, bất chấp đau khổ của mình. Chúa Giêsu mời gọi họ hãy có đức tin, và yêu cầu mở cửa mộ. Sau đó, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha và gọi Ladarô: “Hãy ra khỏi mồ!” (c.43). Và Ladarô đã sống lại và đi ra. Đây là phép lạ, đúng như thế, đơn giản.
Sứ điệp thật rõ ràng: Chúa Giêsu ban sự sống ngay cả khi dường như mọi hy vọng đã vụt tắt. Đôi khi chúng ta cảm thấy vô vọng – điều này đã xảy ra với tất cả chúng ta – hay gặp những người đã mất đi niềm hy vọng: cay đắng bởi những trải nghiệm tồi tệ, tâm hồn bị tổn thương không thể hy vọng. Vì một mất mát đau thương, một bệnh tật, một thất vọng cay đắng, một sai lầm hay một sự phản bội phải chịu, một lỗi lầm nghiêm trọng đã phạm…họ đã đánh mất niềm hy vọng. Đôi khi chúng ta nghe người ta nói rằng “Không còn gì để làm nữa!”, và đóng sập mọi hy vọng. Đó là những khoảnh khắc mà cuộc sống dường như là một ngôi mộ bị niêm phong: mọi thứ đều tối tăm, và xung quanh mình, chúng ta chỉ thấy đau khổ và tuyệt vọng. Phép lạ hôm nay nói với chúng ta rằng nó không phải như thế, đây không phải là kết thúc, rằng những giây phút này, chúng ta không cô đơn; trái lại, chính trong những lúc này mà Ngài đến gần hơn bao giờ hết để phục hồi sự sống cho chúng ta. Chúa Giêsu khóc: bài Tin Mừng nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã khóc trước mộ của Ladarô, và hôm nay Chúa cũng khóc với chúng ta, như Ngài đã có thể khóc cho Ladarô: bài Tin Mừng lặp lại hai lần rằng Ngài xúc động (x. cc. 33.38), nhấn mạnh rằng Ngài đã bật khóc (x. c.35). Và đồng thời Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đừng ngừng tin tưởng và hy vọng, đừng để mình bị những cảm giác tiêu cực đè bẹp, lấy đi nước mắt của chúng ta. Ngài đến gần mộ của chúng ta và nói với chúng ta như sau: “Hãy đem tảng đá này đi” (c.39). Trong những lúc này, như thể chúng ta có một tảng đá bên trong, và người duy nhất có thể loại bỏ nó là Chúa Giêsu, với lời của Ngài: “Hãy đem tảng đá này đi”.
Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta điều này. Hãy đem tảng đá này đi: nỗi đau, lỗi lầm, thậm chí là những thất bại, đừng giấu chúng trong con, trong căn phòng tối tăm, cô đơn, đóng kín. Hãy đem tảng đá này đi: hãy rút hết những gì bên trong ra. “À, nhưng con xấu hổ”. Chúa nói: hãy ném nó cho Ta vời lòng tin tưởng, Ta sẽ không nổi giận đâu; hãy ném nó cho Ta mà không sợ hãi, bởi vì Ta ở với con, Ta chăm sóc con và Ta muốn con bắt đầu sống lại. Và, như Ngài đã làm với Ladarô, Ngài cũng lặp lại với mỗi người chúng ta: Hãy ra khỏi mồ! Hãy trỗi dậy, quay trở lại con đường, lấy lại sự ttin tưởng của con! Bao nhiêu lần, trong cuộc sống, chúng ta thấy mình như thế, trong hoàn cảnh không còn sức vực dậy nữa này. Và Chúa Giêsu: “Hãy đi, hãy tiếp tục! Ta ở với con”. Chúa Giêsu nói: Ta sẽ nắm lấy tay con, như khi con còn là một đứa trẻ học bước những bước đi đầu tiên. Anh chị em thân mến, hãy tháo băng vải đang trói buộc anh chị em (x. c.45); xin đừng đầu hàng trước sự bi quan vốn làm cho anh chị em chán nản thất vọng, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi đang cô lập anh chị em, đừng đầu hàng trước sự nản lòng do ký ức về những kinh nghiệm tồi tệ gây ra, đừng đầu hàng trước nỗi sợ hãi làm tê liệt. Chúa Giêsu nói với chúng ta, “Ta muốn con được tự do và được sống, Ta sẽ không bỏ rơi con và Ta ở với con! Mọi thứ đều tối tăm, nhưng Ta ở với con! Đừng để mình bị nỗi đau giam cầm, đừng để niềm hy vọng chết đi. Thưa anh chị em, hãy sống lại đi!” “Và con có thể làm điều này như thế nào?”. “Hãy nắm lấy tay Ta”, và Ngài nắm lấy tay chúng ta. Hãy để anh chị em được kéo ra: và Ngài có khả năng làm được điều đó. Trong những thời điểm tồi tệ xảy ra với tất cả chúng ta.
Anh chị em thân mến, đoạn Tin Mừng này, trong chương 11 của Tin Mừng theo thánh Gioan và rất hay để đọc, là một bài thánh thi về cuộc sống, và nó được công bố khi Lễ Phục Sinh gần kề. Có lẽ chúng ta cũng vậy trong lúc này đang mang trong lòng mình một gánh nặng hay đau khổ nào đó, dường như đè bẹp chúng ta; điều gì đó tồi tệ, một tội cũ nào đó mà chúng ta không thể lôi ra, một lỗi lầm tuổi trẻ nào đó, anh chị em không bao giờ biết được. Những điều tồi tệ này cần phải ra đi ra. Và Chúa Giêsu nói, “Hãy ra khỏi mồ!”. Vì thế, đây là lúc để cất tảng đá đi và đi ra tiến về phía Chúa Giêsu, Đấng đang ở gần. Chúng ta có thể mở rộng tâm hồn mình cho Ngài và phó thác những lỗi lo lắng của chúng ta cho Ngài không? Chúng ta sẽ làm được nó không? Chúng ta có thể mở ngôi mộ của các vấn đề không, chúng ta có khả năng không, và nhìn qua ngưỡng cửa, hướng về ánh sáng của Ngài, hay chúng ta lo sợ điều này? Và ngược lại, như những tấm gương nhỏ của tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta có cố gắng chiếu sáng những môi trường chúng ta đang sống bằng lời nói và cử chỉ của sự sống không? Chúng ta có làm chứng cho niềm hy vọng và niềm vui của Chúa Giêsu không? Chúng ta, những tội nhân, tất cả chúng ta? Và tôi cũng muốn nói một lời với các cha giải tội: anh em thân mến, đừng quên rằng anh em cũng là tội nhân, và anh em ở tòa giải tội không phải để tra tấn, nhưng để tha thứ, và tha thứ mọi sự, như Chúa tha thư mọi sự. Xin Đức Maria, Mẹ của Hy Vọng, đổi mới trong chúng ta niềm vui không cảm thấy cô đơn và tiếng gọi mang ánh sáng vào bóng tối đang vây quanh chúng ta.
————————————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM
- CÁI CHẾT CỦA CHA FELIX WILFRED, “MỘT MẤT MÁT LỚN LAO CHO NỀN THẦN HỌC CHÂU Á”
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 1
- CẦU NGUYỆN VÀ BÓNG ĐÁ, BÍ QUYẾT CỦA NỮ TU INAH CANABARRO LUCAS, NGƯỜI LỚN TUỔI NHẤT THẾ GIỚI
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA HIỂN LINH 2025: GẶP GỠ CHÚA GIÊSU NƠI ANH CHỊ EM CHÚNG TA