KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM B: TRAO BAN VÀ THA THỨ, LÀM RẠNG NGỜI VINH QUANG THIÊN CHÚA
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, ngày 17/3/2024, Đức Phanxicô tập trung suy niệm về Thập Giá, như biểu hiện tối cao của vinh quang Thiên Chúa. Một vinh quang không tương xứng với vinh quang mà thế gian ban tặng, vốn tập trung vào sự thành công chóng qua, nhưng đúng hơn là sự mặc khải về khuôn mặt đích thực của lòng thương xót Thiên Chúa qua sự trao ban và sự tha thứ của Chúa Kitô.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Hôm nay, Chúa Nhật V mùa Chay, khi chúng ta tiến gần đến Tuần Thánh, Chúa Giê-su trong Tin Mừng (x. Ga 12, 20-33) nói với chúng ta một điều quan trọng: trên Thập Giá chúng ta sẽ được nhìn thấy vinh quang của Ngài và vinh quang của Chúa Cha (x. cc 23, 28).
Nhưng làm thế nào vinh quang của Thiên Chúa có thể tự biểu lộ ngay tại đó, trên Thập Giá? Có người sẽ nghĩ điều này xảy đến trong sự Phục Sinh, chứ không phải trên Thập Giá, vốn là một sự thất bại, một sự thua cuộc. Thay vào đó, hôm nay, khi loan báo về cuộc Thương Khó của mình, Đức Giê-su cho hay: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (c. 23). Vậy Ngài muốn hàm ý gì?
Đức Giê-su muốn nói rằng, đối với Thiên Chúa, vinh quang không tương ứng với sự thành công, danh thơm và sự nổi tiếng thuộc về nhân loại; đối với Thiên Chúa, vinh quang không có gì tự quy chiếu về nó, cũng chẳng phải là sự chứng tỏ quyền uy lớn lao theo sau bởi sự tán thưởng của công chúng. Với Thiên Chúa, vinh quang là yêu thương đến độ trao ban chính mạng sống mình. Đối với Ngài, sự tôn vinh nghĩa là hiến dâng chính mình, làm cho mình trở nên dễ gần, trao hiến tình yêu của Ngài. Và điều này đạt đến đỉnh điểm trên Thập Giá, ngay tại đó, nơi mà Đức Giê-su toả lan tình yêu của Thiên Chúa đến cực điểm, tỏ lộ trọn vẹn dung mạo của lòng thương xót, ban tặng cho chúng ta sự sống và thứ tha cho những kẻ đóng đinh Ngài.
Thưa anh chị em, từ nơi Thập Giá, ‘ngai toà của Thiên Chúa’, Chúa dạy chúng ta rằng vinh quang đích thực, vốn chẳng bao giờ phai mờ và làm cho chúng ta hạnh phúc, được tạo nên từ sự hiến trao và tha thứ. Trao hiến và tha thứ là bản chất của vinh quang Thiên Chúa. Và đối với chúng ta, chúng chính là lẽ sống. Hiến trao và tha thứ: một tiêu chuẩn rất khác biệt với những gì mà ta nhìn thấy xung quanh cũng như bên trong mình, khi chúng ta nghĩ về vinh quang như một điều gì đó để nhận lãnh hơn là trao ban; cái gì đó để chiếm hữu thay vì một điều để hiến dâng. Không, vinh quang trần thế phai tàn, và không để lại bất cứ niềm vui nào trong lòng; nó thậm chí không đưa đến sự tốt lành cho mọi người, mà đúng hơn là dẫn đến chia rẽ, bất hoà và lòng ghen tương.
Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: Vinh quang mà tôi mong muốn cho bản thân, cho cuộc đời mình, và vinh quang mà tôi mơ ước cho cả tương lai của mình là gì? Đó phải chăng là gây ấn tượng với người khác bằng năng lực, kỹ năng của tôi, hay những thứ mà tôi sở hữu? Hay liệu rằng đó là con đường hiến trao và tha thứ, con đường của Đức Giê-su chịu Đóng Đinh, của những người chẳng bao giờ mỏi mệt yêu thương và vững tin rằng điều này làm chứng cho Thiên Chúa trong thế giới, đồng thời làm cho vẻ đẹp của cuộc sống toả chiếu? Kiểu vinh quang nào mà tôi ước mong cho chính mình? Thật vậy, chúng ta hãy nhớ rằng khi hiến trao và tha thứ, vinh quang Thiên Chúa sẽ chiếu sáng nơi chúng ta. Chính tại đó: khi chúng ta cho đi và tha thứ.
Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã trung thành theo Chúa Giê-su vào giờ phút Thương Khó của Ngài, giúp chúng ta trở nên những phản ảnh sống động về tình yêu của Chúa Giê-su.
————————————–
Sau Kinh Truyền tin,
Anh chị em quý mến!
Tôi lấy làm ‘nhẹ nhõm’ khi biết rằng ở Haiti, một giáo viên và bốn trong số sáu tu sĩ của Dòng Tu huynh Thánh Tâm, bị bắt cóc vào ngày 23 tháng Hai vừa qua, đã được trả tự do. Tôi yêu cầu việc phóng thích càng sớm càng tốt hai tu sĩ còn lại và tất cả những ai vẫn còn bị giữ làm con tin tại đất nước thân yêu này, vốn đầy bạo lực. Tôi mời gọi hết thảy những nhà hoạt động chính trị và xã hội hãy từ bỏ mọi ích lợi cá nhân và dấn thân vào một tinh thần đoàn kết trong việc theo đuổi công ích, hỗ trợ quá trình chuyển đổi hoà bình hướng đến một quốc gia, mà với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, có thể được chuẩn bị với những thể chế vững chắc hầu có khả năng phục hồi lại trật tự và yên bình cho công dân của mình.
Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những người dân đang chịu khốn khổ bởi chiến tranh, ở Ukraina, Paletine và Israel, cũng như ở Sudan. Và chúng ta không quên Syria, quốc gia đã và đang chịu tổn hại nặng nề trong một thời gian dài vì chiến tranh.
Tôi chào đón tất cả mọi người đã đến với Rôma, từ Italy và nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt, tôi gửi lời chào đến các sinh viên Tây Ban Nha từ mạng lưới ‘Camplus’ thuộc các cư xá đại học, các nhóm giáo xứ từ Madrid, Pescara, Chieti, Locorotondo và giáo xứ San Giovanni Leonardi ở Rôma. Tôi chào mừng Tổ chức Tình nguyện Thánh Giuse ở Como, các thiếu nhi đến từ Perugia, những bạn trẻ của Bologna trên hành trình hướng đến việc Tuyên Xưng Đức Tin, và những người sắp lãnh nhận Bí tích Thêm Sức từ Pavia, Iolo di Prato và Cavaion Veronese.
Tôi hân hoan chào mừng các tham dự viên giải Marathon Rôma, một lễ kỷ niệm truyền thống về thể thao và tình huynh đệ. Một lần nữa trong năm nay, theo sáng kiến của Athletica Vaticana, nhiều vận động viên đã tham gia vào ‘các cuộc chạy tiếp sức đoàn kết’, trở thành những chứng tá của sự sẻ chia.
Và tôi cầu chúc tất cả một ngày Chúa Nhật an lành. Xin không quên cầu nguyện cho tôi. Chúc buổi trưa ngon miệng, và hẹp gặp lại!
————————————–
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Mùa-Chay, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG