KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN NĂM B: TRỞ NÊN SIÊU THOÁT NHƯ CHÚA GIÊSU ĐÃ SIÊU THOÁT

Written by xbvn on Tháng Sáu 10th, 2024. Posted in Cồ Ngọc Hải, Năm B, Tâm linh, Thế Giới

Chúa Giêsu siêu thoát đối với của cải, quyền lực, sự tìm kiếm danh tiếng và sự tán thưởng của quần chúng. Đức Phanxicô đã mô tả Chúa Giêsu như thế khi giải thích bài Tin Mừng Chúa Nhật, ngày 9/6/2024, trong buổi đọc Kinh Truyền Tin. Ngài mời gọi trở nên siêu thoát như Chúa Giêsu, nếu không chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những thứ đó. Và đồng thời biết thể hiện tình yêu nhưng không như Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta.

Đưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chúc một ngày Chúa Nhật tốt lành!

Bài Tin Mừng của phụng vụ hôm nay (x. Mc 3, 20-35) nói với chúng ta rằng Đức Giê-su, sau khi khởi đầu sứ vụ công khai của mình, đã đối diện với phản ứng kép: sự phản đối của những người thân thuộc, đang lo lắng và e sợ rằng Ngài có chút quẩn trí, và sự phản đối của những nhà cầm quyền tôn giáo, những người buộc tội Ngài hành động dựa thế của ma quỷ. Thực tế, Đức Giê-su rao giảng và chữa lành người đau yếu nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Và chính Thần Khí đã làm cho Đức Giê-su có được sự tự do của Thiên Chúa, tức có khả năng yêu thương và phục vụ mà không so đo tính toán hoặc đặt điều kiện. Chúa Giê-su, hoàn toàn tự do. Chúng ta hãy dừng lại đôi chút để suy ngắm về sự tự do này của Chúa Giê-su.

Đức Giê-su tự do trước của cải: vì thế Ngài đã rời bỏ sự yên ổn nơi làng quê của mình, Nazaret, để ôm trọn lấy cuộc sống khó nghèo chứa đầy sự bất trắc (x. Mt 6, 25-34), chăm sóc một cách tự do người đau ốm và bất kỳ ai đến kêu xin Ngài giúp đỡ, mà không đòi đền đáp bất cứ điều gì (x. Mt 10, 8). Sự vô vị lợi nơi sứ vụ của Đức Giê-su chính là điều này. Và đó cũng là sự vô vị lợi nơi mọi sứ vụ.

Ngài tự do với cả quyền lực: thật vậy, mặc dù kêu gọi nhiều người theo mình, nhưng Đức Giê-su chẳng bao giờ đòi buộc bất cứ ai phải làm điều này điều kia, Ngài cũng chưa từng kiếm tìm sự nâng đỡ của người quyền thế, nhưng luôn về phía người rốt hết, dạy các môn đệ của mình thực hiện như vậy, như Ngài đã làm (x. Lc 22, 25-27).

Sau cùng, Đức Giê-su tự do khỏi việc tìm kiếm danh vọng và sự tán thưởng, và vì lẽ này, Ngài chẳng bao giờ từ bỏ việc nói lên sự thật, ngay cả khi với cái giá của việc không được thấu hiểu (x. Mc 3, 21), không được người ta ưa thích, thậm chí chết trên thập giá, chứ không để mình bị đe doạ, đút lót hoặc bị mua chuộc bởi bất cứ điều gì hay bất cứ ai (x. Mt 10, 8).

Đức Giê-su là một con người tự do. Ngài không bị ràng buộc bởi sự giàu sang, tự do trước quyền lực, trước sự kiếm tìm danh vọng. Và điều này cũng thực sự quan trọng đối với chúng ta. Quả thực, nếu chúng ta để mình bị điều kiện hoá bởi việc tìm kiếm thú vui, quyền lực, tiền tài hoặc sự đồng thuận, chúng ta sẽ trở thành nô lệ cho những thứ đó. Trái lại, nếu chúng ta để cho tình yêu trao ban cách nhưng không của Thiên Chúa phủ lấp và mở rộng cõi lòng chúng ta, và nếu chúng ta để cho tình yêu đó chảy tuôn một cách tự nhiên, bằng cách trao lại nó cho người khác, với cả chính mình, mà không hãi sợ, toan tính hay đặt điều kiện, thì chúng ta sẽ lớn lên trong tự do và làm toả lan hương thơm tốt lành của tình yêu đó xung quanh mình.

Vì thế, chúng ta hãy tự hỏi: liệu tôi có phải là một người tự do không? Hay tôi để mình bị giam hãm bởi những phù phiếm của bạc tiền, quyền lực và thành công, hy sinh sự thanh thản và an bình của tôi lẫn của người khác, cho những thứ đó? Trong những nơi tôi sống và làm việc, tôi có làm lan toả bầu khí tươi mới của sự tự do, yên bình và thanh thoát không?

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống và yêu thương như Chúa Giê-su đã dạy, trong sự tự do của con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 15, 20-23).

—————————————-

Sau Kinh Truyền Tin :

          Ngày kia, tại Jordan, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức về tình hình nhân đạo ở Gaza, được nhóm họp bởi Hoàng đế Jodan, Tổng thống Ai Cập và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc. Trong khi cảm ơn các vị về sự khởi xướng quan trọng này, tôi khuyến khích cộng đồng quốc tế khẩn thiết hành động, bằng mọi phương tiện, để cứu trợ người dân của dải Gaza, đang bị chiến tranh làm suy kiệt. Viện trợ nhân đạo phải đến được với những người cần trợ giúp, và không ai có thể ngăn cản hành động này.

          Hôm qua đánh dấu kỷ niệm 10 năm lời kêu gọi hoà bình của Vatican, với sự tham dự của cố Tổng thống Israel, Shimon Peres, và Tổng thống Palestine Abu Mazen. Cuộc gặp gỡ đó cho thấy việc chung tay là điều có thế, và cần có lòng can đảm để kiến tạo hoà bình, hơn là tiến hành chiến tranh. Vì vậy, tôi khuyến khích những cuộc đàm phán không ngừng giữa các đảng phái, mặc dù chúng không hề dễ dàng, và tôi hy vọng rằng những đề xuất cho hoà bình, một cuộc ngừng bắn trên mọi mặt trận và việc giải thoát các con tin sẽ được chấp thuận ngay lập tức vì lợi ích của người dân Palestine cũng như Israel.

          Và chúng ta không quên cầu nguyện cho những người dân Ukraina đang chịu khổ đau, càng chịu đựng nhiều đau khổ, thì họ lại càng khát khao hoà bình. Tôi chào đón nhóm người Ukraina với những lá quốc kỳ ở kia. Chúng tôi gần bên các bạn! Đó là niềm ước ao, khao khát hoà bình, vậy nên tôi khuyến khích mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để hoà bình có thế được dựng xây càng sớm càng tốt, với sự trợ giúp quốc tế. Và chúng ta cũng không quên đất nước Myanmar.

          Tôi gửi lời chào đến anh chị em, những cư dân Rôma và các khách hành hương từ nhiều quốc gia, cách riêng các giáo viên đến từ trường Trung học “Saint John Paul II” ở Kyiv, Ukraina – Slava Isusu Khrystu (Ngợi khen Đức Giê-su Ki-tô) – những người mà tôi cổ võ sứ mạng của họ trong những thời điểm đau thương và đầy khó khăn. Tôi thân chào các giáo viên và học sinh của trường Giáo phận ‘Cardenal Cisneros’ thuộc Giáo phận Sigüenza-Guadalajara ở Tây Ban Nha, cũng như các tín hữu của Assemini Cagliari, các trẻ em của Trường ‘Giovanni Prati’ ở Padua, và những người trẻ đến từ giáo xứ Sant’Ireneo ở Rôma.

          Tôi gửi lời chào đến các ca viên từ khắp nơi trên thế giới đã về Rôma tham dự Cuộc Gặp gỡ Quốc tế của các Ca đoàn lần thứ tư. Các bạn thân mến, với tiếng hát của mình, các bạn sẽ luôn có thể tôn vinh Thiên Chúa và thông truyền niềm vui Tin Mừng!

          Cầu chúc tất cả mọi người một ngày Chúa Nhật an lành. Và xin không quên cầu nguyện cho tôi. Chúc buổi trưa ngon miệng và hẹn gặp lại!

————————————–

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31