KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : NHƯ CHÚA GIÊSU, Ở LẠI TRONG TÌNH YÊU CHO ĐẾN CÙNG

Written by xbvn on Tháng Sáu 26th, 2022. Posted in Giáo lý, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 26/6/2022, Đức Phanxicô mời gọi các tín hữu từ bỏ bản năng để cho mình bị xâm chiếm bởi sự tức giận khi đối mặt với nghịch cảnh. Chúa Giêsu đã đi một con đường khác, điều đó biểu thị một sức mạnh nội tâm lớn lao. Ngài kiên quyết làm điều tốt và mang đến thế gian Tinh yêu thương xót của Chúa Cha.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh  chị em !

Bài Tin Mừng của Phụng vụ Chúa Nhật này nói với chúng ta về một bước ngoặt. Đây là những gì bài Tin Mừng nói : « Khi đã tới ngày Ngài được rước lên trời, Ngài kiên quyết đi lên Giêrusalem » (x. Lc 9, 51). Như thế, Ngài bắt đầu « cuộc hành trình vĩ đại » của mình hướng về Thành Thánh vốn đòi hỏi một quyết định đặc biệt vì đó là quyết định cuối cùng. Các môn đệ, lòng tràn đầy nhiệt huyết vì họ còn quá trần tục, mơ ước Thầy sẽ khải hoàn. Trái lại, Chúa Giêsu biết rằng sự chối bỏ và cái chết đang chờ đợi Ngài ở Giêrusalem (x. Lc 9, 22, 43b-45) ; Ngài biết Ngài sẽ phải chịu đau khổ rất nhiều. Đây là điều đòi hỏi sự kiên quyết. Và vì thế, Chúa Giêsu tiến bước những bước quyết định hướng về Giêrusalem. Đây cũng là quyết định mà chúng ta phải thực hiện nếu muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Quyết định này hệ tại điều gì ? Vì chúng ta phải là những môn đệ nghiêm túc của Chúa Giêsu, thực sự dứt khoát, chứ không phải là « những Kitô hữu nước hoa hồng » như một cụ bà mà tôi từng biết thường nói. Không, không, không ! Những Kitô kiên quyết. Và đoạn Thánh sử Luca thuật lại sau đây giúp chúng ta hiểu.

Họ bắt đầu cuộc hành trình của mình. Một ngôi làng của người Samari, khi biết rằng Chúa Giêsu đang tiến về Giêrusalem – thành phố của những kẻ thù nghịch của họ – đã không chào đón Ngài. Bị xúc phạm, các Tông đồ Giacôbê và Gioan đã đề nghị với Chúa Giêsu rằng Ngài cần trừng phạt những người đó bằng cách khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy họ. Chúa Giêsu không chỉ không chấp nhận lời đề nghị này, Ngài còn quở trách hai anh em. Họ muốn lôi kéo Chúa Giêsu vào ước muốn trả thù của họ và Ngài sẽ không làm điều đó (x. cc. 52-55). “Lửa” mà Chúa Giêsu mang đến trên trái đất là điều gì đó khác (x. Lc 12, 49). Đó là Tình yêu thương xót của Chúa Cha. Và cần có sự kiên nhẫn, kiên trì, và một tinh thần sám hối để làm cho ngọn lửa này bùng lên.

Trái lại, Giacôbê và Gioan để cho bản thân bị chế ngự bởi sự tức giận. Điều này cũng xảy ra cho chúng ta khi, ngay cả khi chúng ta đang làm điều gì đó tốt, có lẽ ngay cả bằng sự hy sinh, chúng ta tìm thấy một cánh cửa đóng lại thay vì được chào đón. Vì thế, chúng ta nổi giận. Thậm chí chúng ta cố gắng lôi kéo chính Thiên Chúa vào, đe dọa các hình phạt từ trời.  Trái lại, Chúa Giêsu đi một con đường khác, không phải  con đường của sự tức giận, nhưng là con đường của sự kiên quyết tiến về phía trước, vốn ngụ ý sự bình tĩnh, kiên nhẫn, kiên trì, không chểnh mảng dù chỉ một phút trong việc làm điều thiện, mà không biến thành sự khắt khe. Cách sống này không có nghĩa là yếu đuối, không, nhưng, trái lại, là một sức mạnh nội tâm to lớn. Theo bản năng, thật dễ dàng để cho mình bị chinh phục bởi sự tức giận khi đối diện với sự chống đối. Trái lại, điều khó khăn là làm chủ chính mình, làm như Chúa Giêsu đã làm, như bài Tin Mừng nói, Ngài “đi đến một làng khác” (c. 56). Điều này có nghĩa là khi chúng ta gặp phải sự chống đối, chúng ta phải quay sang làm điều tốt ở nơi khác, mà không cáo tội lại. Bằng cách này, Chúa Giêsu giúp chúng ta trở thành những người thanh thản, hạnh phúc với việc thực thi điều tốt, và không tìm kiếm sự tán thành của con người.

Bây giờ, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta đang ở điểm nào? Chúng ta đang ở điểm nào? Đối diện với sự chống đối, hiểu lầm, chúng ta có hướng về Chúa không? Chúng ta có xin Ngài ban cho ta sự kiên định khi làm điều tốt không? Hay đúng hơn chúng ta tìm kiếm sự xác nhận thông qua tiếng vỗ tay, rồi kết thúc là cay đắng và bực bội khi chúng ta không còn nghe thấy nó? Nhiều lần, ý thức hay vô thức, chúng ta tìm kiếm tiếng vỗ tay, sự tán thành từ người khác, và chúng ta làm mọi sự để được vỗ tay. Không, điều đó không ổn. Chúng ta phải làm điều tốt vì phục vụ, chứ không tìm kiếm tiếng vỗ tay. Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sự nhiệt thành của chúng ta là do ý thức về công lý vì một sự nghiệp chính đáng. Nhưng trên thực tế, hầu hết thời gian nó không là gì khác hơn là sự kiêu ngạo, kết hợp với sự yếu đuối, tính nhạy cảm, và sự thiếu kiên nhẫn. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta sức mạnh nên giống như Ngài, bước theo Ngài cách dứt khoát trên con đường phục vụ, chứ không báo thù, không bất khoan dung khi gặp khó khăn, khi chúng ta tiêu hao chính mình để làm việc thiện và người khác không hiểu điều này hay thậm chí khi họ loại bỏ chúng ta. Không, hay thinh lặng và tiếp tục tiến bước.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta kiên quyết như Chúa Giêsu đã làm, để ở lại trong tình yêu cho đến cùng.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30