KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN NĂM B: LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG SỰ HIỆP THÔNG VÀ ĐỜI SỐNG TIẾT ĐỘ
Trong buổi cầu nguyện Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật, ngày 14 tháng Bảy, Đức Phanxicô đã tập trung bài huấn dụ của ngài vào việc Chúa Kitô sai các môn đệ đi truyền giáo. Người sai họ đi “từng hai người một”, khuyên họ chỉ mang theo những gì cần thiết. Do đó, dừng lại ở hình ảnh này, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc loan báo Tin Mừng không được thực hiện một mình, nhưng cùng nhau, trong cộng đoàn; và để làm được điều này, điều quan trọng là phải biết cách giữ tiết độ.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :
Anh chị em thân mến, mừng ngày Chúa Nhật!
Hôm nay, Tin Mừng nói với chúng ta về việc Đức Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng (x. Mc 6, 7-13). Ngài sai các ông đi ‘từng hai người một’, và đưa ra một chỉ thị quan trọng: là chỉ mang theo mình những gì cần thiết mà thôi.
Chúng ta hãy dừng lại đôi chút về hình ảnh này: các môn đệ được sai đi cùng nhau, và chỉ được mang theo những gì cần thiết.
Chúng ta không loan báo Tin Mừng một mình, không: Tin Mừng phải được loan truyền cùng nhau, như một cộng đoàn, và để làm được điều này, thật quan trọng để biết cách giữ sự tiết độ: biết cách tiết độ trong việc sử dụng đồ dùng, sẻ chia nguồn lực, năng lực lẫn khả năng được phú ban, và không để dư thừa. Tại sao vậy? Để được tự do: sự dư thừa biến anh chị em thành nô lệ, và cũng để tất cả chúng ta có được những gì mình cần theo cách xứng hợp và tích cực góp phần cho sứ mạng; và nên tiết độ trong suy nghĩ, cảm xúc, trong việc từ bỏ những định kiến và cả tính cứng nhắc, tựa như hành trang vô dụng, sẽ ghìm chúng ta xuống và gây cản trở cho cuộc hành trình, thay vào đó hãy nuôi dưỡng việc đối thoại và lắng nghe, nhờ đó chứng tá trở nên hữu hiệu hơn.
Chẳng hạn, chúng ta hãy nghĩ đến những gì xảy ra trong gia đình cũng như trong cộng đoàn của mình: khi chúng ta bằng lòng với những gì cần thiết, dù chỉ là ít ỏi, thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể tiến bước và lên đường, sẻ chia những gì đang có, mọi người đều từ bỏ một điều gì đó và hỗ trợ lẫn nhau (x. Cv 4, 32-35). Và điều này đã là một sự loan báo có tính truyền giáo, đứng trước và thậm chí hơn cả lời nói, bởi vì việc loan báo là hiện thân của vẻ đẹp nơi sứ điệp của Đức Giê-su về tính xác thực của cuộc sống. Thật vậy, một gia đình hay cộng đoàn sống theo cách này sẽ tạo ra quanh nó một môi trường giàu tình yêu, vốn dễ dàng cởi mở hơn với đức tin và sự mới mẻ của Tin Mừng, và từ đó người ta bắt đầu nên tốt lành hơn cũng như thanh thản hơn.
Trái lại, nếu mọi người bước đi theo cách riêng của mình, nếu chỉ đong đếm những thứ vật chất – vốn chẳng bao giờ là đủ – nếu người ta không lắng nghe, nếu chủ nghĩa cá nhân lẫn lòng ghen tị thắng vượt – tính đố kỵ là một thứ gì đó làm chết người, là chất độc! – chủ nghĩa cá nhân và lòng ghen tương thắng thế, bầu khí sẽ trở nên nặng nề, cuộc sống thành ra khó khăn, và những cuộc gặp gỡ trở thành mối lo lắng, bồn chồn và nản lòng, hơn là một dịp hân hoan, vui mừng (x. Mt 19, 22).
Anh chị em thân mến, sự hiệp thông và tiết độ là những giá trị quan trọng cho đời sống Ki-tô hữu: sự thông hiệp, hoà hợp giữa chúng ta và sự tiết độ là những giá trị quan trọng, không thể thiếu được đối với một Giáo Hội trở nên thừa sai ở mọi tầm mức.
Chúng ta có thể tự hỏi: liệu tôi có cảm nếm được niềm vui thoả của việc loan báo Tin Mừng, của việc mang niềm vui và ánh sáng phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa ở nơi tôi sống không? Và để làm được điều đó, tôi có cam kết bước đi cùng nhau với người khác, sẻ chia những tư tưởng và kỹ năng với họ, với tâm trí cởi mở và một trái tim quảng đại không? Và cuối cùng: tôi có biết cách để nuôi dưỡng một lối sống tiết độ biết lưu tâm đến nhu cầu của anh chị em mình không? Đó là những câu hỏi mà ta nên tự vấn bản thân mình.
Xin Đức Maria, Nữ Vương các Tông đồ, giúp chúng ta trở thành những môn đệ thừa sai đích thực, trong sự hiệp thông và sự tiết độ của cuộc sống. Trong sự hiệp thông, trong sự hoà hợp giữa chúng ta và trong sự tiết độ của đời sống.
———————————
Cồ Ngọc Hải dịch
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS
- BÀI GIẢNG THỨ 2 TRONG MÙA VỌNG CHO GIÁO TRIỀU RÔMA : TÁI KHÁM PHÁ NIỀM TIN TƯỞNG VÀO THIÊN CHÚA ĐỂ LÀM SỐNG LẠI NIỀM HY VỌNG