KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐỀU CẦN ĐẾN THÁNH THỂ !
Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 18/8/2024, Đức Phanxicô đã giải thích cho các tín hữu về việc Chúa Giêsu hiến mạng sống mình làm lương thực, để cho phép sống hiệp thông với Thiên Chúa, và qua đó mời gọi chúng ta khám phá lại cảm thức “ngạc nhiên” và “biết ơn” trước phép lạ Thánh Thể, một lương thực “làm thỏa mãn những ai đói khát niềm hy vọng, sự thật và ơn cứu độ”, nhưng đồng thời cũng “trao ban hy vọng cho người nghèo khó và vượt thắng tính kiêu căng”. Và vì thế, “mỗi người chúng ta đều cần đến Thánh Thể!”.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, mừng ngày Chúa Nhật!
Hôm nay, Tin Mừng nói với chúng ta về Đức Giê-su, Ngài đã nói rất đơn giản thế này: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6, 51). Trước đám đông, Con Thiên Chúa đồng hoá mình với thứ lương thực rất bình thường và tầm thường nhất – bánh: “Tôi là bánh”. Giữa những kẻ đang lắng nghe Ngài, một số người bắt đầu tranh luận với nhau (x. c-52): làm sao ông Giê-su lại có thể cho chúng ta ăn thịt của ông được? Thậm chí ngày hôm nay, chúng ta có thể tự vấn mình câu hỏi đó, nhưng với sự kinh ngạc và lòng biết ơn. Đây là hai thái độ để suy gẫm: kinh ngạc và biết ơn trước phép lạ Thánh Thể.
Trước hết: Kinh ngạc, bởi những lời của Chúa Giê-su làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng Ngài bao giờ cũng khiến ta kinh ngạc, luôn luôn thế! Ngày hôm nay cũng vậy, trong đời sống của từng người, Chúa Giê-su cũng vẫn làm chúng ta kinh ngạc. Bánh từ trời là món quà vượt quá mọi mong chờ. Những ai không hiểu được đường lối của Chúa Giê-su thì vẫn còn hoài nghi: xem ra không thể, thậm chí vô nhân, khi ăn thịt của người khác (x. c-54). Tuy vậy, thịt và máu vẫn là nhân tính của Đấng Cứu Độ, cuộc đời của Ngài hiến trao như nguồn dưỡng nuôi cho chúng ta.
Và điều này đưa chúng ta đến thái độ thứ hai: biết ơn. Đầu tiên, kinh ngạc. Giờ đây, biết ơn, bởi vì chúng ta nhận ra Chúa Giê-su ở nơi mà Ngài hiện diện vì chúng ta và với chúng ta. Chúa Giê-su đã trở nên bánh cho chúng ta. “Ai ăn thịt Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy” (x. c-56). Đức Ki-tô, là người thật, biết rõ rằng chúng ta cần phải ăn để sống. Nhưng Ngài cũng biết rằng điều đó vẫn là chưa đủ. Sau khi hoá bánh trần thế ra nhiều (x. Ga 6, 1-14), Ngài chuẩn bị một quà tặng lớn lao hơn: Chính Ngài trở nên của ăn và của uống đích thực (x. c-55). Xin cảm ơn Ngài, lạy Chúa! Chúng ta hãy thưa lên ‘Xin cảm tạ Chúa’ với cả tấm lòng.
Bánh từ trời, phát xuất từ Chúa Cha, chính là Người Con đã nên xác phàm vì chúng ta. Lương thực này còn cần thiết hơn cả bởi nó làm thoả mãn kẻ đói khát niềm hy vọng, sự thật và ơn cứu độ mà hết thảy chúng ta đều cảm nhận không phải trong bụng dạ, nhưng trong cõi lòng của mình. Mỗi người chúng ta đều cần đến Thánh Thể!
Chúa Giê-su quan tâm đến nhu cầu lớn nhất: Ngài cứu độ chúng ta, dưỡng nuôi cuộc đời chúng ta bằng chính mạng sống của Ngài, và Ngài sẽ thực hiện điều này mãi mãi. Chính nhờ Đức Giê-su mà chúng ta có thể sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau. Vì thế, bánh đích thực và hằng sống chẳng phải là điểu gì đó ma thuật, không phải. Đó cũng không phải là điều mà ngay lập tức sẽ giải quyết mọi vấn đề, nhưng đó chính là Mình Đức Ki-tô, trao ban hy vọng cho người nghèo khó và vượt thắng tính kiêu căng của những kẻ chìm đắm trong sự tự phụ của họ.
Anh chị em quý mến, chúng ta hãy tự hỏi: Tôi có đói khát ơn cứu độ, không chỉ cho riêng bản thân, nhưng còn cho tất cả anh chị em của mình không? Khi tôi rước Thánh Thể, là phép lạ của lòng thương xót, tôi có sững sờ kinh ngạc trước Mình Thánh Chúa, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta không?
Chúng ta hãy cùng nhau khẩn nài Đức Trinh Nữ Maria, hầu Mẹ có thể giúp chúng ta biết đón nhận tặng phẩm từ trời nơi hình bánh này.
———————————-
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Bí-tích, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CHA TRYPHON BONGA, TÂN BỀ TRÊN GIÁM TỈNH CỦA CÁC LINH MỤC XUÂN BÍCH TỈNH PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ BỊ CƠN ĐAU HÔ HẤP VÀO BUỔI SÁNG
- ĐHY PAROLIN LẤY LÀM TIẾC TRƯỚC “SỰ SUY ĐOÁN VÔ ÍCH” VỀ VIỆC TỪ CHỨC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
- GIÁO THUYẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ PHẢI LÀ BẤT BIẾN KHÔNG?
- ĐỨC PHANXICÔ ĐÁP ỨNG ĐIỀU TRỊ, NHƯNG VẪN CÒN NGUY HIỂM
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỠ HƠN
- BỆNH VIÊM PHỔI HAI BÊN, CĂN BỆNH MÀ ĐỨC PHANXICÔ MẮC PHẢI LÀ GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ VẪN VUI VẺ BẤT CHẤP BỊ VIÊM PHỔI CẢ HAI BÊN
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
- KHỔ HÌNH KHỦNG KHIẾP CỦA THÁNH NỮ APOLLINA
- ĐHY PAROLIN PHẢN ĐỐI VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI PALESTINE KHỎI GAZA
- THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
- THÁNH KINH: LOẠT VIDEO CHỐNG LẠI NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH SAI LẠC
- 350 GIÁO SĨ DO THÁI LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI VIỆC “THANH LỌC SẮC TỘC” Ở GAZA
- ĐỨC PHANXICÔ NHẬP VIỆN Ở RÔMA VÌ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN
- TẠI SAO GIÁO HỘI CAN THIỆP VÀO VẤN ĐỀ XÃ HỘI?
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ