KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN NĂM B: VỚI THIÊN CHÚA, SỰ YẾU ĐUỐI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT TRỞ NGẠI, NHƯNG LÀ MỘT CƠ HỘI
“Người môn đệ không chỉ phải phục vụ những người bé nhỏ, nhưng còn phải nhìn nhận mình như một người bé nhỏ.” Đó là lời nhắc nhở của Đức Phanxicô trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 3/10/2021, khi giải thích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XXVII Thường niên, năm B, và đồng thời lưu ý rằng “nhìn nhận sự nhỏ bé của mình là điểm khởi đầu để trở nên lớn lao.”
Và Đức Thánh Cha khích lệ chúng ta ý thức rằng “với Thiên Chúa, sự yếu đuối không phải là một trở ngại nhưng là một cơ hội”, bởi vì “khi chúng ta cảm thấy mình bé mọn, nhỏ bé, vì bất cứ lý do gì, thì Chúa đến gần hơn, chúng ta cảm thấy Ngài gần gũi hơn. Ngài ban cho chúng ta sự bình an”.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu phản ứng hơi khác thường: Ngài phẫn nộ. Và điều đáng ngạc nhiên nhất là ở chỗ sự phẫn nộ của Ngài không phải do những người Pharisêu đã thử ngài bằng những câu hỏi về tính hợp pháp cua việc ly dị; nhưng do các môn đệ của Ngài mà, để bảo vệ Ngài khỏi đám đông dân chúng, đã quở trách một số trẻ em đã được đưa đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa không tức giận với những người tranh luận với Ngài, nhưng với những người mà, để giảm bớt gánh nặng cho Ngài, đã làm cho các trẻ em lánh xa Ngài. Tại sao? Đó là một câu hỏi hay: tại sao Chúa làm như thế?
Chúng ta hãy nhớ rằng – bài đọc Tin Mừng cách đây hai tuần – Chúa Giêsu, bằng việc thực hiện cử chỉ ôm một trẻ nhỏ, đã đồng hóa mình với những người bé nhỏ: Ngài đã dạy rằng thực sự chính những người bé nhỏ, tức là, những người lệ thuộc vào người khác, những người túng thiếu và không thể đền đáp, phải được phục vụ đầu tiên (x. Mc 9, 35-37). Những ai tìm kiếm Thiên Chúa sẽ tìm thấy Ngài ở đó, nơi những người bé nhỏ, nơi những người túng thiếu: túng thiếu không chỉ về của cải vật chất, nhưng còn về sự chăm sóc và an ủi, chẳng hạn như người bệnh, người bị sỉ nhục, các tù nhân, người nhập cư, người bị giam cầm. Ngài ở đó: nơi những người bé nhỏ này. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu nổi giận: bất kỳ sự sỉ nhục nào đối với một người bé nhỏ, một người nghèo, một trẻ em, một người không có khả năng tự vệ, đều được làm cho Ngài.
Hôm nay, Chúa lấy lại giáo huấn này một lần nữa và hoàn thành nó. Thực ra, Ngài nói thêm: “Quả thật, Thầy bảo cho anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào” (Mc 10, 15). Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không chỉ phải phục vụ những người bé nhỏ, nhưng còn phải nhìn nhận mình như một người bé nhỏ. Và mỗi người chúng ta, chúng ta có nhìn nhận là nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa không? Chúng ta hãy suy nghĩ về nó, nó sẽ giúp chúng ta. Ý thức mình là bé nhỏ, ý thức về nhu cầu ơn cứu độ là cần thiết để đón nhận Chúa. Đó là bước đầu tiên trong việc mở mình ra đón nhận Ngài. Tuy nhiên, thông thường, chúng ta quên điều này. Khi thịnh vượng, khi sung túc, chúng ta có ảo tưởng mình tự đủ, chúng ta là đủ, chúng ta không cần Thiên Chúa. Thưa anh chị em, đây là một sự thất vọng, bởi vì mỗi một chúng ta là một người túng thiếu, một người bé nhỏ. Chúng ta phải tìm kiếm sự bé nhỏ của mình và nhìn nhận nó. Và ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.
Trong cuộc sống, nhìn nhận sự nhỏ bé của mình là điểm khởi đầu để trở nên lớn lao. Nếu chúng ta nghĩ về nó, chúng ta sẽ lớn lên không quá nhiều dựa trên những thành công của chúng ta và những thứ chúng ta có, nhưng trên hết trong những lúc khó khăn và mong manh. Ở đó, trong sự túng thiếu của chúng ta, chúng ta trưởng thành; ở đó chúng ta mở lòng ra cho Thiên Chúa, cho tha nhân, cho ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta hãy mở mắt chúng ta cho tha nhân. Chúng ta hãy mở mắt chúng ta, khi chúng ta bé nhỏ, cho ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Khi chúng ta cảm thấy nhỏ bé khi đối diện với một vấn đề, nhỏ bé trước một thập giá, một bệnh tật, khi chúng ta cảm nghiệm sự mệt mỏi và cô đơn, chúng ta đừng nản lòng. Chiếc mặt nạ của sự hời hợt đang rơi xuống và sự yếu đuối tận căn của chúng ta đang tái xuất hiện: đó là điểm chúng của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, bởi vì với Thiên Chúa, sự yếu đuối không phải là một trở ngại nhưng là một cơ hội. Một lời cầu nguyện đẹp sẽ là thế này: “Lạy Chúa, xin nhìn đến những điểm yếu của con…” và liệt kê chúng trước mặt Ngài. Đây là một thái độ tốt trước mặt Thiên Chúa.
Quả thật, chính trong sự yếu đuối mà chúng ta khám phá Thiên Chúa chăm sóc chúng ta nhiều như thế nào. Tin Mừng hôm nay nói rằng Chúa Giêsu rất dịu dàng với các trẻ nhỏ: “Ngài ôm lấy chúng và đặt tay chúc lành cho chúng” (c. 16). Những khó khăn và những hoàn cảnh bộc lộ sự yếu đuối của chúng ta là những cơ hội đặc biệt để cảm nghiệm tình yêu thương của Ngài. Những ai cầu nguyện cách kiên trì sẽ biết rõ điều này: có thể nói, trong những lúc tối tăm và cô đơn, sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với chúng ta càng thể hiện rõ hơn. Sự dịu dàng này mang lại cho chúng ta sự bình an; sự dịu dàng này làm cho chúng ta lớn lên, bởi vì Thiên Chúa đến gần chúng ta theo cách của Ngài, đó là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Và, khi chúng ta cảm thấy mình bé mọn, nhỏ bé, vì bất cứ lý do gì, thì Chúa đến gần hơn, chúng ta cảm thấy Ngài gần gũi hơn. Ngài ban cho chúng ta sự bình an; Ngài làm cho chúng ta lớn lên. Khi cầu nguyện, Chúa kéo chúng ta đến gần Ngài, như một người cha với con của mình. Đây là cách chúng ta trở nên lớn lao: không phải trong sự giả vờ đánh lừa về sự tự đủ của chúng ta – điều này chẳng làm cho ai lớn lao – nhưng trong sức mạnh đặt tất cả hy vọng của chúng ta nơi Chúa Cha, giống như những trẻ nhỏ làm, chúng làm điều này.
Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria một ơn to lớn, đó là ơn bé nhỏ: trở nên những người con tin tưởng vào Chúa Cha, chắc chắn rằng Ngài sẽ không quên chăm sóc chúng ta.
——————
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO CÁC THÀNH VIÊN CỦA ĐOÀN NGOẠI GIAO TẠI TÒA THÁNH NHÂN DỊP CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2025 : NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA MỘT NỀN NGOẠI GIAO HY VỌNG
- Ở THÁI LAN, CUỘC CHIẾN HÀNG NGÀY CỦA MỘT LINH MỤC CHỐNG LẠI NẠN LAO ĐỘNG TRẺ EM