KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN B: CẦU NGUYỆN BẰNG TRÁI TIM
“Khi cầu nguyện, rất nhiều người trong chúng ta không tin rằng Chúa có thể làm phép lạ”, Đức Phanxicô lưu ý các Kitô hữu như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 24/10/2021, và đồng thời mời gọi hãy có can đảm cầu nguyện với đức tin mạnh mẽ như anh mù Batimê trong Tin Mừng, một lời cầu xin dám bóc trần con người của mình trước mặt Chúa, dám cầu xin mọi sự với Đấng có thể ban mọi sự.
“Chúng ta phải xin mọi sự từ Chúa Giêsu, Đấng có thể làm mọi sự. Đừng quên điều này”, Đức Thánh Cha nhắc nhở. Vì những lời cầu nguyện “thiếu máu, hời hợt, hình thức, không có cảm xúc và tâm hồn” sẽ “không giúp ích gì”.
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay kể về Chúa Giêsu, khi rời Giêricô, Ngài đã phục hồi thị giác cho anh Batimê, một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường (x. Mc 10, 46-52). Đó là một cuộc gặp gỡ quan trọng, cuộc gặp gỡ cuối cùng trước khi Chúa vào thành Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Batimê đã mất thị giác, nhưng không mất giọng nói! Vì, khi nghe biết Chúa Giêsu sắp đi qua, anh bắt đầu kêu lên: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (c.47). Và anh hét lên và hét lên. Các môn đệ và đám đông, khó chịu vì tiếng la hét của anh, đã quở trách anh để làm cho anh im lặng. Nhưng anh thậm chí la hét to hơn: “Lạy Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” (c.48). Chúa Giêsu nghe thấy, và lập tức dừng lại. Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và không hề bị quấy rầy bởi giọng nói của anh Batimê; đúng hơn, Ngài nhận thấy nó tràn đầy đức tin, một đức tin không sợ van nài, gõ cửa lòng của Thiên Chúa, dù không được hiểu và bị trách móc. Và căn nguyên của phép lạ nằm ở đây. Quả thật, Chúa Giêsu nói với anh: “Đức tin của anh đã cứu anh” (c.52).
Đức tin của anh Batimê rõ ràng là từ lời cầu nguyện của anh. Đó không phải là một lời cầu nguyện rụt rè và thông thường. Trước hết, anh gọi Chúa là “Con vua Đavít”: nghĩa là, anh thừa nhận Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, vị Vua sẽ đến trong thế gian. Rồi anh gọi tên của Ngài, một cách tự tin; “Giêsu”. Anh không sợ Ngài, anh không giữ khoảng cách. Và như thế, từ trái tim, anh kêu lên toàn bộ kịch tính của mình với Thiên Chúa là bạn của anh: “Xin thương xót tôi!” Chỉ lời cầu nguyện đó: “Xin thương xót tôi!” Anh không xin một số tiền lẻ như anh làm với những người qua đường. Không. Anh xin mọi sự từ Đấng có thể làm mọi sự. “Xin thương xót tôi, xin thương xót tất cả những gì tôi là”. Anh không xin một ân huệ, nhưng tự trình diện: anh xin thương xót đến con người của anh, cuộc sống của anh. Đó không phải là một thỉnh cầu nhỏ, nhưng nó rất đẹp bởi vì đó là một tiếng kêu cầu lòng thương xót, nghĩa là, lòng trắc ẩn, lòng thương xót của Thiên Chúa, sự dịu dàng của Ngài.
Batimê không dùng nhiều lời. Anh nói điều thiết yếu và tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa, vốn có thể làm cho cuộc sống của anh tươi mới trở lại bằng cách làm điều mà con người không thể làm được. Đây là lý do tại sao anh không xin Chúa bố thí, nhưng làm cho mọi sự được nhìn thấy – sự mù lòa và nỗi đau khổ của anh vốn vượt xa hơn nhiều việc không thể nhìn thấy. Sự mù lòa của anh là phần nổi của tảng băng; nhưng chắc hẳn trong lòng anh đã có những vết thương, những tủi nhục, những ước mơ tan vỡ, những sai lầm, những hối hận. Anh đã cầu nguyện bằng trái tim của mình. Còn chúng ta thì sao? Khi cầu xin ân sủng của Chúa, trong lời cầu nguyện của mình, chúng ta có bao gồm lịch sử của chính mình, những vết thương của mình, những tủi nhục của mình, những ước mơ tan vỡ của mình, những sai lầm và hối hận của mình không?
“Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi!” Chúng ta cũng hãy đọc lời cầu này hôm nay. Và chúng ta hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi như thế nào?” Tất cả chúng ta, chúng ta hãy tự hỏi: “Lời cầu nguyện của tôi như thế nào?” Nó có can đảm không, nó có chứa đựng sự van nài tốt lành của anh Batimê không, nó có biết cách “nắm lấy” Chúa khi Ngài đi qua không, hay đúng hơn nó thỉnh thoảng hài lòng với việc chào hỏi trang trọng, khi tôi nhớ đến? Những lời cầu nguyện hờ hững đó chẳng giúp ích được gì. Hơn nữa, lời cầu nguyện của tôi có “tính thực thể” không, nó có bóc trần tâm hồn tôi trước mặt Chúa không? Tôi có đem đến cho Ngài câu chuyện và kinh nghiệm cuộc đời tôi không? Hay là phải chăng nó thiếu máu, hời hợt, hình thức, không có cảm xúc và tâm hồn? Khi đức tin sinh động, lời cầu nguyện sẽ thành tâm: nó không cầu xin tiền thừa, nó không bị giảm thiểu thành những nhu cầu nhất thời. Chúng ta phải xin mọi sự từ Chúa Giêsu, Đấng có thể làm mọi sự. Đừng quên điều này. Chúng ta phải xin mọi sự từ Chúa Giêsu, bằng sự van nài của tôi trước mặt Ngài. Ngài không thể chờ đợi để tuổn đổ ân sủng và niềm vui của Ngài vào lòng chúng ta; nhưng thật không may, chính chúng ta mới là người giữ khoảng cách, qua sự rụt rè, lười biếng hay thiếu lòng tin.
Khi cầu nguyện, rất nhiều người trong chúng ta không tin rằng Chúa có thể làm phép lạ. Tôi nhớ lại câu chuyện – mà tôi đã thấy – về người cha được các bác sĩ nói rằng đứa con gái chín tuổi của ông sẽ không qua khỏi đêm nay; cô bé ở đang ở bệnh viện. Và ông bắt xe buýt và đi bảy mươi cây số đến Đền Đức Mẹ. Cổng Đền đã đóng lại và, ông bám vào cổng, trải qua suốt đêm cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cứu nó! Lạy Chúa, xin cho nó được sống!” Ông cầu nguyện với Đức Mẹ, suốt đêm, kêu lên với Thiên Chúa, kêu lên từ tâm hồn mình. Rồi, đến sáng, khi trở lại bệnh viện, ông thấy vợ ông đang khóc. Và ông nghĩ: “Nó đã chết”. Và vợ ông nói: “Không ai hiểu được, không ai hiểu được, các bác sĩ nói đó là điều lạ lùng, nó dường như đã lành bệnh”. Tiếng kêu của người đàn ông đã xin mọi sự đó đã được Chúa lắng nghe, Ngài đã ban cho ông mọi sự. Đây không phải là một câu chuyện: chính tôi đã chứng kiến điều này, ở giáo phận kia. Chúng ta có sự can đảm này trong lời cầu nguyện không? Đối với Đấng có thể ban cho chúng ta mọi sự, chúng ta hãy xin mọi sự, như anh Batimê, anh đã là một người thầy tuyệt vời, một bậc thầy tuyệt vời về cầu nguyện. Ước gì anh Batimê, với đức tin chân chính và kiên định của mình, trở nên mẫu gương cho chúng ta. Và xin Đức Mẹ, người Trinh Nữ cầu nguyện, dạy cho chúng ta hết lòng hướng về Thiên Chúa, tin tưởng rằng Ngài chăm chú lắng nghe mọi lời cầu nguyện.
————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ