KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN B: LỜI CHÚA KHÔNG THỂ ĐƯỢC ĐÓN NHẬN NHƯ BẤT CỨ LOẠI TIN TỨC NÀO

Written by xbvn on Tháng Mười Một 1st, 2021. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Phụng vụ, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

“Lời Chúa không thể được đón nhận như bất cứ loại tin tức nào. Lời Chúa phải được lặp lại, phải trở nên của riêng mình, được giữ gìn…Lời Chúa phải được “nhai lại” (nghiền nghẫm)…” Đức Phanxicô nhắc nhở như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 31/10/2021.

Bởi vì “khi chúng ta làm điều này, Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha, sẽ đi vào tâm hồn chúng ta, Ngài trở nên thân mật với chúng ta và chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái trong Ngài.”

Đức Thánh Cha mời gọi các Kitô hữu hãy trở nên “một “bản dịch” sống động, khác biệt và độc đáo của một Ngôi Lời tình yêu duy nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Phụng vụ hôm nay, Tin Mừng cho thấy một Kinh sư đến gần Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Trong mọi giới răn, giới răn nào đứng hàng đầu?” (Mc 12, 28). Chúa Giêsu trả lời bằng cách trích dẫn Thánh Kinh và xác nhận rằng giới răn đứng đầu là yêu mến Thiên Chúa; rồi từ giới răn này dẫn đến giới răn thứ hai, như một hệ quả tự nhiên: yêu người thân cận như chính mình (x. cc. 29-31). Nghe câu trả lời này, vị Kinh sư không chỉ nhận thấy rằng ông ấy đúng, nhưng khi làm vậy, khi nhận thấy rằng ông ấy đúng, ông lặp lại chính những lời Chúa Giêsu đã nói: “Thưa Thầy, Thầy đúng lắm; Thầy nói rất đúng rằng…yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như  chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ” (cc. 32-33).

Nhưng, chúng ta có thể tự hỏi, khi tỏ ra sự đồng thuận của mình, tại sao vị Kinh sư đó cảm thấy nhu cầu lặp lại chính những lời của Chúa Giêsu? Sự lặp lại này dường như càng gây ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nghĩ rằng đây là Tin Mừng theo thánh Marcô, vốn có một văn phong rất súc tích. Vì thế, sự lặp lại này có thể có ý nghĩa gì? Sự lặp lại này là một giáo huấn cho tất cả chúng ta, những người đang lắng nghe. Vì Lời Chúa không thể được đón nhận như bất cứ loại tin tức nào. Lời Chúa phải được lặp lại, được trở thành của riêng một người, được giữ gìn. Truyền thống đan tu, của các đan sĩ, sử dụng một từ ngữ táo bạo nhưng rất cụ thể. Từ đó như thế này: Lời Chúa phải được “nhai lại” (nghĩa bóng: nghiền ngẫm, ctcnd). “Nhai lại” Lời Chúa. Chúng ta có thể nói rằng Lời Chúa bổ dưỡng đến nỗi Lời Chúa phải được nhai lại trong mọi khía cạnh của cuộc sống: như Chúa Giêsu nói hôm nay, bao gồm toàn bộ tâm hồn, toàn bộ linh hồn, toàn bộ tâm trí, toàn bộ sức lực của chúng ta (x. c. 30). Lời Chúa phải vang lên, vang vọng và vang vọng lại trong chúng ta. Khi có sự vang vọng nội tâm lặp đi lặp lại này, thì nó có nghĩa rằng Chúa cư ngụ trong tâm hồn. Và Ngài nói với chúng ta, như khi Ngài đã nói với vị Kinh sư xuất sắc đó trong Tin Mừng: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu” (c. 34).

Anh chị em thân mến, Chúa không tìm kiếm những nhà chú giải Thánh Kinh tài ba, vì Ngài tìm kiếm những tâm hồn ngoan ngoãn, biết đón nhận Lời của Ngài, để cho mình được biến đổi bên trong. Đây là lý do tại sao thật quan trọng phải làm quen với Tin Mừng, luôn có một cuốn Tin Mừng trong tay – thậm chí là một cuốn Tin Mừng cỡ nhỏ trong túi của chúng ta, trong ví của chúng ta để đọc đi đọc lại, để say mê Tin Mừng. Khi chúng ta làm điều này, Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha, sẽ đi vào tâm hồn chúng ta, Ngài trở nên thân mật với chúng ta và chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái trong Ngài. Chẳng hạn, chúng ta hãy lấy bài Tin Mừng hôm nay: đọc đoạn Tin Mừng này và hiểu rằng chúng ta cần yêu mến Thiên Chúa và người thân cận của chúng ta mà thôi thì chưa đủ. Điều cần thiết là giới răn này, vốn là “giới răn lớn”, vang vọng trong chúng ta, nó cần được đồng hóa, nó phải trở thành tiếng nói của lương tâm chúng ta. Bằng cách này, nó không còn là một từ ngữ chết, trong ngăn kéo của tâm hồn, bởi vì Chúa Thánh Thần làm cho hạt giống của Lời đó nảy mầm trong chúng ta. Và Lời Chúa hoạt động, Lời Chúa luôn chuyển động, Lời Chúa sống động và hữu hiệu (x. Dt 4, 12). Vì thế, mỗi người chúng ta có thể trở thành một “bản dịch” sống động, khác biệt và độc đáo, không phải là sự lặp lại nhưng là một “bản dịch” sống động, khác biệt và độc đáo của một Ngôi Lời tình yêu duy nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chẳng hạn, đây là những gì chúng ta nhận thấy nơi đời sống của các Thánh. Không ai giống ai, tất cả các ngài đều khác nhau, nhưng với cùng một Ngôi Lời Thiên Chúa.

Vì thế, hôm nay, chúng ta hãy lấy mẫu gương của vị Kinh sư này. Chúng ta hãy lặp lại những lời của Chúa Giêsu, làm cho lời này vang vọng trong chúng ta: “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực của chúng ta và yêu người thân cận như chính mình”. Và chúng ta hãy tự hỏi: giới răn này có thực sự định hướng cuộc sống của tôi không? Giới răn này có vang vọng trong đời sống thường ngày của tôi không? Sẽ thật tốt, tối nay, trước khi đi ngủ, khi kiểm điểm lương tâm về Lời này, để xem liệu chúng ta đã yêu mến Chúa hôm nay và chúng ta đã làm một ít điều tốt lành cho những người mà chúng ta đã tình cơ gặp gỡ. Ước gì mọi cuộc gặp gỡ đều mang lại một chút tốt đẹp, một chút yêu thương đến từ Lời này. Xin Đức Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, dạy cho chúng ta biết đón nhận lời sống động của Tin Mừng trong tâm hồn của chúng ta.

—————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Sau bài suy niệm này, Đức Thánh Cha nêu lên một số ý cầu nguyện, trong đó có tâm tình dành cho nước Việt Nam như sau:

Anh chị em thân mến,

Tại nhiều vùng khác nhau của Việt Nam, những trận mưa lớn, kéo dài trong những tuần qua đã gây ra lũ lụt rộng lớn, với hàng ngàn người phải sơ tán. Lời cầu nguyện và tư tưởng của tôi hướng đến nhiều gia đình đang đau khổ, cùng với lời động viên của tôi đến tất cả các nhà lãnh đạo của đất nước và của Giáo hội địa phương, đang làm việc để ứng phó với tình trạng khẩn cấp.”

Xem video từ phút 14:35.

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31