KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM C: NGƯỜI KITÔ HỮU PHẢI CÓ CÁI NHÌN CỦA CHÚA KITÔ
“Người Kitô hữu chúng ta phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng ôm lấy từ bên dưới, Đấng tìm kiếm những ai đã hư mất, với lòng trắc ẩn. Đây là, và phải là, cái nhìn của Giáo hội, luôn luôn, cái nhìn của Chúa Kitô, không phải là cái nhìn kết án”. Đức Phanxicô mời gọi các Kitô hữu như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 30/10/2022, và đồng thời mời gọi chúng ta xét mình: “chúng ta nhìn bản thân mình thế nào? Chúng ta có cảm thấy bất xứng, và cam chịu không, hay chính ở đó, khi chúng ta cảm thấy thất vọng, chúng ta có tìm cách gặp Chúa Giêsu không? Và rồi: chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã sai lầm, và đang chiến đấu để lại đứng dậy từ bùn đất của lỗi lầm của họ? Đó có phải là một cái nhìn từ trên cao, phán xét, khinh thường, loại trừ?”
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, trong Phụng vụ, bài Tin Mừng tường thuật cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, là người đứng đầu những người thu thuế ở thành Giêricô (Lc 19, 1-10). Ở trung tâm của bài tường thuật này có động từ tìm kiếm. Hãy chú ý: tìm kiếm. Ông Dakêu “đang tìm cách xem cho biết Chúa Giêsu là ai” (c.3), và Chúa Giêsu, sau khi gặp ông, đã nói: “Con người đã đến để tìm kiếm và cứu những gì đã hư mất” (c. 10). Chúng ta hãy tập trung một chút vào hai cái nhìn tìm kiếm này: cái nhìn của ông Dakêu đang tìm kiếm Chúa Giêsu, và cái nhìn của Chúa Giêsu đang tìm kiếm ông Dakêu.
Cái nhìn của ông Dakêu. Ông là một người thu thuế, nghĩa là, một trong những người Do Thái đã thu thuế thay mặt cho những kẻ cai trị Rôma, một kẻ phản bội quê hương, và lợi dụng địa vị của mình. Vì thế, ông Dakêu đã giàu có, bị ghét – bị ghét! – bởi tất cả mọi người và bị gọi là một kẻ tội lỗi. Bản văn nói “ông ta lùn” (c.3), và điều này có lẽ cũng áp chỉ đến sự hèn hạ bên trong của ông, đến cuộc sống xoàng xĩnh, không trung thực của ông, với cái ánh mắt luôn nhìn xuống dưới của ông. Nhưng điều quan trọng là ông nhỏ bé. Thế nhưng, ông Dakêu muốn gặp Chúa Giêsu. Có điều gì đó thúc đẩy ông đến gặp Ngài. Bài Tin Mừng nói, “Ông đã chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Chúa Giêsu, vì Ngài sắp đi qua đó” (c.4). Ông đã leo lên một cây sung: ông Dakêu, người thống trị mọi người, đã tự biến mình thành trò cười và đi theo con đường bị chế nhạo – để xem Chúa Giêsu. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về điều gì sẽ xảy ra nếu, chẳng hạn, một bộ trưởng kinh tế leo lên cây để nhìn xem điều gì đó: ông sẽ có nguy cơ bị chế giễu. Và Dakêu đã liều mình bị chế giễu để nhìn xem Chúa Giêsu, ông đã tự làm cho mình trông thật lố bịch. Ông Dakêu, bất chấp sự thấp hèn của mình, đã cảm thấy nhu cầu tìm kiếm một cách nhìn khác, cách nhìn của Chúa Kitô. Ông vẫn chưa biết Ngài, nhưng ông chờ đợi một người sẽ giải thoát ông khỏi thân phận của ông – thấp hèn về mặt đạo đức – để mang ông ra khỏi vũng lầy mà ông thấy mình trong đó. Đây là điều căn bản: ông Dakêu dạy chúng ta rằng, trong cuộc sống, tất cả không bao giờ mất đi. Vâng, tất cả không bao giờ mất đi, không bao giờ. Chúng ta luôn có thể tìm thấy không gian cho ước muốn bắt đầu lại, khởi sự lại, thay đổi. Hãy thay đổi lại, bắt đầu lại, khởi sự lại. Và đây là điều mà ông Dakêu đã làm.
Về phương diện này, khía cạnh thứ hai có tính quyết định: cái nhìn của Chúa Giêsu. Ngài được Chúa Cha sai đến để tìm kiếm những người đã hư mất; và khi Ngài đến Giêricô, Ngài đi qua chính cái cây mà ông Dakêu đang ở. Bài Tin Mừng tường thuật rằng “Chúa Giêsu nhìn lên và nói với ông, “này ông Dakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”” (c.5). Đó là một hình ảnh thực sự đẹp, bởi vì nếu Chúa Giêsu đã phải nhìn lên, thì nó có nghĩa rằng Ngài đang nhìn ông Dakêu từ bên dưới. Đây là lịch sử cứu độ: Thiên Chúa không bao giờ ra vẻ kẻ cả đối với chúng ta – không; hạ nhục chúng ta – không; – phán xét chúng ta – không; trái lại, Ngài đã hạ mình đến độ rửa chân cho chúng ta, nhìn chúng ta từ bên dưới và phục hồi phẩm giá cho chúng ta. Bằng cách này, cuộc gặp gỡ bằng ánh mắt giữa ông Dakêu và Chúa Giêsu dường như gói gọn toàn bộ lịch sử cứu độ: nhân loại, với những khố khổ của mình, tìm kiếm ơn cứu độ, nhưng trước hết, Thiên Chúa, với lòng thương xót, tìm kiếm thụ tạo để cứu nó.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhớ điều này: cái nhìn của Thiên Chúa không bao giờ dừng lại ở quá khứ đầy những lỗi lầm của chúng ta, nhưng nhìn với niềm tin tưởng vô hạn vào những gì chúng ta có thể trở thành. Và nếu đôi khi chúng ta cảm thấy mình là những người “lùn”, không thể đối phó với những thách thức của cuộc sống và xa kém với Tin Mừng, sa lầy vào những vấn đề và tội lỗi, thì Chúa Giêsu vẫn luôn nhìn chúng ta bằng tình yêu thương, Ngài nhìn chúng ta: như với ông Dakêu, Ngài đến với chúng ta, Ngài gọi tên chúng ta và, nếu chúng ta chào đón Ngài, thì Ngài đến nhà chúng ta. Như thế, chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta nhìn bản thân mình thế nào? Chúng ta có cảm thấy bất xứng, và cam chịu không, hay chính ở đó, khi chúng ta cảm thấy thất vọng, chúng ta có tìm cách gặp Chúa Giêsu không? Và rồi: chúng ta có cái nhìn nào đối với những người đã sai lầm, và đang chiến đấu để lại đứng dậy từ bùn đất của lỗi lầm của họ? Đó có phải là một cái nhìn từ trên cao, phán xét, khinh thường, loại trừ? Hãy nhớ rằng việc nhìn xuống đến ai đó chỉ để giúp họ lại đứng dậy là điều chính đáng: không gì hơn nữa. Chỉ khi đó cái nhìn xuống từ trên cao là chính đáng. Nhưng người Kitô hữu chúng ta phải có cái nhìn của Chúa Kitô, Đấng ôm lấy từ bên dưới, Đấng tìm kiếm những ai đã hư mất, với lòng trắc ẩn. Đây là, và phải là, cái nhìn của Giáo hội, luôn luôn, cái nhìn của Chúa Kitô, không phải là cái nhìn kết án.
Chúng ta hãy cầu xin Đức Maria, Đấng mà Chúa đã đoái thương nhìn tới phận hèn mọn, và xin Mẹ ban cho chúng ta cái nhìn mới về bản thân chúng ta và về những người khác.
——————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS