KINH TRUYỀN TIN LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 1/11/2021: CÁC MỐI PHÚC LÀ LỜI NGÔN SỨ VỀ MỘT NHÂN LOẠI MỚI
“Các Mối Phúc là lời ngôn sứ về một nhân loại mới, một lối sống mới: biến mình nên nhỏ bé và phó thác bản thân cho Thiên Chúa, thay vì chiếm ưu thế hơn người khác; hiền lành, thay vì tìm cách áp đặt bản thân; thực thi lòng thương xót, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân; dấn thân cho công lý và hòa bình, thay vì thúc đẩy bất công và bất bình đẳng, dù là bằng sự đồng lõa.” Đức Phanxicô khẳng định như thế trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm thứ Hai 1/11/2021, lễ Các Thánh Nam Nữ.
Đối với ngài, các Mối Phúc “chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, trắc ẩn, hiền lành, công lý và hòa bình. Nên thánh là đi trên con đường này”, được đặc biệt thể hiện qua hai khía cạnh: niềm vui và ngôn sứ.
Và “niềm vui của người Kitô hữu không phải là một cảm xúc thoáng qua hay chỉ là một sự lạc quan đơn thuần nhân loại, nhưng là sự chắc chắn có thể đối mặt với mỗi hoàn cảnh dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, với lòng can đảm và sức mạnh đến từ Ngài”.
“Chúa Giêsu đảo ngược những tiêu chí” của thế giới về hạnh phúc “và đưa ra một lời rao giảng có tính ngôn sứ …, sự viên mãn đích thực của cuộc sống được thành tựu bằng việc bước theo Chúa Giêsu, bằng cách đem Lời Ngài ra thực hành.”
Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thấn mến, chào anh chị em!
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Các Thánh Nam Nữ, và trong Phụng vụ, thông điệp “chương trình” của Chúa Giêsu vang lên: đó là các Mối Phúc (x. Mt 5, 1-12a). Chúng chỉ cho chúng ta con đường dẫn đến Nước Thiên Chúa và hạnh phúc: con đường khiêm nhường, trắc ẩn, hiền lành, công lý và hòa bình. Nên thánh là đi trên con đường này. Giờ đây, chúng ta tập trung vào hai khía cạnh của lối sống này. Hai khía cạnh phù hợp với lối sống thánh thiện này: niềm vui và ngôn sứ.
Niềm vui. Chúa Giêsu bắt đầu bằng từ “Phúc” (Mt 5, 3). Đó là lời loan báo chính yếu về một hạnh phúc chưa từng thấy. Hạnh phúc, sự thánh thiện, không phải là một kế hoạch sống chỉ được tạo nên từ nỗ lực và sự từ bỏ, nhưng trên hết là sự khám phá đầy vui tươi được trở nên con cái được yêu thương của Thiên Chúa. Và điều này khiến anh chị em ngập tràn niềm vui. Nó không phải là một thành tựu của con người, nó là một món quà mà chúng ta nhận được: chúng ta nên thánh bởi vì Thiên Chúa, Đấng Thánh duy nhất, đến cư ngụ trong cuộc sống chúng ta. Chính Ngài ban cho chúng ta sự thánh thiện. Chúng ta thật có phúc vì điều này! Thế nên, niềm vui của người Kitô hữu không phải là một cảm xúc thoáng qua hay chỉ là một sự lạc quan đơn thuần nhân loại, nhưng là sự chắc chắn có thể đối mặt với mỗi hoàn cảnh dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa, với lòng can đảm và sức mạnh đến từ Ngài. Các thánh, ngay cả đang ở giữa nhiều gian nan thử thách, đã cảm nghiệm niềm vui này và đã làm chứng cho niềm vui ấy. Không có niềm vui, đức tin sẽ trở thành một bài tập nghiêm khắc và áp bức, và có nguy cơ đổ bệnh vì buồn phiền. Chúng ta hãy xem xét từ này: đổ bệnh vì buồn phiền. Một Giáo phụ sa mạc đã nói rằng buồn phiền là “một con sâu đào bới tâm hồn”, ăn mòn sự sống (x. EVAGRIUS PONTICUS, The Eight Spirits of Evil, XI). Chúng ta hãy tự hỏi điều này: chúng ta là những Kitô hữu vui tươi không? Tôi là một Kitô hữu vui tươi hay không? Chúng ta lan tỏa niềm vui hay chúng ta là những người buồn tẻ, buồn phiền, với một bộ mặt đưa đám? Hãy nhớ rằng không có sự thánh thiện nào mà không có niềm vui!
Khía cạnh thứ hai: ngôn sứ. Các Mối Phúc được gởi đến những người nghèo, những người đau khổ, những người đói khát công lý. Đó là một thông điệp trái với ước muốn. Quả thế, thế giới nói rằng để có hạnh phúc, bạn phải giàu có, quyền lực, luôn trẻ trung và mạnh mẽ, và tận hưởng danh tiếng và thành công. Chúa Giêsu đảo ngược những tiêu chí này và đưa ra một lời rao giảng có tính ngôn sứ – và đây là chiều kích ngôn sứ của sự thánh thiện – sự viên mãn đích thực của cuộc sống được thành tựu bằng việc bước theo Chúa Giêsu, bằng cách đem Lời Ngài ra thực hành. Và điều này có nghĩa là một sự nghèo khó khác, tức là, nghèo khó bên trong, làm rỗng chính mình để nhường chỗ cho Thiên Chúa. Những người tin rằng giàu có, thành công và an toàn dựa mọi thứ vào bản thân và khép kín với Thiên Chúa và anh chị em mình, trong khi những người biết rằng họ nghèo khổ và biết mình không đủ vẫn mở lòng ra cho Thiên Chúa và người thân cận. Và họ tìm được niềm vui. Thế nên, các Mối Phúc là lời ngôn sứ về một nhân loại mới, một lối sống mới: biến mình nên nhỏ bé và phó thác bản thân cho Thiên Chúa, thay vì chiếm ưu thế hơn người khác; hiền lành, thay vì tìm cách áp đặt bản thân; thực thi lòng thương xót, thay vì chỉ nghĩ đến bản thân; dấn thân cho công lý và hòa bình, thay vì thúc đẩy bất công và bất bình đẳng, dù là bằng sự đồng lõa. Sự thánh thiện đang chấp nhận và đưa vào thực hành, với sự trợ giúp của Thiên Chúa, lời ngôn sứ này vốn cách mạng hóa thế giới. Vì thế, chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có làm chứng cho lời ngôn sứ của Chúa Giêsu không? Tôi có diễn tả tinh thần ngôn sứ mà tôi đã nhận được qua bí tích Rửa tội không? Hay tôi chạy theo những tiện nghi của cuộc sống và sự lười biếng của tôi, cho rằng mọi sự đều tốt đẹp với tôi? Tôi có mang lại cho thế giới sự mới mẻ đầy vui tươi của lời ngôn sứ của Chúa Giêsu không hay những lời than phiền thường thấy về những gì sai trái không? Những câu hỏi tốt cho chúng ta tự vấn.
Xin Đức Thánh Trinh Nữ ban cho chúng ta điều gì đó nơi tâm hồn của Mẹ, tâm hồn diễm phúc đã vui mừng ca tụng Chúa, Đấng “hạ bệ kẻ quyền thế khỏi ngai vàng, và nâng cao mọi kẻ thấp hèn” (x. Lc 1, 52).
———————————–
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: vatican.va)
Tags: Angelus, các thánh-nhân vật, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CHA TRYPHON BONGA, TÂN BỀ TRÊN GIÁM TỈNH CỦA CÁC LINH MỤC XUÂN BÍCH TỈNH PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ BỊ CƠN ĐAU HÔ HẤP VÀO BUỔI SÁNG
- ĐHY PAROLIN LẤY LÀM TIẾC TRƯỚC “SỰ SUY ĐOÁN VÔ ÍCH” VỀ VIỆC TỪ CHỨC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
- GIÁO THUYẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ PHẢI LÀ BẤT BIẾN KHÔNG?
- ĐỨC PHANXICÔ ĐÁP ỨNG ĐIỀU TRỊ, NHƯNG VẪN CÒN NGUY HIỂM
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỠ HƠN
- BỆNH VIÊM PHỔI HAI BÊN, CĂN BỆNH MÀ ĐỨC PHANXICÔ MẮC PHẢI LÀ GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ VẪN VUI VẺ BẤT CHẤP BỊ VIÊM PHỔI CẢ HAI BÊN
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
- KHỔ HÌNH KHỦNG KHIẾP CỦA THÁNH NỮ APOLLINA
- ĐHY PAROLIN PHẢN ĐỐI VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI PALESTINE KHỎI GAZA
- THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
- THÁNH KINH: LOẠT VIDEO CHỐNG LẠI NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH SAI LẠC
- 350 GIÁO SĨ DO THÁI LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI VIỆC “THANH LỌC SẮC TỘC” Ở GAZA
- ĐỨC PHANXICÔ NHẬP VIỆN Ở RÔMA VÌ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN
- TẠI SAO GIÁO HỘI CAN THIỆP VÀO VẤN ĐỀ XÃ HỘI?
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ