KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM A : CÔNG LÝ CỦA THIÊN CHÚA LÀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỨU ĐỘ

Written by xbvn on Tháng Một 8th, 2023. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, 8/1/2023, Đức Phanxicô cảnh giác chúng ta thường “có một ý tưởng hạn chế về công lý” và đồng thời mời gọi  thực thi công lý theo cách của Chúa Giêsu với lòng thương xót và chia sẻ những vết thương và sự yếu đuối của người khác, chứ không phải xét đoán và kết án hay chia rẽ người ta thành tốt và xấu.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha :

Anh chị em thân mến, chào anh chị em !

Hôm nay, chúng ta cử hành Lễ Chúa chịu phép rửa, và bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta một cảnh tưởng kinh ngạc : lần đầu tiên Chúa Giêsu xuất hiện trước công chúng sau khi sinh ra ẩn dật tại Nadarét ; Ngài đến bờ sông Giođan để được Gioan làm phép rửa (Mt 3, 13-17). Đó là một nghi thức qua đó mọi người ăn ăn và cam kết hoán cải ; một bài thánh thi phụng vụ nói rằng dân chúng đến chịu phép rửa « tâm hồn trần trụi và chân trần » – một tâm hồn cởi mở, trần trụi, không che đậy bất cứ điều gì – nghĩa là, với lòng khiêm nhường và một trái tim trong sáng. Nhưng, khi thấy Chúa Giêsu hòa mình với những người tội lỗi, chúng ta ngạc nhiên và tự hỏi : tại sao Chúa Giêsu đã chọn lựa như vậy ? Ngài, Đấng Thánh của Thiên Chúa, người Con vô tội của Thiên Chúa, tại sao Ngài đã chọn làm như vậy ? Chúng ta tìm thấy câu trả lời qua lời của Chúa Giêsu nói với Gioan : « Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính » (c. 15). Giữ trọn đức công chính : nghĩa là gì ?

Bằng cách chịu phép rửa, Chúa Giêsu mặc khải công lý của Thiên Chúa, công lý mà Ngài đã đến để mang lại cho thế giới. Rất thường chúng ta có một ý tưởng hạn chế về công lý, và nghĩ rằng nó có nghĩa là : những ai làm sai phải trả giá, và bằng cách này đền bù cho điều sai trái mà họ đã làm. Nhưng công lý của Thiên Chúa, như Thánh Kinh dạy, còn lớn hơn nhiều : mục đích của nó không phải là kết án kẻ có tội, nhưng là cứu rỗi và tái sinh họ, làm cho họ trở nên công chính : từ bất công thành công chính. Đó là một công lý phát xuất từ tình yêu, từ lòng trắc ẩn và thương xót sâu xa của chính trái tim của Thiên Chúa, là Cha, Đấng cảm động khi chúng ta bị sự dữ áp bức và gục ngã dưới sức nặng của tội lỗi và sự mong manh. Như thế, sự công chính của Thiên Chúa không nhằm đưa ra các hình phạt và trừng phạt nhưng đúng hơn, như thánh Phaolô Tông đồ khẳng định, nó hệ tại làm cho chúng ta, con cái của Ngài, trở nên công chính (x. Rm 3, 22-31), giải thoát chúng ta khỏi cạm bẫy của sự dữ, chữa lành chúng ta, nâng chúng ta lên một lần nữa. Chúa luôn ở đó, không sẵn sàng trừng phạt chúng ta, nhưng dang tay giúp đỡ chúng ta chỗi dậy. Và như thế, chúng ta hiểu rằng, bên bờ sông Giođan, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta ý nghĩa của sứ mạng của Ngài : Ngài đến để thực hiện công lý của Thiên Chúa, vốn là công lý cứu rỗi tội nhân ; Ngài đến để gánh lấy tội lỗi trần gian và đi xuống dòng nước của vực thẳm, sự chết, để cứu chúng ta khỏi chết đuối. Hôm nay, Ngài cho chúng ta thấy rằng công lý thực sự của Thiên Chúa là lòng thương xót cứu độ. Chúng ta sợ nghĩ rằng Thiên Chúa là Đấng thương xót, nhưng Thiên Chúa là Đấng thương xót, bởi vì công lý của Ngài thực sự là lòng thương xót cứu độ, đó là tình yêu chia sẻ thân phận con người của chúng ta, là tình yêu trở nên gần gũi, liên đới với đau khổ của chúng ta, đi vào bóng tối của chúng ta để khôi phục ánh sáng.

 Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định rằng « Thiên Chúa ao ước cứu độ chúng ta bằng cách tự mình đi xuống tận đáy vực thẳm này để mọi người, kể cả những người đã sa ngã đến độ không còn nhận ra Thiên Đàng, có thể tìm thấy bàn tay của Thiên Chúa để bấu víu và vươn lên khỏi bóng tối để nhìn thấy lại ánh sáng mà họ đã được tạo dựng cho » (Bài giảng, ngày 13 tháng Giêng năm 2008).

Thưa anh chị em, chúng ta sợ nghĩ về một công lý thương xót như thế. Chúng ta hãy tiến tới : Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Công lý của Ngài là thương xót. Chúng ta hãy để mình được Ngài nắm tay. Chúng ta cũng vậy, những môn đệ của Chúa Giêsu, đều được đòi hỏi thực thi công lý theo cách này, trong các mối quan hệ với người khác, trong Giáo hội, trong xã hội : không phải bằng sự hà khắc của những người xét đoán và lên án, chia rẽ người ta thành tốt và xấu, nhưng với lòng thương xót của những người đón nhận bằng cách chia sẻ những vết thương và sự yếu đuối của anh chị em mình, để nâng đỡ họ. Tôi xin diễn đạt như thế này : không phải chia rẽ, nhưng chia sẻ. Không phải chia rẽ, nhưng chia sẻ. Chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu đã làm : chúng ta hãy chia sẻ, chúng ta hãy mang gánh nặng cho nhau thay vì ngồi lê đôi mách và phá hoại, chúng ta hãy nhìn nhau với lòng trắc ẩn, chúng ta hãy giúp đỡ nhau. Chúng ta hãy tự hỏi : tôi là một người chia rẽ hay chia sẻ ? Hãy suy nghĩ một chút : tôi là một người môn đệ của tình yêu của Chúa Giêsu hay là môn đệ của sự ngồi lê đôi mách, chia rẽ. Ngồi lê đôi mách là một vũ khí chết người : nó giết chết, nó giết chết tình yêu, nó giết chết xã hội, nó giết chết tình huynh đệ. Chúng ta hãy tự hỏi : tôi là người chia rẽ hay chia sẻ ? Và bây giờ chúng ta hãy cầu nguyện với Đức Mẹ, Đấng ban sự sống cho Chúa Giêsu, dìm Ngài vào sự yếu đuối của chúng ta để chúng ta có thể nhận lại sự sống.

———————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31