KINH TRUYỀN TIN LỄ THÁNH TÊPHANÔ TUẪN ĐẠO: LỄ GIÁNG SINH KHÔNG PHẢI LÀ CÂU CHUYỆN CỔ TÍCH

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 27th, 2022. Posted in Giáo lý, Lm Võ Xuân Tiến, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm 26/12/2022, Đức Phanxicô đã nói với các tín hữu về thánh Têphanô, vị tuẫn đạo đầu tiên của Giáo hội, người nêu gương cho chúng ta qua “lòng bác ái đối với anh chị em chúng ta, qua sự trung thành với Lời Chúa, và sự tha thứ”. Chứng tá của ngài cho thấy rằng “Lễ Giáng Sinh không phải là câu chuyện cổ tích”.

Dưới đây là bài suy niệm của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em, chúc anh chị em ngày lễ vui vẻ!

Hôm qua, chúng ta đã cử hành Lễ Chúa Giáng Sinh và phụng vụ, để giúp chúng ta đón nhận nó tốt hơn, đã kéo dài thời gian của ngày lễ cho đến ngày 1 tháng Giêng: trong tám ngày. Tuy nhiên, thật ngạc nhiên là những ngày này cũng tưởng nhớ một số hình ảnh bi thương của các thánh tử vì đạo. Chẳng hạn, hôm nay, thánh Têphanô, vị tuẫn đạo đầu tiên của Kitô giáo; ngày mốt, lễ Các Thánh Anh Hài, các trẻ em bị vua Hêrôđê giết chết vì sợ Chúa Giêsu truất ngôi của ông (x. Mt 2, 1-18). Nói tóm lại, phụng vụ thực sự dường như muốn hướng chúng ta khỏi thế giới của ánh sáng, tiệc mừng và quà tặng mà chúng ta có thể thưởng thức phần nào trong những ngày này. Tại sao?

Bởi vì Lễ Giáng Sinh không phải là câu chuyện cổ tích về sự ra đời của một vị vua, nhưng là sự xuất hiện của Đấng Cứu Độ, Đấng giải thoát chúng ta khỏi sự dữ bằng cách gánh lấy sự dữ của chúng ta: ích kỷ, tội lỗi, sự chết. Đây là sự dữ của chúng ta: sự ích kỷ mà chúng ta mang trong mình, tội lỗi, bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân, và sự chết. Và các vị tuẫn đạo là những người giống Chúa Giêsu nhất. Quả thế, từ “tuẫn đạo” có nghĩa là “làm chứng”: cá vị tuẫn đạo là những chứng nhân, nghĩa là, những anh chị em, qua cuộc đời của họ, cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, Đấng đã chiến thắng sự dữ bằng sự thương xót. Và ngay cả vào thời đại của chúng ta, các vị tuẫn đạo là rất nhiều, nhiều hơn so với thời kỳ đầu. Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những anh chị em tuẫn đạo bị bách hại này, những người làm chứng cho Chúa Kitô. Nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta tự hỏi: tôi có làm chứng cho Chúa Kitô không? Và chúng ta có thể cải thiện điều này như thế nào? Hình ảnh của thánh Têphanô có thể thực sự giúp chúng ta.

Trước hết, sách Công vụ Tông đồ cho chúng ta biết rằng ngài là một trong bảy phó tế mà cộng đoàn Giêrusalem đã thánh hiến cho việc phục vụ bàn ăn, nghĩa là, cho việc bác ái (x. 6, 1-6). Điều này có nghĩa là chứng tá đầu tiên của ngài không được đưa ra bằng lời nói, nhưng qua tình yêu mà ngài đã phục vụ những nguời cần giúp đỡ nhất. Nhưng thánh Têphanô không giới hạn mình trong công việc trợ giúp này. Ngài đã nói về Chúa Giêsu cho những ai ngài gặp gỡ: ngài đã chia sẻ đức tin dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của các Tông đồ (x. Cv 7, 1-53, 56). Đây là chiều kích chứng tá thứ hai của ngài: đón nhận Lời Chúa và thông truyền vẻ đẹp của Lời Chúa, kể lại việc gặp gỡ Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc đời như thế nào. Điều này rất quan trọng đối với thánh Têphanô đến nỗi ngài không để mình bị đe dọa ngay cả trước những lời đe dọa của những kẻ bách hại ngài, ngay cả khi ngài thấy rằng mọi việc đang trở nên tồi tệ đối với mình (x. c. 54). Bác áirao giảng, đây là Têphanô. Tuy nhiên, chứng tá lớn lao nhất của ngài lại là một điều khác: ngài biết cách kết hợp bác ái và việc rao giảng. Ngài để lại điều đó cho chúng ta vào lúc ngài chết, khi theo gương Chúa Giêsu, ngài đã tha thứ cho những kẻ giết mình (x. c. 60; Lc 23, 34).

Vì thế, đây là câu trả lời cho câu hỏi: chúng ta có thể cải thiện chứng tá của chúng ta qua lòng bác ái đối với anh chị em chúng ta, qua sự trung thành với Lời Chúa, và sự tha thứ. Bác ái, Lời Chúa, tha thứ. Chính sự tha thứ cho biết chúng ta có thực sự thực thi bác ái đối với tha nhân hay không, và chúng ta có sống Lời Chúa hay không. Sự tha thứ [trong tiếng Ý “perdono”], thực sự như chính từ này gợi ý, là một quà tặng lớn hơn [dono], một quà tặng mà chúng ta trao cho người khác bởi vì chúng ta thuộc về Chúa Giêsu, được tha thứ bởi Người. Tôi tha thứ vì tôi đã được tha thứ: chúng ta đừng quên điều này…Chúng ta hãy suy nghĩ, mỗi người chúng ta hãy suy nghĩ về khả năng tha thứ của mình: khả năng tha thứ của tôi như thế nào, trong những ngày này có lẽ chúng ta gặp phải, trong số nhiều người, một số người mà chúng ta không hợp, những người đã làm tổn thương chúng ta, những người mà chúng ta chưa bao giờ hàn gắn mối quan hệ của mình. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu sơ sinh ban cho một trái tim mới có khả năng tha thứ: tất cả chúng ta đều cần một trái tim biết tha thứ! Chúng ta hãy xin Chúa ơn này: lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ. Chúng ta hãy cầu xin sức mạnh để cầu nguyện cho những người đã làm tổn thương chúng ta, cầu nguyện cho những người đã làm hại chúng ta, và thực hiện các bước cởi mở và hòa giải. Hôm nay, xin Chúa ban cho chúng ta ơn này.

Xin Mẹ Maria, Nữ Vương các thánh tuẫn đạo, giúp chúng ta lớn lên trong đức ái, yêu mến Lời Chúa và biết tha thứ.

———————————

Sau Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

“Trong bầu khí linh thiêng hân hoan và thanh bình của Lễ Giáng Sinh, tôi thân ái chào tất cả những ai chị em đang hiện diện nơi đây và tất cả những ai đang theo dõi chúng ta qua các phương tiện truyền thông. Tôi nhắc lại ước muốn hòa bình của tôi: hòa bình trong các gia đình, hòa bình trong giáo xứ và cộng đoàn tu trì, hòa bình nơi các phong trào và hiệp hội, hòa bình cho những dân tộc bị giày vò bởi chiến tranh, hòa bình cho đất nước Ucraina thân yêu và đang bị bao vây. Có rất nhiều lá cờ Ucraina ở đây! Chúng ta hãy cầu xin hòa bình cho dân tộc đang đau khổ này!”

——————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31