KITÔ HỮU Ở NHẬT BẢN, MỘT LỊCH SỬ ĐẦY BIẾN ĐỘNG
Một cuộc triển lãm tại Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP), cho đến ngày 13/7/2024, vạch lại toàn bộ lịch sử Công giáo ở Nhật Bản, được kể lại thông qua một bộ sưu tập phong phú về các vật dụng đạo đức, tác phẩm nghệ thuật, ảnh chụp… Người ta khám phá ở đó làm thế nào Kitô giáo tồn tại qua một thời gian dài bị bách hại.
Người Công giáo ở làng Urakami được cha Petitjean gặp gỡ
Lịch sử Kitô giáo ở Nhật Bản tương đối ít được công chúng biết đến. Tuy nhiên, về nhiều mặt, nó thật phi thường, từ sự mở rộng nhanh chóng lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc một thời gian dài bị bách hại khốc liệt. Nó bắt đầu với “thánh Phanxicô Xaviê, một trong những người sáng lập Dòng Tên, người đầu tiên đặt chân lên đảo Kyushu vào năm 1549, ở Kagoshima, phía tây nam quần đảo Nhật Bản. Ngài đến sau khi người Bồ Đào Nha đã buôn bán với Nhật Bản được sáu năm,” Sylvie Morishita (1), tiến sĩ thần học, một trong ba người phụ trách triển lãm, giải thích.
Bà nói tiếp : “Sau một năm ở Kagoshima, thánh Phanxicô Xaviê đi về phía bắc rồi đến phía đông đảo Kyushu, nơi ngài gặp đại danh Otomo Yoshishige, thống đốc một tỉnh trên đảo. Người này khuyến khích và bảo vệ các thương gia và các tu sĩ Dòng Tên.” Jacques Charles-Gaffiot, nhà sử học nghệ thuật, cũng là người phụ trách triển lãm, giải thích: “Đất nước lúc đó bị chia cắt thành các lãnh thổ đối địch. Do đó, mỗi đại danh thực tế đều độc lập.” Từ năm 1563, nhiều đại danh đã trở lại. Các nhà thờ được xây dựng.
Đức cha Hayasaka, Giám mục đầu tiên của Nhật Bản
Mở rộng nhanh chóng
Một đồ án từ cuối thế kỷ XVI cho thấy nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Kyoto. Jacques Charles-Gaffiot cho biết : “Theo chỉ dẫn của Cha Alessandro Valignano, vị khách Dòng Tên đến thăm các xứ truyền giáo ở Ấn Độ và Viễn Đông có trụ sở tại Ma Cao, các nhà truyền giáo đã tôn trọng kiến trúc Nhật Bản. Khẩu hiệu là sự thích nghi của các nhà truyền giáo với văn hóa địa phương”. Sylvie Morishita nói thêm: “Các tu sĩ Dòng Tên đã nghiên cứu rất nhiều về tiếng Nhật, ngôn ngữ mà các nhà ngôn ngữ học ngày nay vẫn sử dụng”.
Cha Alessandro Valignano cũng tổ chức đại sứ quán Nhật Bản đầu tiên ở Rôma, nơi mà vào năm 1582 ngài đã gởi đến bốn thiếu niên từ vùng Nagasaki. Họ sẽ được người Ý đón nhận một cách tuyệt vời và sẽ mang máy in trở lại Nhật Bản. Cuộc triển lãm giới thiệu bức chân dung của một trong số họ, được vẽ trong xưởng của Tintoret. Chính cha Valignano cũng là người thành lập trường nghệ thuật Nagasaki, để đáp ứng nhu cầu về các hình ảnh tôn giáo của các Kitô hữu Nhật Bản, thay cho các hình ảnh Phật giáo của họ.
Thành công của các tu sĩ Dòng Tên, nhờ những bức thư của họ được xuất bản ở châu Âu, đã thúc đẩy người Tây Ban Nha cử các thương nhân và nhà truyền giáo đến Nhật Bản, từ các chi nhánh giao dịch của họ ở Phi Luật Tân. Sylvie Morishita khẳng định: “Sự cạnh tranh, khủng khiếp, giữa các dòng tu ở Nhật Bản sẽ là một trong những lý do thất bại của việc truyền giáo”. Từ đầu thế kỷ XVII, người Hà Lan theo đạo Tin lành đến lượt họ cố gắng thay thế người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trong buôn bán với Nhật Bản. “Người châu Âu đã du nhập sự cạnh tranh kinh tế và lòng căm thù tôn giáo của họ vào Nhật Bản.”
Hai thế kỷ rưỡi bị bách hại
Năm 1587, tướng quân Toyotomi Hideyoshi tìm cách thống nhất đất nước, chống lại sức mạnh thương mại và tôn giáo ngày càng tăng của người phương Tây. Ông ban hành lệnh cấm đầu tiên đối với Kitô giáo. Các nhà truyền giáo được lệnh rời khỏi đất nước. Vào ngày 5 tháng 2 năm 1597, 26 Kitô hữu, thuộc dòng Tên và dòng Phanxicô, bị đóng đinh ở Nagasaki.
Năm 1614, Sắc lệnh Suden xác nhận và củng cố lệnh cấm, với lý do lừa bịp liên quan đến một người Công giáo. Các biển hiệu được lắp đặt ở lối vào các làng để khuyến khích người dân tố cáo người Kitô hữu. Sylvie Morishita cho biết, phần thưởng là “rất kích thích, có thể lên tới 300 đồng bạc cho việc tố cáo một linh mục, một số tiền khổng lồ đối với các nông dân”. Những người Kitô hữu buộc phải bội giáo bằng cách giẫm đạp lên những tấm bảng miêu tả Đức Trinh Nữ hoặc Chúa Kitô. Nhiều cuộc tử đạo vĩ đại đã diễn ra vào thế kỷ XVII. Jacques Charles-Gaffiot ước tính: “Chúng sẽ gây ra tổng cộng hàng chục nghìn nạn nhân, những người sẽ chết trong những nhục hình khủng khiếp”.
Kitô hữu bước ra khỏi bóng tối
Trong thời kỳ đen tối kéo dài 250 năm này, con cháu của các Kitô hữu tiếp tục truyền bá đức tin Công giáo mà không có linh mục hỗ trợ họ. Sylvie Morishita giải thích: Một số cộng đồng, vẫn còn sinh động cho đến ngày nay, đặc biệt là ở vùng Nagasaki, “sẽ giữ lại các yếu tố của Công giáo thế kỷ XVI kết hợp với các nghi lễ Thần đạo, Phật giáo hoặc đạo Saman. Nhưng họ không phải là người Công giáo và việc thực hành của họ vẫn còn giấu kín cho đến ngày nay. Bí mật là yếu tố cấu thành căn tính của họ.”
Những người khác sẽ vẫn hoàn toàn theo Công giáo và sẽ đến giới thiệu mình với các linh mục đầu tiên trở về Nhật Bản. Sylvie Morishita cho biết : “Quả thế, vào năm 1860, Pháp đã ký một hiệp ước với Nhật Bản cho phép các thừa tác viên tôn giáo có mặt tại các cảng mở cửa cho thương mại và chỉ phục vụ nhu cầu tâm linh của người phương Tây. Năm 1865, cha Bernard Petitjean, thuộc MEP, đã xây dựng lại một nhà thờ ở Nagasaki. Lúc đó, ngài nhìn thấy một nhóm phụ nữ Nhật Bản đang tiến về phía mình. Họ nói với ngài: “Trái tim của chúng con giống như trái tim của cha” và xin ngài xem tượng Đức Trinh Nữ Maria. Ngài hiểu rằng họ là hậu duệ của các Kitô hữu thế kỷ XVII.” Họ đến từ làng Urakami, dưới đáy vịnh Nagasaki.
Năm 1889, quyền tự do tôn giáo được ghi trong Hiến pháp Nhật Bản. Vào tháng 8 năm 1945, chính tại làng Urakami, quả bom nguyên tử thứ hai do người Mỹ thả xuống đã rơi xuống.
Ngày nay, Kitô hữu chiếm khoảng 1% dân số Nhật Bản. Chính qua các truyện tranh (mangas) mà họ truyền đạt cho nhau những câu chuyện về Chúa Kitô và các thánh.
Tý Linh
(theo Christel Juquois, nhật báo La Croix)
———————————————————————
Triển lãm “Từ Samurai đến truyện tranh. Sử thi Kitô giáo ở Nhật Bản”, tại Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, 128 rue du Bac, 75007 Paris. Từ ngày 15 tháng 3 đến ngày 13 tháng 7, từ thứ Ba đến thứ Bảy (10 giờ sáng đến 6 giờ chiều). Vào xem miễn phí. Missionsetrangeres.com
——————————————
(1) Tác giả của cuốn Lettres de Nagasaki (Cerf, 2024) và cuốn L’Art des missions catholiques au Japon (XVIe-XVIIe siècles) (Cerf, 2020).
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE
- ĐỨC THÁNH CHA SẼ ĐẾN CORSE ĐỂ KÊU GỌI CẦU NGUYỆN, CÔNG LÝ VÀ TRÁCH NHIỆM
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: ĐỨC THÁNH CHA BỔ NHIỆM CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG THƯỜNG LỆ, TRONG ĐÓ CÓ HAI PHỤ NỮ
- CHUYẾN TÔNG DU CỦA ĐỨC PHANXICÔ: ĐỐI VỚI ĐA SỐ NGƯỜI PHÁP, ĐỨC PHANXICÔ “ĐÚNG” KHI THÍCH CORSE HƠN NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS