KỶ NGUYÊN MỚI Ở BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN

Written by xbvn on Tháng Một 13th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Phụng vụ, Tâm linh, Thế Giới, Tín lý, Tý Linh

Việc ĐHY Víctor Manuel Fernández nhậm chức Bộ trưởng vào tháng 9 vừa qua đã mở ra một kỷ nguyên mới ở Bộ Giáo lý Đức tin. Từ tình trạng của những bà mẹ đơn thân cho đến việc lưu giữ tro cốt của những người đã khuất, rồi việc rửa tội cho người chuyển giới… và đặc biệt việc chúc lành cho những người trong hoàn cảnh bất quy tắc, những cách tiếp cận mục vụ mới xuất hiện từ nhiều văn bản được công bố bởi Bộ này. Điều đã khiến nhà báo Cyprien Viet đặt câu hỏi trong một bài viết được đăng trên trang Aleteia, ngày 17/12/2023 : Phải chăng có một cuộc cách mạng ở Bộ Giáo lý Đức tin ?

“Sự kiện là một bà mẹ đơn thân không ngăn cản việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.” Để nhắc nhở điều đó, Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố trên trang web của mình một lá thư đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, như đã trở thành thông lệ dưới sự lãnh đạo của Đức tân Tổng trưởng, Đức Hồng y Víctor Manuel Fernández. Khi được một Giám mục của Cộng hòa Dominica chất vấn, Vatican đã bảo vệ những phụ nữ “đã chọn sự sống” này, kêu gọi bao bọc họ bằng lòng trắc ẩn.

Cyprien Viet cho biết : thách đố  là rất quan trọng. Quả thế, trong một số bối cảnh, các hoàn cảnh “bất quy tắc” về mặt giáo luật có thể liên quan đến đa số hoặc thậm chí gần như tất cả những người tham gia vào đời sống của một giáo xứ. Đức Cha Jean-Paul Vesco đã nhận xét tại Thượng Hội đồng về gia đình: “Nếu tôi chỉ cho những người hoàn toàn theo quy tắc được rước lễ, thì không ai có thể được rước lễ nữa”. Khi đó là giám mục của Oran, ở Algeria, vị tu sĩ Đa Minh người Pháp này đã đồng hành với một cộng đồng Công giáo chủ yếu gồm những người di cư châu Phi với cuộc sống hỗn độn.

Do đó, theo Cyprien Viet:  dưới triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô, Bộ Giáo lý Đức tin dần dần được kêu gọi có sự cởi mở mục vụ thực dụng, nhưng định hướng này không tiến triển, Đức Giáo hoàng đã phải đối mặt với sự miễn cưỡng trong sự quản trị của mình. Sau khi gạt bỏ ĐHY Gerhard Ludwig Müller khỏi trách vụ tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin vào năm 2017, Đức Thánh Cha đã giao phó sứ mệnh này cho tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha Luis Ladaria Ferrer, một nhà thần học theo phong cách cổ điển nhưng kín đáo và trung thành hơn. Tuy nhiên, cũng theo Cyprien Viet, việc công bố vào tháng 2 năm 2021 một tài liệu nhắc lại lệnh cấm chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái đã gây ra sự khó chịu rõ ràng giữa Bộ này và Đức Thánh Cha Phanxicô, vốn không hài lòng với giọng điệu của văn bản này, tuy nhiên, ngài đã chính thức phê chuẩn. Nhưng trong một chỉ dụ được công bố hôm thứ Sáu ngày 21 tháng 10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác định rõ rằng chỉ có chữ ký cá nhân của ngài trên các tài liệu được phân ban giáo lý của Bộ này công bố mới khiến chúng có giá trị (*).

Giữa tăng tốc và thận trọng chiến thuật

Cyprien Viet nhận định : với vị Tổng trưởng mới người Argentina, Đức Giáo hoàng giờ đây đã có một đồng minh khách quan và một cộng tác viên phù hợp với quan điểm của ngài. Kể từ khi Đức Giáo hoàng tiếp quản Bộ Giáo lý Đức tin, số lượng tài liệu đã tăng lên với một tốc độ bất thường, liên quan đến các chủ đề đa dạng như rửa tội cho người chuyển giới hoặc trẻ em được sinh ra nhờ mang thai hộ, việc rước lễ của người ly dị tái hôn hoặc như các hình thái lưu giữ tro cốt của người đã khuất. Để trả lời câu hỏi của Đức Hồng y Matteo Zuppi về việc hỏa táng, Bộ Giáo lý Đức tin đã cho phép thành lập một nơi “linh thiêng, xác định và lâu dài” để thu thập tro của những người đã được rửa tội, bằng cách cho biết dữ liệu cá nhân của họ. Người ta cũng được phép lưu giữ tro cốt của người thân ở một nơi linh thiêng với sự cho phép của giáo quyền, “với điều kiện loại trừ bất kỳ hình thức hiểu lầm phiếm thần, sùng bái thiên nhiên hoặc thuyết hư vô nào.”

Đặc biệt, với tài liệu mới đây nhất được Đức Thánh Cha phê chuẩn, Bộ đã cho phép chúc lành, với điều kiện bên ngoài phụng vụ và nghi lễ, cho các cặp đang sống trong hoàn cảnh bất quy tắc, kể cả đồng giới. Một quyết định gây phản ứng mạnh mẽ nơi nhiều người, đặc biệt ở châu Phi, nhưng Bộ không thay đổi quyết định của mình, nhưng để cho các Hội đồng Giám mục áp dụng tùy theo hoàn cảnh địa phương của họ. Điều này phù hợp với ý muốn của Đức Phanxicô khi kêu gọi một nền thần học thích ứng với các bối cảnh văn hóa khác nhau.

Theo Cyprien Viet : vị Hồng y 61 tuổi người Argentina thường được cho là một người theo chủ nghĩa tự do hoặc hiện đại, nhưng ngài cũng biết cách chơi lá bài về tính liên tục và thận trọng giáo thuyết. Vào tháng 11 vừa qua, khi được một Giám mục người Phi Luật Tân hỏi về sự dụ dỗ do Hội Tam Điểm thực hiện đối với một số người Công giáo trong giáo phận của mình, Đức Hồng y Fernández đã nhắc lại một cách rõ ràng và cương quyết về lệnh cấm trở thành hội viên Tam điểm do Đức Hồng Y Ratzinger ban hành năm 1983.  Do đó, những người mong đợi một dạng chủ thuyết tương đối “nhân văn” về vấn đề này đã bị thất đoạt. Một linh mục người Pháp, quen thuộc với Vatican vào thời Đức Gioan Phaolô II và  Đức Bênêđíctô XVI, cho biết: “Về mặt chiến thuật, đó là rất thông minh… Điều đó chứng tỏ rằng Đức Hồng Y không hành động đơn phương, nhưng ngài cũng biết cách dựa vào kinh nghiệm quá khứ của Bộ này”.

Fiducia Supplicans, một bước tiến của Giáo hội

Trong một diễn biến khác, cha Arnaud Alibert, trong bài xã luận trên nhật báo La Croix ngày 12/1/2024, đã nói đến “một bước tiến của Giáo hội” trong việc cho phép chúc lành cho các đôi bạn trong hoàn cảnh bất quy tắc. Trong số những căng thẳng do “Fiducia Supplicans” gây ra, thì việc tranh cãi về cách giải thích và cách áp dụng nó là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Cha Arnaud Alibert đề nghị giữ lại những tiến bộ đã được đề xuất.

Cha tuyên bố : “Tôi muốn giữ lại hai yếu tố, vốn giống như hai viên ngọc trai bị chôn vùi trong bối cảnh căng thẳng hiện nay. Một, trừ một số ngoại lệ, các Giám mục tái khẳng định lòng trung thành của họ với Đức Giáo hoàng và hợp thức hóa cách tiếp cận của ngài. Đổi lại, nếu chúng ta có thể nói như thế này, Đức Thánh Cha không tức tối khi các ngài thực hiện các quy định đặc biệt để áp dụng bản văn, thậm chí đến mức từ chối chúc lành cho các đôi bạn. Nhưng rõ ràng là một linh mục chúc lành cho một cặp đồng tính, nhân danh Tuyên ngôn Fiducia Supplicans, sẽ không thể bị chế tài. Đó là một tiến bộ lớn. Hai, toàn bộ cuộc tranh luận xoay quanh việc phân định lẫn nhau của đôi bạn và vị mục tử về những gì người ta yêu cầu trong cuộc sống của họ để trung thành với Tin Mừng. Như thế, chúng ta chuyển từ được phép/bị cấm sang lôgic về thời điểm thuận lợi và về ân sủng. Tiến bộ lớn thứ hai”.

———————————–

(*) Điều này có thể thấy rõ qua hai văn bản của Bộ Giáo lý Đức tin dưới hai thời Tổng trưởng. Văn bản ngày 22/2/2021 của ĐHY Ladaria không có chữ ký của Đức Phanxicô, nhưng có những dòng sau được lồng vào trong văn bản: “Đức Thánh Cha Phanxicô, trong buổi tiếp kiến ​​dành cho Thư ký của Bộ này, đã được thông báo về bản Responsum ad dubium nói trên, cùng với Thông tri giải thích kèm theo, và đã đồng ý cho công bố chúng.” Còn dưới thời ĐHY Fernandez, mọi văn bản đều có dòng chữ ngắn ngọn sau với tên của Đức Phanxicô như chữ ký xác nhận. Cụ thể với Fiducia supplicans: “Ex Audientia Die 18 décembre 2023, François” (Được tiếp kiến ngày 18 tháng 12 năm 2023, Phanxicô)..

———————————————————

Tý Linh

(theo Aleteia và nhật báo La Croix)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30