KỶ NIỆM 50 NĂM THÔNG ĐIỆP PACEM IN TERRIS

Written by xbvn on Tháng Mười 4th, 2013. Posted in Học thuyết xã hội, Thế Giới, Tý Linh

Công bằng và liên đới: từ tự điển đến thực tế

Hôm 3.10.2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến các tham dự viên cuộc hội ngộ tại Vatican trong khuôn khổ kỷ niệm 50 thông điệp Pacem in Terris (Hòa bình dưới thế). Dưới đây là bài phát biểu của ngài:

Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em,

Hôm nay tôi cùng kỷ niệm lịch sử của thông điệp Pacem in terris, được Chân phước Gioan XXIII ban hành ngày 11.4.1963. Chúa Quan Phòng đã muốn cho cuộc gặp gỡ này diễn ra chỉ sau việc loan báo phong thánh ngài một chút. Tôi chào mọi người, cách riêng ĐHY Turkson, cám ơn ngài vì những lời mà ngài đã nói với tôi nhân danh anh chị em.

 Những người lớn tuổi nhất trong anh chị em đều nhớ rõ thời kỳ của thông điệp Pacem in terris. Lúc đó là đỉnh cao của những gì người ta gọi là “chiến tranh lạnh”. Vào cuối năm 1962, nhân loại đang ở bờ miệng của một cuộc xung đột nguyên tử thế giới, và Đức Giáo hoàng đã âu sầu lên tiếng kêu gọi hòa bình, bằng cách nói với tất cả những ai có trách nhiệm quyền bính; ngài đã nói: “Chúng ta hãy kiểm điểm lương tâm, đồng thời lắng nghe tiếng kêu lo âu lên thấu trời, ở mọi chân trời góc bể, từ các trẻ em vô tội đến những người già cả nhất, từ những con người đến các cộng đồng: Hòa bình, hòa bình!” (Sứ điệp truyền thanh, 25.10.1962). Đó là một tiếng kêu hướng đến con người, nhưng cũng là một lời cầu xin hướng lên Trời. Cuộc đối thoại lúc đó đã bắt đầu cách khó nhọc giữa các khối lớn đối lập nhau, đã dẫn đến, trong suốt triều đại giáo hoàng của một vị chân phước khác là Đức Gioan-Phaolô II, sự vượt quá giai đoạn này và đến việc mở ra những không gian tự do và đối thoại. Những hạt giống hòa bình được Đức Gioan XXIII gieo vãi đã mang lại hoa trái. Thế nhưng, cho dù những bức tường và các rào chắn đã sụp đổ, nhưng thế giới vẫn tiếp tục cần đến hòa bình và lời kêu gọi của Pacem in terris vẫn mang tính thời sự rất cao.

1. Nhưng đâu là nền tảng của việc xây dựng hòa bình? Pacem in terris muốn nhắc nhở điều đó cho mọi người: nó hệ tại trong nguồn gốc thần linh của con người, của xã hội và của chính quyền bính, vốn dấn thân các cá nhân, các gia đình, các nhóm xã hội khác nhau và các Nhà Nước sống các mối tương quan công bằng và liên đới. Tất cả mọi người đều có bổn phận xây dựng hòa bình, theo mẫu gương của Chúa Giêsu-Kitô, xuyên qua hai con đường: thăng tiến và thực thi công bằng, trong chân lý và tình yêu; đóng góp, mỗi người theo khả năng của mình, vào sự phát triển con người toàn diện, theo lô-gíc của tình liên đới.

Khi nhìn vào thực tế hiện nay, tôi tự hỏi liệu chúng ta đã hiểu được bài học này của Pacem in terris chưa. Tôi tự hỏi liệu những từ “công bằng” và “liên đới” chỉ nằm trong tự điển của chúng ta hay liệu mọi người đều hành động để chúng trở thành hiện thực. Thông điệp của chân phước Gioan XXIII nhắc nhở chúng ta cách rõ ràng rằng không thể có hòa bình lẫn sự hòa hợp đích thực nếu chúng ta không làm việc vì một xã hội công bằng và liên đới hơn, nếu chúng ta không vượt qua những thói ích kỷ của chúng ta, những chủ nghĩa cá nhân của chúng ta, những lợi ích nhóm của chúng ta, và điều đó ở mọi cấp bậc.

2. Chúng ta hãy tiếp tục. Điều đó có những hệ quả nào khi nhắc lại nguồn gốc thần linh của con người, của xã hội và ngay cả của quyền bính? Pacem in terris chỉ ra một hệ quả căn bản: giá trị của nhân vị, phẩm giá của mọi hữu thể nhân linh, cần phải thăng tiến, tôn trọng và luôn được bảo vệ. Và đó không chỉ là những quyền dân sự và chính trị chính yếu cần phải được bảo đảm – chân phước Gioan XXIII khẳng định – nhưng ta cũng phải mang lại cho mỗi người khả năng tiếp cận cách hữu hiệu những phương tiện sống thiết yếu, lương thực, nước, chỗ ở, những chăm sóc y tế, việc học hành, và khả năng lập và nuôi sống một gia đình. Đó là những mục tiêu vốn có một ưu tiên tất yếu trong hành động quốc gia và quốc tế và là những mục tiêu đo lường sự tốt lành của nó. Một nền hòa bình bền vững cho mọi người tùy thuộc vào chúng. Và cũng quan trọng việc có chỗ cho các hiệp hội và các đoàn thể trung gian vốn, trong lô-gíc của tính bổ trợ và trong tinh thần của tình liên đới, theo đuổi các mục tiêu này. Chắc chắn, thông điệp khẳng định những mục tiêu và những yếu tố vốn từ nay được thủ đắc trong cách suy nghĩ của chúng ta, nhưng vẫn còn phải tự hỏi: chúng thực sự tồn tại trên thực tế không? Năm mươi năm sau, chúng có được chứng thực trong sự phát triển của các xã hội của chúng ta không?

3. Pacem in terris đã không muốn khẳng định rằng chính bổn phận của Giáo Hội phải mang lại những chỉ dẫn cụ thể về các đề tại vốn, trong sự phức tạp của chúng, phải để cho sự thảo luận. Trong các lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, không phải tín điều chỉ ra các giải pháp thực tiễn, nhưng đúng hơn sự đối thoại, việc lắng nghe, lòng kiên nhẫn, sự tôn trọng tha nhân, lòng chân thành và sự sẵn sàng xem lại ý kiến của mình. Tự sâu xa, lời kêu gọi hòa bình của Đức Gioan XXIII vào năm 1962 đã nhắm định hướng cuộc tranh luận quốc tế theo các nhân đức này.

Những nguyên tắc căn bản của Pacem in terris có thể hướng dẫn cách hiệu quả việc nghiên cứu và cuộc thảo luận về “những sự mới mẻ” vốn liên quan đến hội nghị của anh chị em: sự cấp bách giáo dục, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng trên các lương tâm, việc tiếp cận các tài nguyên trái đất, việc sử dụng tốt hay xấu các kết quả nghiên cứu sinh học, việc chạy đua vũ trang và những biện pháp an ninh quốc gia và quốc tế. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, vốn là một triệu chứng nghiêm trọng của việc thiếu tôn trọng đối với con người và đối với chân lý mà cùng với nó những quyết định đã được đưa ra bởi các chính phủ và các công dân, đã nói lên điều đó cách rõ ràng. Pacem in terris  vạch ra một đường hướng đi từ việc phải xây dựng hòa bình trong tâm hồn con người đến sự thay đổi mô hình phát triển và hành động ở mọi cấp bậc, để thế giới chúng ta trở thành một thế giới hòa bình. Tôi tự hỏi liệu chúng ta có sẵn sàng đáp lại lời mời gọi này không.

Khi nói về hòa bình và cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đầy phi nhân, vốn là một triệu chứng nghiêm trọng của việc thiếu tôn trọng đối với con người, tôi không thể không nhắc lại với lòng đau đớn tột cùng nhiều nạn nhân của sự chìm tàu không biết thứ mấy ở ngoài khơi Lampédouse. Một từ duy nhất chợt đến trong tôi: hổ thẹn! Đó là một sự hổ thẹn! Chúng ta hãy cùng nhau cầu xin Thiên Chúa cho những người đã mất mạng sống: đàn ông, đàn bà, trẻ con, cho người thân của họ và cho tất cả những người tỵ nạn. Chúng ta hãy đồng tâm hiệp lực để những bi kịch tương tự không được lặp lại nữa! Chỉ một sự cộng tác cương quyết của mọi người mới có thể giúp ngăn ngừa chúng.

Các bạn thân mến, xin Chúa, qua lời cầu bàu của Đức Maria Nữ Vương hòa bình, giúp chúng ta luôn đón nhận trong chúng ta sự bình an vốn là một ân huệ của Chúa Kitô phục sinh, và luôn làm việc cách dấn thân và sáng tạo vì công ích. Xin cám ơn.

 Tý Linh chuyển ngữ

Theo ZENIT

 

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30