LÀN SÓNG DỰ TÒNG: GIÁO HỘI PHÁP TÁI KHÁM PHÁ SỨC MẠNH CỦA SỰ HOÁN CẢI

Written by xbvn on Tháng Tư 11th, 2025. Posted in Giáo lý, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Vào năm 2025, năm thứ ba liên tiếp, Giáo hội tại Pháp ghi nhận bước nhảy vọt ngoạn mục về số lượng người dự tòng. Hồ sơ của họ tiếp tục được trẻ hóa và sự trở lại của họ thường là kết quả của trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ tiếp theo sau quá trình tự tìm hiểu trên mạng xã hội và tại các nhà thờ. Một làn sóng mạnh mẽ buộc các giáo phận phải thích nghi để chào đón những người mới chịu phép rửa tội một cách tốt nhất. Giải mã.

Đón nhận người dự tòng tại giáo phận Lyon, Pháp

Rất đơn giản, trung bình cứ hai ngày tôi lại nhận được một email với lời thỉnh cầu mới.” Tại giáo phận Lille, ban dự tòng chưa bao giờ bận rộn với các thỉnh cầu lãnh nhận các bí tích đến thế. Năm nay, 188 người lớn dự tòng sẽ được rửa tội tại đây trong Lễ Vọng Phục Sinh, cũng như 460 học sinh và sinh viên. Năm ngoái, có 164 người lớn và 292 người trẻ. Tại Toulouse, linh mục quản xứ nhà thờ chính tòa, cha Simon d’Artigue, thường mời gọi vào cuối mỗi thánh lễ để mời các thành viên mới đến gặp ngài ở lối ra. “Kết quả là, từ Thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật, có năm người mới gia nhập chúng tôi“, Claudine Fabre, một trong những người đồng hành trong giáo xứ cho biết thêm. Có thể thấy sự gia tăng ở hầu hết các giáo phận: 100 ở Nancy (so với 64 vào năm 2024), 94 ở Quimper (so với 65), 670 ở Paris (so với 522), 40 ở Nevers (so với 24)… Trong khi Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) dự kiến ​​sẽ trình bày số liệu chính thức về số lượng dự tòng tại Pháp vào năm 2025 vào ngày 10 tháng Tư, mọi thứ đều cho thấy mức tăng trong năm nay vẫn sẽ vào khoảng 30% với độ tuổi dự tòng được trẻ hóa trong khoảng từ 20 đến 35 tuổi. Khoảng 10 đến 15% số người dự tòng thuộc văn hóa Hồi giáo. Xin nhắc lại, vào năm 2024 đã có 7.135 người lớn (tăng 31% so với một năm trước) và 5.025 thanh thiếu niên (ước tính tăng 50%).

Sự bùng nổ của phong trào dự tòng này là một trong những điểm chung hiếm hoi của tất cả các giáo phận ở Pháp“, Đức cha Bruno Valentin, Giám mục giáo phận Carcassonne và Narbonne, thừa nhận với Aleteia. Ngài sẽ rửa tội cho khoảng năm mươi người lớn vào đêm Lễ Phục Sinh, một con số đã tăng lên trong hai năm qua. “Điều này rất thú vị vì nó tương đối hóa những giải thích theo kiểu xã hội học. Ví dụ, Aude là một tỉnh nông thôn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, người ta quan sát thấy hiện tượng tương tự ở nhóm sinh viên và nhóm dân cư giàu có tại Toulouse. Có rất ít điểm chung giữa các giáo phận, tuy nhiên, cùng một hiện tượng tâm linh đang diễn ra.” Và Đức Cha nói tiếp: “Đây có phải là khởi đầu của một điều gì đó sâu xa không? Hay chỉ là một sự bồng bột nhất thời? Ngày nay không thể nói trước được. Nhưng có điều gì đó đang xảy ra.”

Thành lập các nhóm huynh đệ

Đối mặt với làn sóng này, các giáo phận và giáo xứ đang được tổ chức. Anne-Laure de La Roncière, người đứng đầu ban giáo lý dự tòng của giáo phận Lille, giải thích: “Sau khi liên lạc được với họ, tôi sẽ hướng dẫn họ đến giáo xứ của họ, nơi sẽ chào đón họ, giới thiệu các khóa học, v.v.” “Sáng kiến ​​này thực sự đến từ giáo xứ.” Trước đây tập trung vào các giáo hạt, giờ đây việc đồng hành với người dự tòng được đảm bảo trực tiếp bởi các giáo xứ. Phong trào này, được khởi xướng cách đây khoảng mười năm, cho phép các giáo xứ đi đầu trong việc đón tiếp các thỉnh cầu. Điều này làm cho giai đoạn dự tòng dễ nhận thấy hơn. Đức Cha Le Boulch đã chỉ dẫn hướng đi này khi ngài đến. Mục tiêu: để nghị một cuộc khai tâm Kitô giáo trong một nhóm huynh đệ. Lộ trình được tổ chức theo các nhóm nhỏ từ 8 đến 10 người: một trưởng nhóm, ba đến bốn dự tòng đang trong quá trình khai tâm (để lãnh nhận một, hai hoặc cả ba bí tích), và hai đến ba giáo dân khác. Sự khai tâm Kitô giáo do đó được sống trong tế bào huynh đệ này, được coi là “ADN của Kitô hữu”: sống đức tin của mình có nghĩa là nâng đỡ lẫn nhau. “Cầu nguyện và tình huynh đệ là những yếu tố thúc đẩy sự trở lại“, Anne-Laure de La Roncière nói tiếp. “Chứng tá cụ thể của các thành viên khác giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của việc theo Chúa Kitô. Trở thành một Kitô hữu mang những dung mạo khác nhau. Sự đa dạng này giúp những người mới dễ dàng tìm thấy con đường riêng của mình hơn.”

Những lộ trình huynh đệ này, như đã được thực hiện ở Lyon từ nhiều năm qua, cũng là mục tiêu mà giáo phận Grenoble đang phát triển để đáp ứng những thỉnh cầu không ngớt. Barbara Skowronek, người đứng đầu nhóm dự tòng của giáo phận Grenoble, giải thích: “Những thỉnh cầu liên tục đến, nên chúng tôi không thể nói với họ rằng “nhóm tiếp theo sẽ có trong ba tháng nữa“. Chúng tôi đang thiết lập các chu kỳ đào tạo liên tục để cho phép những người dự tòng tham gia một nhóm bất cứ lúc nào“. Những nhóm huynh đệ nhỏ này, do một người lãnh đạo đứng đầu, họp mặt trong các buổi giáo lý chung hàng tháng và có kèm theo việc đồng hành cá nhân. “Bất cứ lúc nào, bất kỳ ai cũng có thể tham gia một nhóm, một nhóm huynh đệ, tùy thuộc vào cấp độ của họ. Một số giáo xứ, chẳng hạn như Bourgoing, Vienne hoặc Saint-Marcellin, đang trong giai đoạn thử nghiệm thành lập các nhóm huynh đệ“, Anne-Laure de La Roncière nói tiếp. “Hiện tại, việc giao tiếp giữa giáo phận và các giáo xứ đang diễn ra tốt đẹp, nhưng vẫn còn một chút khó khăn giữa các giáo xứ, nơi gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giao tiếp.” Các nhóm WhatsApp, các cuộc họp, các buổi trao đổi… Nhiều định dạng đáp ứng hai nhu cầu: đào tạo và chứng tá.

Đức tin trước hết là một “cuộc tìm kiếm cá nhân”

Nhưng những người dự tòng này là ai? Một cuộc khảo sát do AleteiaFamille chrétienne tiến hành chung với gần 900 người dự tòng cho thấy 44% người dự tòng dưới 25 tuổi và ba phần tư dưới 35 tuổi. 40% trong số họ khám phá ra đức tin Kitô giáo chủ yếu thông qua “nghiên cứu cá nhân”, 23% thông qua gia đình và 14% thông qua phạm vi bạn bè. Và đối với 78% số người được hỏi, mạng xã hội đóng vai trò trong việc khám phá và củng cố đức tin của họ. Anne-Laure de La Roncière đồng ý rằng: “Nhiều người trước tiên đã nghiên cứu trên mạng xã hội hoặc internet trước khi đến đây“. “Mười hoặc mười lăm năm trước, những người dự tòng có hình ảnh bị tổn hại về Giáo hội và cần phải hòa giải với Giáo hội trong tinh thần ‘bao bọc’. Ngày nay, tình hình không còn như vậy nữa“.

Những người dấn thân đang tìm kiếm ý nghĩa và sẵn sàng cho sự triệt để hơn. Họ cũng rất đòi hỏi về mặt nội dung: họ muốn hiểu, muốn biết đức tin.” Vì vậy, tất nhiên, có sự khám phá về đức tin Kitô giáo. Nhưng từ đó đến việc yêu cầu rửa tội? Đối với hơn 40%, yếu tố kích hoạt này là một “trải nghiệm tâm linh” mạnh mẽ. “Mỗi người dự tòng của chúng tôi trước tiên gợi lên một trải nghiệm tâm linh thực sự với Chúa, với Chúa Kitô“, Barbara Skowronek nói thêm. “Sau đó, họ tìm cách hiểu và diễn đạt thành lời những gì họ đã trải qua, thường là nhờ Internet. Đến một lúc nào đó, họ gõ cửa Giáo hội. Nhưng hầu hết họ đã tiến bước được hai hoặc ba năm trước khi xin được rửa tội!

Và Barbara Skowronek nhấn mạnh: “Chúng tôi cố gắng giúp họ chuyển từ cách tiếp cận cá nhân, từ trải nghiệm rất sâu sắc với Chúa, sang cách tiếp cận mang tính giáo hội, giờ đây họ là một phần của gia đình.” Laurine, 30 tuổi, người sẽ được rửa tội tại giáo phận Nîmes năm nay, đã làm chứng về trải nghiệm mạnh mẽ và cảm động này với Chúa. Ba năm trước, một buổi sáng khi thức dậy, cô, người chưa bao giờ đến nhà thờ, đã yêu cầu bạn đời của mình đi cùng. “Tôi thực sự không biết phải làm thế nào và anh ấy chỉ trả lời: ‘Rất vui lòng’.” Đó là thánh lễ của các gia đình. “Tôi nhớ mình đã khóc rất nhiều trên băng ghế nhà thờ đó. Có rất nhiều người chào đón chúng tôi, rất nhiều tình yêu thương xung quanh chúng tôi… Tôi cảm thấy mình được thuộc về nơi này“, cô chia sẻ với Aleteia. “Chúa Giêsu đã kiên nhẫn và đều đặn gõ cửa, nhưng tôi không bao giờ mở cửa“, Sébastien, 51 tuổi, kể lại. “Tôi đang đi bộ và bước vào một nhà thờ nhỏ gần nhà. Ngày hôm đó, tôi quyết định mở cửa, bước vào và xin chịu phép rửa tội“.

Trước khi tham gia khóa dự tòng, 38% số người được hỏi cho biết họ đã đi lễ thường xuyên. Đây là trường hợp của Jean, 20 tuổi. Mặc dù đã khám phá ra đức tin cách đây ba năm, anh vẫn phải đợi thêm vài tháng nữa mới bước vào thời kỳ dự tòng. “Đặc biệt là để đảm bảo rằng đức tin của tôi không phải là ‘tạm thời’“, anh giải thích. “Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục thảo luận về đức tin với những người thân cận mới của mình, đồng thời tạo thói quen tham dự Thánh lễ vào mỗi Chúa Nhật.” Đây cũng là trường hợp của Eva, một người dự tòng từ giáo phận Fréjus-Toulon, người không ngay lập tức dấn thân vào con đường này mà thích tham dự thánh lễ Chúa Nhật một mình, đồng thời tự mình đào sâu đức tin. “Tôi muốn hiểu tại sao tôi lại cảm thấy tốt như vậy trong Giáo hội, để khám phá lịch sử của Kitô giáo. Tôi cần phải neo mình vào đức tin trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào“, cô chia sẻ với Aleteia.

Anne-Laure de La Roncière thừa nhận: “Vài năm trước, việc thu hút những người dự tòng đến tham dự Thánh lễ là rất khó khăn. Ngày nay, nhiều người đến đó một mình. Một số người, dịp tang lễ, rửa tội, đã tìm thấy sự bình yên ở đó. Phụng vụ đã trở thành một nơi thu hút. Nó làm hài lòng vì nó đẹp, có sự hiện diện của Chúa, được đánh dấu bằng sự siêu việt. Điều này giải thích sự trở lại mạnh mẽ của phụng vụ cổ điển, theo chiều dọc, với hương trầm và sự trang nghiêm.”

Công việc của Chúa Thánh Thần

Điều khiến tôi ấn tượng mỗi lần, đó là có nhiều câu chuyện như có nhiều người dự tòng. Tất cả họ đều cầu xin cùng một điều, họ có cùng mong đợi – bí tích rửa tội – nhưng con đường của họ lại rất riêng tư và độc đáo“, Đức cha Bruno Valentin nói tiếp. Theo ngài, rất khó để xác định nguyên nhân của những hiện tượng này. “Theo góc nhìn vi mô, hiện tượng này hoàn toàn không thể phân tích được: không có người dự tòng nào đến như là kết quả của một chiến dịch truyền thông, cũng không có giám mục hay linh mục nào mời họ. Không có hoạt động vận động từng nhà, không có chiến lược truyền giáo có mục tiêu“, ngài nói tiếp. “Một số thậm chí còn “bám lấy” để đến trong Giáo hội: một số kể với tôi rằng họ đến dự Thánh lễ và không ai nói chuyện với họ, họ phải vào các nhà thờ nhiều lần trước khi có thể trao đổi với linh mục, v.v.” Đức Cha nói tiếp, tất nhiên là có “những xu hướng”. “Một số người nói về việc tìm kiếm ý nghĩa, những người khác nói về vấn đề căn tính. Nhưng những câu hỏi này giống như những tác nhân kích hoạt, động lực để bắt đầu mọi thứ, mà không phải là nguyên nhân sâu xa. Đây trước hết thuộc về Chúa Thánh Thần.”

Sự gia tăng đáng kể về số lượng người dự tòng trong những năm gần đây, lý do khiến Giáo hội vui mừng, cũng là một lời kêu gọi và trách nhiệm. “Chúng tôi không có trách nhiệm “ở  thượng nguồn” đối với sự trở lại của họ; chính Chúa đã hành động trong lòng họ. Nhưng chúng tôi phải huy động ở hạ nguồn“, Đức cha Bruno Valentin nói tiếp. “Mối nguy đối với các giáo xứ là họ không thể đo lường được sự thay đổi này. Tuy nhiên, các giáo xứ là ‘những nhà hộ sinh của Giáo hội’, nơi những Kitô hữu mới được sinh ra”, người đứng đầu ban dự tòng của giáo phận Lille khẳng định. “Như Đức Giám mục của chúng tôi đã nói, chúng ta không còn ở trong một Giáo hội truyền lại từ gia đình nữa, mà là một Giáo hội dự tòng. Những gì gia đình không truyền lại, thì giờ đây cộng đồng Kitô giáo phải làm. Các giáo xứ phải tin tưởng vào khả năng sinh ra sự sống mới trong Chúa Kitô. Đào tạo dự tòng phải trở thành trọng tâm của đời sống giáo xứ.”

Một vấn đề cũng là trọng tâm trong suy tư của ban dự tòng ở Grenoble. “Chúng tôi cần nhanh chóng đưa họ vào đời sống của Giáo hội. Chúng tôi đã làm việc này từ một năm rưỡi qua. Chúng tôi cần phải mạnh dạn, đề nghị cùng đi lễ, cùng uống một ly sau đó… Chúng tôi cũng xin các tân tòng tham gia đồng hành những người dự tòng.” Tại Toulouse, để “tạo điều kiện thuận lợi” cho sự hội nhập này, cha Simon d’Artigue đề xuất giao phó mỗi người dự tòng cho một giáo dân vốn sẽ là ‘Barnaba’ của người dự tòng, như thánh Phaolô. “Vai trò của họ sẽ là tỏ ra rất thân thiện với người dự tòng, gợi ý họ đi lễ vào Chúa Nhật, cùng nhau uống nước, mời họ đến dự một sự kiện của giáo xứ…“, Claudine Fabre tóm tắt.

Anne-Laure de La Roncière nói thêm: “Một thách thức khác đối với các giáo xứ là phải để cho mình được đổi mới bởi những Kitô hữu mới này“. “Hành trình khai tâm của họ rất khác so với các thế hệ trước. Chúng ta sẽ phải dành chỗ cho họ và cho phép họ hòa nhập hoàn toàn.” Tại giáo phận Carcassonne và Narbonne, trong số năm thành viên của nhóm dự tòng, ba người đã được rửa tội trong ba năm qua và dần dần hòa nhập. “Những người đã chịu phép rửa tội từ lâu có cách tiếp cận giảng dạy tự phát hơn, trong khi các tân tòng sẵn sàng làm chứng cho hành trình của họ. Có một sự bổ sung tuyệt vời được đưa vào cuộc sống ở đây“, Đức cha Bruno Valentin nói thêm. “Số lượng người dự tòng và người mới chịu phép rửa tội nhiều đến mức vấn đề không còn chỉ là ‘tạo chỗ cho họ’ nữa, mà là để mình được biến đổi nhờ việc họ đế. Cần phải chuẩn bị thiết kế lại Nhà thờ cho họ, chứ không chỉ để lại cho họ một góc ở cuối dãy ghế.”

Tý Linh

(theo Agnès Pinard Legry, Aleteia)

———————————————-

Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) thông báo vào ngày 10/4/2025 rằng hơn 10.000 người lớn và hơn 7.400 thanh thiếu niên từ 11 đến 17 tuổi sẽ được rửa tội vào năm 2025 trong Lễ Vọng Phục sinh. Con số này nâng tổng số người dự tòng lên hơn 17.800, tăng 45% đối với người lớn trong một năm và 33% đối với thanh thiếu niên. Những con số khẳng định xu hướng của những năm gần đây. Đây là con số kỷ lục mới mà Giáo hội Pháp ghi nhận vào năm 2025.

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30