LAURENT LANDETE: THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS LÀ “MỘT LIỆU PHÁP CHỐNG LẠI MỌI ĐAU KHỔ, MỌI THIẾU SÓT TRONG TÌNH YÊU”
Đối với Laurent Landete, thành viên của Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, Tổng Giám đốc của trường Collège des Bernardins và nguyên là nhà điều hành cộng đồng Emmanuel, thông điệp mới của Đức Phanxicô, Dilexit nos, đề xuất linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu như một phương thuốc chữa trị những căn bệnh của thời đại chúng ta.
La Croix: Đâu là phản ứng của ông khi đọc thông điệp mới này của Đức Thánh Cha Phanxicô?
Laurent Landete: Là người hiểu biết linh đạo của Thánh Tâm Chúa Giêsu, tôi đã chờ đợi thông điệp này từ ba mươi năm qua. Làm thế nào diễn đạt tốt hơn những gì được nói ở đó? Tôi thấy bản văn này rất hay, mang chiều kích vừa thiêng liêng, nhân văn sâu xa, nhưng cũng vô cùng thơ mộng. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy Đức Thánh Cha Phanxicô luôn lấy văn chương hoặc thơ ca để bày tỏ suy nghĩ của mình.
Đoạn văn nói về những cử chỉ nhỏ bé trong cuộc sống này (số 20) – “tạo nên một nụ cười, vẽ một bức tranh lên cửa sổ, giữ những con sâu trong hộp giày, làm khô một bông hoa giữa các trang sách” – đã tác động rất lớn đến tôi. Đức Giáo hoàng nói: “Tất cả những chi tiết nhỏ này không bao giờ có thể là một phần của các thuật toán”, bởi vì chúng “dựa trên sự dịu dàng mà chúng ta lưu giữ trong ký ức của trái tim”. Đó là vẻ đẹp và sự tinh tế nổi bật. Trong mỗi đoạn của thông điệp, có một điều gì đó lôi kéo chúng ta hướng tới điều cốt yếu và hướng tới vẻ đẹp : vẻ đẹp của tâm hồn, của trái tim con người.
Điều gây ấn tượng tiếp theo với tôi, đó là Đức Giáo hoàng đã đưa ra một kiểu giải nghĩa nào đó về linh đạo Trái Tim Chúa Kitô. Khởi đi từ lời Chúa, nó diễn ra nơi thánh Augustinô, thánh Bernard, thánh Inhaxiô Loyola, thánh Vincent de Paul, thánh Charles de Foucauld, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu… Với câu này của Newman vốn có thể được chọn làm tựa đề khác của Thông điệp: “Cor ad cor loquitur”, “trái tim nói với trái tim”. Do đó, như ngài nói, chính chúng ta phải đầy yêu thương và làm cho thế giới đầy yêu thương để trái tim nói chuyện trái tim.
La Croix: Cụ thể, điều này có ý nghĩa gì ?
Laurent Landete: Đó là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của những cử chỉ, lời nói và cái nhìn được nêu bật. Đức Thánh Cha gợi lên những người bà trong bối cảnh chiến tranh, những người đã mất đi con, cháu và là những người trong lúc chạng vạng của cuộc đời đã muốn chết đi (số 22). Làm cho thế giới tràn đầy yêu thương, đó là làm cho thế giới trở nên nhạy cảm với những đau khổ, lo lắng và niềm vui của con người. Yêu thương, đó là duy trì khả năng phẫn nộ trước đau khổ và bất công, đồng thời trau dồi sức mạnh của cảm xúc.
Chính theo nghĩa này mà bản văn rất thời sự: giống như cách linh đạo Trái Tim Chúa Giêsu đã xuất hiện vào thế kỷ XVII vào thời của chủ thuyết Jansen, ngày nay chúng ta đang chứng kiến những hình thức của chủ thuyết tân Jansen biến Thiên Chúa trở thành một người từ xa, tách rời khỏi mọi cảm xúc. Trong khi Chúa ở rất gần. Xã hội của chúng ta cũng đang tham gia vào sự phức tạp của trí tuệ nhân tạo. Không có gì nhân tạo trong trí tuệ của trái tim! Vào thời điểm mà máy móc đang được trao cho những sức mạnh to lớn và một số người tưởng tượng rằng nó sẽ có thể thống trị con người, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng điều luôn tạo ra sự khác biệt, đó là trái tim. Trong thế giới kỹ thuật số của chủ nghĩa duy lý thường xuyên này, nền linh đạo Trái Tim Chúa Kitô này có thể cứu nhân loại chúng ta khỏi những vết xe mà nó đang sa vào.
La Croix: Bằng cách nào?
Laurent Landete: Tôi rất cảm động trước công thức này của thánh Marguerite-Marie Alacoque được Đức Thánh Cha trích dẫn: “Tình yêu đền đáp tình yêu.” Nghĩa là, luôn đi tìm kiếm thêm một chút tình yêu của Thiên Chúa để trở thành những tác nhân của tình yêu. Có hai cách để yêu mến Chúa Kitô: nhìn vào Người, lắng nghe lời Người và bắt chước Người. Linh đạo Thánh Tâm Chúa Giêsu nêu bật giá trị của việc bắt chước các cử chỉ của Chúa Giêsu: rửa chân, chạm vào tay, chạm vào mắt. Và những lời này: “Hãy tin tưởng”, “Chúa Giêsu nhìn anh ta. »
Ngày nay, ở tàu điện ngầm, người ta không nói chuyện với nhau, người ta không nhìn nhau. Và việc chạm vào đã làm cho con người phạm tội đến mức người ta có thể bị cám dỗ, dưới hình thức chủ nghĩa nhiệm nhặt mới, hoàn toàn muốn tránh xa việc đó. Đang khi có một cách thức đúng đắn để chạm vào, nắm lấy tay một người già, một người đang đau khổ. Đức Thánh Cha nói điều đó một cách tuyệt vời khi ngài nói về Chúa Giêsu nâng dậy, chữa lành. Thông điệp này là một liệu pháp chống lại mọi đau khổ, mọi kinh hoàng, mọi sự thiếu sót trong tình yêu. Đó là một phương pháp điều trị chống lại bệnh bám lấy vật chất quá đáng của thế giới. Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn nói về “tình yêu cho uống” như một phương pháp điều trị y tế. Gần như có một liều lượng học trong thông điệp này.
La Croix: Phải chăng nó cũng là một phương thuốc cho Giáo hội?
Laurent Landete: Tôi nghĩ thông điệp này là một sự bất ngờ thú vị. Trong thời điểm cực kỳ khó khăn này đối với Giáo hội, nơi chúng ta choáng váng trước những gì chúng ta đã khám phá những vụ lạm dụng, những sự sỉ nhục do con người và tổ chức gây ra, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta canh tân tình yêu thông qua việc đền tạ. Nó rất mạnh mẽ bởi vì chúng ta gần như có thể bị sững sờ bởi những gì chúng ta đã khám phá ra, không còn chìa tay ra nữa, không còn nói nữa, không còn nhìn nữa. Và Đức Thánh Cha nói với chúng ta một cách nào đó: “Hãy tiếp tục nói, hãy tiếp tục nhìn và thực hiện những cử chỉ yêu thương nhẹ nhàng và quảng đại.” Chắc chắn, không quên những gì đã mắc phạm.
Việc đền tạ này sẽ vô nghĩa nếu chúng ta không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của lỗi. Nhưng đi theo con đường này sẽ cho phép đổi mới tính khả tín của tình yêu được trao ban và lãnh nhận. Như ngài nói, việc đền tạ, đó là “xây dựng trên đống đổ nát”. Nhưng hãy xây dựng! Bởi vì chúng ta có thể bị cám dỗ ngắm nhìn những đống đổ nát mà không di chuyển. Xây dựng trên những đống đổ nát này, đó là sự điên rồ. Thánh Têrêsa đã nói: “Sự điên rồ của tôi, đó là niềm hy vọng”. Sự điên rồ của Thánh Tâm Chúa Kitô, đó luôn là niềm hy vọng.
———————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn : nhật báo La Croix)
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- Ý NGHĨA CỦA ĐỘNG TỪ “ĐI RA” TRONG TIN MỪNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 2. TRUYỀN TIN CHO ĐỨC MẸ. ĐỨC MARIA LẮNG NGHE VÀ SẴN LÒNG
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- NHỮNG NHÂN VẬT TÔN GIÁO NÀO CẦU NGUYỆN CHO DONALD TRUMP TRONG LỄ NHẬM CHỨC CỦA ÔNG?
- ĐỨC THÁNH CHA VIẾT THƯ CHO TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
- MỘT NỮ TU SẼ ĐƯỢC BỔ NHIỆM LÀM CHỦ TỊCH PHỦ THỐNG ĐỐC THÀNH VATICAN
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN NĂM C: CHÚA ĐÁP LẠI SỰ THIẾU THỐN CỦA CHÚNG TA BẰNG TÌNH YÊU DƯ TRÀN CỦA NGƯỜI
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN: HUẤN THỊ VỀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH CỦA “THẦN HỌC GIẢI PHÓNG”
- Ở BA LAN, MỘT KIẾN NGHỊ NHẰM XÓA BỎ VIỆC GIẢI TỘI CHO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN
- VỤ CHA PIERRE: HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC XIN TÒA ÁN MỞ CUỘC ĐIỀU TRA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- CUBA THẢ TÙ NHÂN, HOAN NGHÊNH SỰ TRUNG GIAN HÒA GIẢI CỦA TÒA THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ TRẺ EM. NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA CHA YÊU QUÝ NHẤT. BÀI 2
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- TIẾP KIẾN CHUNG NĂM THÁNH (11/1/2025): HY VỌNG LÀ BẮT ĐẦU LẠI – GIOAN TẨY GIẢ
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA NĂM C: TÔI ĐƯỢC RỬA TỘI NGÀY NÀO?
- JOE BIDEN TRAO HUÂN CHƯƠNG TỰ DO CỦA TỔNG THỐNG CHO ĐỨC PHANXICÔ
- HÀNH KHÚC GIÁO HOÀNG, BÀI QUỐC CA CHÍNH THỨC CỦA VATICAN DO MỘT NGƯỜI PHÁP SÁNG TÁC
- CÁC ĐẠI SỨ TẠI TÒA THÁNH ĐƯỢC ĐỨC PHANXICÔ CHẤT VẤN