LỄ CHÚA HIỂN LINH 2024: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
“Chúng ta cần buông bỏ các ý thức hệ về Giáo hội để có thể khám phá ra ý nghĩa của Mẹ Thánh Giáo hội, khám phá ra thường tính (habitus) của Giáo hội. Các ý thức hệ về Giáo hội, không; ơn gọi Giáo hội, vâng. Chúa phải được đặt vào trung tâm, chứ không phải là tư tưởng hay hoạch định riêng của chúng ta“. Đức Phanxicô kêu gọi như thế trong bài giảng Lể Hiển Linh, hôm Chúa Nhật 6/1/2024, qua đó ngài mời gọi các Kitô hữu noi gương các Đạo sĩ ngước mắt nhìn trời, với đôi chân bước đi trên mặt đất, với tấm lòng phục bái tôn thờ.
Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha:
Các nhà Đạo sĩ lên đường kiếm tìm vị Vua mới sinh. Họ là hình ảnh của nhiều người trên thế giới đang rảo bước tìm kiếm Thiên Chúa, của những khách ngoại kiều bấy giờ được dẫn lên núi Chúa (x. Is 56, 6-7), của những ai giờ đây đang ở xa có thể nghe thấy sứ điệp về ơn cứu độ (x. Is 33, 13), của hết thảy những ai đã lạc lối và bây giờ có thể nghe thấu tiếng gọi đầy thân thương. Vì này đây, trong hình hài của đứa trẻ thành Bêlem, vinh quang Chúa được tỏ lộ cho khắp các dân tộc (x. Is 40, 5) và ‘hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa’ (Lc 3, 6). Đây chính là cuộc hành hương của nhân loại, của mỗi một chúng ta, tiến bước từ xa đến gần.
Ba nhà Đạo sĩ đã ngước mắt nhìn trời, dẫu rằng chân họ vẫn đang lần bước trên mặt đất, và lòng họ phục bái kính thờ. Hãy để tôi nhắc lại điều này: họ ngước mắt nhìn trời, chân rảo bước trên dương gian và lòng họ phục bái kình thờ.
Trước hết, mắt họ ngước trông lên trời. Các Đạo sĩ tràn đầy lòng khát khao sự bất tận, và vì thế họ ngắm nhìn những vì sao của trời đêm. Họ không đi qua đời mình bằng cách nhìn chằm chằm vào đôi chân, say mê chính mình, bị giới hạn bởi những chân trời trần thế, lê bước về phía trước trong sự nhẫn nhục hoặc than van. Họ ngẩng cao đầu và đợi chờ ánh sáng có thể chiếu soi được ý nghĩa cuộc đời mình, ơn cứu độ ló rạng từ trên cao. Và rồi, các đạo sĩ nhìn thấy ngôi sao, sáng tỏ hơn mọi ngôi sao khác, điều này khiến họ mê mẩn và bắt đầu cuộc hành trình. Ở đây chúng ta nhìn ra được chìa khoá để khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc đời mình: nếu chúng ta cứ khép kín nơi những giới hạn chật hẹp của sự đời; nếu chúng ta bước đi, với cái đầu cúi xuống, trở thành con tin của những lỗi lầm và hối tiếc nơi bản thân; nếu chúng ta thèm khát sang giàu và sự thoải mái thế gian – những thứ nay còn mai mất – hơn là trở nên những người kiếm tìm sự sống và tình yêu, thì cuộc đời của chúng ta đang dần mất đi ánh sáng. Các Đạo sĩ, tuy vẫn là những người ngoại và chưa từng gặp gỡ Đức Giêsu, nhưng họ dạy chúng ta hướng nhìn lên cao, ngước mắt lên trời, lên những ngọn đồi, mà từ đó ơn phù trợ của chúng ta sẽ đến, vì ơn phù trợ của ta đền từ Đức Chúa (x. Tv 121, 1-2).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ngước mắt lên trời! Chúng ta cần ngước mắt lên cao để có thể nhìn thấy thực tại từ trên cao. Chúng ta cần điều này trong cuộc hành trình của mình ngang qua cuộc đời, chúng ta cần để cho chính mình bước đi trong tình bạn với Chúa, chúng ta cần tình yêu của Ngài để trợ lực, và ánh sáng nơi lời Ngài dẫn bước chúng ta, như ngôi sao trong màn đêm ấy. Chúng ta cần bước đi trong cuộc hành trình này, để đức tin của chúng ta không bị giảm thiểu thành một tập hợp những lòng sùng kính tôn giáo hay đơn thuần chỉ là vẻ bề ngoài; thay vào đó, đức tin ấy sẽ trở thành ngọn lửa bừng cháy bên trong, khiến chúng ta trở thành những người đầy nhiệt thành tìm kiếm dung nhan Chúa và nên những chứng nhân Tin Mừng của Ngài. Chúng ta cần điều này trong Giáo hội, nơi mà, thay vì chia tách thành những phe nhóm dựa trên những tư tưởng riêng biệt của mình, chúng ta được mời gọi đặt Chúa trở lại trung tâm. Chúng ta cần buông bỏ các ý thức hệ về Giáo hội để có thể khám phá ra ý nghĩa của Mẹ Thánh Giáo hội, khám phá ra thường tính (habitus) của Giáo hội. Các ý thức hệ về Giáo hội, không; ơn gọi Giáo hội, vâng. Chúa phải được đặt vào trung tâm, chứ không phải là tư tưởng hay hoạch định riêng của chúng ta. Chúng ta hãy khởi sự lại từ Thiên Chúa; chúng ta hãy tìm kiếm nơi Ngài lòng can đảm để không nản lòng khi đối diện với những khó khăn, sức mạnh để vượt thắng mọi chướng ngại, niềm vui để sống trong sự hiệp thông hoà hợp.
Các Đạo sĩ không chỉ ngước nhìn những vì sao, những sự trên cao; họ còn có đôi chân bước đi trên mặt đất. Họ tiến về Giêrusalem và hỏi, “Đức Vua Do Thái mới sinh nay ở đâu? Vì chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông, và chúng tôi đến để triều bái Người” (Mt 2, 2). Một điều độc đáo: đôi chân họ gắn kết với sự chiêm ngắm. Vì sao sáng trên bầu trời đưa dẫn họ tiến bước trên những nẻo đường dương gian. Ngước mắt lên cao, họ được soi dẫn hạ mình xuống đối với thế gian này. Kiếm tìm Thiên Chúa, các Đạo sĩ được chỉ dẫn tìm thấy Ngài nơi con người, một Hài Nhi bé nhỏ nằm trong máng cỏ. Vì đó là nơi mà Thiên Chúa, Đấng cao cả tuyệt đối, đã mặc khải chính mình: trong sự nhỏ bé, sự nhỏ bé vô cùng. Chúng ta cần sự khôn ngoan, chúng ta cần sự trợ lực của Thần Khí, để hiểu được sự cao cả và sự nhỏ bé nơi sự tỏ hiện của Thiên Chúa.
Anh chị em quý mến, chúng ta hãy giữ đôi chân mình bước đi trên mặt đất này! Quà tặng đức tin được ban cho chúng ta không phải chỉ để nhìn trời (x. Cv 1, 11), nhưng là rảo bước trên những lối đường của thế giới như những chứng nhân cho Tin Mừng. Ánh sáng chiếu soi cuộc đời chúng ta, là Chúa Giêsu, được ban tặng không phải để sưởi ấm đêm tối của chúng ta, nhưng là để cho những tia sáng phá tan bóng tối bao phủ lấy rất nhiều tình cảnh trong xã hội của chúng ta. Chúng ta tìm Thiên Chúa, Đấng đã đến viếng thăm chúng ta, không phải bằng cách đắm mình trong một lý thuyết tôn giáo tao nhã nào đó, nhưng bằng cách bắt đầu một cuộc hành trình, kiếm tìm những dấu chỉ về sự hiện diện của Ngài trong cuộc sống hằng ngày, và trên hết trong việc gặp gỡ và chạm đến xác thân của anh chị em chúng ta. Chiêm ngắm Thiên Chúa thật tuyệt vời, nhưng điều đó chỉ sinh hoa trái nếu chúng ta dám liều mình trong việc phục vụ mang Thiên Chúa đến với người khác. Các Đạo sĩ đã bắt đầu tìm kiếm Thiên Chúa, một vị Thiên Chúa cao cả, và họ đã tìm thấy Hài Nhi. Điều này thật quan trọng: tìm thấy Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, nơi khuôn mặt của những người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày, và đặc biệt nơi những người nghèo khó. Các Đạo sĩ đạy chúng ta rằng một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa phải luôn khai mở chúng ta đến một thực tại lớn lao hơn, khiến chúng ta thay đổi lối sống và cải biến thế giới của mình. Theo lời của Đức Bênêđictô XVI: “Khi thiếu niềm hy vọng đích thực, hạnh phúc được tìm kiếm trong cơn say, trong sự dư thừa, thái quá, và chúng ta huỷ hoại chính mình lẫn thế giới… Vì lẽ này, chúng ta cần những con người nuôi dưỡng niềm hy vọng và vì thế có được lòng can đảm lớn lao: sự can đảm của các Đạo sĩ, những người đã thực hiện một cuộc hành trình dài lần theo ngôi sao, và có thể bái gối trước Hài Nhi và tiến dâng Ngài những tặng phẩm quý giá nhất của họ” (Bài giảng, 6 /1/ 2008).
Sau cùng, chúng ta cũng hãy lưu tâm đến việc các Đạo sĩ đã có tấm lòng phục bái tôn thờ. Họ dõi theo vì sao trên bầu trời, nhưng không ẩn náu nơi lòng sùng bái thuộc về thế giới khác; họ lên đường, nhưng không lạc lối, như nhà du hành không có đích điểm. Họ đến Bêlem, và khi nhìn thấy Hài Nhi, “họ sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2, 11). Và rồi các Đạo sĩ mở bảo tráp và tiến dâng Người vàng, nhũ hương và mộc dược. “Với những tặng phẩm đầy huyền nhiệm này mà họ đã nhận biết căn tính của Đấng mà họ tôn thờ: với vàng, họ tỏ cho thấy Người là Vua; với nhũ hương, Người là Thiên Chúa; với mộc dược, tiên báo rằng Người phải chịu chết” (Thánh Grêgôriô Cả, Hom. X in Evangelia, 6). Một Vị Vua đã đến để phục vụ chúng ta, một Thiên Chúa đã trở nên người phàm. Trước mầu nhiệm này, chúng ta được mời gọi cúi đầu và phục bái tôn thờ: thờ kính Thiên Chúa Đấng đã đến trong sự bé nhỏ, Đấng đã cư ngụ trong nhà chúng ta, Đấng đã chết vì tình yêu. Thiên Chúa, Đấng “mặc dù đã được biểu lộ bởi sự mênh mông của bầu trời và những dấu hiệu của các vì sao, nhưng đã chọn để được tìm thấy trong một túp lều hèn mọn. Trong thân xác mỏng manh của đứa trẻ mới sinh, được bọc tã, Người được các Đạo sĩ kính thờ và khiến kẻ ác phải khiếp sợ” (Thánh Augustinô, Serm. 200). Thưa anh chị em, chúng ta đã đánh mất thói quen thờ phượng, chúng ta đã làm mất đi khả năng tôn thờ. Chúng ta hãy khám phá lại niềm yêu thích của mình đối với việc cầu nguyện tôn thờ. Chúng ta hãy chân nhận rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa và là Chúa của chúng ta, và hãy phụng thờ Người. Hôm nay, các Đạo sĩ mời gọi chúng ta sùng bái kính thờ. Vẫn còn đó sự thiếu vắng việc thờ phượng giữa chúng ta ngày hôm nay.
Anh chị em thân mến, như các Đạo sĩ, chúng ta hãy ngước mắt lên trời, chúng ta hãy bắt đầu tìm kiếm Chúa, hãy phục bái tôn thờ. Ngước trông lên trời cao, lên đường và tôn thờ. Và chúng ta hãy cầu xin ơn để không bao giờ đánh mất lòng can đảm: lòng can đảm của những người kiếm tìm Thiên Chúa, những con người của niềm hy vọng, những người mơ ước dũng cảm nhìn lên bầu trời, lòng can đảm kiên tâm bền chí trong hành trình rong ruổi trên những nẻo đường của thế gian này cùng với sự mệt nhọc của một cuộc lên đường đích thực, và lòng can đảm để bái thờ, để ngước nhìn lên Chúa là Đấng rọi sáng cho hết moi người. Xin Chúa thương ban ân sủng này cho chúng ta, nhất là ơn biết tôn thờ.
—————————-
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: vatican.va)
Tags: Giáng-sinh, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- ẤN BẢN MỚI CỦA SÁCH BÀI ĐỌC DÀNH CHO TANG LỄ CỦA ĐỨC THÁNH CHA
- CARLO ACUTIS VÀ PIER GIORGIO FRASSATI SẼ ĐƯỢC PHONG THÁNH TRONG NĂM THÁNH
- ĐỨC PHANXICÔ: THIÊN CHÚA SẼ CÓ LỜI CUỐI CÙNG VỀ CUỘC CHIẾN Ở UCRAINA
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- SỰ KHÔNG CHẮC CHẮN TO LỚN VỀ CÁC SỐ LIỆU CỦA CUỘC XUNG ĐỘT
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NICARAGUA: CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC BỊ TRỤC XUẤT ĐẾN GUATEMALA
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- ĐỨC TGM JUSTIN WELBY, NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU GIÁO HỘI ANH GIÁO, TỪ CHỨC
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO