CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM C: TÔN VINH TÌNH YÊU THẬP GIÁ

Written by xbvn on Tháng Ba 21st, 2013. Posted in Năm C, Nguyễn Văn Nội

 

 I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ

Tuần Thánh bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá và kết thúc với Đại Lễ Chúa Phục Sinh. Tuần Thánh là thời gian thuận lợi nhất để các Ki-tô hữu suy ngắm và cảm tạ Thiên Chúa là Đấng có tấm lòng và hành động yêu thương vô bờ vô bến đối với loài người. Trong những ngày “thương khó” Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa mang hình ảnh, dáng dấp và thân phận của Người Tôi Tớ Đau Khổ mà ngôn sứ I-sai-a đã miêu tả từng chi tiết từ mấy trăm năm về trước.

Chúng ta được Hội Thánh mời gọi chiêm ngắm dung nhan tàn tạ của Chúa Giê-su và đi sâu vào tâm hồn của Thiên Chúa để khám phá ra Tình Yêu Thập Giá dem lại cứu độ cho loài người chúng ta!

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH

2.1 Trong bài đọc 1 (Is 50,4-7): Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. 4 Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. 5 Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. 6 Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. 7 Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

 2.2 Trong bài đọc 2 (Pl 2,6-11): Đức Giê-su đã tự hạ, chính vì thế, Thiên Chúa đã suy tôn Người.  6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.

2.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 22,14 – 23,56): Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Ghi chú: Bài Thương Khó khá dài, nên chúng ta có thể tập trung tâm trí vào một số câu Phúc Âm làm nổi bật chân dung của Người Tôi Tớ Đau Khổ là Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó:

     22/42 “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha.”… 44Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất.

48Đức Giê-su bảo hắn: “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?…

52Sau đó Đức Giê-su nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người: “Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? 53Ngày ngày, tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ của các ông, là thời của quyền lực tối tăm.”…  

63Những kẻ canh giữ Đức Giê-su nhạo báng đánh đập Người. 64 Chúng bịt mắt Người lại, rồi hỏi rằng: “Nói tiên tri xem: ai đánh ông đó? ” 65Chúng còn thốt ra nhiều lời khác xúc phạm đến Người.

 23/2Họ bắt đầu tố cáo Người rằng: “Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là Vua nữa.”… 10Các thượng tế và kinh sư đứng đó, tố cáo Người dữ dội.

11Vua Hê-rô-đê cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại cho ông Phi-la-tô…. 18Nhưng tất cả mọi người đều la ó: “Giết nó đi, thả Ba-ra-ba cho chúng tôi!” …24Ông Phi-la-tô quyết định chấp thuận điều họ yêu cầu. 25Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội bạo động và giết người. Còn Đức Giê-su thì ông trao nộp theo ý họ muốn….

33Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái.

34Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm. 35Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! ” 36Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi! ” 38Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do Thái.” 39Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” ….

44Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. 45Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. 46Đức Giê-su kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.” Nói xong, Người tắt thở.

47 Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Người này đích thực là người công chính !” 48 Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.

 III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG VÀ SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI KINH THÁNH

3.1 Chân dung của Thiên Chúa

3.1.1 Bài đọc 1 (Is 43, 16-21) là một đoạn văn tuy ngắn nhưng rất quan trọng đối với I-sai-a và mạc khải Ki-tô giáo. I-sai-a nói về ơn gọi và thân phận ngôn sứ của chính mình. Nhưng I-sai-a cũng nói tiên tri về Đấng sẽ đến trong lịch sử Ít-ra-en mà chỉ sau khi Chúa Giê-su bị đóng đinh trên thập giá và trỗi dậy từ cõi chết thì người tin mới khám phá ra ơn gọi, dung mạo và thân phận của Người.

Trong đoạn sách I-sai-a 43,16-21 trên, chúng ta thấy Thiên Chúa Ngôi Hai làm người đã tự chọn một thân phận có thể gọi là “hẩm hiu” mà không một ai lại dại đột và khùng điên đến độ tự chuốc lấy cho mình. Đó là thân phận của người mà Sách Thánh gọi là Người Tôi Tớ Đau Khổ.

 3.1.2 Bài đọc 2 (Pl 3,8-14) là đoạn Sách Thánh đáng được xếp vào hạng hay nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ viết về Chúa Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Những lời nói trên chỉ được rút ra từ những giờ phút chiêm niệm đắm mình trong mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Cũng có thể nói đó là những soi sáng, những mạc khải mà Chúa Thánh Thần đã ban cho Thánh Phao-lô để ngài chia sẻ với Hội Thánh là các tín hữu Phi-líp-phê và các tín hữu của mọi thời mọi nơi trong đó có chúng ta.

Trong đoạn 2 Cr 5,17-21 trên, Thánh Phao-lô trình bày Chúa Giê-su ở hai giai đoạn: Trước & trong và sau cuộc Khổ Nạn. Trước & trong cuộc Khổ Nạn thì Chúa Giê-su mang thân phận và chân dung của Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa. Nhưng sau cuộc Khổ Nạn thì Chúa Giê-su mang thân phận và chân dung của Đức Chúa khải hoàn chiến thắng vinh quang. Trước và trong cuộc Khổ Nạn là mầu nhiệm Nhập Thể và Thương Khó. Sau cuộc Khổ Nạn là mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên vinh hiển.

 3.1.3 Trong bài Tin Mừng (Lc 22,14 – 23,56) là cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su theo Tin Mừng Lu-ca.

 Qua bài Thương Khó của Lu-ca, chúng ta có được một tường trình về những nỗi ĐAU ngoài thân xác và những nỗi KHỔ trong tâm hồn của Chúa Giê-su, Chúa chúng ta:

* Những nỗi ĐAU ngoài thân xác là Chúa Giê-su bị bắt, trói, đánh đập, tra tấn, vác thập giá, bị đóng đinh vào cây gỗ và vị treo lên như một tên tội phạm. Gương mặt và thân xác Chúa bị bầm dập một cách tàn tạ khiến không ai chứng kiến mà có thể cầm được nước mắt!

* Còn những nỗi KHỔ trong tâm hồn của Chúa Giê-su thì khủng khiếp hơn nhiều. Đó là Chúa Giê-su bị người Do Thái và nhất là những người có quyền chức lãnh đạo trong tôn giáo khinh khi, thù ghét, tra vấn, đánh đập, chế diễu, kết án và giết chết. Nhưng còn một nỗi KHỔ tinh thần lớn hơn nữa là bị bán, bị chối và bỏ rơi bởi chính các môn đệ thân tín của mình! Thậm chí Người còn bị chính Chúa Cha bỏ rơi.

3.2 Sứ điệp của Lời Chúa    

Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là chúng ta hãy nhìn nhận Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa, là Đấng đã vì yêu thương nhân loại mà chấp nhận mọi cực hình thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Tình yêu vô biên ấy của Chúa Giê-su Ki-tô đòi chúng ta đáp lại bằng tình yêu của chúng ta.

IV. SỐNG VỚI THIÊN CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA NGƯỜI

4.1 Sống với Thiên Chúa

Là Đấng thương yêu loài người đến độ đã ban Con Một Người cho thế gian để Người Cứu Chuộc thế gian bằng cái chết thập giá.

Là Chúa Giê-su, Thiên Chúa Ngôi Hai xuống thế làm người, Đấng đã yêu thương loài người đến độ đã chịu chết trên thập giá vì loài người.

 4.2 Thực thi Sứ điệp của Người

Để thực thi sứ điệp của Lời Chúa hôm nay, tôi chẳng những phải biết cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa Tình Yêu mà tôi còn phải biết rao giảng Mầu Nhiệm Tình Yêu Thập Giá cho người xung quanh!

 V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH

5.1 «Khi vừa nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các dân các nước trên địa cầu này được ơn nhận ra Chúa Giê-su bị đóng đinh thập giá là Cứu Chúa của mọi người!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 5.2 «Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho tất các cả các Ki-tô hữu, cách riêng cho Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô, cho các Hồng Y, Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế, để mọi thành phần Dân Chúa sống mật thiết với Thiên Chúa bị đóng đinh thập giá và nhiệt tâm rao giảng Tin Mừngthập giá!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 5.3 «Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao!» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho những người phản bội Tình Yêu và từ chối Sự Chăm Sóc của Thiên Chúa để họ được ơn hoán cải mà trở về trong Mùa Phục Sinh này.

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 5.4 «Toàn thể dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.» Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các Ki-tô hữu trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy khám phá ra ý nghĩa của Mầu Nhiệm Thập Giá mà sống cho thích hợp với Tình Yêu Thập Giá của Thiên Chúa!

Xướng: Chúng ta cùng cầu xin Chúa!

Đáp: Xin Chúa nhậm lời chúng con! 

 Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.              

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31