LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ: LÀM LỄ
Bài Đọc 2 (1Côrintô 11, 23-26), Thánh Phaolô nhắc lại việc Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể và Chúa tha thiết mời gọi các tông đồ tiếp tục cử hành Thánh Thể cho đến ngày tận thế: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
“Việc này”, không là một nghi thức, một cách thức: cầm bánh, đọc lời chúc tụng, tạ ơn… nhưng là việc hiến tế đời mình, trở nên của ăn, thức uống cho mọi người. Việc này, hẳn phải hiểu một là việc trở nên lễ tế hiệp cùng lễ tế Chúa Giêsu, hai là việc tế lễ cho Thiên Chúa Cha, mà cả hai, từ nhà đạo gọi nôm na là “làm lễ”
Có thể có nhiều người còn nhớ những kỷ niệm ấu thơ thật đẹp, được cha mẹ dẫn đến nhà thờ và sốt sắng tham dự Thánh Lễ với cha mẹ. Nhờ vậy, có khi thuộc lòng cả những lời xướng đáp trong thánh lễ, thuộc lòng cả cử chỉ phụng vụ của linh mục trên bàn thờ. Không ít cậu bé đã về nhà bắt chước linh mục: “làm lễ”. Cha Mẹ thật vui mừng vì thấy con trai mình “tập làm lễ”. Khi con trai tập làm lễ, thì Cha Mẹ lại mơ ước, cầu xin cho con trai mình làm Linh Mục để làm lễ.
“Làm lễ”, hai từ nhà đạo cổ xưa ấy, rất dân gian mà thật tuyệt vời. Một linh mục “làm lễ” hẳn không chỉ là cử hành đúng nghi thức thánh lễ, để chính nhờ chỉ một lời của Linh Mục mà bánh rượu kia trở nên Máu Thịt Chúa Giê-su, nên lương thực thiêng liêng cho ai ăn Thịt uống Máu này được sống đời đời, mà còn chính linh mục ấy trở nên lễ tế toàn thân xác linh hồn cho Thiên Chúa Cha, hiệp với lễ dâng Chúa Giê-su, mà dâng lên cho Thiên Chúa Cha để đền vì tội lỗi nhân loại. Ngài vừa là lễ tế, vừa là người tế lễ.
“Việc này” mà Chúa Giêsu nói tới trong khi lập phép Thánh Thể, đã được báo trước từ “việc này” của một em bé “làm lễ” trong phép lạ bánh cá hóa ra nhiều. “Năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ” là phần ăn nuôi sống em bé ngày hôm đó. Thế nhưng, em không ngại ngùng hiến dâng phần sự sống của mình cho ngàn người. Chắc chắn là em bé không hiểu chuyện gì ngoài việc hiến dâng. Và khi đã dâng, liệu em có liều lĩnh không, có dại dột không khi không màng đến sự sống của mình nữa. Nếu là tôi, là bạn, hẳn chúng ta phải lo cất giấu cách nào đi để mình được no trước đã. Các tông đồ cũng thấy cái ít ỏi đủ cho một em bé ăn ấy, nên bảo “chừng ni thì thấm vào đâu cho cả ngàn người”. Em bé đã làm lễ: dâng sự sống mình để mọi người được sống.
Chúa Giê-su làm lễ: là lễ tế, Ngài hiến mạng sống mình trở nên của ăn uống thiêng liêng nuôi linh hồn chúng ta. Ngài tế lễ, dâng sự sống của chính mình cho Thiên Chúa Cha, để Thánh Thần thánh hóa nên của ăn cho mọi người được sống.
Hiểu theo cách này, thì giữa hai việc làm lễ của cậu bé và của Chúa Giê-su có tương quan. Và từ đó, có thể nói rằng hiện có bao nhiêu con người hèn hạ thấp kém nhất trong cuộc đời cũng đang làm lễ, nếu họ biết kết hợp sự hy sinh mạng sống mình với Chúa Giê-su mà dâng lên cho Thiên Chúa Cha.
Bà bán cháo lòng ở chợ Trà Cổ vẫn còn đang làm lễ với cái xe đẩy cũ kỹ khắp chợ khi con bà đã chịu chức Phó Tế ở Roma. Bà bán vé số vẫn còn đang làm lễ ở quán cà phê, quán ăn quanh thị trấn Cam Đức, Cam Lâm khi con bà đã là một linh mục SVD ở Sài gòn. Bà góa bán tạp hóa ở Tân Bình cũng đang làm lễ miệt mài với hóa đơn, hàng tạp khi con bà đã xong năm cuối ở Đại Chủng Viện Xuân Lộc. Chị H tật nguyền vẫn tiếp tục làm lễ với gánh chè xôi nước vì đứa con bịnh bại liệt não từ nhỏ đến nay 14 năm rồi vẫn nằm một chỗ không hơn. Bao nhiêu người trong đời sống gia đình cũng đang làm lễ: hy sinh từng ngày để bảo toàn hạnh phúc hôn nhân, xây dựng cơ đồ đức tin và vật chất cho con cháu.
Cả bạn và cả tôi, cả chúng ta, mỗi người đang làm lễ, đang cử hành Thánh Thể ngay trong cuộc đời mình, nếu mỗi cố gắng hy sinh của mình, trở nên sự sống phần xác, trở nên niềm vui thiêng liêng, trở nên niềm hy vọng vào tình yêu Chúa hiển hiện trong đời.
Thiết tưởng, “Làm việc này mà nhớ đến ta” không chỉ đóng khung trong việc làm lễ của các linh mục thừa tác, để rồi, khi nghe nói “giáo dân làm lễ” thì bỗng có vài người dị ứng cho rằng đó là chủ thuyết của mấy người chống phá giáo hội. Cũng nên đề nghị bỏ đi cái não trạng xa xưa về hai từ “làm lễ”, bỏ đi cái dị ứng cao ngạo, và thay vào đó, nên khích lệ các tín hữu “làm lễ” theo cách của mình: “không đọc lời truyền phép” như linh mục với chức tư tế thừa tác, nhưng hiến tế cả sự sống mình cho người khác được sống theo nghĩa tư tế cộng đồng. Ai được quyền đọc lời truyền phép thì cứ “đọc lời truyền phép”, còn ai không được quyền ấy, thì cứ “làm việc này” là hiến thân, là bẻ chiếc bánh đời mình ra cho người khác được ăn và được sống. Chiếc bánh bắng bột mì, bột gạo, chiếc bánh bằng bột Lời Chúa, bằng bột đời sống công chính, chiếc bánh bằng bột các nhân đức khiêm nhường, hy sinh, phục vụ, chiếc bánh bằng bột sẻ chia, an ủi, chạnh lòng, quan tâm, giúp đỡ…. Tất cả phải là chiếc bánh của tình yêu, kết hiệp với Chúa, phải đượcbẻ ra vì yêu Chúa, vì Chúa Giê-su.
Nếu không khơi gợi ý nghĩa “làm lễ” nơi giáo dân, hẳn họ cứ mãi chìm trong sự thoái thác hoàn toàn cho các linh mục, họ sẽ không dám tận dụng cơ hội, ý nghĩa quí giá này mà cộng tác với việc cử hành Thánh Lễ, cử hành Thánh Thể trong đời mình. Hóa ra, đời mình thật vô nghĩa, thật nhàm chán, nhất là trong thời đại vô cảm “không chịu bẻ bánh” này.
Trong bản tin của Lm. G. Trần Đức Anh OP http://emty.org/ViewNewsDetail.aspx?tabid=56&mid=370&NewsPK=14334, có viết:
“Trong Thánh lễ sáng thứ hai, ngày 27-5-2013, tại Vatican, ĐTC Phanxicô phê bình thứ văn hóa chỉ tìm kiếm an sinh thoải mái và bị thu hút vì những gì làm tạm thời.
ĐTC đặc biệt nói đến hai thứ “giàu sang văn hoá”, trước tiên là thứ văn hoá tìm kiếm an sinh thoải mái, làm cho chúng ta bớt can đảm, trở nên lười biếng và ích kỷ hơn. Sự an sinh thoải mái này là một thứ ‘thuốc mê’. Trong não trạng đó, người ta không muốn có hơn 1 đứa con vì sợ không thể đi nghỉ hè, không thể đi nơi này nơi kia, hoặc không mua được nhà cửa hay tìm kiếm các thứ tiện nghi khác.
ĐTC nói: “Tôi đã nghe có người muốn làm linh mục, nhưng không muốn kéo dài quá 10 năm. Hoặc nhiều cặp kết hôn, tuy không nói ra, nhưng họ chỉ muốn kết hôn bao lâu tình yêu còn kéo dài, rồi sẽ tính sau.” Hai thứ giàu sang đó cản trở chúng ta tiến bước. Tôi nghĩ đến bao nhiêu người nam nữ đã bỏ quê hương của họ để đi làm thừa sai trọn đời: đó là một điều chung kết. Nhưng tôi cũng nghĩ đến bao nhiêu người nam nữ đã bỏ nhà mình để kết hôn trọn đời; đây cũng là sự theo Chúa Giêsu cận kề! Đó là một điều chung kết!” (SD 27-5-2013)”
Trở lại chuyện cậu bé tập làm lễ, ước mong mọi người cũng tập “làm lễ” trong cuộc đời mình, tập “bẻ chiếc bánh đời mình ra” để nên sự sống phần xác và phần hồn cho mọi người.
Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Mình Thánh Máu Thánh Chúa là sinh lực thiêng liêng cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết bẻ tấm bánh đời mình ra mà hiến trao cho mọi người. Amen.
PM. Cao Huy Hoàng, 29-5-2013
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM C: HÃY GIỮ LÒNG MÌNH NHẸ NHÀNG VÀ TỈNH THỨC ĐỂ ĐÓN CHÚA ĐẾN
- KINH TRUYỀN TIN LỄ CHÚA KITÔ VUA: ĐỨC GIÊSU LÀ ‘VUA’ CỦA TÔI KHÔNG?
- QUAN TÂM
- ÁI MỘ NHỮNG SỰ TRÊN TRỜI
- SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH A: NGÔI LỜI TỎ TÌNH THIÊN CHÚA
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH: NGƯỜI LẠ
- CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH : THEO ĐỊNH HƯỚNG CỦA CHỦ CHIÊN
- MUỐI VÀ ÁNH SÁNG
- BÌNH AN DƯỚI THẾ CHO NGƯỜI LÒNG NGAY
- THIÊN CHÚA GIÁNG SINH TRONG MỘT GIA ĐÌNH
- THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA
- CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, C: ĐẤNG PHẢI ĐẾN, ĐÃ ĐẾN
- CHÚA NHẬT 2 MÙA VỌNG A: LỜI CẢNH TỈNH KHẨN THIẾT
- CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG A: MÙA YÊU THƯƠNG
- CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C: TÔN VINH ĐẦNG “BỊ ĐÓNG ĐINH THẬP GIÁ” LÀ VUA
- SUY NIỆM LỜI NGÀI TUẦN 34 TN C
- CHÚA NHẬT 33 TN C, LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM: THÁNH VỊNH ĐÁP CA 125
- CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM C : THEO CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ