LỄ THÁNH GIUSE THỢ, SUY NGHĨ VỀ CÁC Ý NGHĨA LAO ĐỘNG KITÔ GIÁO

Written by xbvn on Tháng Năm 3rd, 2014. Posted in Gia đình, Luân lý, Nhân bản, Tý Linh

Tối thứ Năm 1.5.2014, lễ Thánh Giuse Thợ, các người cha gia đình trong giáo xứ Kim Long, Huế, đã hân hoan mừng lễ bổn mạng của mình. Với tâm tình đơn sơ, các “cột trụ” gia đình này đã tham gia đoàn rước chủ tế, đọc sách Thánh, hát đáp ca, dâng lời nguyện tín hữu và tham gia vào khiên bàn kiệu Đức Mẹ của Giáo xứ.

Giảng trong thánh lễ, cha Quản xứ mời gọi mọi người suy nghĩ về ý nghĩa Kitô giáo của lao động . Việc Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người trong một gia đình lao động không phải là một cớ vấp phạm (như đối với những người đồng hương của Chúa Giêsu thời bấy giờ), nhưng mang lại một ý nghĩa cao cả cho sinh hoạt của con người nơi trần  thế. Đó là một “Tin Mừng về lao động”, khi Con Thiên Chúa đi vào đời thường của con người để giúp thánh hóa lao động, nâng cao phẩm giá lao động và mang lại ý nghĩa cho lao động.

 Lao động không phải là một hậu quả của tội lỗi, bởi vì trước khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt họ vào vườn Ê-đen “để canh tác và chăm sóc”. Lao động chỉ trở nên “vất vả và  cực nhọc” khi Adong và Evà phạm tội: “ngươi phải đổ mồ hôi mới có miếng ăn”. Nhưng giờ đây, với sự hiện diện của Chúa Giêsu trong gia đình nhân loại, xuyên qua một gia đình lao động, Ngài đã trả lại cho lao động giá trị của nó và làm  tăng thêm ý nghĩa.

Vạch ra các ý nghĩa khác nhau của lao động, cha Quản xứ trước tiên nêu lên:

+ ý nghĩa căn bản đầu tiên, đó là kiếm sống, nuôi sống bản thân. Thánh Phaolô nói: “Ai không làm thì đừng có ăn”. Từ đó cha Quản xứ kêu gọi mỗi người con trong giáo xứ đừng vì lười biếng mà trở nên một gánh nặng cho người khác, ăn bám người khác. Nhưng mỗi người hãy ra sức làm việc để có miếng ăn nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, cha Quản xứ nhấn mạnh nếu chỉ dừng lại ở ý nghĩa này mà thôi, thì con người vẫn thấp lè tè, vì mỗi ngày con gà, con vịt vẫn kiếm ăn.

+ Chính vì thế phải nâng cao ý nghĩa lao động con người, không chỉ kiếm tiền, kiếm sống mà  thôi, nhưng là qua lao động để hoàn thiện bản thân. Hoàn thiện không chỉ về mặt kỹ thuật, kỹ năng, nhưng còn về con người, cần được trưởng thành hơn trong nhân cách, được nhân bản hóa, trau dồi các đức tính con người: trở nên người hơn. Bởi vì ý thức rằng một người thợ giỏi chưa phải là một con người tốt! Lao động là cơ hội con người khẳng định chính mình, như là một chủ thể lao động, với những quyền và nghĩa vụ.

+ Điều đó dẫn đến ý nghĩa thứ ba của lao động: lao động là phương tiện trao ban chính mình. Qua lao động, con người không chỉ ích kỷ nuôi sống bản thân, vơ vét cho chính mình, nhưng là trao ban và làm phong phú cho người khác: cho gia đình của mình và cho xã hội. Một người cha hay mẹ không đem tiền về nuôi sống gia đình và nuôi dưỡng con cái, nhưng đem tiêu xài, cờ bạc rượu chè, thì không phải là lao động đích thực. Và mỗi người chỉ góp phần xây dựng xã hội khi đóng góp xây dựng tích cực cho xã hội qua công ăn việc làm của mình. Đó là tham gia vào công trình tạo dựng của Chúa bằng việc nhân bản hóa và bảo vệ môi trường xã hội, bằng việc trao ban, như Thiên Chúa đã trao ban cho con người coi sóc và  canh tác vũ trụ, thì con người qua lao động cũng biết trao ban những gì mình làm  cho người khác.

+ Cha Quản xứ đặc biệt đề cập đến ý nghĩa truyền giáo của lao động. Lao động là phương tiện để thánh hóa bản thân và thánh hóa đời sống xã hội. Nó góp phần vào việc loan báo Tin Mừng qua việc dấn thân xây dựng lòng tôn trọng phẩm giá con người, xây dựng công bằng và liên đới, không trở nên nô lệ cho công việc, cho đồng tiền (một Kitô hữu sửa xe mà gian dối thì không thể loan báo Tin Mừng được!). Qua lao động, người Kitô hữu còn hướng đến chân trời vĩnh cửu là sự sống đời đời, chứ không chỉ hạn hẹp trong thế giới này, như Đức Bênêđíctô XVI đã nói: “Nếu không có tầm nhìn vào đời sống vĩnh cửu, sự phát triển con người sẽ thiếu sức sống trong thế giới này…” (Caritas in veritate, 11).

+ Sau cùng, đối với người Kitô hữu, lao động là họa lại hình ảnh của Chúa Kitô: không chỉ nhờ Chúa Kitô, cùng với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô thánh hóa lao động của mình, nhưng giờ đây, những làm lụng vất vả cực nhọc từ nay mặc lấy một ý nghĩa mới, chúng không còn là hậu quả của tội lỗi, nhưng là tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô. Qua lao động, con người cộng tác vào chương  trình cứu độ của Thiên Chúa.

Chính trong các ý nghĩa đó mà cha Quản xứ cầu chúc cho các người cha gia đình, trong ngày lễ bổn mạng của mình, không chỉ là những người xây dựng gia đình bằng làm lụng kiếm sống đem về miếng cơm manh áo, nhưng còn là những con người biết tạo ra những giá trị và ý nghĩa  trong gia đình của mình, những giá trị đức tin, luân lý và nhân bản. Đó là đỉnh cao của lao động, qua lao động con người là những chủ thể biết tạo nên các giá trị và ý nghĩa cho sinh hoạt của mình.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Việt Vatican

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30