LỊCH SỬ LINH ĐẠO KITÔ GIÁO
LỊCH SỬ LINH ĐẠO KITÔ GIÁO
(tài liệu tham khảo cho môn học)
1. BỐI CẢNH DO THÁI GIÁO
Linh đạo Kitô giáo hiện lên trong truyền thống tâm linh Do thái giáo với các yếu tố của truyền thống này: sự hiện diện thường hằng của Thiên Chúa, sự trung thành với giao ước tình yêu của Ngài, lời sống động của Thánh Kinh, tính tối thượng của lề luật Thiên Chúa, sự cần thiết của phụng tự, và việc thực hành tưởng niệm. Được luyện lọc qua quá trình phát triển hàng bao thế kỷ, niềm tin Do thái giáo vào việc Thiên Chúa tự tỏ mình bằng nhiều cách đã được hiểu như được chuyển đạt bằng lời ghi khắc trong sâu thẳm tinh thần con người: ý thức, ký ức, ý chí, những giấc mơ. Phụng tự công cộng vẫn là tiêu điểm của căn tính dân tộc, nhưng linh đạo cá nhân thì qui hướng về sự hồi tưởng hay tập chú về sự hiện diện của Thiên Chúa.
Bằng một cách mới mẻ và bao hàm hơn, linh đạo Kitô giáo sơ khai tiếp tục giòng phát triển đã bắt đầu với Abraham, Môsê, các tiên tri, và những hiền nhân được linh hứng. Tiến trình tách rời khỏi lề luật và tập tục Do thái giáo đã diễn ra chậm rãi và từng phần, bắt đầu với Đức Giêsu.
2. ĐỨC GIÊSU VÀ CỘNG ĐOÀN TÔNG ĐỒ
Được người ta biết đến qua giáo huấn và các phép lạ của Ngài, Đức Giêsu rao giảng niềm tin cậy vào Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân chủ yếu cho giới trung lưu và tầng lớp cùng đinh trong xã hội, nhiều người trong họ nhìn nhận Ngài là Đấng Mêsia đã được hứa. Ngài chữa lành các bệnh nhân, những người mù, què… và tất cả những ai có vấn đề về tâm thần hay tâm linh, thậm chí Ngài cho những người chết được sống lại. Sau khi giới cầm quyền xử tử hình Đức Giêsu, đức tin của các môn đệ Ngài bắt đầu dựa trên sự kiện rằng Ngài đã sống lại. Sự phục sinh này được chứng minh qua nhiều cuộc hiện ra và được củng cố bằng việc trao ban Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần.
Linh đạo Kitô giáo sơ khai nhấn mạnh sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính Đức Giêsu, nơi sự qui tụ của các tín hữu hợp nhất với nhau nhân danh Đức Giêsu và trong giáo huấn của Ngài, và nơi mỗi người trong chính tư cách là con người (chứ không chỉ trong tư cách là môn đệ). Mục đích và ý nghĩa của linh đạo Kitô giáo là nhận ra và tài bồi ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa, một sự hiện diện vốn vừa ẩn giấu vừa biểu lộ – nói cách khác: một mầu nhiệm.
Đối với các Kitô hữu sơ khai, Đức Kitô siêu việt là chính Thánh Thần nội tại, Đấng sống giữa chúng ta và trong chúng ta, Ngài hiện diện trong các mầu nhiệm Phép Rửa và Thánh Thể, nhưng Ngài cũng hiện diện trong các nhu cầu của những người đau khổ, những người nghèo và những kẻ bị áp bức nữa (Mt 25,40). Thánh Thần của Đức Kitô cũng hiện diện nơi những ai tin vào mầu nhiệm Giáo hội là Thân Mình Đức Kitô, và nơi những ai cầu nguyện và làm việc cho triều đại của Thiên Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Mt 28,20). Mang đậm đặc tính cánh chung, linh đạo Kitô giáo sơ khai hướng vọng cuộc trở lại của Chúa Giêsu trong vinh quang chung cuộc của Ngài.
Các cộng đoàn địa phương phát triển xung quanh các Tông Đồ và các tác giả sách Tin Mừng – các vị rao giảng một cảm nhận rất biệt loại về các giáo huấn của Đức Giêsu và về ý nghĩa cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Sự căng thẳng giữa các Kitô hữu Do thái cực đoan và những người cởi mở hơn đối với các anh chị em dân ngoại mới trở lại đã dẫn tới một sự thương lượng không dễ dàng tại Công đồng Giêrusalem. Một thách đố khác nổi lên từ bên trong Giáo hội sơ khai, đó là quan niệm về một giới ưu tuyển thiêng liêng (spiritual elitism) dựa trên những đặc sủng phi thường như nói tiếng lạ, năng lực chữa bệnh và nói tiên tri (1Cr 14). Những biểu hiện ấy – mà Phaolô gọi đơn giản là các “ơn” và các tác giả khác gọi là những “điều kỳ diệu” – được giải thích là những dấu hiệu của ân ban từ Thiên Chúa, những dạng đặc biệt của ân sủng nhằm củng cố cộng đoàn thuở ban đầu. Chúng không thực hiện sự hiện diện của Thiên Chúa cho bằng là loan báo sự hiện diện ấy một cách đầy ấn tượng.
Phaolô và các môn đệ của ngài làm lắng bớt niềm tin vào cuộc quang lâm tức thì bằng một sự nhấn mạnh về việc thánh hóa đời sống trong thế giới hiện tại này để chuẩn bị cho sự sống vinh quang sẽ đến, nhìn nhận ngay cả trong hôn nhân là một bí tích của tình yêu Đức Kitô đối với Giáo hội và sự hiện diện của Ngài trong Giáo hội là Thân Mình Ngài (Ep 5,16). Với biến cố Giêrusalem bị tàn phá vào năm 135 và sự biến mất của Kitô giáo Do thái, linh đạo giai đoạn sau đó chủ yếu mang dấu ấn của Phaolô: có tính trung hòa, qui về sứ mạng, và cởi mở đối với thế giới ngoài Do thái giáo.
3. GIÁO HỘI SƠ KHAI
Văn chương linh đạo thời hậu Tông đồ nhấn mạnh đặc tính đơn sơ hay ‘một dạ trung thành’ (haplotès) như là lý tưởng Kitô giáo. Đối ngược lại sự đơn sơ này là thái độ bất quyết, ‘hai lòng’ (dipsychia), một thái độ được coi là dẫn tới sự thỏa hiệp và sự hủy hoại, nhất là trong thời kỳ bị bách hại.
Linh đạo thuở ban đầu của Giáo hội có bản sắc phụng vụ, tập chú vào sự đồng hóa với Đức Kitô trong Phép Rửa và trong Bí tích Thánh Thể. Những thể thức cốt yếu được vận dụng từ tập tục Do thái giáo, mặc dù các bài thánh ca, các tranh ảnh nghệ thuật và kiến trúc có bản sắc riêng cũng phát triển. Giống như kinh nguyện riêng tư, kinh nguyện cộng đồng vào buổi sáng và buổi chiều đã trở thành một thực hành rất phổ biến. Việc đọc Thánh Kinh trong gia đình cũng được thực hành rộng rãi. Linh đạo giai đoạn ban sơ này rất tập chú vào các thừa tác vụ, nhất là thừa tác vụ của các phó tế nam và nữ; họ là những người đem Thánh Thể đến cho các Kitô hữu ốm đau hay bị giam tù, họ phân phối thực phẩm và quần áo, và chăm sóc các nhu cầu của cộng đoàn. Các tổ chức từ thiện được thành lập để ủy lạo người nghèo, các góa phụ, cô nhi, và các bệnh nhân.
4. GIAI ĐOẠN MINH GIÁO
Rất nhiều bản văn linh đạo, tín lý và luân lý buổi ban đầu của các nhà “minh giáo”, hay những người bảo vệ đức tin – như Irênê, Giustinô Chứng Nhân, Clêmentê thành Rôma – là kết quả của những nỗ lực phản bác các đối thủ cũng như phản bác các dạng giáo huấn Kitô giáo không chính thống hay cực đoan. Các phái ngộ đạo, nở rộ từ giữa thế kỷ 1 đến đầu thế kỷ 3, chủ trương rằng ơn cứu độ chỉ có thể đạt được nhờ sự nắm hiểu các mầu nhiệm của Thiên Chúa, sự hiểu biết chỉ có thể tìm thấy nơi một nhóm ưu tuyển. Thế kỷ 2, phái Môntanít, một phái phản kháng bao gồm các Kitô hữu nhiệt thành và nhiệm nhặt về luân lý, đã lan tràn từ Phirygia đến Bắc Phi dưới ảnh hưởng của Tertulianô thành Carthage, một nhà minh giáo thời danh. Vốn chủ trương phản trí, theo thuyết thiên niên và bất bao dung, những người Môntanít đòi các Kitô hữu khắp nơi phải chấp nhận giáo huấn của họ. Thực hành kiêng khem và tiết chế được đẩy tới một mức thái quá nơi phái Encratít (phái tiết dục), trong đó tầm quan trọng của hôn nhân và tính dục bị phủ nhận, cách riêng bởi Tatian. Với việc đề cao hôn nhân, Kitô giáo chính thống đã bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em cũng như tính toàn vẹn của đời sống xét như một toàn thể.
Trong thế kỷ thứ nhất, một số nét khác biệt về linh đạo đã nổi lên từ những phong trào khác nhau trong truyền thống Do thái tại các nơi khác cũng như tại Palestine. Nhưng giòng chính của linh đạo Kitô giáo sơ khai, và “trường phái” hiện lộ đầu tiên, nhận nguồn gốc của nó từ truyền thống Khôn ngoan giữa những người Do thái ở Ai Cập, cách riêng như được định hình bởi Philô (khoảng 20 B.C–50 A.D.)
Sau biến cố tàn phá Giêrusalem vào năm 135, Antiôkia của Syria và nhất là Alexandria đã trở thành những trung tâm chính của thần học và linh đạo Kitô giáo, tiếp theo đó là Rôma, Êphêsô, Đamát và các thành phố ở Cicilia và Phirygia. Alexandria, thủ đô thứ hai của đế quốc, có một cộng đồng Do thái đông đảo, và Thánh Kinh đã được dịch lần đầu tiên sang tiếng Hi lạp cho họ. Ở đó, theo truyền thống, Thánh Máccô tác giả sách Tin Mừng đã thiết lập một Giáo hội, và vào thế kỷ 2, Pantênô đã bắt đầu những lớp giáo lý đầu tiên. Kế vị của ngài là Clêmentê (150– khoảng 215), là triết gia và thần học gia Kitô giáo đầu tiên. Giống như các nhà minh giáo, Clêmentê chống lại phái ngộ đạo bằng sự “hiểu biết đích thực” về đức tin. Cũng như Philô, thái độ của ngài đối với triết học là một thái độ cởi mở; qua ảnh hưởng của ngài khung ý niệm của tư tưởng Platon trung đại (Middle Platonism)[1] được xây dựng cho suy tư Kitô giáo. Clêmentê được nối tiếp bởi Origen (khoảng 185–254), nhà học giả Thánh Kinh Kitô giáo đầu tiên, người đã có những đóng góp quan trọng cho di sản linh đạo thần bí ngày càng phát triển qua các bài giảng và các tác phẩm khác của mình.
5. THỜI KỲ BỊ BÁCH HẠI
Những cuộc bách hại tại các địa phương hay trên toàn đế quốc vào cuối thế kỷ 2 và trong thế kỷ 3 đã khơi lên một linh đạo có tính phản kháng ôn hòa và có tính khích lệ. Các Kitô hữu sơ khai tin rằng sự đau khổ và cái chết của các chứng nhân hiện thực hóa cách hữu hiệu sự hiện diện của Đức Kitô, và những nhà quán quân ấy của đức tin nhận được sự tôn vinh đặc biệt trong ký ức cũng như trong nghi lễ. Nền linh đạo đã giúp các vị ấy chịu đựng đau khổ và chấp nhận cái chết thay vì từ bỏ đức tin vào Chúa Giêsu đã trở thành một kiểu mẫu cho mọi người. Vì thế, việc dạy bảo và khích lệ làm nên phần chính yếu của các bản văn linh đạo trong thời kỳ này – như: Hành động của các chứng nhân, các thư và các bản văn mục vụ của Inhaxiô thành Antiôkia, Polycarpô, Tertulianô, Cyprianô thành Carthage, và những tác giả khác. Nhưng sự phản kháng quyết liệt đối với việc hòa giải các Kitô hữu từng lầm lạc do sợ hãi đã dẫn tới những cuộc ly giáo vào thế kỷ 3 và 4, khi những nhóm Nôvatianít và Đônatít bác bỏ thái độ bao dung của Rôma và Carthage, cho rằng như vậy là phản bội các vị chứng nhân.
6. THỜI GIÁO PHỤ: PHONG TRÀO ĐAN TU VÀ THẦN BÍ
Dưới thời Constantine, sự cởi mở của đế quốc và sau đó là sự đón nhận Kitô giáo đã dẫn tới việc triều đình can thiệp vào các cuộc tranh cãi tín lý và dẫn tới sự nổi lên của một linh đạo dựa trên Đức Kitô là vị Vua tối thượng, dựa trên sự huy hoàng của phụng vụ và sự kiểm soát của phẩm trật. Là những người ủng hộ phái Arianít ở Antiôkia, các hoàng đế trấn áp hay thậm chí bách hại các nhà thần học và các giám mục chính thống Alexandria như Athanasiô, Gioan Kim Khẩu. Nhưng linh đạo thần bí của Alexandria được đẩy mạnh bởi việc tiếp nhận phong trào đan tu và được phát triển xa hơn nhờ một loạt các văn sĩ xuất chúng và thánh thiện.
Phong trào đan tu xuất hiện khi có những người tìm đến các sa mạc ở Palestine, Syria, và nhất là ở Ai Cập để chứng tỏ và tăng cường tình yêu của mình đối với Thiên Chúa qua một đời sống đơn sơ và chuyên chăm cầu nguyện. Được hướng dẫn bởi gương mẫu và các qui luật của Antôn, Pacômiô, Maria, Basiliô, các vị ẩn sĩ đầu đàn (abbas và ammas) qui tụ xung quanh mình cả các ẩn sĩ và các cộng đoàn tu. Các bài giảng, các câu chuyện và các châm ngôn của các đan sĩ như Diadôcô (khoảng 475–550), Evagriô Ponticô (346–399), Macariô Cả (khoảng 400), và Isaac thành Antiôkia (fl. 350) làm nên mảng văn chương chuyên biệt linh đạo đầu tiên. Vào khoảng năm 415, Gioan Cassian (360–435), một người Scythia nhận ảnh hưởng từ Evagriô, đã thiết lập hai đan viện ở Tây phương gần Marseilles, Các tác phẩm của ngài đã ảnh hưởng rất nhiều đến truyền thống Bênêđictin.
Trong các bài giảng và các bài viết của mình, các giáo phụ Cappadoce tên tuổi như Gregory thành Nazianzô, Basiliô Cả, Gregory thành Nyssa lần đầu tiên trình bày giáo thuyết linh đạo của thời kỳ này trong hình thức hệ thống, được hỗ trợ bởi vốn triết học tân phái Platon, bởi y học và khoa học. Chính qua các vị mà truyền thống agnòsia, “bất khả tri”, đặt nền trên Thánh Kinh và được phát triển bởi Philô, Athanasiô, và Clêmentê, đã đi vào linh đạo như một toàn thể. “Sự hiểu biết tiêu cực” về Thiên Chúa ở đây (linh đạo vô ngôn) vừa khác nhưng cũng vừa nối kết với “sự hiểu biết tích cực” (linh đạo khẳng định), dựa trên các ý niệm và các hình ảnh.
Cuối thế kỷ 5, khi Antiokia và Alexandria trôi xa hơn nữa để đi vào tư tưởng Nestôrianít và Nhất tính thuyết, những giòng chính của linh đạo Đông phương đã được tổng hợp rất hay bởi tác giả mạo danh là Dionysiô. Bốn quyển sách nhỏ và mười lá thư của ông được đón nhận bởi vì chúng được gán cho môn đệ của Thánh Phaolô, nhưng cũng vì tư tưởng khôn ngoan được tìm thấy trong đó nữa. Được ủng hộ bởi Maximô Vị Tuẫn Đạo Không Đổ Máu (the Confessor) và Giáo hoàng Gregory Cả vào thế kỷ 6, bộ tuyển tập của Dionysiô đã làm nên một ảnh hưởng lớn và kéo dài trên linh đạo của cả Đông phương lẫn Tây phương, nhất là vào thế kỷ 14.
Cũng trong thế kỷ 6, Lời cầu nguyện của trái tim (Jesus Prayer) được cổ súy bởi Điađôcô ở Photike, miền bắc Hy Lạp. Vốn đã được gặp thấy trong các văn liệu của Evagriô ở Pontô và các bài giảng của Macariô, lòng sùng kính Đức Kitô và lòng đau buồn hối tội được diễn tả lặp đi lặp lại rất thường xuyên. Điều này gợi lên một ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa và một tình trạng tĩnh tại (hesychia). Tình trạng tĩnh tại này, vốn đã phát triển ở Syria, Palestine và Ai Cập bởi Barsanuphiô và Gioan, Dorotêô, Viện phụ Philêmon và Thánh Gioan Climacô, là tiền thân của một trường phái linh đạo thần bí lớn, trường phái tĩnh tọa (hesychasm). Bất chấp những quấy rầy do cuộc thôn tính của Hồi giáo và do lạc giáo Icônôclát, linh đạo Byzantine phát triển thêm sáu thế kỷ nữa khi đế quốc thu hồi những vùng đất bị mất trong “Thời kỳ Đen tối” (Dark Ages), gồm cả những vùng rộng lớn của Ý và Tây Ban Nha.[2]
7. LINH ĐẠO LA TINH
Vào khoảng thế kỷ 5, các trung tâm của linh đạo và thần học Kitô giáo chuyển từ Ai Cập và Syria tới Phi châu và Ý, nơi mà ngôn ngữ chính thức của Giáo hội đã chuyển từ Hy lạp sang La tinh. Augustinô thành Hippo (354–430), vị tiến sĩ La tinh lớn nhất, đã tạo nên một ảnh hưởng linh đạo có tính quyết định trên toàn Tây phương. Đối với Augustinô, một người cổ võ phong trào đan tu cộng đoàn (cenobitic monasticism), thì tình bạn và công lý là những giá trị thiết yếu trước hết. Mặc dù trong những văn liệu về sau này Augustinô có thái độ tiêu cực đối với cả thân xác và lạc thú, linh đạo của ngài vẫn có tính quân bình, nhân bản và đúng mực – đối với ngài, mục đích duy nhất của khổ hạnh là để lớn lên và đạt sự hoàn thiện trong lòng mến Chúa yêu người.
Vào khoảng năm 360, Martin thành Tours đã thiết lập đời sống đan tu Pacômiô ở Gaul. Khi những cuộc xâm lăng của quân man di bắt đầu đe dọa đế quốc Tây phương, nhiều Kitô hữu thượng lưu cũng rút lui khỏi các vai vế trong xã hội để đi vào đời sống chiêm niệm cô tịch dưới ảnh hưởng của các linh đạo khổ hạnh của Giêrôm, Pelagiô, và Martin. Nhưng nổi bật nhất của thời kỳ này là phong trào đan tu của Bênêđict thành Nursia (khoảng 480–550). Linh đạo Bênêđictin nhấn mạnh tinh thần hiền hòa, vâng phục và khiêm nhường. Có tính phẩm trật, tập quyền và mục vụ, các tu viện phát triển ở các vùng hẻo lánh nhiều hơn là ở các thành phố. Các tu sĩ lao động chân tay như một phần của kỷ luật linh đạo của mình, nhưng họ cũng làm công việc sao chép và bảo tồn các thủ bản nữa. Việc đọc Thánh Kinh và các tác phẩm của các giáo phụ hằng ngày được ấn định, và chẳng bao lâu các tu viện đã trở thành các trường học của Âu châu.
8. GIÁO HỘI CELTIC VÀ CUỘC CẢI CÁCH CARÔLIN
Các Giáo hội Kitô được thành lập ở Celtic Britain từ thế kỷ 2. Phong trào đan tu lan đến đây vào thế kỷ 4, có lẽ đã bắt đầu với những người tị nạn hay những khách hành hương từ Gaul hay Ai Cập gần các tiền đồn của Rôma ở Cornwall, Wales và miền Nam Scotland. Ai-len đã được Patrick (khoảng 390–460) và các môn đệ loan báo Tin Mừng một cách thành công, với các đan viện được xây dựng từ Britain và Gaul trong thế kỷ sau đó.
Kitô giáo Ai-len và truyền thống đan tu của nó đã sản sinh ra nhiều thế hệ các thánh nhân và các học giả là những người đã dẫn đầu trong nỗ lực đem Âu châu trở lại sau thời kỳ bị các cuộc xâm lăng, trong số các vị này là Brendan (484–583), Columba (521–597), Aidan (fl. 651), Brigid (khoảng 450–523), Ita (fl. 570), và Hilda ở Whitby (614–680). Columban (540–615) đã thiết lập các đan viện từ Bỉ tới Ý. Trong thời hoàng kim của nó, linh đạo Celtic rất vững chắc, phong phú và rõ nét, mô phỏng phần lớn truyền thống sa mạc của Ai Cập.
Khi làn sóng các đan sĩ Celtic di chuyển về phương nam và phương đông, các thừa sai Bênêđictin từ Ý đi đến Anh và Pháp. Các đan sĩ như Boniface (680–754) rao giảng Tin Mừng cho các vùng dân ngoại ở Đức. Cuộc tái chiếm Âu châu từ tay man di bởi các vua Kitô giáo cũng kéo theo sự thiết lập những đan viện và những cộng đoàn tu mới, tại những nơi mà cả đức tin lẫn nông nghiệp và giáo dục đều phát triển.
Với việc Charlemagne (khoảng 742–814) lên cầm quyền trong tư cách là hoàng đế của Tây phương, Thời kỳ Đen tối được chấm dứt. Phong trào phục hưng Frankish tiếp sau đó đã mở ra một thế kỷ lớn mạnh về học thuật và nghệ thuật. Linh đạo cũng phát triển với các tên tuổi như Alcuin (735–804), Bênêđict ở Aniane (750–821), Hilduin (fl.835), Rabanô Maurô (776–856), Walafrid Strabo (808–849), cùng với các nam nữ đan sĩ học giả khác, như nữ kinh sĩ Sa-xông Hrosvit ở Gandersheim (khoảng 940–1002). John Scotus Erigena (khoảng 810–870) đã thành công trong việc dịch thuật các tác phẩm của Dionysiô sang tiếng La tinh, chuẩn bị cho sự phát triển vào thời Trung cổ của linh đạo vô ngôn.
9. THỜI TRUNG CỔ: PHONG TRÀO KINH VIỆN VÀ THẦN BÍ
Các cuộc cải cách gắn với các tu viện Cluny và Bec đã làm sinh động lại linh đạo đan tu vào các thế kỷ 11 và 12 với sự thành lập các dòng Camaldoli,[3] Carthusian[4] và Xitô. Linh đạo “sa mạc” của các dòng này, cùng với truyền thống vô ngôn và thần bí của Dionysiô và phong trào Kinh viện Bênêđictin, đã hình thành trường phái thứ ba có ảnh hưởng lớn vào đầu thời Trung cổ. Người gây ảnh hưởng trỗi vượt của thời này là tu sĩ Xitô Bênađô ở Clairvaux (1090–1153), các bài giảng và các chú giải của ngài đã đẩy mạnh chủ đề khoa ‘thần bí hôn thê’ (bridal mysticism).[5] Những khuôn mặt nổi bật khác trong trường phái của Bênađô bao gồm Hildegard ở Bingen (1098–1179), William St. Thierry (khoảng 1085–1148), và Aelred ở Rievaulx (1109–1167). Chủ trương phản trí của truyền thống Xitô đạt đỉnh cao của nó trong các tác phẩm của một cựu đan viện phụ, Joachim Fiore (1132–1202), những tác phẩm này đã đốt nóng thêm cơn sốt cánh chung ở miền nam Âu châu và đã bị lên án tại Công đồng Lateran thứ tư (1215).
Một truyền thống thiên về lý trí nhiều hơn được cổ súy trong các nhà thờ và cơ sở của các kinh sĩ dòng, như Thánh Victor ở Paris, dẫn đến việc tiếp nhận linh đạo vô ngôn, nhất là qua các tác phẩm của Hugh (khoảng 1080–1142) và Richard (d. 1173). Vào thế kỷ 13, thần học hàn lâm vượt qua thần học đan tu, với sự thống trị của các đại học. Linh đạo đô thị (urban spirituality) nở rộ với sự xuất hiện của các thầy dòng, những người nhanh chóng đổ xô tới các trung tâm học thuật mới. Đặc biệt, các tu sĩ Đa minh và Phanxicô cố gắng quân bình các yếu tố vô ngôn (apophatic) và khẳng định (kataphatic), học tập và mộ đạo, cánh chung và thực tiễn, chiêm niệm và hành động, sự khó nghèo triệt để và tính hữu hiệu. Các gương mẫu nổi bật được thấy nơi Bonaventure (1217–1274) và Tôma Aquinô (1225–1274), các ngài đồng thời là các nhà thần bí, các thánh, và các vị giáo sư.
Sự giao thoa giữa tính xã hội, lý trí và linh đạo trong các thế kỷ 12 và 13 đã dẫn đến việc nở rộ các phái cấp tiến, đôi khi lạc giáo, và sau đó là những can thiệp mạnh bạo của cả nhà nước và Giáo hội. Với ước muốn trở về tính đơn sơ của thời các Tông đồ, nhiều giáo dân – nam và nữ – gia nhập các nhóm Beguines và Beghards, đó là những cộng đoàn tự lập, không có qui chế giáo luật, với đặc tính linh đạo rất cao. Đầu tiên các nhóm này được chấp nhận, nhưng sau đó bị thẩm quyền Giáo hội nghi ngờ và trấn áp vào thế kỷ 14.
Những tên tuổi phụ nữ nổi bật của thời kỳ này là Mechtild ở Magdeburg (khoảng 1210–1282), Gertrude Cả (1256–1302), và Briget Thụy Điển (khoảng 1303–1373). Có những phụ nữ chống lại quyền bính, như Marguerite Porete, người đã bị xử tử vì lạc giáo ở Paris vào năm 1310. Nhiều người khác tị nạn trong các tu viện Đa minh, nơi mà sự tương tác giữa Kinh viện và thần bí dưới ảnh hưởng của Meister Eckhart (khoảng 1260–1328), Henry Suso (khoảng 1295–1366), và John Tauler (1300–1361) đã làm bộc phát một phong trào thần bí tại vùng Rhineland sẽ kéo dài đến thời Cải Cách. Phong trào thần bí cũng nở rộ tại các nước vùng Trũng, tại Anh, Ý, được gợi hứng từ các tác phẩm của Jan van Ruysbroeck (1293–1381), từ tác giả của Đám mây vô tri (fl. 1380), từ Angela ở Foligno (khoảng 1248–1309), Jacopone da Toldi (1230–1306), và Catherine ở Siena (1347–1380), và từ nhiều người khác nữa. Ở Đông phương, Gregory Palamas (1296–1359) mang truyền thống thần bí của phái tĩnh tọa tới đỉnh cao của nó.
10. SUY THOÁI VÀ PHỤC HƯNG
Bị tàn phá bởi Nạn Dịch và cuộc Chiến Tranh Trăm Năm,[6] bị dao động bởi cuộc đại ly giáo Tây phương, bởi phong trào phù thủy, và bởi sự bành trướng của Hồi giáo, Âu châu vào thế kỷ 14 và 15 chứng kiến sự tan rã của các tổng hợp thời Trung cổ và những linh đạo nổi tiếng của nó. Sự tha hóa lan rộng trong đời sống Giáo hội bị phản đối bởi những người cấp tiến như John Wycliffe (1330–1384) ở Anh và Jan Hus (1372–1415) ở Bohemia, nhưng sự đàn áp phong trào Lollards và cuộc hành quyết Hus tại Công đồng Constance, giống như trường hợp của Savanarola (1452–1498) sau này, không thể chấm dứt cao trào cải cách.
Jean Gerson (1363–1429) và Nicholas ở Cusa (1401–1464) tiêu biểu cho cuộc chuyển đổi kiểu thức linh đạo dẫn tới cuộc Cải Cách Tin Lành. Gerson chủ trương rằng chiêm niệm là một hình thức của tình yêu cao độ, được hướng dẫn bởi ý chí hơn là trí năng. Tác giả này cũng tách hành động ra khỏi chiêm niệm, không tin rằng mọi người được mời gọi kết hợp một cách đầy chiêm niệm với Thiên Chúa. Ông tin rằng đa số người ta chỉ có khả năng sống đời hoạt động trong thế giới, được cứu độ nhờ đức tin và nhờ các việc nhân đức mà không có ý thức gì về sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhận ảnh hưởng từ các nhà thần bí Rhineland, Hồng Y Nicholas là một nhà toán học, một học giả, nhà ngoại giao và nhà cải cách. Trong truyền thống vô ngôn, vị hồng y này khẳng định tính bất khả tri đối với những gì thuộc Thiên Chúa, khả năng kết hợp với Thiên Chúa qua tình yêu và công lý, và động lực phổ quát hướng đến sự hòa giải mọi đối lập trong bản tính hợp nhất của Thiên Chúa.
Linh đạo vào thời này thiên về kinh nghiệm cá nhân hơn là quyền bính thuộc cơ chế khi số phận kiếp sau, chủ nghĩa cá nhân, và thiên hướng tình cảm của phong trào mộ đạo hiện đại (devotio moderna) soán chỗ của phong trào thần bí cao độ ở vùng Rhineland. Với việc đề cao cảm xúc trên tư duy và với việc nhìn thế giới một cách tiêu cực, phong trào “mộ đạo mới” này tập chú vào Đức Kitô đau khổ. Tác phẩm tiêu biểu nhất của giai đoạn này là Gương Chúa Giêsu, được gán cho Thomas à Kempis (1380–1471), một kinh sĩ Augustin ở Agnietenberg.
Được gợi hứng bởi phong trào “mộ đạo mới”, các nhà nhân bản thời Phục hưng như Lorenzo Valla, Philip Paracelsus, Giovanni Pico della Mirandola, John Colet, Thomas More, và Desiderius Erasmus nối vào phong trào hướng đến cải cách. Nhưng cả phong trào mộ đạo lẫn phong trào nhân bản cuối cùng đều không thể ngăn chặn được sự xung đột công khai giữa các nhà Cải Cách cấp tiến và các quyền bính Rôma chống lại Cải Cách.
11. CUỘC CẢI CÁCH CÔNG GIÁO
Sự khao khát tâm linh đối với một cuộc trở về với Kitô giáo nguyên sơ của thời các Tông đồ, cộng với sự bất mãn trước những thối nát trong Giáo hội, đã dẫn tới sự đối đầu đầy bạo lực vào thế kỷ 16. Trên khắp miền Bắc Âu châu, sự thống trị lâu dài của truyền thống linh đạo đan tu bị chấm dứt. Nhưng khi những nỗ lực cải cách Công giáo bắt đầu, các linh đạo mới đã xuất hiện, nhất là ở Tây Ban Nha. Các phương pháp cầu nguyện và suy niệm gọi là “các bài linh thao” đã thay thế cho những thực hành đơn giản và thường thiếu cấu trúc của các linh đạo thời giáo phụ, đan tu và Trung cổ. Các bài “linh thao” này có những bước rất hệ thống, với nội dung rõ rệt, cấu trúc chặt chẽ và thời lượng cân đối. Ở Tây Ban Nha, Ý và Pháp, các thực hành này đặc biệt thành công xuyên qua sứ vụ của Inhaxiô Loyola (1491–1556) và Phanxicô Salesiô (1567–1622), người đã vận dụng thực hành mới này cho các nhu cầu và hoàn cảnh của những người giáo dân. Cuộc cải cách dòng Cát minh ở Tây Ban Nha nghiêng về truyền thống chiêm niệm thời Trung cổ, nhưng việc suy niệm có tính hệ thống cũng được khích lệ bởi Têrêsa Avila (1515–1582) và Gioan Thánh Giá (1542–1591).
Các nhà cải cách linh đạo Tây Ban Nha khác gồm có García Jimenez de Cisneros (1455–1510), Thánh Phêrô ở Alcántara (1499–1562), Luis de Léon (d. 1591), Thánh Gioan Avila (d. 1569), Thánh Phanxicô Borgia, Thánh Gioan Thiên Chúa, Phanxicô Osuna (1492–1540), và Thánh Bernardino ở Laredo (1482–1540) với tác phẩm Lên Núi Sion đã ảnh hưởng sâu sắc đến Têrêsa Avila. Nhưng các tác giả linh đạo trỗi vượt nhất của thời này rõ ràng là Têrêsa Avila và Gioan Thánh Giá, cả hai về sau được tuyên phong Tiến sĩ Hội Thánh. Tích cực, nồng nhiệt và không có tính hệ thống, sự mô tả của Têrêsa về các giai đoạn của đời sống thiêng liêng vượt trên bất cứ tác giả nào khác về cả chiều sâu và sự hàm súc. Là một nhà thần học vô ngôn, Gioan Thánh Giá cũng rất độc đáo trong tổng hợp của mình về các truyền thống lớn của thần bí Kitô giáo; tầm nhìn của ngài về cái toàn thể cũng gây ảnh hưởng lớn hơn các tác giả đi trước.
12. THỜI HIỆN ĐẠI
Trong khi các biến cố ở Đức và Tây Ban Nha chi phối linh đạo Công giáo vào thế kỷ 16, thì các phát triển ở Pháp lên cao trào vào thế kỷ 17. Trong giai đoạn xung đột với phái Calvin, các văn sĩ linh đạo chia ra giữa các ảnh hưởng truyền thống và Cải Cách. Phái Jansenít, với một linh đạo bi quan, đã có ảnh hưởng vươn xa bất chấp việc nó bị lên án ở Paris và Rôma. Linh đạo giòng chính được đại diện bởi các thánh và các nhà thần bí như Phanxicô Salesiô, Jane Frances de Chantal (1572–1641), Vinh sơn Phaolô (1580–1660), và Louise de Marillac (1591–1660). Những ảnh hưởng ít có tính thần bí hơn bao gồm các thành viên Oratoire Pháp, Hồng Y Pierre Bérulle (1575–1629); Jean-Jacques Olier (1608–1657), người sáng lập chủng viện Xuân Bích; Charles de Condren (1588–1647); Thánh Jean Eudes (1601–1680), môn đệ và là người kế nhiệm của Bérulle, và Louis Grignon de Montfort (1673–1716) – đó là “trường phái Pháp”.
Gần cuối thế kỷ, sự cổ súy cho một hình thức chiêm niệm thụ động đáng ngờ và một tình yêu vô cầu đối với Thiên Chúa được tiến hành bởi Miguel de Molinos (khoảng 1670-1697) và Madame Guyon (1648-1717) đã khiến cho những văn sĩ linh đạo chính thống phải rời khoa thần bí xa hơn nữa để hướng đến một chủ trương khổ hạnh khai thác các cảm thức về sự bất xứng của con người, về sự hạ mình xuống trước vẻ uy nghi cao cả của Thiên Chúa, và một mối thao thức đạt các nhân đức, nhất là khiêm nhượng và vâng lời. Sự “qui phục” đối với thánh ý Thiên Chúa trở thành một thực hành ngày càng phổ biến. Dần dần hạn từ spiritualité đã thay thế cho “lòng mộ đạo” (devotion), diễn tả một đời sống cầu nguyện có phương pháp và việc phục vụ tích cực, phân biệt với cả sự chiêm niệm lẫn nhiệt tâm sốt sắng.
Linh đạo Công giáo bị xáo trộn rất nhiều bởi những biến cố của thế kỷ 18 và 19, nhất là sự trấn áp các dòng tu, đan viện và những tổ chức tu trì khác trong suốt cuộc Cách mạng Pháp. Tuy nhiên, với sự vãn hồi trật tự cũ vào năm 1848, các dòng tu mới xuất hiện và các dòng tu cũ bắt đầu trở lại. Đời sống đan tu lại sinh động. Cuộc cải cách xã hội ở Âu châu và công cuộc thừa sai ở Mỹ, Phi và Á châu đòi phải có một thế hệ mới nhiệt thành với việc nối lại khoảng cách giữa quá khứ của Công giáo và thế giới hiện đại. Nhưng những sự lên án chủ nghĩa tự do bởi Giáo hoàng Gregory XVI vào năm 1832 và Piô IX vào năm 1869 đã làm cho đà chuyển động này phải dừng lại. Các nhà tư tưởng sáng giá như John Henry Newman (1801-1890) và Lord Acton (1834-1902) không thể xóa được khuynh hướng phản ứng mạnh của Rôma và của giáo phẩm xét như một toàn thể, vốn đạt cao điểm tại Công đồng Vatican I (1869-1870).
Nửa sau của thế kỷ, linh đạo có khuynh hướng dậm chân tại chỗ và có tính phòng vệ. Việc đạo đức bình dân ngày càng hướng về tính duy siêu nhiên hơn. Các cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria với Thánh Catherine Labouré vào năm 1830, rồi vào năm 1846 ở La Salette, và nhất là vào năm 1858 ở Lộ Đức đã phân cực quan điểm Công giáo và thế tục. Các phép lạ và các thị kiến của nhiều thánh khác được ghi nhận rộng rãi. Những sự kiện in dấu thánh như trường hợp Louise Lateau (1850-1883), Catherine Emmerich (1774-1824) và Thánh Gemma Galgani (1878-1903) đã thu hút rất nhiều sự chú ý. Nhưng bất chấp việc xuất bản các tác phẩm của Gioan Thánh Giá và một làn sóng quan tâm tới các nhà thần bí Trung cổ, tình hình nói chung vẫn khựng lại.
13. LINH ĐẠO THẾ KỶ HAI MƯƠI
Trừ vài ngoại lệ (chẳng hạn, von Hugel), linh đạo Công giáo vào đầu thế kỷ 20 không bị ảnh hưởng bởi sự leo thang xung đột giữa những người theo tư tưởng hiện đại và những người bảo thủ. Cho tới Công đồng Vatican II, phần lớn các giáo huấn và các thực hành vẫn đậm tính truyền thống. Nhưng rồi một linh đạo giáo dân sống động được đẩy mạnh bởi các nhóm Công giáo Tiến hành như Thanh Lao Công ở Bỉ và Pháp, Đạo binh Đức Mẹ (Legio Mariae) ở Ai-len, Phong trào Grail ở Hà Lan, Phong trào Cursillo ở Tây Ban Nha và Mỹ La tinh, và những phong trào ở Hoa Kỳ như Tổ chức Giới trẻ Công giáo, Phong trào Gia đình Kitô hữu, Phong trào Bạn Trẻ Sinh Viên Kitô Hữu.
Giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới, cuộc cải cách xã hội và chủ nghĩa hòa bình được đại diện bởi khoa thần bí tập thể của Phong trào Lao động Công giáo ở Hoa Kỳ và các nỗ lực theo tinh thần Phúc Âm triệt để như phong trào linh mục thợ vào những năm 1940 tại Bỉ và Pháp. Sau Thế Chiến thứ hai, một cuộc phục hồi đời sống đan tu ở Hoa Kỳ và những nơi khác đã chứng kiến hàng ngàn người, cả nam lẫn nữ, gia nhập vào các dòng chiêm niệm hay vào hàng linh mục giáo phận, và những hình thức đời tu ít nghiêm ngặt hơn. Những thay đổi trong Công giáo theo sau Công đồng Vatican II đã dẫn tới một sự đảo ngược mối quan tâm tới đời tu và sự rời bỏ hàng ngũ của rất nhiều giáo sĩ. Những hình thức linh đạo truyền thống cũng được thanh lý nhằm thể hiện được các niềm tin và những thực hành được thấy là phù hợp hơn.
Trong số những sự phát triển linh đạo thời hậu Công đồng, sự cộng tác có tính đại kết, vốn được bắt đầu giữa các Giáo hội Tin Lành vào giai đoạn sau Thế Chiến thứ nhất, đã dần dần ảnh hưởng đến các thái độ của Công giáo, mặc dù sự nhấn mạnh đã đột ngột chuyển từ đối thoại liên tôn và sự hiệp nhất các Kitô hữu sang các hình thức liên kết nhau để phản kháng chiến tranh và bất công xã hội trong các phong trào vì dân quyền, hòa bình và các phong trào nữ quyền.
Đi vào Công giáo vào thời gian Công đồng, phong trào Thánh Linh tồn tại chủ yếu như một phong trào của đại chúng. Được ủng hộ bởi nhiều giám mục và bởi chính Công đồng Vatican II, cuộc canh tân đặc sủng khẳng định các giá trị truyền thống, sự vâng phục đối với thẩm quyền Giáo hội và dân sự, lòng sùng mộ sâu đậm đối với Chúa Giêsu, niềm tin vào các phép lạ, đề cao cầu nguyện, và thái độ tin tưởng kỳ vọng sự độ trì trực tiếp và cụ thể của Thiên Chúa trong mọi cảnh vực của đời sống. Nhiều người Công giáo thuộc phong trào Thánh Linh cũng nghiêng về thiên niên thuyết.
Một số người Công giáo, bao gồm giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ, đã cố gắng phục hồi các linh đạo tiền Công đồng kết hợp với những đặc tính “siêu chính thống” của thời kỳ chống tư tưởng hiện đại (anti-modernist period), bao gồm khuynh hướng giáo sĩ trị, chủ trương bảo thủ chính trị, và sự trở lại với những thực hành phụng vụ La tinh và Triđentinô. Những phát triển ở chiều ngược lại bao gồm một mối quan tâm mới đối với các linh đạo của Giáo hội Đông phương, khoa thần bí, và một niềm trân trọng lớn hơn đối với niềm tín ngưỡng và sự thực hành tôn giáo Á châu, nhất là các hình thức yoga và thiền Phật giáo, những sự nhấn mạnh gắn liền với tư tưởng của Teilhard de Chardin (1881-1955) và Thomas Merton (1915-1968). Mối quan tâm ngày nay đối với vũ trụ học kết hợp với các linh đạo Thời Đại Mới (New Age) được nối kết với sự giải phóng niềm tin Công giáo khỏi một cái nhìn về vũ trụ theo thuyết “sáng tạo trực tiếp” (creationism). Các linh đạo giáo dân tiếp tục phát triển xuyên qua các chương trình Thăng Tiến Hôn Nhân, các nhóm A.A.,[7] các khóa hội thảo của phụ nữ, và nhiều tổ chức có những mối quan tâm chuyên biệt khác.
Sự nhấn mạnh gần đây đối với sức khỏe, bảo tồn thiên nhiên, và những lối sống đơn giản đã dẫn tới sự nổi lên của các linh đạo “xanh” quan tâm đến sinh thái và đến toàn vẹn tính (holistic). Một phong trào nhân bản tương tự về phía các tổ chức thế tục như hội Ân Xá Quốc Tế, tổ chức Bánh Cho Thế Giới, hội Bạn Của Trái Đất, tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace)… và nhiều tổ chức thiện nguyện khác đã đẩy mạnh sự phát triển của các linh đạo phi giáo phái trong truyền thống của Phong trào Thanh Lao Công, Công Giáo Tiến Hành, và phong trào theo Phân Phối thuyết gắn liền với tên tuổi của G.K. Chesterton và Hilaire Belloc vào thập niên 1930.[8]
Được thúc đẩy bởi sự nhấn mạnh rằng “Thiên Chúa ưu tiên chọn lựa người nghèo”, thần học giải phóng Mỹ La tinh gần đây đưa ra linh đạo giải phóng của mình; đây là một phong trào quần chúng có tính cấp tiến, qui hướng đến các cộng đoàn nhỏ dấn thân cho công bằng xã hội. Việc rao giảng về Đức Giêsu, nhất là các mối phúc, làm sinh động các linh đạo này – là những linh đạo vốn dành quan tâm đặc biệt đối với người nghèo và những nạn nhân bị loại trừ khác do những áp bức và những bất công xã hội. Chống lại sự tập trung của cải và quyền lực nơi giới thượng lưu cầm quyền, cuộc đấu tranh phản kháng những đàn áp chính trị và kinh tế của các dân tộc da màu và của các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu đang đem lại sự thay đổi rất căn bản trong cảm thức về sự hiện diện của Thiên Chúa và về vai trò của Giáo hội trong tiến trình lịch sử và trong kinh nghiệm cá nhân của người ta trên khắp thế giới.
Thiên Phong, dịch từ: RICHARD WOODS, O.P., “History of Christian (Catholic) Spirituality”, trong The New Dictionary of Catholic Spirituality, do Michael Downey chủ biên, The Liturgical Press xuất bản, 1993.
Thư mục:
– J. Aumann, Christian Spirituality in the Catholic Tradition (San Francisco: Ignatius Press, 1985).
– L. Bouyer et al., A History of Christian Spirituality, 3 vols. (London: Burns&Oates, 1968).
– C. Jones, G. Wainwright, and E. Yarnold, eds., The Study of Spirituality (New York: Oxford University Press, 1986).
– B. McGinn and J. Meyendorff, eds., Christian Spirituality: Origins to the Twelfth Century, World Spirituality 16 (New York: Crossroad, 1985).
– J. Raitt, ed., Christian Spirituality: High Middle Ages and Reformation, World Spirituality 17 (New York: Crossroad, 1987).
– R. Woods, Christian Spirituality: God’s Presence Through the Ages (Chicago: Thomas More, 1989).
[1] Các nhà triết sử xác định thời “trung đại Platon” (Middle Platonic) bắt đầu với Antiochus ở Ascalon (ca. 130-68 B.C.) và chấm dứt với Plotinus (204-70 A.D.), người được xem là đã đặt nền cho tân phái Platon (Neoplatonism).
[2] “Thời kỳ Đen tối” (Dark Ages): giai đoạn ban đầu của thời Trung cổ trong lịch sử Châu Âu. Cách riêng, từ này qui chiếu đến khoảng thời gian từ 476–800, khi không có hoàng đế Rôma ở Tây phương; hay, nói chung, qui chiếu đến giai đoạn giữa năm 500 và năm 1000, thời kỳ được đánh dấu bởi chiến tranh triền miên và đời sống đô thị dường như biến mất.
[3] Các nam nữ đan sĩ Camaldoli là một thành phần của gia đình Biển Đức. Họ là những cộng đoàn đan tu theo đuổi lối sống được phác họa trong Luật của Thánh Biển Đức, viết vào thế kỷ 6.
[4] Dòng Carthusian, cũng gọi là Dòng Thánh Bruno, là một dòng tu Công giáo Rôma với các đan viện khép kín. Được thành lập bởi Thánh Bruno ở Cologne vào năm 1084, dòng bao gồm cả các nam lẫn nữ đan sĩ. Dòng có luật riêng cho mình, gọi là Statutes, kết hợp lối sống ẩn sĩ và lối sống cộng đoàn. Tên gọi Carthusian rút ra từ dãy núi Chartreuse; Thánh Bruno đã xây dựng nhà đầu tiên của mình trong thung lũng của dãy núi này.
[5] Thần bí hôn thê là một trong chín kiểu tương quan với Chúa, trong đó mối tương quan giữa linh hồn và Thiên Chúa giống như giữa cô dâu và chàng rể. Sự kết hợp này được coi là hôn phối thiêng liêng.
[6] Chiến Tranh Trăm Năm là một loạt những xung đột từ năm 1337 đến 1453 giữa các vua của Pháp và của Anh, cùng với nhiều đồng minh của hai bên, nhằm giành quyền kiểm soát ngai vàng ở Pháp vốn đã bỏ trống khi dòng họ Capetian của các vua Pháp không còn.
[7] A.A. (Alcoholics Anonymous): Hội những người nghiện rượu vô danh.
[8] Phân phối thuyết (Distributism hay distributionism, hoặc distributivism) là một triết lý kinh tế con đường thứ ba, phát triển ở Anh vào đầu thế kỷ 20, dựa trên các nguyên tắc của giáo huấn xã hội Công giáo, nhất là các giáo huấn của Giáo hoàng Lêô XIII trong Thông điệp Rerum Novarum và Giáo hoàng Piô XI trong Thông điệp Quadragesimo Anno.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO