LINH MỤC CHUẨN BỊ THÁNH LỄ VÀ CÁM ƠN SAU THÁNH LỄ

Written by xbvn on Tháng Một 8th, 2013. Posted in Linh mục, Phụng vụ, Tâm linh, Tý Linh

 Trong đời sống linh mục, thánh lễ thường ngày đánh dấu điểm cao trọng nhất của ngày sống và trong bậc sống của người được thánh hiến trong Chúa Kitô cho Giáo Hội. Toàn thể cuộc sống của người linh mục phải được phân chia bằng hai thì long trọng : chuẩn bị thánh lễ và cám ơn vì việc cử hành thánh lễ này. Lời khuyên quý giá mà thánh Pierre-Julien Eymard đưa ra cho tất cả các Kitô hữu là phân chia ngày sống thành hai phần, phần thứ nhất để chuẩn bị cho Thánh lễ và phần thứ hai để cám ơn Chúa vì hồng ân cao cả của Ngài. Như thế, lời khuyên đó có thể trở thành một quy luật thiêng liêng của người linh mục. Nó hệ tại sống để cử hành thánh lễ và để tạ ơn Chúa Cha, cám ơn Ngài đã cử hành các mầu nhiệm cứu độ chúng ta. Do đó, thánh lễ đánh dấu nhịp sống thường nhật của người linh mục, nhịp sống hoạt động mục vụ, mang lại một chiều kích rất cao trọng cho thừa tác vụ thánh : tìm kiếm sự thánh thiện của cuộc sống trên hết mọi sự.

Trước tiên, chuẩn bị cho việc cử hành thánh lễ bằng việc cầu nguyện. Những kinh nguyện được đọc suốt Phụng Vụ mang lại những chủ đề suy niệm quan trọng và quý giá để bước vào mầu nhiệm sắp được thực hiện trên bàn thờ. Vào lúc dâng lễ vật, sẽ được quyền năng của Thiên Chúa biến đổi thành Mình và Máu của Con Ngài, trước khi đọc lời nguyện trên chén thánh, linh mục thêm một vài giọt nước vào rượu và cầu xin Chúa, Đấng Tạo Hóa và là Đấng Cứu Chuộc con người : « Per huius acquae et vini mysterium, eius divinitatis esse consortes, qui humanitatis nostrae fieri dignatus est particeps » (« Cũng như giọt nước này hòa chung với rượu, xin cho chúng con được thông phần bản tính Thiên Chúa của Đấng đã đoái thương chia sẻ thân phận làm người với chúng con »). Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa và là Chúa chúng con. Linh mục cầu xin để, nhờ mầu nhiệm nước cách biểu tượng được hòa vào rượu, chúng ta có thể tham dự vào bản tính thần linh của Đấng đã đoái thương đảm nhận bản tính loài người của chúng ta. Nước có nghĩa là nhân tính của chúng ta được Chúa Kitô đảm nhận trong sự nhập thể xuất thân từ cung lòng rất trinh khiết của Đức Trinh Nữ Maria, đang khi rượu có nghĩa là bản tính thần linh của Chúa Con, đồng bản thể với Chúa Cha và với Chúa Thánh Thần. Trong thánh lễ, vào lúc dâng lễ, linh mục, và, qua trung gian của ngài, toàn dân Chúa đang hiện diện ở « actio liturgica » (« hành vi phụng vụ »), cầu  xin cho có thể trở nên thông phần bản tính thần linh của Chúa Kitô và nhờ đó được Chúa Con đưa vào cung lòng của Thiên Chúa. Nhắc lại giáo huấn của Thư 2Pr 1, 4 : « thông phần vào bản tính Thiên Chúa », thừa tác viên cầu xin Chúa để có thể tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời, mà, vào giây phút này, trong hy lễ được biểu lộ nơi tấm bánh sẽ trở thành Mình Thánh và trong rượu sẽ trở thành Máu Thánh, được thông ban cho con người bằng việc đổi mới cách sâu xa toàn thể công trình tạo dựng và chính đời sống của con người. Trong nhân tính nghèo hèn của chúng ta, chúng ta có thể tham dự vào nhân tính của Ngài. Trong thánh lễ, chúng ta đi đến chỗ liên kết thần linh này : những gì là mỏng giòn và nhân loại được đảm nhận bởi Ngôi Lời và được biến đổi thành những gì là vĩnh cửu ; tắt một lời, chúng ta bắt đầu tham dự vào vĩnh cửu khi tiếp xúc với mầu nhiệm của Con Thiên Chúa. Đời sống của linh mục trở thành như những giọt nước hòa vào rượu này : nó được dâng lại cho Chúa Kitô để Ngài biến nó thành của Ngài vào giây phút này, cụ thể trong hành vi qua đó Ngài hiến mình cho Chúa Cha để thánh hóa thế gian.

Chuẩn bị cử hành hy lễ thần linh do đó có nghĩa là suy niệm cách chăm chú về những gì sắp được thực hiện : đời sống của tôi sắp được đảm nhận bởi Chúa Kitô Linh Mục và cùng với Ngài tôi trở thành một dụng cụ biến đổi cho thế giới; cùng với Chúa tôi tham dự vào sự sống thần linh đang cứu chuộc nhân loại. Điều đó đòi hỏi nơi thừa tác viên của Chúa Kitô sự ý thức và sự hợp tác, sự hiến dâng chính mình. Vì sự liên kết thần bí giữa Chúa Kitô, Thừa tác viên thánh và tất cả các tham dự viên khác mà linh mục chuẩn bị để trở nên của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1). Linh mục trở nên cùng với Chúa Giêsu, – Đấng làm cho điều đó cũng khả thể đối với các tín hữu – , hiến lễ sống động, nói đúng ra là một « rationabile obsequium », vốn là một sự thờ phượng thiêng liêng đích thực lên tới Chúa Cha qua trung gian của Chúa Con.

Điều này có thể vang vọng trong phần đầu tiên của ngày sống của người linh mục : cùng với Chúa tôi hiến dâng mình làm hy lễ. « Này là Mình Thầy…này là Máu Thầy » từ nay sẽ có nghĩa là sự sẵn sàng nội tâm của thừa tác viên để trở nên một với Chúa Kitô, kết hiệp thân xác của mình vì phần rỗi anh chị em. Đó là khúc dạo đầu cho những gì mà sách Khải Huyền gọi là tiệc cưới thần bí của Con Chiên (x. Kh 19, 9) : chúng ta chuẩn bị cử hành sự kết hiệp với Chúa bằng cách bắt đầu bằng việc bước vào loan phòng của mầu nhiệm của Ngài, của tâm hồn của Ngài. Sự trung gian của linh mục phải chuyển từ bình diện thừa tác sang bình diện hiện sinh, để chiều kích hiện sinh này bổ sung cho chiều kích thứ nhất, bằng cách cho thấy nơi thân xác của mình sự kết hợp của Chúa Con với Giáo Hội của Ngài. Chính với những tâm tình này mà linh mục chuẩn bị bước lên bàn thờ của Thiên Chúa. Sau cùng, sự tĩnh lặng của thừa tác viên, khi ngài khoác lên những phẩm phục thánh, đồng thời đọc những kinh tương hợp giải thích ý nghĩa sâu xa của nó, làm cho ngài hoàn toàn mặc lấy Chúa Kitô, mang lấy Thập Giá êm dịu của Ngài và bắt đầu tiến lên bàn thờ.

Đang khi việc chuẩn bị cho thánh lễ muốn đi cùng thừa tác viên của Chúa Kitô và làm cho ngài dần dần bước vào loan phòng của Đức Đại Vương, để lấy lại một kiểu nói của thánh Têrêsa Avila, cạnh sườn mở ra trên Thập Giá của Ngài, thì việc cám ơn theo sau hành vi phụng vụ muốn là sự tỏ lòng biết ơn ca ngợi và yêu mến lên tới Chúa Cha vì đã tái hiện hy lễ tưởng nhớ Con của Ngài. Chúng ta đang ở phần thứ hai của ngày sống linh mục, của cuộc sống linh mục. Chúng ta cảm tạ Thiên Chúa vì của lễ mà Ngài đã thực hiện nhân danh Con của Ngài, vì lợi ích của Giáo Hội và phần rỗi của nhân loại. Chúng ta đã dâng Chúa. Hy lễ thánh thiện của Ngài, vốn làm mọi sự mới mẻ, đã được đổi mới qua sự trung gian của hành động bí tích của chúng ta. Một tiếng « Xin vâng » tình yêu và vâng phục mới lên tới Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô, nhờ trung gian linh mục mà, trong Chúa Con, nói với Chúa Cha : xin cho ý muốn cứu độ của Cha được thể hiện. Linh mục đã dâng Chúa Giêsu, và như ngài đã từng loan báo trước điều đó trong biểu tượng hòa lẫn nước và rượu, ngài cũng đã dâng hiến chính mình cho đến độ trở nên một với Chúa trong sự hiệp thông với hy lễ của Chúa Kitô. Phụng Vụ là sống động trong chừng mực nó biến đổi chúng ta trong Chúa. Từ nay, thuộc về Ngài, chúng ta hoàn toàn là của Ngài. Tiệc cưới của Con Chiên Thiên Chúa đã được thực hiện. Chỉ sự thinh lặng và cầu nguyện mới có thể cho phép bước vào trong mầu nhiệm này. Từ nay, một lần nữa, với lời kinh Phụng Vụ,  linh mục có thể cám ơn Chúa Cha vì việc trao ban Con của Ngài và vì hành động tưởng nhớ mà ngài đã cử hành. Sau khi đã rước lễ và cho giáo dân rước lễ, trong khi ngài đang tráng chén, hình thức ngoại thường của Nghi lễ Rôma hướng dẫn linh mục cầu nguyện bằng những lời này : « Corpus tuum Domine, quod sumpsi, et Sanguis, quem potavi, adhaerat visceribus mieis et praesta: ut in me non remaneat scelerum macula, quem pura et sancta refecerunt sacramenta » (« Lạy Chúa, ước gì Mình Thánh Chúa mà con đã lãnh nhận và Máu Thánh Chúa mà con đã uống, ở lại trong cung lòng của con ; ước chi nhờ ân sủng của Chúa, xin cho con sạch khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, sau khi đã được nuôi dưỡng bởi bí tích trong sạch và thánh thiện như thế  » ). Chính bằng những dấu thần bí cao cả mà được diễn tả ước muốn rằng Mình và Máu Thánh Chúa ở lại trong cung lòng của thừa tác viên để không còn vết nhơ nào nơi mình, sau khi những mầu nhiệm thần linh này đã làm cho ngài trở nên trong sạch và thánh thiện. Sau khi rước lễ, linh mục đã trở nên một với Chúa. Vì đã trở nên một thân thể duy nhất với Ngài, nên linh mục thực sự có thể trở nên một tinh thần duy nhất với Ngài (x. 1Cr 6, 17) : Thân Thể Chúa Kitô biến đổi linh mục trong Ngài, làm cho linh mục sống nhờ Ngài.

« Agere » (« Hành động ») của linh mục nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) được ghép vào việc « vivere » (« sống ») trong Chúa Kitô (in Christo) : vì thế, đó là kết quả phát xuất từ đời sống thánh hiến của thừa tác viên. Một lần nữa, sự trung gian tư tế-bí tích phải được thông truyền cho con người của thừa tác viên và cho toàn bộ cuộc sống của ngài, để ngài sống nối dài nhân danh Chúa Kitô. Sống nhờ Ngài bởi vì bạn đã ăn Ngài (x. Ga 6, 57). « Này là Mình Thầy… » sẽ phải vang vọng cách mới mẻ sau sự thánh hiến bí tích : thân xác này của tôi phải là Thân Xác của Chúa Kitô. Chính ở đó mà sự độc thân thánh thiện tìm thấy lương thực thiêng liêng của nó. Đó không phải là hưởng một thứ dễ dàng mục vụ, được giải phóng khỏi một gia đình nhân loại để được thánh hiến cho một gia đình thiêng liêng mới cách hăng say hơn và không có những vấn đề khác. Đó cũng là điều đó nhưng không chỉ là điều đó. Linh mục múc lấy nơi Thánh Thể thước đo đích thực của sự độc thân của mình : ngài hành động nhân danh Chúa và do đó sống như Chúa của mình ; ngài thể hiện « munus » (« nhiệm vụ ») cứu độ của Chúa bằng cách hiện thân Ngài trong đời sống của mình, để ai nhìn thấy linh mục đều có thể thực sự thấy Chúa Kitô Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, Đấng hiến mạng sống mình nên giá chuộc cho nhiều người.

Hơn nữa, thực sự cần thiết phải cám ơn Thiên Chúa sau thánh lễ, bởi vì lời cầu nguyện cá nhân, khi dành đủ cho mình một không gian ngập tràn tình yêu và đối thoại với Chúa Phục Sinh, từ nay đang sống trong tôi : đó là hành động tạ ơn Chúa của linh mục, như Chúa tạ ơn Chúa Cha trong thánh lễ. Lời tạ ơn kéo dài mầu nhiệm Thánh Thể trong đời sống linh mục ; ngài hiện thân Thánh Thể cách nào đó trong đời sống của mình. Quả thế, nói đúng ra, thánh lễ là một hành vi tưởng nhớ và hy lễ dưới hình thức tạ ơn Chúa Cha. Qua lời cầu nguyện cá nhân, linh mục tạ ơn Chúa Cha về tất cả những gì ngài đã có thể thực hiện vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Lời nguyện này trở nên một hy lễ ngợi khen, thờ lạy mà, trong tình yêu, lên tận Thiên Chúa như là lời đáp trả của linh mục đối với hy lễ của Chúa Con. Những hoa trái của thánh lễ, nhất là đức ái và lòng nhiệt thành linh mục, có thể chín mùi nơi linh mục và biến đổi toàn bộ cuộc sống của ngài thành lời tạ ơn dâng lên Chúa Cha, vì Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần.

Domenico Giuliotti, một nhà đại trí thức thuộc vùng Toscan, người đã để lại cho chúng ta một chú giải thiêng liêng sáng ngời về thánh lễ, đã dẫn vào mầu nhiệm uy linh này trong đó chúng ta trở nên một với Chúa Kitô : « Nếu chúng ta chỉ dâng chính chúng ta, thì chúng ta sẽ chẳng dâng gì ; nhưng chúng ta hiến dâng chính chúng ta cùng với Ngài ; chúng ta lồng cái chết của chúng ta vào Sự Sống của Ngài và chúng ta trở nên sống động : « Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy ». Và chúng ta, chúng ta ăn tấm bánh tiêu diệt sự chết này. Đấng Vô Hạn thấm nhập vào cái hữu hạn ; cái hữu hạn được mở ra, rạng ngời, trong Đấng Vô Hạn. Đấng Tạo Hóa, hạ mình trong Thánh Thể, cho đến thọ tạo, hiến mình cho thọ tạo, cử hành hôn lễ của mình với thọ tạo » (Il ponte sul mondo, p.10).

Để kết luận, trong việc chuẩn bị cho thánh lễ rồi trong việc tạ ơn tiếp theo sau, đặc biệt cần phải nói với Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ là Trinh Nữ dâng mình trong Đền Thờ (x. Lc 2, 22.46) và rồi, cách rất cao cả và tuyệt đỉnh, ở đồi Can-vê, nơi Mẹ đứng kề bên Con của mình (x. Ga 19, 25-27), làm một với Ngài. Đức Trinh Nữ Maria dạy cho linh mục dâng trên bàn thờ Của lễ thần linh bằng những tâm tình hiền mẫu, dâng Con của Mẹ và chính bản thân cho Chúa Giêsu, như Mẹ đã làm. Qua đôi bàn tay vô nhiễm của Mẹ – được ban cho chúng ta với tình yêu mà chúng ta mang cho Mẹ – linh mục dâng Chúa Kitô cách xứng đáng nhất, « hy lễ vô tì tích », và dâng mình thành lời tạ ơn cho Thiên Chúa vì phần rỗi của mọi người.

(15/12/2012)

Lm. Serafino M. Lanzetta, FI

Tý Linh chuyển ngữ

Nguồn: Clerus.org

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30