LINH MỤC CÓ THỂ NÊN THÁNH KHÔNG? (1)

Written by lcd on Tháng Tám 22nd, 2020. Posted in Linh mục, Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thiên Phong

 Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

Dẫn nhập

Ngày nay, khắp nơi người ta có vẻ nói nhiều về những tai tiếng của linh mục (liên quan tới quyền bính, tiền của, đời độc thân tu trì…). Đành rằng đó có thể là chuyện ‘thấy cây không thấy rừng’, nhưng ít ra đối với chính chúng ta, là các linh mục, rất nên khiêm tốn đón nhận những dư luận đó như một dấu chỉ, một lời ngôn sứ…

Chủ đề “Linh mục có thể nên thánh không?” là một câu hỏi – và quả thật, ‘hỏi là đã trả lời’! Câu hỏi ấy sẽ chất vấn, thách đố và truyền cảm hứng hơn, nếu hỏi thế này: “Linh mục ngày nay ở đất nước này, tại giáo phận này, có thể nên thánh không?”

“Có thể nên thánh không?” là chủ đề về đời sống thiêng liêng… Mà đời sống thiêng liêng của linh mục (giáo phận) thì được định hình và cấu trúc bởi sứ vụ (thừa tác vụ) của mình, với đức ái mục tử là mối kết hợp và hội nhập hai chiều kích này. Đó là các nội dung chính trong loạt đề tài này.

– Nguồn tham khảo (đọc thêm):

Các tài liệu liên quan của Công đồng Vatican II; Tông huấn Pastores dabo vobis; Chỉ nam về Sứ vụ và Đời sống linh mục. Các tài liệu giáo huấn của Đức thánh cha Phanxicô và của Bộ Giáo sĩ gần đây, cách riêng: Tông huấn Evangelii gaudium, Tông huấn Amoris laetitia, Tông huấn Gaudete et exsultate, Tông huấn Christus vivit, Tự sắc Vos estis lux mundi, Chỉ dẫn về Thay đổi mục vụ cộng đoàn giáo xứ

Là linh mục bận rộn mục vụ giáo xứ, việc dành thời giờ đọc các văn kiện của Đức Thánh Cha và của các Thánh Bộ liên quan thường là không dễ! Nhưng thiết tưởng đây là công việc ưu tiên hàng đầu trong công cuộc thường huấn.

 

Đề tài 1: BỐI CẢNH – SỨ VỤ VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC HÔM NAY

  1. Các vị mục tử tốt lành trong thời hiện đại

Chúa ban cho Giáo hội thời nay một loạt các vị giáo hoàng rất tốt lành: Các thánh Giáo hoàng Gioan XXIII, Phaolô VI, Gioan Phaolô II… Cả hai vị còn sống là Bênêđictô XVI và Phanxicô cũng được nhiều người đặc biệt ngưỡng mộ. Giáo hoàng Gioan Phaolô I cũng đã được tuyên bố là Tôi Tớ Chúa bởi Đức Gioan Phaolô II (2003), và được Đức Phanxicô khẳng định nhân đức anh hùng và tuyên Đấng Đáng Kính (2017)… Dĩ nhiên, hẳn không phải vì các ngài làm giáo hoàng mà các ngài tốt lành!

Ngoài ra, người ta cũng biết nhiều mục tử là hồng y, giám mục, linh mục rất được yêu mến trong thời đại của chúng ta: Chân phước Charles de Foucauld (+1916, sắp được tuyên thánh), Thánh Pio Năm Dấu (+1968, linh mục Ý), Thánh Oscar Romero (+1980, tổng giám mục San Salvador), Helder Camara (+1999, tổng giám mục người Braxin), Abbé Pierre (+2007, linh mục Pháp, nhà hoạt động xã hội, từ thiện), John Lee Tae-seok (+2010, linh mục Hàn quốc, thừa sai ở Nam Sudan). Ở Việt Nam, được biết đến nhiều nhất có lẽ là: Phanxicô Xavie Trương Bửu Diệp (+1946, linh mục), Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận (+2002, Hồng y)…

Những tên tuổi trên chỉ là tượng trưng. Còn rất nhiều mục tử thực sự tốt lành dù không rất nổi tiếng ở khắp nơi… Như trong cơn đại dịch đang diễn ra, nhiều linh mục đã chết vì nhiễm virus từ bệnh nhân mà các ngài phục vụ (Ý: 109, Tây Ban Nha: 70, thời điểm 22.4.2020; Braxin: 21 linh mục và 3 giám mục, thời điểm 28.7.2020, bên cạnh con số 347 linh mục và 9 giám mục dương tính với Covid)… Cha Vincente Bùi Bằng Đoàn, PSS., mất 9.6.2020, dịp Ngân khánh – ngài nhiễm covid khi đang hăng say làm sứ vụ, chết vì bệnh nền là một dạng sốt rét hiểm độc và ung thư nhiễm phải khi làm thừa sai ở Phi Châu trong những năm đầu đời linh mục. Những cái chết gợi nhớ lời Chúa Giêsu: “Mục tử tốt lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên”, và: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu của mình”…

  1. Những vụ việc ồn ào và những tai tiếng

– Lạm dụng tình dục, nhất là liên quan đến trẻ em và vấn đề đồng tính: Như ở Mỹ, được phơi trần trong bộ phim Spotlight, vụ cựu Hồng y Theodore McCarrick (bị loại khỏi hàng giáo sĩ, tháng 2.2019); Chilê: tất cả các giám mục xin từ chức (2018); Ailen: Hồng y Sean Brady từ chức (2014)… Ngoài ra, những vụ lùm xùm ở Ấn Độ, Úc, một số nước Âu châu…

– Hồng y Raymond Burke và nhóm 4 hồng y ‘dubia’; Tổng giám mục Carlo Maria Vigano…

– Hồng y George Pell chịu tai tiếng trong một thời gian dài, rồi mới được giải oan năm nay… Chuyện này gợi nhớ câu chuyện của Hồng y Joseph Bernadin của Chicago (+1996)…

– Có những trường hợp giám mục bị cất chức vì quản trị yếu kém hoặc vì xa xỉ, lãng phí (ở Đức, Bỉ, Ấn Độ…).

-Trên đây chỉ là một số vụ việc ồn ào trên truyền thông thế giới… Như người ta nói: Phần nổi của tảng băng chìm! Những vụ việc ấy cho biết rằng có rất nhiều chuyện tai tiếng của giáo sĩ liên quan đến đời sống độc thân, tiền bạc và quyền bính xảy ra ở khắp nơi, dù không phải luôn luôn bị truyền thông khai thác cách ồn ào…

  1. Sự quan tâm của Giáo hội

– Giáo hội biểu dương gương sáng của các mục tử tốt lành: mở các án tuyên thánh, mở Năm Linh Mục (2009-2010) nhân kỷ niệm 150 năm Thánh Gioan Maria Vianney qua đời, khuyến khích những chứng từ, cải cách nền đào tạo linh mục (cập nhật Chỉ Nam về Sứ vụ và Đời sống Linh mục, 2013; cập nhật Ratio Đào tạo Linh mục, 2016)…

– Kể từ Pastores dabo vobis (1992) của Đức Gioan Phaolô II, dường như chưa có một Tông huấn hay Thông điệp chuyên biệt nào dành riêng cho linh mục… Nhưng hầu như trong mọi văn kiện giáo huấn của giáo hoàng đều có những trang, mục dành đề cập cách riêng đến linh mục – chẳng hạn mới đây, Evangelii gaudium, Amoris laetitia, Christus vivit… của Đức Phanxicô.

– Đối với những vụ việc tai tiếng liên quan đến vấn đề lạm dụng tình dục, Giáo hội có những nỗ lực khuyến cáo và xử lý theo hướng kịp thời và chặt chẽ hơn, như Tự sắc Vos estis lux mundi (9.5.2019)…

– Bộ Giáo sĩ: Huấn thị Linh mục, mục tử và người hướng dẫn cộng đoàn giáo xứ (2002); Huấn thị về Hoán cải mục vụ cộng đoàn giáo xứ để phục vụ cho sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội (29.6.2020)…

  1. Những dấu chỉ ấy mời gọi gì nơi chúng ta, các linh mục hôm nay?

– Vui mừng, tạ ơn về những chứng tá hùng hồn của các mục tử là hiện thân sắc nét của Chúa Giêsu Kitô Mục tử Tốt lành…

– Liên đới, chia sẻ với các mục tử gặp khó khăn, thất bại vì thiếu trung tín trong sứ vụ và đời sống linh mục…

– Đồng cảm với Mẹ Hội Thánh cả trong niềm vui lẫn những nỗi ưu tư liên quan đến phẩm chất sứ vụ và đời sống của giáo phẩm / giáo sĩ của mình…

– Khát khao nên thánh, tức thánh hóa và thánh hiến chính mình, là con đường duy nhất để chu toàn sứ vụ thánh hóa dân Thiên Chúa: “Muốn thánh hóa dân Chúa, phải thánh hóa hàng linh mục!”

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31