LINH MỤC CÓ THỂ NÊN THÁNH KHÔNG? (3)

Written by lcd on Tháng Tám 22nd, 2020. Posted in Linh mục, Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thiên Phong

Đề tài 3: LINH MỤC (GIÁO PHẬN) NÊN THÁNH QUA SỨ VỤ

  1. Ghi chú lịch sử về nghĩa vụ nên thánh của linh mục

– Trước Công đồng Vatican II, nhất là Bộ Giáo Luật 1917 (ĐGH. Piô X), có quan niệm về nghĩa vụ nên thánh của linh mục như sau: “Phải có sự khác biệt giữa linh mục và người giáo dân tốt, như khác biệt giữa trời và đất vậy, và do đó đời sống của linh mục phải tránh không chỉ những khiếm khuyết lớn mà cả những khiếm khuyết nhỏ nữa” (Tông huấn về Sự thánh thiện của linh mục, Haerent Animo, 8.1908)… Điều này cho thấy rằng sự thánh thiện trong đời sống linh mục đã được hiểu như điều kiện thiết yếu để nêu gương sáng và để làm sứ vụ. Nhưng có những hệ luận: (1) sứ vụ gây nguy hiểm cho sự thánh thiện của đời sống! … (2) giáo dân không cần nên thánh, vì họ khó có thể nên thánh! …

– Ít lâu trước Công đồng Vatican II, tầm quan trọng của sứ vụ linh mục giáo phận được nhấn mạnh, sứ vụ được coi như nơi chủ yếu để người linh mục theo đuổi sự thánh thiện (E. Masure, The parish priest, Chicago: 1955, 106)… Và Vatican II mạnh mẽ xác nhận ơn gọi nên thánh phổ quát của mọi thành phần trong Giáo hội, nghĩa là cả giáo dân …

  1. Sứ vụ là con đường nên thánh

– Trong một ngàn năm đầu tiên của lịch sử Kitô giáo, đời tu gần như được đồng hóa với đời đan tu. Những thế kỷ đầu, các đan sĩ thường là ứng viên ưu tiên cho chức giám mục, thậm chí giáo hoàng. Trong khi đó, đặc nét của đời đan tu là thoát ly trần thế và chuyên chăm cầu nguyện, khổ chế trong cô tịch. Vì thế, có hình thành một quan niệm về sự đối kháng giữa cầu nguyện và hoạt động, giữa chiêm niệm và tông đồ. Phải chờ đến đầu thiên niên kỷ thứ hai mới xuất hiện các dòng hoạt động trong Giáo hội.

– Trong bối cảnh ấy, các linh mục triều (linh mục giáo phận) nhận nhiều ảnh hưởng từ thể chế đan tu. Khi các chủng viện được thành lập, ảnh hưởng đan tu cũng được ghi nhận rất rõ trong cách tổ chức và sinh hoạt, cho mãi đến tận gần đây. Ngày nay, một trong những thách đố lớn trong tiến trình đào tạo linh mục là sự chuyển tiếp từ khung cảnh chủng viện sang môi trường giáo xứ khi chủng sinh mãn trường. Làm sao để chủng sinh chuyển từ ‘đan tu’ sang ‘đời’ một cách êm xuôi?

– Linh mục được truyền chức là cho sứ vụ, và khung cảnh của sứ vụ là ở giữa dân chúng, ở giữa đời. Linh đạo (tức con đường nên thánh) của linh mục giáo phận chia sẻ đặc tính của linh đạo giáo dân (tính cách trần thế) nhiều hơn là đặc tính đan tu. Chữ ‘triều’ vốn có nghĩa là ‘đời’. Linh mục ‘triều’ là một người của dân chúng. Trong khi đó, căn tính được thánh hiến trong Bí tích Truyền chức làm cho người linh mục trở thành một người của Thiên Chúa! Và như vậy có mối căng thẳng cố hữu nơi con người linh mục. Linh mục như thể là lưỡng tính, cùng một lúc ở hai thế giới. Linh mục giáo phận nên thánh qua việc sống sự căng thẳng này, chứ không phải bất chấp sự căng thẳng này. Anh ta là một người của dân chúng trong tư cách một người của Thiên Chúa!

  1. Sứ vụ và đời sống!

– Vì sứ vụ là lý do hiện hữu (raison d’être) của chức linh mục, nên chính sứ vụ định hình đời sống linh mục, chứ không ngược lại. Không phải ngẫu nhiên mà kể từ Vatican II, thành ngữ “sứ vụ và đời sống linh mục” gần như được cố định thứ tự như thế. Quả thực, các Nghị phụ Công đồng trong quá trình soạn thảo và biểu quyết bản văn Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis đã tốn nhiều công để đi đến quyết nghị này. Chính trong ý hướng này mà từ presbyter được chọn ưu tiên so với từ sacerdos. Cũng vậy, bộ ba chức năng ‘ngôn sứ, tư tế, vương đế’ được xếp đặt theo thứ tự khác với cách xếp đặt của Công đồng Trentô.

– Từ những hàm ý trên, có thể nói: Linh mục không chỉ nên thánh qua sứ vụ, mà nên thánh chính là sứ vụ. Bởi hiện hữu của linh mục là cho dân chúng và vì dân chúng mà thôi – presbyter pro populo!

  1. Linh đạo Tông đồ cho linh mục giáo phận

– Theo nghĩa rộng, mọi linh đạo Kitô giáo đều có tính tông đồ một cách nền tảng, cắm rễ trong bí tích Phép Rửa và bí tích Thêm Sức. Hoạt động tông đồ là thiết yếu trong ơn gọi Kitô hữu. Theo nghĩa chặt hơn, một linh đạo là linh đạo tông đồ khi “nó dành chỗ ưu tiên cho kinh nghiệm được Thiên Chúa sai đi (Hy ngữ: apostello) để hành động và, đôi khi, để chịu đau khổ vì tha nhân nhằm làm chứng cho Tin Mừng và bắt chước đời sống sứ vụ của Đức Giêsu”. Nói cách khác, linh đạo tông đồ xem tình yêu tự hiến cách lành mạnh trong việc phục vụ tha nhân như là bản chất cốt lõi của đời sống Kitô hữu. Rõ ràng, cái bản chất này của linh mục là đức ái mục tử!

– Một linh đạo tông đồ thì khác với một linh đạo chiêm niệm. Linh đạo tông đồ xem những khoảnh khắc chuyên chú cầu nguyện như phương tiện để giúp cá nhân – xét như một người đang lớn lên trong sự thân mật với Thiên Chúa – có thể phục vụ tha nhân với sự phân định nhiều hơn và đầy đủ hơn.

– Một số nét xác nhận một linh đạo tông đồ: (1) các việc cầu nguyện và khổ chế là những công cụ, nghĩa là phương tiện để đạt một điều gì đó khác; (2) tình yêu đối với tha nhân là định hướng cho mọi phương tiện khả dĩ sử dụng; (3) sự tự do để sẵn sàng phục vụ cho anh chị em đang cần mình là thái độ nền tảng của một linh đạo tông đồ. Như vậy, linh đạo tông đồ đặt người tông đồ ở giữa dân chúng và chính qua việc phục vụ dân chúng mà người tông đồ đi vào mối kết hợp với Thiên Chúa.

– Linh đạo của linh mục giáo phận là linh đạo tông đồ theo một cách riêng. Nói ‘cách riêng’, vì người linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Mục Tử Tốt Lành qua sự thánh hiến trong chức thánh, nghĩa là, trên bình diện hữu thể. Hơn nữa, hai đặc tính nền tảng của sứ vụ linh mục giáo phận cũng chỉ ra tính chuyên biệt trong linh đạo tông đồ của ngài: (1) ngài thuộc về một Giáo hội địa phương; (2) mối tương quan của ngài với giám mục, với các thành viên của linh mục đoàn, và với đoàn chiên được ủy thác cho sự săn sóc của ngài.

– Vatican II không trình bày một linh đạo tông đồ chuyên biệt cho các linh mục giáo phận, nhưng người ta vẫn có thể nhận ra những hướng dẫn chung của Công đồng như sau: (1) Trên bình diện hành động: Người linh mục thánh hóa chính mình trong việc thi hành sứ vụ của mình, không phải bằng bất cứ cách nào nhưng là bằng cách rập khuôn theo các thái độ của Đức Kitô Mục Tử Tốt Lành. (2) Trên bình diện hiện hữu: Người linh mục có thể làm hòa điệu đời sống thiêng liêng của mình với hoạt động mục vụ, không phải hòa điệu theo các khía cạnh bên ngoài (chẳng hạn tổ chức tốt thời biểu cho công việc và cho việc cầu nguyện) cho bằng là hòa điệu ngay trong nội tâm mình. Và chính nhờ đức ái mục tử, một ân ban của Chúa Thánh Thần, mà linh mục được kết hợp nên một với Đức Kitô trong việc phân định thánh ý Thiên Chúa và trong việc trao hiến chính mình để phục vụ đoàn dân được ủy thác cho mình. (3) Trên bình diện huấn luyện: Việc huấn luyện khai tâm và việc thường huấn của người linh mục phải giúp ngài thống nhất mọi khía cạnh khác, nhất là khía cạnh thiêng liêng, trong một kế hoạch lấy mục vụ làm trung tâm.

Rõ ràng, những hướng dẫn chung này đầy tiềm năng ‘giải phóng’ các linh mục giáo phận khỏi những ‘linh đạo’ khác vốn đã được áp dụng trong quá khứ nhưng rất có thể không còn thích hợp khi đứng trước những kỳ vọng, đòi hỏi và thách đố đặt ra cho người linh mục thời đại hôm nay.

Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31