LINH MỤC CÓ THỂ NÊN THÁNH KHÔNG? (4)
Đề tài 4: ĐỨC ÁI MỤC TỬ
- Là gì?
PO 14 định nghĩa đức ái mục tử là “gốc rễ và trung tâm của toàn bộ đời sống linh mục”, là “giềng mối của sự hoàn thiện linh mục”. Đức ái mục tử là một ý niệm chủ chốt của Pastores dabo vobis. Sự sử dụng đầy hữu ý và có hệ thống của thuật ngữ này trong mô tả chức linh mục thừa tác dường như cho thấy rằng nó là một công cụ hay công thức có một ý nghĩa mới mẻ và phổ cập. Thật vậy, nó là một ý niệm tổng hợp để mô tả căn tính, hoạt động và linh đạo của chức linh mục thừa tác.
Nguyên tắc bên trong, lực phát động và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của người linh mục trong mức độ ngài đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Đầu và Mục Tử, đó chính là đức ái mục tử, xét như sự tham dự vào chính đức ái mục tử của Đức Kitô, một ân ban tự do từ Chúa Thánh Thần, đồng thời cũng là một trách vụ và tiếng gọi đòi hỏi sự đáp trả tự do và đầy trách nhiệm về phía người linh mục. Nội dung thiết yếu của đức ái mục tử là sự tự hiến bản thân mình, hiến thân hoàn toàn cho Giáo hội, theo gương Đức Kitô […] Trong cộng đoàn Giáo hội, đức ái mục tử của người linh mục đòi hỏi phải có một cách thức đặc biệt để tương quan với linh mục đoàn, hiệp nhất trong và với giám mục […] Đức ái mục vụ, vốn nhận nguồn gốc riêng của nó trong bí tích Truyền chức […] là nguyên lý năng động bên trong có thể thống nhất nhiều hoạt động khác nhau của người linh mục (PDV 23).
Bản văn trên cho thấy không chỉ vị trí trung tâm của đức ái mục tử trong sứ vụ và đời sống của linh mục, mà còn minh họa cách thức mà đức ái mục tử liên kết ba nhãn giới: Giáo hội học, Kitô học và Mục vụ. Ý niệm ‘đức ái mục tử’ diễn tả hoàn hảo chức linh mục đến nỗi có thể gọi nó là “linh hồn của sứ vụ linh mục” (PDV 48): “Mối quan hệ giữa đời sống thiêng liêng và việc thi hành sứ vụ của người linh mục có thể được giải thích trên nền tảng đức ái mục tử được ban cho qua bí tích Truyền chức” (PDV 24). Ý niệm này là một trong những đóng góp chính yếu của PDV cho sự nhận hiểu của Giáo hội về chức linh mục thừa tác.
- Trong nhãn giới Giáo hội học
Trước hết, tất cả những ai đã lãnh Phép Rửa đều bình đẳng một cách căn bản trong mối hiệp thông Giáo hội, dù có những vai trò khác biệt nhau tùy theo đặc sủng được ban cho để phục vụ cộng đoàn. Người linh mục thừa tác “vẫn luôn luôn là một thành viên của cộng đoàn như một tín hữu ở giữa các anh chị em của mình vốn cũng được kêu gọi bởi Chúa Thánh Thần” (PDV 22). Nhưng do sự thánh hiến trong bí tích Truyền chức, người linh mục đứng ở vị thế tương quan với Giáo hội – và đó là mối tương quan có tính mục vụ và có tính phu phụ giữa Đức Kitô và Giáo hội. Đức ái mục tử nằm ở trung tâm tình yêu của Đức Kitô Hôn Phu. Một cách loại suy, đức ái mục tử nằm ở trung tâm tình yêu của linh mục đối với Giáo hội (x. PDV 23).
Như thế, đức ái mục tử là đặc nét phân biệt của người linh mục thừa tác khi ngài vừa đứng trong Giáo hội vừa hướng về Giáo hội. Nó làm cho việc thi hành sứ vụ linh mục trở thành amoris officium (việc phục vụ của tình yêu), nó là một sự chọn lựa đầy yêu thương, trong đó Giáo hội và các linh hồn trở thành mối quan tâm thứ nhất của người linh mục. Cũng chính đức ái mục tử – vốn định hình mối tương quan hiệp thông giữa linh mục và các tín hữu – là nhân tố thiết định mối tương quan của linh mục với giám mục và linh mục đoàn, giữ ngài ở trong mối hiệp thông với các vị ấy (x. PDV 23).
- 3. Trong nhãn giới Kitô học
Đời sống thiêng liêng của người linh mục được đánh dấu, khuôn đúc và đặc điểm hóa bởi cách suy nghĩ và hành động của chính Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đầu và Mục Tử của Giáo hội, và tất cả được đúc kết trong đức ái mục tử của Người (PDV 21). Toàn bộ đời sống của Đức Giêsu là một sự thể hiện không ngừng đức ái mục tử ấy (PDV 22). Do việc lãnh bí tích Truyền chức và trở thành đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đầu và là Mục Tử, các linh mục “được mời gọi bắt chước và sống triệt để đức ái mục tử của Đức Kitô” (PDV 22). Đây không phải là một sự bắt chước duy chỉ bên ngoài. Đúng hơn, đó là một phần tất yếu bên trong của con người linh mục. Như vậy đây không phải là cái gì thêm vào mà chính là cấu trúc thiết yếu của chức linh mục thừa tác.
Mối liên kết hữu thể đặc biệt của chức linh mục thừa tác với Đức Kitô Mục Tử được PDV diễn tả qua tuyên bố rằng “các linh mục là hiện thân có tính bí tích của Đức Giêsu Kitô, Đấng là Đầu và Mục Tử”, và như vậy “các linh mục hiện hữu và hành động để loan báo Tin Mừng cho thế giới và xây dựng Giáo hội nhân danh con người Đức Kitô” (PDV 15). Trong mối liên hệ đặc biệt này của linh mục với Đức Kitô nhờ việc xức dầu của chức thánh, Chúa Thánh Thần “kiến tạo và củng cố trong người linh mục đức ái mục tử của Đức Kitô”, trao cho linh mục một vai trò có thẩm quyền trong Giáo hội với tư cách là những người phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng” (PDV 15). Đức ái mục tử có thể được hiểu như nguyên lý bên trong, như lực tác động và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của linh mục… đời sống thiêng liêng này vốn liên hệ chặt chẽ với đời sống sứ vụ của ngài (PDV 23).
Tuy nhiên, việc mô tả đức ái mục tử theo mối nối kết hữu thể của người linh mục với Đức Kitô không được giảm trừ nó đến chỉ còn là một thực tại tĩnh tại. Như đã ghi nhận, sự thánh hiến nhận được qua bí tích Truyền chức làm cho người linh mục nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô (chiều kích hữu thể học) luôn luôn phải được hiểu trong ý nghĩa sứ mạng. Hiện hữu của người linh mục được diễn tả trong hoạt động của ngài.
Tóm lại, đức ái mục tử vừa là ơn huệ được ban cho vừa là tiếng gọi để đáp trả.
- 4. Trong nhãn giới mục vụ
“Thánh-hiến-cho-sứ-mạng” là thành ngữ diễn tả cách mà đức ái mục tử đóng vai trò động lực cốt lõi của chức linh mục thừa tác. Mối tương quan của người linh mục với Đức Kitô là chủ yếu, “nhưng nối kết mật thiết với mối tương quan này là mối tương quan của người linh mục với Giáo hội” (PDV 16) và hoạt động mục vụ do mối tương quan này mở ra. Cần nhắc lại ở đây rằng mối tương quan lưỡng diện của linh mục với Đức Kitô và với Giáo hội không duy chỉ là chuyện đặt kế bên nhau, nhưng đúng hơn đó là một “mối kết hợp nội tại thâm sâu” (PDV 16). Theo nghĩa này, “điểm qui chiếu chủ yếu của đức ái của người linh mục là chính Đức Giêsu Kitô. Chỉ trong yêu mến và phục vụ Đức Kitô thì đức ái mới trở thành một nguồn mạch cho tình yêu và sự phục vụ của linh mục đối với Giáo hội” (PDV 23). Hơn nữa, “sứ mạng của người linh mục không ở ngoài sự thánh hiến của ngài”, nhưng “biểu thị mục đích sống động nội tại của sự thánh hiến ấy” (PDV 24).
Theo PDV, chính đức ái mục tử là nhân tố thúc đẩy và định hình sứ vụ mục vụ của linh mục. Do đó, mối nối kết giữa đời sống thiêng liêng của người linh mục và việc thực thi sứ vụ của ngài được “giải thích trên cơ sở của đức ái mục tử được ban cho qua bí tích Truyền chức” (PDV 24). Đức ái mục tử, được diễn tả trong sứ vụ linh mục, không đơn thuần chỉ là những gì ngài làm, như thể đức ái mục tử là một hoạt động cụ thể và chuyên biệt nào đó; đúng hơn, nó là “lực” phát xuất từ chính Đức Kitô – xuyên qua ân ban của Chúa Thánh Thần trong bí tích Truyền chức – làm thấm đẫm tất cả các hoạt động sứ vụ của người linh mục. Theo nghĩa này, đức ái mục tử rất cụ thể. Tuy nhiên, nó không bị giới hạn trong bất cứ hành động nào, mà nội tại và siêu vượt mọi hoạt động sứ vụ của linh mục.
Trong tinh thần này, PDV khẳng định: “Đức ái mục tử không đơn giản là những gì chúng ta làm, nhưng là chính việc ta trao hiến bản thân mình, biểu thị tình yêu của Đức Kitô đối với đàn chiên của Ngài. Đức ái mục tử ấn định cách ta nghĩ và hành động, cũng như cách ta liên hệ với dân chúng” (PDV 23). Động lực bên trong của đức ái mục tử, khi được sống cách ý thức trong đời linh mục, sẽ cho phép người linh mục thực thi sứ vụ trong ý thức rằng mình là một “khí cụ sống động” của Đức Kitô. Trong sứ vụ Lời Chúa, bí tích và lãnh đạo mục vụ của mình, linh mục đang tiếp tục sứ vụ của chính Đức Kitô. Cũng chính đức ái mục tử này tổng hợp các giá trị và các đòi hỏi chứa đựng trong Tin Mừng, đồng thời thúc đẩy và giúp linh mục đáp trả tiếng gọi triệt để của Tin Mừng qua đời sống vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh (x. PDV 27).
Đúc kết:
Sự nhấn mạnh của PDV về đức ái mục tử dẫn tới kết luận thiết yếu rằng tình yêu nằm ở trung tâm của chức linh mục thừa tác trong tất cả các chiều kích của nó. Tình yêu ấy trước hết cắm rễ trong tình yêu của Đức Kitô. Thứ hai, mối hiệp thông Giáo hội là cảnh vực trong đó tình yêu này, tức đức ái mục tử, được sống trọn vẹn, mặc dù chân trời của nó vượt quá Giáo hội và bao trùm cả nhân loại. Người linh mục được nhận diện bởi tình yêu có tính mục vụ này, tình yêu này chỉ có thể được diễn tả thích đáng bởi việc trao hiến chính mình trọn vẹn. Việc trao hiến chính mình, cắm rễ trong sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô qua chức thánh, được thể hiện qua sứ vụ Lời, bí tích và săn sóc mục vụ, cũng như trong các mối tương quan được thúc đẩy bởi mối quan tâm mục vụ và nhằm phục vụ cho sự hiệp nhất. Đức ái mục tử, vì thế, nằm ở trung tâm của mỗi nhãn giới (Giáo hội học, Kitô học và mục vụ) và nó hội nhập các nhãn giới ấy một cách toàn diện để cho tất cả các khía cạnh khác nhau của chức linh mục thừa tác được thống nhất trong một tình yêu cắm rễ trong Đức Kitô Đấng là Đầu, là Mục Tử và Hôn Phu của Giáo hội. Vì thế, đức ái mục vụ – cốt lõi hội nhập và nguyên lý năng động bên trong của chức linh mục thừa tác – nằm ở trung tâm của sự nhận hiểu đúng đắn về người linh mục.
Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO