LINH MỤC LÀ AI VÀ KHÔNG LÀ AI?
Anh chị em thân mến,
1) Là cộng đoàn dân Chúa, cách riêng là người thân, bạn hữu của các tân linh mục, chúng ta cảm nghiệm niềm vui tràn ngập trong những ngày này. Mới hôm kia, đó là Thánh Lễ truyền chức tại nhà thờ Chính Tòa, với những nghi thức trang trọng, những tràng pháo tay, những nụ cười rạng rỡ. Rồi, nào hoa, nào quà, nào quay phim, chụp ảnh, nào những cuộc hội ngộ giữa những người thiết nghĩa đã lâu mới có dịp gặp nhau, nào nâng ly và chúc tụng…
Vẫn niềm vui ấy đã cuốn vào nhà thờ HL hôm qua, và đến BP hôm nay – như từng người chúng ta đang cảm nghiệm.
Đó là niềm vui rất người, rất chính đáng, nó đẹp, nó dễ thương, và nó rất tự nhiên!… (tự nhiên như người ta mừng thi đậu, mừng thăng quan tiến chức, mừng cưới vợ cưới chồng vậy…)
Nhưng có khía cạnh ‘vượt quá tự nhiên’ nào, có khía cạnh siêu nhiên nào của niềm vui này không nhỉ?
Và nếu câu trả lời là có, thì ta cần dò cho ra tần số của nó, gọi cho đúng tên nó, ta mới có cơ may hiệp thông được với niềm vui của cha mới hôm nay, và cả chúng ta lẫn vị tân linh mục mới có cơ may hiệp thông được với niềm vui của Chúa. Vâng chắc chắn là Chúa vui rồi, vì Ngài là chủ ruộng đang có thêm thợ gặt trong cánh đồng của Ngài.
Còn nếu không dò cho ra tần số, nếu không gọi đúng tên của niềm vui, sẽ dễ có nguy cơ rằng các lý do niềm vui của ta, của nhân vật chính (cha mới) và của Chúa không trùng hợp nhau. Khi đó, sẽ có cảnh đồng thuyền mà không đồng hội, hay như một hình ảnh ví von: đồng sàng dị mộng (tức người ta nằm chung giường mà mơ những giấc mơ khác xa nhau vời vợi!)
Để dò tần số và gọi đúng tên niềm vui, ta có thể khởi đi từ sự kiện này: tất cả chúng ta, lẫn nhân vật chính, và cả Thiên Chúa nữa, đều vui vì thầy P đã trở thành linh mục: đã chọn lựa dứt khoát đường đời mình. Vậy thì, hai tiếng “linh mục” là chìa khóa – và sự nhận hiểu “linh mục là gì? là ai?” sẽ cho thấy liệu niềm vui của chúng ta có đồng điệu với niềm vui của tân linh mục, và có ở trong niềm vui của Chúa hay không.
Phụng vụ Lời Chúa của ngày thứ hai, tuần 18 thường niên hôm nay có thể soi sáng chúng ta trả lời câu hỏi “linh mục là ai, là gì?” ấy. Nhưng tôi bị cám dỗ để nghĩ rằng trước khi khơi trong, ta nên gạn đục, bằng cách chỉ ra: Linh mục không là ai, và không là gì……..
-trước hết, linh mục không phải là một nghề theo nghĩa để kiếm tiền, kiếm sống: sau 10 năm linh mục, tôi nhận ra một linh mục khó mà túng đói (như bao người túng đói vẫn còn đó rất nhiều xung quanh cuộc đời mình), nhưng tôi vẫn chưa thể hình dung làm sao mà một linh mục có thể giàu lên được!
-linh mục không phải là một ông lớn, không phải là quan, theo nghĩa nắm một mớ quyền và chỉ dùng quyền…
-linh mục không phải là một con đường lách để tránh trách nhiệm làm chồng, làm cha, để có một đời sống sung sướng, hưởng thụ, nhàn hạ, thoải mái…
-linh mục không phải cho mình, cho gia đình, cho dòng họ riêng mình…
-và linh mục không phải là một đích đến, một bến đỗ, để có thể giơ hai ngón tay hình chữ V đầy hãnh thắng như cách các bạn trẻ hay tạo dáng chụp hình…
2) Vậy thì, linh mục là gì, là ai, để dựa trên đó mà đặt nền cho niềm vui của chúng ta hôm nay?
-Linh mục là người của dân chúng, như Môsê trong Bài Đọc I trích từ sách Dân Số. Môsê vất vả dẫn dắt đoàn dân về Đất Hứa. Ông khổ sở rất nhiều vì đoàn dân không ngoan, thậm chí bao phen phản nghịch. Ông đứng về phía Thiên Chúa để giáo hóa dân, và ông đứng về phía dân để can ngăn Thiên Chúa đừng mất kiên nhẫn mà trừng phạt dân… Làm mục tử, làm trung gian giữa Thiên Chúa và dân là đi trên dây, chênh vênh và căng thẳng lắm. Cuối cùng, sự kiện chính Môsê cũng không vào được Đất Hứa (mà chỉ được nhìn thấy Đất Hứa từ xa xa) cho thấy Chúa muốn ông liên đới với dân tới cùng!
-Linh mục là gì, là ai? Bài Tin Mừng hôm nay cũng cung cấp câu trả lời trong chính lời Chúa nói: “Chính anh em hãy cho họ ăn!”
Cho họ ăn, vì họ đang đói…
Chính anh em hãy cho họ ăn, vì Chúa Giêsu không muốn làm phép lạ một mình. Ngài muốn được các tông đồ cộng tác…
Chọ họ ăn, dù tình hình rất khó, dường như là không thể… Ở giữa nơi hẻo lánh, lại chiều muộn rồi, lấy đâu ra bánh cho vài trăm người, huống chi là mấy ngàn người!
Các tông đồ đề xuất giải tán dân, để dân tự lo, nhưng Chúa thì yêu cầu: “Chính anh em phải lo, chính anh em hãy cho họ ăn!”
Linh mục là như thế đó, là thi hành ‘điệp vụ bất khả thi” (mission impossible), là nhọc nhằn và gay cấn chứ không khỏe re để có thể vừa đi vừa huýt gió!
Hôm nay, Cha Phaolô HQP bắt đầu thử sức với sự nhọc nhằn và gay cấn này. Cha ấy vui mừng về điều đó, và chúng ta cũng vui mừng với cha ấy … về điều đó!
3) Anh chị em thân mến,
Tôi tin rằng sau 18 năm kiên trì theo đuổi ơn gọi linh mục, với không ít nghịch cảnh phải vượt qua, Cha P giờ đây đang rất ý thức mình đã chọn ai, chọn gì, và mình đang dấn bước vào con đường nào. Hãy nhìn cha ấy, và anh chị em có quyền hình dung rằng trong quãng đời phía trước:
-Cha ấy sẽ không thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng cũng sẽ rất khó giàu…
-Trong đời sống độc thân vĩnh viễn vì Nước Trời, vì là một con người, cha ấy chắc cũng sẽ có nhiều lúc phải vật lộn với cô đơn để chiến thắng cô đơn…
-Cha ấy sẽ vẫn luôn luôn còn ý chí của riêng mình, nhưng cha ấy sẽ không còn hành động theo ý riêng mình nữa, khi ý riêng đi ngược lại ý của Thiên Chúa thông qua bề trên mà cha ấy đã hứa vâng phục…
-Cách riêng, là một linh mục giáo phận, cha ấy thuộc về dân chúng, là một người của dân chúng, phục vụ dân chúng, là “Emmanuel” của dân chúng. Cha ấy sẽ cho dân chúng ăn bằng Thánh Thể và Lời Chúa, bằng cả chính mình Cha ấy, vì từ đây đời Cha ấy là hy lễ kết hợp với hy tế thập giá Chúa Giêsu. Thánh Maximiliano Maria Kolbe đã chẳng giải thích rằng “vì tôi là linh mục Công giáo” khi nhận chết thay cho một người bạn tù của mình đó sao?
-Và cuối cùng, cha ấy sẽ rất vui, niềm vui sứ vụ, niềm vui của người biết rằng đời mình thật ý nghĩa, rằng mình có Chúa ở cùng, và mình là khí cụ để Chúa hiện diện với đoàn dân được ủy thác cho mình: Emmanuel!
Thưa ACE, chúng ta vui với Cha mới. Chúng ta cầu nguyện và nâng đỡ cha mới. Và Cha mới sẽ có một đời linh mục thánh thiện và một sứ vụ linh mục đầy hoa trái. Amen.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HOA KỲ: TẠI SAO ĐỨC CHA ROBERT BARRON, NGÔI SAO LOAN BÁO TIN MỪNG TRÊN INTERNET, LẠI MUỐN THÀNH LẬP MỘT DÒNG TU?
- CÁI CHẾT CỦA CHA PONCHAUD, CHỨNG NHÂN VĨ ĐẠI CỦA LỊCH SỬ CAMPUCHIA
- ĐỨC THÁNH CHA MỜI GỌI CÁC LINH MỤC ARGENTINA HÃY TIÊU HAO VÌ TIN MỪNG
- HĐGM Ý GIẢI THÍCH CÁC CHUẨN MỰC CỦA RÔMA LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO LINH MỤC
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- SỰ THÀNH THAI VÔ NHIỄM CỦA ĐỨC MARIA
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI CÁC TÂN HỒNG Y HÃY LÀ NHỮNG NGƯỜI XÂY DỰNG SỰ HIỆP THÔNG VÀ HIỆP NHẤT
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- GHI CHÚ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ VỀ TÀI LIỆU CHUNG KẾT THĐ
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- TÀI LIỆU CHUNG KẾT THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC LẦN THỨ XVI
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- THÔNG ĐIỆP DILEXIT NOS – Bản dịch Việt ngữ
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG BẮT ĐẦU GIAI ĐOẠN CUỐI CÙNG
- TẠI SAO CHA MATTHIEU JASSERON, NGÔI SAO TIKTOK, THÔNG BÁO “RÚT” KHỎI CHỨC LINH MỤC ?
- THƯỢNG HỘI ĐỒNG: NHIỀU ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC NHAU CỦA GIÁO HỘI
- THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CÁC TÂN HỒNG Y
- BÀI PHÁT BIỂU CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỚI CÁC GIÁM MỤC, LINH MỤC, PHÓ TẾ, TU SĨ, CHỦNG SINH VÀ CÁC NHÂN VIÊN MỤC VỤ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI GIÁO HỘI BỈ: “KHÔNG CÓ CHÚA THÁNH THẦN, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KITÔ GIÁO XẢY ĐẾN CẢ”