LINH THAO CỦA GIÁO TRIỀU: BÀI 1. LÚC KẾT THÚC SẼ LÀ LÚC KHỞI ĐẦU
Nhà giảng thuyết của Phủ Giáo hoàng, Cha Roberto Pasolini, OFM Cap, đưa ra bài suy tư thứ nhất trong cuộc Linh thao năm 2025 của Giáo triều Rôma, tập trung vào chủ đề: “Kết thúc sẽ là khởi đầu”. Dưới đây là bài tóm tắt:
Đức tin của Giáo Hội, được đặt nền nơi sự phục sinh của Đức Kitô, luôn mang lại cho thế giới niềm hy vọng về sự sống sau cái chết. Tuy nhiên, qua thời gian, lời hứa này đã phai mờ và ngày nay nó không còn được tranh luận quá nhiều vì bị phớt lờ. Đối mặt với sự dửng dưng này, các tín hữu được kêu gọi tái khám phá giá trị và vẻ đẹp của sự sống vĩnh cửu, phục hồi lại ý nghĩa đích thực của nó. Nhiệm vụ này càng khẩn thiết hơn trong Năm Thánh và trong nỗi đau sâu sắc mà Đức Thánh Cha đang trải qua.
Hành trình linh thao về sự sống vĩnh cửu mà chúng ta muốn bắt đầu được gợi hứng từ Mặc Khải Kitô giáo. Chúng ta mở đầu bằng cách trích dẫn một số đoạn ngắn gọn từ Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG), cung cấp một bản tóm lược dễ tiếp cận về tư tưởng thần học. GLHTCG trình bày cái chết không phải là kết thúc nhưng là sự chuyển tiếp đến sự sống vĩnh cửu, trong sự hiệp thông với Đức Kitô. Khái niệm này có nguồn gốc từ Thư gửi Tín hữu Rôma mà Thánh Phaolô quả quyết rằng qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được liên kết với cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, vì thế có thể bước vào đời sống mới.
Theo sách Giáo Lý, cái chết là khoảnh khắc khi Phán xét Riêng diễn ra, đánh giá sự đón nhận hay chối từ ân sủng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ơn cứu độ không chỉ dành cho những ai đã chính thức nhận biết Đức Kitô: Công đồng Vatican II thừa nhận rằng những ai thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa bằng lương tâm của mình thì cũng có thể đạt đến sự sống đời đời. GLHTCG nhấn mạnh rằng cuộc Phán Xét Sau cùng không chỉ dựa trên những hành động bên ngoài nhưng còn dựa trên tình yêu được sống, làm vọng lại tư tưởng của Thánh Gioan Thánh Giá: “Vào lúc hoàng hôn của cuộc đời, chúng ta sẽ chịu phán xét về tình yêu của mình”.
Vận mệnh sau cùng của nhân loại bao gồm ba khả năng: Thiên Đàng, luận phạt đời đời (Địa ngục), và thanh luyện cuối cùng (Luyện ngục). Thiên Đàng đại diện cho sự vẹn toàn của con người, một sự hiệp thông vĩnh cửu với Đức Kitô, trong đó mỗi người tìm thấy được căn tính đích thực của mình. Trái lại, Hoả ngục được miêu tả như sự tách biệt dứt khoát khỏi Thiên Chúa, tuy nhiên Giáo Hội chưa bao giờ tuyên bố chắc chắc rằng bất kỳ ai đã bị kết tội ở đó. Cuối cùng, Luyện ngục được xem như là quá trình thanh luyện dành cho những ai, dẫu cho ân sủng của Thiên Chúa, vẫn chưa sẵn sàng cho thiên đàng. Có lẽ trong ‘vận mệnh’ sau cùng này mà chúng ta tìm được nguồn gốc của Mặc Khải Kitô giáo. Khả năng về ‘khoảnh khắc’ sau cùng của sự thanh luyện chính là cơ hội để chấp nhận hoàn toàn tình yêu vô tận của Thiên Chúa.
Suy tư của Giáo Hội về sự sống vĩnh cửu không có nghĩa là gieo rắc sợ hãi, nhưng là dưỡng nuôi niềm hy vọng, nhấn mạnh rằng vận mệnh của chúng ta phụ thuộc vào tự do mà chúng ta chọn sống trong tình yêu. Sự thanh luyện đích thực không hệ tại nơi việc trở nên hoàn hảo nhưng hoàn toàn chấp nhận bản thân trong ánh sáng tình yêu Thiên Chúa, vượt qua ảo tưởng rằng chúng ta phải trở thành ‘một điều gì khác’ để xứng đáng với ơn cứu độ.
Chúng ta thường bị ám ảnh với đòi hỏi trở nên hoàn hảo, thế nhưng Tin Mừng dạy chúng ta rằng ‘thiếu sót thực sự’ không phải là sự yếu đuối nhưng là thiếu tình yêu. Chúng ta có thể xem Luyện Ngục như là cơ hội cuối cùng để giải thoát bản thân khỏi nỗi sợ hãi không đủ khả năng, để chấp nhận chúng ta là ai với lòng thanh thản, biến đổi nó thành không gian của mối tương quan và hiệp thông với người khác. Luyện Ngục có thể được hiểu như là ‘khoảnh khắc’ mà chúng ta ngưng hẳn việc cố gắng chứng tỏ điều gì đó với Thiên Chúa và chỉ đơn giản để mình được yêu thương.
Vậy thì, vĩnh cửu không chỉ là phần thưởng tương lai nhưng là một thực tại bắt đầu ngay ở đây, trong mức độ chúng ta học sống yêu thương và hiệp thông với Đức Kitô. Sau cùng, vận mệnh của chúng ta không được viết nên bằng nỗi sợ hãi nhưng bằng niềm hy vọng. Cái chết chẳng phải là một thất bại nhưng là khoảnh khắc mà chúng ta rốt cuộc nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa và nhận ra rằng lúc kết thúc … chỉ là lúc khởi đầu.
—————————-
Cồ Ngọc Hải dịch
(nguồn: Vatican News)
Xem các bài tóm tắt khác ở đây.
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- HABEMUS PAPAM
- GIỮA SỰ TRANG NGHIÊM VÀ LONG TRỌNG, MẬT NGHỊ BẮT ĐẦU
- KHÓI ĐEN ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN TỪ ỐNG KHÓI NHÀ NGUYỆN SISTINE
- THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO VIỆC BẦU CHỌN GIÁO HOÀNG : « CẦU NGUYỆN LÀ THÁI ĐỘ DUY NHẤT THÍCH HỢP »
- MẬT NGHỊ: ĐỨC GIÁO HOÀNG ĐƯỢC BẦU NHƯ THẾ NÀO?
- “EXTRA OMNES!”, “XIN MỌI NGƯỜI RA NGOÀI!”
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ 12 TẬP TRUNG VÀO NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN THIẾT CHO MỘT GIÁO HOÀNG TƯƠNG LAI
- CÁC HỒNG Y TIẾP TỤC SUY NGHĨ VÀ PHÁC HỌA HÌNH ẢNH VỀ MỘT « GIÁO HOÀNG MỤC TỬ »
- ĐỨC GIÁO HOÀNG QUYẾT ĐỊNH TÔNG HIỆU CỦA MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
- TẤT CẢ 133 HỒNG Y ĐÃ ĐẾN RÔMA KHI CÁC HỒNG Y TỔ CHỨC PHIÊN HỌP CHUNG LẦN THỨ MƯỜI
- ĐHY MAMBERTI: ĐỨC PHANXICÔ TRUNG THÀNH VỚI SỨ MẠNG CỦA MÌNH BẰNG TẤT CẢ SỨC MẠNH
- CHIẾC XE CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG: MÓN QUÀ CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ DÀNH CHO GAZA
- “TẠI MẬT NGHỊ, CHÚA QUAN PHÒNG CŨNG CAN THIỆP QUA CHÍNH TRỊ”
- ĐỨC PHANXICÔ MỜI GỌI ĐÁNH THỨC THẾ GIỚI
- ĐỨC HỒNG Y PAROLIN, KIẾN TRÚC SƯ CỦA SỰ CÂN BẰNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VATICAN
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 9 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ NHU CẦU HY VỌNG TRONG NĂM THÁNH NÀY
- ĐHY GUGEROTTI NHẮC NHỚ KHO TÀNG THIÊNG LIÊNG CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG
- PHIÊN HỌP CHUNG LẦN 8 : CÁC HỒNG Y THẢO LUẬN VỀ LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ SỨ MẠNG
- KỶ NIỆM 400 NĂM THÀNH LẬP TU HỘI TRUYỀN GIÁO, “MỘT ĐỘNG LỰC MỚI”
- ĐHY FERNANDEZ : ĐỨC PHANXICÔ, TẤM GƯƠNG CỦA MỘT NGƯỜI LAO ĐỘNG QUẢNG ĐẠI