LOẠT BÀI GIÁO LÝ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. II. CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU. NHỮNG CUỘC ĐỐI THOẠI. BÀI 3. GIAKÊU. “HÔM NAY TÔI PHẢI Ở LẠI NHÀ ÔNG” (Lc 19, 5)

Written by xbvn on Tháng Tư 4th, 2025. Posted in Cồ Ngọc Hải, Tâm linh, Thế Giới

“Chúng ta hãy học từ Giakêu để không đánh mất niềm hy vọng, ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình bị loại trừ và không có khả năng thay đổi. Chúng ta hãy dưỡng nuôi niềm khát khao nhìn thấy Đức Giêsu, …, Đấng luôn đến kiếm tìm chúng ta, dù chúng ta có thể lạc mất trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Đức Phanxicô mời gọi như thế trong bài giáo lý ngày 2/4/2025 và đồng thời cũng nhắc nhớ rằng “ánh nhìn của Đức Giêsu không phải là cái nhìn quở trách, nhưng là ánh nhìn của lòng thương xót. Đó là lòng thương xót mà đôi khi chúng ta khó lòng chấp nhận, đặc biệt khi Thiên Chúa thứ tha cho những người, mà theo quan điểm của chúng ta, không xứng đáng”.

Dưới đây là bài giáo lý của Đức Thánh Cha:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay, chúng ta sẽ tiếp tục suy niệm những cuộc gặp gỡ của Đức Giêsu với một số nhân vật trong Tin Mừng. Lần này, tôi muốn tập trung vào ông Giakêu: một đoạn văn gần gũi cách riêng với lòng tôi, bởi vì nó có một vị trí đặc biệt trong hành trình thiêng liêng của tôi.

Tin Mừng Luca trình bày cho chúng ta nhân vật Giakêu, một người dường như đã lạc mất, không thể cứu vãn. Có lẽ đôi khi chúng ta cũng cảm thấy như vậy: không có hy vọng. Thế nhưng, Giakêu sẽ nhận ra rằng Chúa đã kiếm tìm ông từ trước.

Thật ra, Đức Giêsu đến Giêrikhô, một thành nằm dưới mực nước biển, được xem là hình ảnh của thế giới ngầm, nơi mà Đức Giêsu muốn đi tìm những ai cảm thấy mình bị lạc mất. Và trong thực tế, Chúa Phục Sinh tiếp tục bước xuống những thế giới ngầm của thời đại này, ở những nơi chiến tranh, nơi nỗi khổ đau của những người vô tội, nơi cõi lòng của những người mẹ chứng kiến con mình chết, nơi cơn đói của những người nghèo khó.

Giakêu, theo nghĩa nào đó, bị lạc mất, có lẽ ông đã đưa ra những quyết định sai lầm hoặc cuộc đời đã đặt ông vào những hoàn cảnh mà ông khó thoát ra được. Thật vậy, Luca nhấn mạnh vào việc mô tả những đặc điểm của con người này: ông không chỉ là người thu thuế, một người thu thuế từ đồng bào của mình cho những kẻ xâm lược Rôma, nhưng ông còn là trưởng nhóm thu thuế, không kém, như thể nói rằng tội lỗi của ông được nhân lên.

Sau đó, Luca nói thêm rằng Giakêu giàu có, ngụ ý rằng ông đã nên giàu có trên lưng của người khác, lạm dụng vị trí của mình. Nhưng tất cả điều này đều có hậu quả: Giakêu có lẽ cảm thấy bị mọi người loại trừ, khinh miệt.

Khi biết rằng Đức Giêsu đang đi qua thành phố, Giakêu cảm thấy khao khát muốn gặp Ngài. Ông không dám hình dung một cuộc gặp gỡ; trông thấy Ngài từ xa là đủ rồi. Tuy nhiên, khao khát của chúng ta gặp phải những chướng ngại và không phải lúc nào cũng được thực hiện ngay lập tức: Giakêu lùn! Đó là thực tế của chúng ta: Chúng ta có những giới hạn mà bản thân phải đối mặt. Và rồi vẫn có những người đôi khi lại không giúp đỡ chúng ta: đám đông ngăn cản Giakêu gặp Đức Giêsu. Có lẽ có một chút của sự trả thù từ phía họ.

Nhưng khi anh chị em có được khao khát mạnh mẽ, thì anh chị em không đánh mất tâm hồn. Anh chị em tìm được giải pháp. Tuy nhiên, anh chị em cần can đảm và không hổ thẹn; anh chị em cần một chút sự đơn sơ của trẻ em và không lắng lo về hình ảnh của bản thân. Giakêu, như một đứa trẻ, trèo lên cây. Chắc hẳn đó sẽ là một vị trí quan sát thuận lợi, nhất là để nhìn xem mà không bị phát hiện, ẩn mình sau những cành cây.

Nhưng với Chúa, điều không ngờ luôn luôn xảy ra. Đức Giêsu, khi đến gần, Ngài ngước mắt lên. Giakêu cảm thấy mình đã bị phát hiện, và có lẽ ông mong chờ một lời khiển trách công khai. Nhiều người có lẽ cũng đã hy vọng điều đó, nhưng họ thất vọng: Đức Giêsu bảo Giakêu xuống ngay lập tức, gần như ngạc nhiên khi thấy ông trên cây, và nói với ông: “Hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19, 5). Thiên Chúa không đi qua mà không kiếm tìm những ai lạc mất.

Thánh Luca nhấn mạnh niềm vui nơi cõi lòng của Giakêu. Đó là niềm vui của người cảm nhận rằng mình được trông thấy, được thừa nhận, và trên hết là được tha thứ. Ánh nhìn của Đức Giêsu không phải là cái nhìn quở trách, nhưng là ánh nhìn của lòng thương xót. Đó là lòng thương xót mà đôi khi chúng ta khó lòng chấp nhận, đặc biệt khi Thiên Chúa thứ tha cho những người, mà theo quan điểm của chúng ta, không xứng đáng. Chúng ta cằn nhằn vì chúng ta muốn áp đặt những giới hạn trên tình yêu của Thiên Chúa.

Trong cảnh ở nhà, Giakêu, sau khi nghe những lời tha thứ của Đức Giêsu, đã đứng dậy, như thể ông đang trổi dậy từ tình trạng của cái chết. Và ông đứng lên thực hiện một cam kết: trả lại gấp bốn lần những gì ông đã lấy. Đó không phải là cái giá phải trả, bởi vì sự tha thứ của Thiên Chúa thì nhưng không, nhưng đúng hơn, đó là niềm khao khát noi gương Đấng mà với Ngài, ông cảm thấy được yêu thương. Giakêu cam kết điều mà ông không bị buộc phải thực hiện, nhưng ông làm như thế bởi vì ông hiểu rằng đó là cách thế yêu thương của mình. Và Giakêu làm như vậy bằng cách kết hợp luật Rôma về tội trộm cắp với luật Rabbinic về sự hối cải. Và rồi, Giakêu không chỉ là con người của niềm khao khát; ông còn là người biết cách thực hiện những bước đi thiết thực. Mục đích của ông không phải là chung chung hay trừu tượng, nhưng đích xác bắt nguồn từ lịch sử đời mình: ông nhìn lại đời mình và nhận ra điểm để bắt đầu thay đổi.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học từ Giakêu để không đánh mất niềm hy vọng, ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình bị loại trừ và không có khả năng thay đổi. Chúng ta hãy dưỡng nuôi niềm khát khao nhìn thấy Đức Giêsu, và trên hết chúng ta hãy để mình được tìm thấy bởi lòng thương xót của Chúa, Đấng luôn đến kiếm tìm chúng ta, dù chúng ta có thể lạc mất trong bất cứ hoàn cảnh nào.

———————————–

Cồ Ngọc Hải dịch

(nguồn: vatican.va)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30