LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHANXICÔ KHI ĐỐI DIỆN VỚI « CÁM DỖ TÁCH LÚA TỐT RA KHỎI CỎ DẠI »
Nhân dịp cử hành thánh lễ tại quảng trường thánh Phêrô nhân Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi, Đức Phanxicô đã khuyến khích vượt qua « cám dỗ tách lúa tốt ra khỏi cỏ lùng ». Ngài đã khai triển nhiều hướng để đương đầu với sự hiện diện của sự dữ ngay giữa sự thiện.
« Khi chúng ta nhìn thấy lúa tốt và cỏ lùng cùng tồn tại trong thế giới, chúng ta phải làm gì ? » Câu hỏi này được Đức Thánh Cha đặt ra hôm Chúa Nhật 23/7/2023 ở nhiều cấp độ đối với người Kitô hữu, đang đối mặt với chiến tranh, tham nhũng trên thế giới, những vụ bê bối trong Giáo hội hay những khốn khổ hằng ngày. Trở lại với ba dụ ngôn được Tin Mừng Chúa Nhật XVI Thường niên Năm A đề nghị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra nhiều lời khuyên để đương đầu với sự hiện diện của sự dữ ngay giữa sự thiện trong thế giới này và nơi chính mình.
« Kitô hữu phải có óc thực tế », và nhìn thẳng vào thế giới này mà không ảo tưởng. Ngài nhắc nhở : « Trong lịch sử nhân loại cũng như trong cuộc sống của mỗi người, bóng tối và ánh sáng, tình yêu và thói ích kỷ cùng tồn tại. Sự thiện và sự dữ đan xen đến mức dường như không thể tách rời. »
Hãy coi chừng những kẻ ngây thơ « sống trong thế giới của truyện ngụ ngôn, giả vờ như không thấy sự dữ ». Về điều đó, người Kitô hữu phải giữ mình khỏi hai cạm bẫy : « chủ nghĩa bi quan tai hại » – trái ngược với niềm hy vọng Kitô giáo – và ngược lại, « sự lạc quan vô bổ », một hình thức ngây thơ của người « sống trong thế giới của những chuyện ngụ ngôn, giả vờ không nhìn thấy sự dữ và nói rằng « mọi sự đều ổn » ».
Làm thế nào để đạt tới sự sáng suốt đúng đắn này ? Đối với Đức Thánh Cha, đó không chỉ là vấn đề ý thức về sự hiện diện của lúa tốt và cỏ lùng trong thế giới, nhưng còn có can đảm nhìn vào chính mình, « nhận ra rằng sự dữ không chỉ đến « từ bên ngoài », rằng không phải lúc nào cũng lỗi của người khác, rằng không cần phải « tạo ra » kẻ thù để chiến đấu nhằm tránh làm sáng tỏ nơi chính mình ».
Vun trồng « sự dịu dàng và lòng kiên nhẫn » mà không cam chịu hay biện minh cho sự dữ
Còn lại câu hỏi : « Khi chúng ta thấy lúa tốt và cỏ lùng cùng tồn tại trong thế giới (…), chúng ta nên cư xử thế nào ? » Đức Thánh Cha Phanxicô trước tiên mời gọi vượt lên « cám dỗ tách lúa tốt ra khỏi cỏ lùng », nhân danh một « xã hội trong sạch », một « Giáo hội trong sạch », vì « để đạt tới sự trong sạch này, chúng ta có nguy cơ thiếu kiên nhẫn, cố chấp, thậm chí là bạo lực đối với những người rơi vào sai lầm ». Ngài nhấn mạnh : « Với cỏ lùng, chúng ta sẽ nhổ bật gốc lúa tốt và ngăn cản mọi người tìm một con đường, lớn lên, thay đổi. »
Đúng hơn, dụ ngôn Tin Mừng mời gọi vun trồng « sự dịu dàng và lòng kiên nhẫn » để chăm sóc người khác, « đón nhận – trong gia đình, trong Giáo hội và ngoài xã hội – những yếu đuối, chậm trễ và giới hạn : không phải để quen vơi chúng bằng sự cam chịu hay để biện minh chúng, nhưng để học cách can thiệp với sự tôn trọng ». Biết rằng « việc thanh tẩy tâm hồn và chiến thắng dứt khoát trên sự dữ chính là công trình của Thiên Chúa ».
« Cuối cùng, sự thiện sẽ mạnh hơn sự dữ »
Trong Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi này, Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt dừng lại nơi mẫu gương của họ, vì khi nhìn lại, « họ thấy nhiều điều tốt đẹp mà họ đã thành công thực hiện, nhưng còn cả những thất bại, những sai lầm, những điều mà – như người ta nói – nếu phải làm lại, tôi sẽ không làm nữa » » ; và bởi vì tuổi già là « mùa để hòa giải, để dịu dàng nhìn vào ánh sáng đã tiến triển bất chấp bóng tối »…
Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Hôm nay, Chúa đến với chúng ta bằng lời dịu dàng của Người, mời gọi chúng ta đón nhận mầu nhiệm của cuộc sống cách thanh thản và kiên nhẫn, để lại việc phán xét cho Người, đừng sống trong ân hận và hối tiếc. Như thể Người muốn nói với chúng ta : « Các con hãy nhìn lúa tốt đã nảy mầm trên đường đời của các con và làm cho nó lớn lên hơn nữa, bằng cách phó thác tất cả cho Ta, là Đấng luôn tha thứ : cuối cùng, sự thiện sẽ mạnh hơn sự dữ. » »
Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh đến hai điểm : một mặt, cần có liên kết giữa người trẻ và người già, « để nhựa sống của những người có kinh nghiệm sống lâu năm tưới tẩm những mầm hy vọng của những người đang lớn lên » và để từ cuộc trao đổi phong nhiêu này nảy sinh một xã hội huynh đệ. Và mặt khác, một mệnh lệnh lặp đi lặp lại trong các bài phát biểu của ngài -, sự cấp bách của việc không gạt người già ra bên lề xã hội, những người bị xếp vào hàng « rác thải vô ích ».
Ngài tha thiết « mong sao chúng ta đừng chạy theo những điều hoang đường về hiệu quả và hiệu suất với tốc độ tối đa, kẻo chúng ta không thể chậm lại để đồng hành cùng những người đang cố gắng theo kịp .»
Tý Linh
(theo Céline Hoyeau, nhật báo La Croix)
Tags: Ông Bà, Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- CHA TRYPHON BONGA, TÂN BỀ TRÊN GIÁM TỈNH CỦA CÁC LINH MỤC XUÂN BÍCH TỈNH PHÁP
- ĐỨC PHANXICÔ BỊ CƠN ĐAU HÔ HẤP VÀO BUỔI SÁNG
- ĐHY PAROLIN LẤY LÀM TIẾC TRƯỚC “SỰ SUY ĐOÁN VÔ ÍCH” VỀ VIỆC TỪ CHỨC CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
- GIÁO THUYẾT CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ PHẢI LÀ BẤT BIẾN KHÔNG?
- ĐỨC PHANXICÔ ĐÁP ỨNG ĐIỀU TRỊ, NHƯNG VẪN CÒN NGUY HIỂM
- SỨC KHỎE CỦA ĐỨC PHANXICÔ ĐỠ HƠN
- BỆNH VIÊM PHỔI HAI BÊN, CĂN BỆNH MÀ ĐỨC PHANXICÔ MẮC PHẢI LÀ GÌ?
- ĐỨC PHANXICÔ VẪN VUI VẺ BẤT CHẤP BỊ VIÊM PHỔI CẢ HAI BÊN
- “ORDO AMORIS” LÀ GÌ?
- J.D. VANCE TRÁI NGƯỢC VỚI ĐỨC PHANXICÔ: “LIỆU TRẬT TỰ CỦA TÌNH YÊU CÓ BIỆN MINH CHO VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI KHÔNG?”
- NĂM THÁNH CỦA CÁC NGHỆ SĨ VÀ THẾ GIỚI VĂN HOÁ: BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
- ANNE LÉCU: “CÀNG QUAN TÂM ĐẾN THÁNH KINH, CHÚNG TA CÀNG QUAN TÂM ĐẾN CON NGƯỜI”
- KHỔ HÌNH KHỦNG KHIẾP CỦA THÁNH NỮ APOLLINA
- ĐHY PAROLIN PHẢN ĐỐI VIỆC TRỤC XUẤT NGƯỜI PALESTINE KHỎI GAZA
- THÁNH KINH THỰC SỰ NÓI GÌ VỀ TIẾNG CƯỜI?
- THÁNH KINH: LOẠT VIDEO CHỐNG LẠI NHỮNG LỐI GIẢI THÍCH SAI LẠC
- 350 GIÁO SĨ DO THÁI LÊN TIẾNG PHẢN ĐỐI VIỆC “THANH LỌC SẮC TỘC” Ở GAZA
- ĐỨC PHANXICÔ NHẬP VIỆN Ở RÔMA VÌ BỆNH VIÊM PHẾ QUẢN
- TẠI SAO GIÁO HỘI CAN THIỆP VÀO VẤN ĐỀ XÃ HỘI?
- MỸ: CÁC HỆ PHÁI KITÔ VÀ CÁC TỔ CHỨC DO THÁI PHẢN ĐỐI VIỆC BẮT GIỮ NGƯỜI DI CƯ