LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH – Đcv. Huế tĩnh tâm đầu năm

Written by lcd on Tháng Mười 3rd, 2018. Posted in Lm Lê Công Đức, Tâm linh, Thiên Phong, Tông huấn

  1. GIỚI THIỆU

Sau kỳ hè dài, với bao sự kiện, bao công việc, bao an ủi, niềm vui, và có thể bao hối tiếc nữa, đây là thời khắc chúng ta tổng kết, hồi tâm, cho phép Chúa thiết lập nơi mình ‘phong độ’ mới, cho một năm tu học mới.

Mấy tháng qua cũng là thời gian mà trong Giáo hội, hoàn vũ và địa phương, có nhiều xao động, thậm chí truyền thông lặp đi lặp lại cụm từ ‘khủng hoảng của Giáo hội’…

Được thúc đẩy từ bối cảnh thực tế ấy, như ‘những dấu chỉ của thời đại’, và xuất phát từ thao thức thường hằng đằng sau mọi mục tiêu đào tạo linh mục, đồng thời để hưởng ứng Đức thánh cha Phanxicô, chúng ta lắng nghe lại lời mời gọi nên thánh vẫn đang vang lên với mình qua tất cả các biến cố và hoàn cảnh. Mọi vấn đề đều xuất phát từ vấn đề không nên thánh. “Bi kịch thảm hại duy nhất trong đời sống là không nên thánh!” (GE 34).

Tông huấn Gaudete et Exsultate sẽ là chủ đề xuyên suốt các cuộc tĩnh tâm của chúng ta trong niên khóa này.

  1. TỔNG QUÁT VỀ TÔNG HUẤN GAUDETE ET EXSULTATE

Được công bố cách đây sáu tháng, Tông huấn GE – Hãy vui mừng hoan hỉ – dường như là văn kiện giáo hoàng đầu tiên mà chủ đề là ‘sự thánh thiện’ hay ‘nên thánh’! Bản văn bao gồm 5 chương: Lời mời gọi nên thánh – Các thánh khích lệ và đồng hành với chúng ta (chương 1); Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện (chương 2); Trong ánh sáng của Tôn Sư (chương 3); Những dấu hiệu của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay (chương 4); Cuộc chiến đấu thiêng liêng – Tỉnh thức và phân định (chương 5).

Mục tiêu của Tông huấn là “một cách thực tiễn, nêu lại lời mời gọi nên thánh cho thời chúng ta, với tất cả những nguy hiểm, những thách đố và những cơ hội của nó. Vì Chúa đã chọn mỗi người chúng ta ‘để trở nên tinh tuyền thánh thiện trước nhan Người trong tình yêu’” (#2).

Trọng tâm của Tông huấn là Các Mối Phúc, những nẻo đường nên thánh. Chính tiêu đề ‘Gaudete et exsultate’ được lấy từ Mt 5,12 – thuộc bản văn Các Mối Phúc của Mátthêu. Và cốt lõi, hay hạt nhân, của Các Mối Phúc được Đức thánh cha dứt khoát xác nhận là mối phúc về lòng thương xót. Thật ý nghĩa việc Đức thánh cha dành nửa sau chương 3, về Các Mối Phúc, để đúc kết bằng ‘Tiêu chuẩn lớn’ là những việc làm của lòng thương xót, dựa theo câu chuyện cuộc Phán xét chung (x. Mt 25,31-46).

Tông huấn GE cũng phản ảnh rất rõ những nét đặc trưng ‘Phanxicô’: Lòng thương xót, niềm vui, sứ mạng, sự phân định… Và như thường lệ, văn phong và cách diễn đạt của Đức thánh cha rất giàu hình ảnh, thực tiễn, gần gũi và dễ hiểu.

Có thể ghi nhận, đa số các phản hồi về Tông huấn GE đều nêu rằng giáo huấn của Đức thánh cha về con đường nên thánh hôm nay thật đầy khích lệ. Đức thánh cha kéo sự thánh thiện xuống sát đất, chỉ cho thấy nó trong mọi cảnh huống đời thường, và ngài lưu ý rằng các thánh đông đảo lắm, chứ không chỉ là những vị thánh được tuyên phong. Thiết nghĩ, bên cạnh tính đầy khích lệ ấy, cần bổ sung rằng giáo huấn của GE về con đường nên thánh hôm nay cũng đầy thách đố. Đức thánh cha không đề cập tội lỗi (hai kẻ thù nói ở chương 2 là hai nguy cơ lầm lạc, chứ chưa hẳn là tội lỗi!), như vậy dường như ngài giả thiết như Cha John Hardon rằng linh đạo bắt đầu ở chỗ luân lý kết thúc. Ta đọc thấy ngay ở đoạn đầu tiên: “Chúa muốn chúng ta nên thánh chứ không hài lòng với một hiện hữu nhạt nhẽo và xoàng xĩnh” (#1).

  1. CHƯƠNG 1 (#3-34)

Với tiêu đề “Lời mợi gọi nên thánh – Các thánh khích lệ và đồng hành với chúng ta”, Đức thánh cha dành chương thứ nhất để nêu một số điểm căn bản:

Các thánh đông đảo lắm!: “Một đám mây chứng nhân” (Dt 12,1): có nhiều thánh lắm, trong đó có nhiều người thân yêu của ta. “Đời sống của họ có thể không luôn luôn hoàn hảo, nhưng ngay giữa những lỗi lầm và thiếu sót, họ vẫn tiến tới và làm Chúa vui lòng” (#3).

Các thánh nâng đỡ ta: “Được vây quanh và được dẫn dắt bởi các bạn của Thiên Chúa… tôi không phải một mình mang vác điều mà một mình tôi không thể nào vác nổi. Tất cả các thánh của Thiên Chúa vẫn có đó để bảo vệ, nâng đỡ và bồng ẵm tôi” (Bài giảng lễ nhậm chức của Đức Biển Đức 16).

Các thánh gần gũi lắm, vì rất thường, con đường nên thánh là đời thường: “Tôi thích chiêm ngắm nét thánh thiện nơi sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi con với tình yêu bao la, nơi những người nam nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những tu sĩ già yếu không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung của họ tôi nhìn thấy tính thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Rất thường, đó là một sự thánh thiện được gặp thấy nơi những con người ngay bên chúng ta, những người sống giữa chúng ta và phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa” (#7). Con đường nên thánh gọi là đời thường đó cũng là con đường sống các mối tương quan: “Không ai được cứu độ một mình, như một cá thể tách rời” (#6).

Các thánh gây bất ngờ lắm: Bất ngờ vì phần đông là vô danh: “Chắc chắn rằng những bước ngoặt có tính quyết định nhất trong lịch sử thế giới thì thiết yếu được phối hợp ấn định bởi các linh hồn mà không một sử sách nào đề cập về họ. Và chỉ trong ngày mà tất cả những gì giấu ẩn hiện lộ ra thì chúng ta mới nhận ra những linh hồn mà mình mắc nợ về những bước ngoặt quyết định trong đời sống của mình” (#8). Cũng bất ngờ vì ‘các thánh’ có mặt ngay cả bên ngoài vành đai của Giáo hội Công giáo (x. #9).

Tiếng gọi nên thánh có tính cá vị: Trong khi ơn gọi nên thánh là phổ quát, và con đường nên thánh là tương quan, thì tiếng gọi nên thánh cho mỗi người luôn luôn có tính cá vị: “Với Tông huấn này tôi muốn chủ yếu nhấn mạnh tiếng gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi chúng ta, tiếng gọi mà Ngài cũng nói cách riêng tư với bạn: ‘Hãy nên thánh, vì Ta là thánh’ (Lv 11,44; x. 1Pr 1,16)” (#10). Cá vị, vì nên thánh mỗi người mỗi cách (x. Lumen gentium 11). Ta không nản lòng vì đứng trước những mẫu gương thánh thiện của các thánh mà mình không thể đạt được. Các thánh có đó để truyền cảm hứng cho ta, chứ không phải để ta sao chép. Mỗi người cần phải phân định nẻo đường riêng của mình, để thể hiện chính mình cách tốt nhất (x. #11). Ở đây, Đức thánh cha dành đặc biệt một số (#12) để nói về ‘thiên khiếu phụ nữ’ xét như “một phương tiện thiết yếu để phản ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa trong thế giới này”. Tất cả những điều này “thôi thúc và khích lệ chúng ta dấn thân và đảm nhận cái kế hoạch độc đáo mà Thiên Chúa muốn cho mỗi chúng ta từ đời đời: ‘Trước khi tạo nên ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi người chào đời, Ta đã thánh hiến ngươi’ (Gr 1,5) (#13). Từ đời đời, chứ không chỉ mới đây! Và thánh hiến, nghĩa là để trao một sứ mạng!

– Số 14-18 là một quảng diễn rất hay rằng bất cứ ai, ở đâu, làm gì, trong hoàn cảnh nào… cũng được mời gọi nên thánh, và cũng có thể nên thánh bằng chứng tá đời sống dù nhỏ nhoi nhưng với động lực tình yêu lớn lao. Cách riêng hai số 16 và 17 cung ứng cho ta những ví dụ!

– “Sứ mạng” là một từ khóa của Đức thánh cha trong Tông huấn về nên thánh này. Ở đây, ngài muốn đề cập “sứ mạng” theo nghĩa rộng hơn, sâu hơn, và chứa đựng cả ‘sứ mạng loan báo Tin Mừng’ trong đó. Đó là sứ mạng riêng của mỗi người (x. #19). Nó qui hướng về Đức Kitô, nó chính là sống mầu nhiệm Đức Kitô, hay đúng hơn, nó hệ tại việc cho phép Đức Kitô sống mầu nhiệm của Người trong ta (x. #20). Sứ mạng của mỗi người là nẻo đường thánh thiện của người ấy. Mức độ thánh thiện của ta được xác định bởi mức độ mà Đức Kitô chiếm lĩnh được nơi ta (#21). Đời sống không có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng (#23 và 27). Mỗi vị thánh là một sứ mạng (#19), là một thông điệp mà Chúa Thánh Thần rút ra từ kho tàng của Đức Giêsu Kitô và trao cho dân của Người (#21).

Đức thánh cha nói: “Để nhận ra lời mà Chúa muốn nói với mình xuyên qua một vị thánh của Người, chúng ta không cần săm soi vào tận các chi tiết, vì như vậy chúng ta cũng có thể gặp những lỗi lầm và thất bại… Điều chúng ta cần chiêm ngắm là toàn thể đời sống của các ngài, toàn thể hành trình lớn lên trong sự thánh thiện của các ngài” (#22). Nghĩa là, toàn thể quan trọng hơn chi tiết! Để thi hành sứ mạng cuộc đời mình, chúng ta được Đức thánh cha kêu gọi lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra những dấu hiệu mà Ngài trao cho mình. “Hãy luôn hỏi Chúa Thánh Thần để biết Chúa Giêsu mong muốn gì nơi bạn vào mọi lúc trong cuộc đời và trong mọi quyết định mà bạn phải đưa ra, để phân định vai trò của nó trong sứ mạng mà bạn đã lãnh nhận. Hãy cho phép Chúa Thánh Thần rèn đúc nơi bạn một mầu nhiệm riêng có thể phản chiếu Đức Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay” (#23).

Bạn hãy cho phép mình được biến đổi. Hãy để cho mình được đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ đó điều tốt đẹp sẽ diễn ra, và bạn không thất bại trong sứ mạng cao quí của mình. Chúa sẽ mang sứ mạng ấy đến hoàn thành, bất chấp những lầm lạc của bạn, miễn là bạn không bỏ nẻo đường yêu thương, nhưng luôn mở lòng ra với ân sủng siêu nhiên của Chúa, là ân sủng có sức thanh tẩy và chiếu sáng” (#24).

Dưới đề mục “Hoạt động có năng lực thánh hóa” (#25-31), trước hết Đức thánh cha nhắc rằng vì sứ mạng riêng của mỗi chúng ta qui hướng về Đức Kitô, nên nó nhất thiết qui hướng về việc xây dựng Triều đại Thiên Chúa mà Đức Kitô đem đến. Đó là công cuộc xây dựng nước của tình yêu, công lý và hòa bình. “Bạn không thể lớn lên trong sự thánh thiện mà không dấn thân, thân xác và linh hồn, để cống hiến hết mình cho công cuộc này” (#25). Dấn thân cho công lý và hòa bình, đối với tín hữu Việt Nam chúng ta, phải chăng vẫn còn là cái gì khá xa xỉ?

Nhiều người có thể bối rối, nghĩ rằng dấn thân như vậy phiền nhiễu và phức tạp quá. Người ta không thể nên thánh bằng cách nhắm mắt lại và chìm đắm trong thinh lặng cầu nguyện hay sao? Đức thánh cha đưa ra những lưu ý rất thực tiễn:

– Không thể viện lẽ yêu thinh lặng mà tránh né tương tác với người khác; chúng ta được mời gọi làm những người chiêm niệm ngay giữa hoạt động (#26).

– Cần chống lại thứ cám dỗ xem việc dấn thân cho mục vụ hay cho thế giới là điều thứ yếu, như thể đó là những ‘chia trí’ trên con đường thánh thiện và bình an nội tâm. Đời sống không có một sứ mạng, nhưng là một sứ mạng (#27).

– Thật quá rõ, bất cứ gì được làm do bởi bức xúc, kiêu ngạo hay bởi nhu cầu gây ấn tượng cho người khác thì sẽ không dẫn tới sự thánh thiện. Chúng ta phải liệu sao để mọi sự ta làm đều có ý nghĩa Tin Mừng và đều làm ta nên giống Đức Giêsu Kitô hơn (#28).

– Nhưng những điều nói trên không có nghĩa là ta phớt lơ nhu cầu có những lúc an tĩnh, cô tịch và thinh lặng trước mặt Chúa. “Sự có mặt của những món đồ công nghệ luôn đổi mới, sự hào hứng của du lịch, và những dãy hàng tiêu dùng bất tận nhiều khi không còn chừa chỗ cho người ta nghe tiếng Chúa. Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui hời hợt và bởi một sự ồn ào ngày càng tăng, chúng ta bị lấp đầy không phải bởi niềm vui mà bởi sự nhăn nhó bất mãn của những người mà đời sống của họ đã đánh mất ý nghĩa. Làm sao chúng ta có thể không nhận ra nhu cầu phải dừng cuộc bon chen ấy và tìm không gian riêng tư cần thiết để có một cuộc tâm sự chân thành với Thiên Chúa?” (#29).

– Đức thánh cha nêu một khía cạnh đặc biệt của con người thời nay, đó là việc dùng thời gian, cách riêng việc giải trí: “[Chúng] ta có xu hướng tuyệt đối hóa thời gian rảnh của mình, trong đó chúng ta lao mình vào những thiết bị cung cấp cho ta sự giải trí hay những khoái cảm phù du. Từ đó, chúng ta trở nên bực bội với sứ mạng của mình, sự dấn thân của ta hóa nên ì ạch, tinh thần quảng đại và sẵn sàng phục vụ của ta bắt đầu suy giảm. Điều này làm biến chất kinh nghiệm thiêng liêng của chúng ta. Làm sao có thể có một lòng sốt sắng thiêng liêng lành mạnh khi bên cạnh nó là sự uể oải lười biếng đối với việc loan báo Tin Mừng và việc phục vụ tha nhân?” (#30).

– Sau tất cả, ta cần một tinh thần thánh thiện, nhờ đó “mọi giây phút của đời ta có thể là một bước tiến lên trên nẻo đường thánh thiện” (#31).

– Ở đề mục cuối cùng của chương này, Đức thánh cha xác nhận rõ rằng nên thánh không xa lạ với nhân bản, mà đó là rất nhân bản! “Bạn đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện không tước đi năng lực, sức sống hay niềm vui của bạn… Việc ta phụ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải phóng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp ta nhận ra phẩm giá cao cả của mình” (#32).

Thánh thiện cũng không phải là con đường bạc nhược, thụ động đối với trần thế; trái lại, “trong mức độ mà mỗi Kitô hữu lớn lên trong sự thánh thiện, người ấy sẽ sinh hoa trái nhiều hơn cho thế giới chúng ta” (#33).

Tính nhân bản của sự thánh thiện được Đức thánh cha diễn đạt hùng hồn nhất có lẽ là ở đoạn này: “Bạn đừng sợ việc hướng nhìn cao hơn, cho phép Thiên Chúa yêu bạn và giải phóng bạn. Đừng sợ để mình được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Sự thánh thiện không làm cho bạn ít là người hơn, vì đó là một gặp gỡ giữa sự yếu đuối của bạn và sức mạnh của ân sủng Thiên Chúa. Vì như cách nói của Léon Bloy, rốt cục, ‘bi kịch thảm hại duy nhất trong đời sống, đó là không nên thánh’”.

 

GỢI Ý HỒI TÂM, CẦU NGUYỆN

1- Điều thảm hại duy nhất trong đời sống, đó là không nên thánh! Khẳng định ấy thách thức tôi thế nào?

2- Cho tới nay, trong cuộc đời mình, tôi có ý thức rõ rằng Chúa mời gọi mình nên thánh không? Tôi có ý thức rõ rằng nên thánh là mục tiêu khẩn thiết hơn bất cứ mục tiêu nào khác trong đời sống mình không?

3- Vị Thiên Chúa làm người đã không bớt thánh thiện một tí nào trong cuộc đời dương thế, ngay cả trong ba mươi năm ẩn khuất ở Nadarét. Nên thánh hơn, đó chính là nên người hơn, trong chính cuộc sống đời thường của mình. Tôi có tin rằng mình đang có đủ các điều kiện để nên thánh không?

4- Tôi có những con người trong cuộc đời mình để nên thánh qua các mối tương quan, để được khích lệ và nâng đỡ bởi ‘các thánh’ ngay bên cạnh mình, và tôi cũng được mời gọi khích lệ và nâng đỡ người khác, là quà tặng mà Chúa gửi đến cho mình. Chúa đang thúc đẩy tôi quyết định gì đây?

5- Cách riêng, Chúa muốn tôi quyết định gì liên quan đến việc sử dụng thời giờ, tiền bạc, việc cầu nguyện, làm việc, giải trí… trong năm tu học đang mở ra cho mình đây?

Thiên Phong

(3.10.2018)

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30