LỜI TIÊN TRI VỀ HÒA BÌNH CỦA THÁNH GIOAN PHAOLÔ II

Written by xbvn on Tháng Tư 2nd, 2025. Posted in Luân lý, Thế Giới, Tý Linh

Giáo hội tôn vinh Đức Giáo hoàng người Ba Lan, hai mươi năm sau khi ngài qua đời. Giám đốc biên tập của Vatican News đưa ra một suy tư về những lời chống chiến tranh bị phớt lờ của ngài.

Hai mươi năm đã trôi qua kể từ buổi tối thứ Bảy ngày 2 tháng 4 năm 2005, khi hàng triệu người trên khắp thế giới thương tiếc cái chết của thánh Gioan-Phaolô II. Hai thập niên sau, ngài được nhớ đến như một người bảo vệ vĩ đại cho sự sống, phẩm giá con người và tự do tôn giáo. Trên hết, việc chống cộng sản của ngài được nhấn mạnh nhiều. Tuy nhiên, ít người nhớ đến những giáo huấn mang tính ngôn sứ khác của ngài, đặc biệt thích đáng trong thời kỳ lịch sử đen tối này.

Chúng ta đang ở trong năm 2000, phần lớn thế giới vẫn đang sống trong cơn say của “sự kết thúc của lịch sử” sau sự sụp đổ của bức tường Berlin. Trong khi ở các quốc gia ở bên kia bức màn sắt trước đây, chủ nghĩa tiêu thụ và tục hóa bắt đầu lan rộng, thay vì phục hưng đức tin, thì Đức Thánh Cha người Ba Lan muốn mang tượng Đức Mẹ Fatima đến quảng trường Thánh Phêrô, thốt ra những lời mà không ai hiểu vào thời điểm đó: “Nhân loại thấy mình đang ở ngã ba đường. Ngày nay nhân loại sở hữu những công cụ có sức mạnh chưa từng có: nhân loại có thể biến thế giới này thành một khu vườn hoặc biến nó thành một đống đổ nát”. Một năm sau, thảm kịch ngày 11 tháng Chín khiến phương Tây rơi vào sợ hãi.

Đức Gioan-Phaolô II đã phản đối chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất vào năm 1991 và bị các nhà lãnh đạo phương Tây bỏ mặc, những người mà hai năm trước đó đã ca ngợi vai trò của ngài đối với các nước Đông Âu. Đức Thánh Cha nhắc lại tiếng “không” của mình đối với chiến tranh thậm chí còn rõ ràng hơn vào năm 2003, khi dựa trên những bằng chứng sai lầm, một số nước phương Tây đã tiến hành chiến tranh chống lại Iraq lần thứ hai. Đức Giáo hoàng người Ba Lan, vốn đang ốm yếu và bị bệnh Parkinson, cảm thấy buộc phải cảnh báo những nhà lãnh đạo chính phủ “trẻ” đang khuyến khích chiến dịch quân sự mới ở Vùng Vịnh, nhắc nhở họ về sự khủng khiếp của cuộc xung đột thế giới vừa qua mà ngài, người kế vị già cả của thánh Phêrô, người con của một quốc gia tử đạo, đã trực tiếp trải qua. Ngài thêm lời kêu gọi này vào văn bản Kinh Truyền Tin: “Tôi thuộc về thế hệ đã sống qua Thế chiến thứ hai và đã sống sót. Tôi có bổn phận nói với tất cả những người trẻ, những người trẻ hơn tôi và những người chưa có kinh nghiệm này: “Đừng bao giờ chiến tranh nữa”, như Đức Phaolô VI đã nói trong chuyến thăm Liên Hợp Quốc lần đầu tiên. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể.”

Ngày nay hơn bao giờ hết, khi thế giới đang kích động, khi các quốc gia đổ xô lấp đầy kho vũ khí của mình, khi việc tuyên truyền tạo ra bầu không khí báo động và sợ hãi để biện minh cho những khoản đầu tư khổng lồ vào vũ khí, chúng ta phải nhớ những lời tiên tri này của vị Giám mục Rôma đến từ một “đất nước xa xôi”, được người kế nhiệm ngài làm vang vọng ngày nay, và cũng bị bỏ lại một mình để kêu lên chống lại sự điên cuồng của chiến tranh.

———————————–

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn : Andrea Tornielli, Vatican News)

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Tư 2025
H B T N S B C
« Th3    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30