LUÂN LÝ CỦA GIÁO HỘI : CÓ CẦN PHẢI ĐỐI LẬP HAI ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAOLÔ II VÀ PHANXICÔ KHÔNG ?
Đúng ba mươi năm trước, thông điệp « Veritatis Splendor » của Đức Gioan-Phaolô II ra đời. Thông điệp này nhắc nhớ đặc tính phổ quát và bắt buộc của luật luân lý của Giáo hội. Cha Alain Thomasset (1), thần học gia luân lý, giải thích tầm quan trọng của nó cũng như sự thay đổi viễn cảnh mà tông huấn « Amoris Laetitia », năm 2006, đã mang lại.
La Croix : Tại sao đọc lại Veritatis Spendor, ba mươi năm sau khi nó ra đời ? Thông điệp này quan trọng thế nào ?
Cha Thomasset : Thông điệp Veritatis Splendor của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, ra đời vào ngày 5/10/1993, là một văn kiện quan trọng đối với giáo huấn luân lý của Giáo hội. Trong bối cảnh mà ngay cả nơi các Kitô hữu, đã xuất hiện một xu hướng mạnh mẽ hướng tới chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa chủ quan đang hiện diện trong nền văn hóa xung quanh, Veritatis Splendor muốn nhắc lại những chân lý cơ bản của giáo lý Công giáo và cung cấp nền tảng cho đạo đức Kitô giáo.
Trước tiên, bản văn giải thích rằng đời sống luân lý là “đi theo Chúa Kitô”, ước muốn làm cho cuộc sống của mình phù hợp với cuộc sống của Chúa Kitô với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần. Các giới răn nhằm phục vụ ước muốn và cuộc sống này, phục vụ hạnh phúc của mỗi người, phục vụ tình yêu vốn là trung tâm của nó.
Tiếp đến, Đức Thánh Cha tái khẳng định sự tồn tại của những giới luật luân lý phổ quát và bất biến, dựa trên bản tính của nhân vị và phẩm giá của nó, mà cần phải được phát huy và tôn trọng. Ngài cảnh báo về mối nguy hiểm của chủ nghĩa tương đối vốn sẽ phủ nhận những chuẩn mực phổ quát này, và chủ nghĩa chủ quan sẽ để mỗi người tùy tiện quyết định điều gì là tốt. Tuy nhiên, lương tâm không bị cô lập. Có một tính khách quan của đời sống luân lý, hướng tới điều thiện và dựa trên việc tìm kiếm sự thật. Và có những hành vi mất nhân tính và phải luôn tránh: giết người, lừa dối, hiếp dâm, ngoại tình, v.v. Do đó, Veritatis Splendor bảo vệ khả năng có một nền luân lý chung cho nhân loại và phẩm giá của mỗi người, bất kể họ là ai.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha quay trở lại với thẩm quyền của Huấn quyền trong các vấn đề luân lý, và tầm quan trọng của những cân nhắc này đối với công việc mục vụ của Giáo hội, trong một nền văn hóa và một xã hội nơi ý thức luân lý đã bị suy yếu đi.
Bản văn có tính đòi hỏi và tương đối chuyên môn này (ban đầu chỉ gửi cho các Giám mục) có mục đích chủ yếu là giáo thuyết. Việc tiếp nhận nó không hề dễ dàng: nó bị chỉ trích vì sự sắc bén của một số khẳng định và vì sự im lặng của nó trong việc áp dụng vào đời sống của các Kitô hữu.
La Croix : Tông huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô về niềm vui yêu thương trong gia đình, được xuất bản năm 2016, đã soi sáng hay làm lay động thông điệp này như thế nào? Phải chăng vị trí được Đức Phanxicô dành cho sự phân định và lương tâm có tương đối hóa tính chất phổ quát của các giới luật luân lý không?
Cha Thomasset : Trong Amoris Laetitia, với tư cách là một mục tử nhân lành, Đức Thánh Cha Phanxicô không bỏ qua những khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa của xã hội và không thay đổi giáo thuyết. Ngài mong muốn loại trừ lối giải thích cứng nhắc về luân lý gia đình vốn khiến nhiều Kitô hữu xa rời Giáo hội. Ngài muốn chú ý đến sự đa dạng và phức tạp trong hoàn cảnh thực tế của các cặp vợ chồng. Điều này đặc biệt đúng đối với những người ly dị tái hôn, những người mà sự đa dạng của các hoàn cảnh không còn có thể bị giới hạn vào những phạm trù quá đơn giản, dẫn đến việc loại trừ họ.
Viễn cảnh mang tính mục vụ hơn là giáo thuyết. Tông huấn tìm cách tiếp cận mọi người trong những tình huống khó xử và khó khăn đặc biệt mà cuộc sống mang đến cho lương tâm của họ. Trong khi nhắc lại tính khách quan của lề luật và đặc điểm cấu trúc của nó, Amoris Laetitia khẳng định rằng sự phân định luân lý trong một hoàn cảnh là sự bổ sung cần thiết cho việc tôn trọng các chuẩn mực và lề luật.
Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở rằng đời sống luân lý không chỉ hệ tại hay trước tiên là tuân theo luật lệ bên ngoài. Đó là một cách tiếp cận tâm linh, trong đó lương tâm đóng vai trò cơ bản. Luật luân lý, dù cần thiết, cũng không bao giờ đủ để xác quyết luân lý tính của một hành vi. Lương tâm, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, phải đưa ra phán đoán trong những hoàn cảnh cụ thể, trong lịch sử cá nhân, điều mà lề luật không thể dự kiến được. Giáo hội phải giúp đào tạo lương tâm chứ không phải thay thế nó.
Việc chăm sóc mục vụ của Giáo hội tất nhiên phải gợi lại sức mạnh của những hướng dẫn đạo đức và giúp mọi người sống theo sự thật trước mặt Thiên Chúa, để dấn thân vào mục tiêu nên thánh. Nhưng Giáo hội cũng phải, noi gương Chúa Kitô, phân định các hoàn cảnh và đồng hành với chúng với lòng thương xót và dịu dàng. Đời sống luân lý là một con đường có những tiến bộ và thất bại. Đức Thánh Cha tái khẳng định tính ưu việt của đức ái.
Nếu Veritatis Splendor tìm cách tránh sự phóng túng, thì Amoris Laetitia nhằm tránh sự nhiệm nhặt về mặt pháp lý. Vì thế chúng phải được đọc cùng nhau. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nhắc lại những nền tảng giáo thuyết, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rõ việc áp dụng mục vụ của chúng. Giáo thuyết và mục vụ không thể tách rời. Lề luật phục vụ cuộc sống con người chứ không phải ngược lại.
La Croix : Nói rằng cần phải đọc hai thông điệp cùng nhau có mở ra những hướng suy tư mới cho thần học luân lý không?
Cha Thomasset : Truyền thống của Giáo hội tiến bộ thông qua những lần tái cân bằng liên tiếp. Như Đức Hồng Y Christoph Schönborn nhắc nhở, cũng như chúng ta đọc Vatican I dưới ánh sáng của Vatican II, chúng ta cũng phải đọc Veritatis Splendor dưới ánh sáng của Amoris Laetitia và trong tính liên tục của nó. Điều này mở ra những viễn cảnh mới cho thần học luân lý.
Sự năng động do Amoris Laetitia khởi xướng đi theo hướng tái cân bằng từ nền đạo đức chuẩn mực, chuyên tập trung vào các bổn phận, hướng tới sự chú ý nhiều hơn đến lịch sử đời sống luân lý của con người và đến việc họ bén rễ trong đời sống thiêng liêng và Giáo hội. Nó mở ra sự phát triển của một nền đạo đức về các nhân đức, những khuynh hướng tự do này vốn hướng chúng ta tới điều thiện và được thủ đắc nhờ thực hành. Nó tập trung sự chú ý vào việc đào tạo luân lý cho con người mà ngày nay là một thách thức thực sự.
Nói rộng hơn, với sự xem xét kỹ lưỡng hơn về hoàn cảnh và ý hướng của con người, Amoris Laetitia, đối với tôi, dường như có thể tạo ra một cuộc đổi mới thần học luân lý nhằm thống nhất hơn nữa luân lý tính dục và luân lý xã hội.
——————————————————-
Tý Linh chuyển ngữ
(nguồn: nhật báo La Croix)
——————————————
(1) Linh mục Dòng Tên, giáo sư thần học luân lý tại Trung tâm Sèvres – Phân khoa Dòng Tên Paris, tác giả cuốn: Une morale souple mais non sans boussole. Répondre aux doutes des quatre cardinaux à propos d’Amoris Laetitia (avec Jean-Miguel Garrigue, op), Cerf, 2017; và Familles, belles et fragiles ! Mettre en œuvre l’exhortation Amoris Laetitia dans l’Église (avec Oranne de Mautort), Fidélité, 2020.
Tags: Phanxicô-I
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- THÁNH GIOAN: “THÁNH TÔNG ĐỒ VÀ THÁNH SỬ KHÔNG PHẢI LÀ CÙNG MỘT NGƯỜI”
- CÁC NĂM THÁNH QUA DÒNG LỊCH SỬ
- NĂM THÁNH 2025: CHỈ BỐN CỬA THÁNH ĐƯỢC MỞ TẠI RÔMA
- THÔNG ĐIỆP GIÁNG SINH VÀ PHÉP LÀNH URBI ET ORBI 2024 : CẦU MONG TIẾNG SÚNG HÃY IM BẶT !
- THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH VÀ KHỞI ĐẦU MỘT NĂM ÂN SỦNG, ĐỔI MỚI VÀ HY VỌNG
- HÀNH TRÌNH QUA CÁC NĂM THÁNH NHỜ CÁC SẮC CHỈ TRIỆU TẬP
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- NĂM THÁNH 2025: CẦN PHẢI CÓ THẺ HÀNH HƯƠNG ĐỂ BƯỚC QUA CÁC CỬA THÁNH Ở RÔMA
- DIỄN VĂN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- GIÁO TRIỀU RÔMA, BÀI GIẢNG MÙA VỌNG THỨ 3: SỰ CAO CẢ CỦA THIÊN CHÚA LÀ SỰ NHỎ BÉ
- MỤC TỬ TRONG THÁNH KINH, MỘT HÌNH ẢNH VỀ UY QUYỀN VÀ LÒNG NHÂN TỪ
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI NHÓM ÂN NHÂN VIỆT NAM: HỖ TRỢ CÁC CÔNG VIỆC BÁC ÁI ĐÓNG GÓP VÀO VIỆC MANG LẠI NIỀM HY VỌNG
- THÁNH TÍCH CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU ĐẾN RÔMA NHÂN NĂM THÁNH
- BÀI GIÁO LÝ VỀ NĂM THÁNH 2025. CHÚA GIÊSU KITÔ, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA. I. THỜI THƠ ẤU CỦA CHÚA GIÊSU. BÀI 1. GIA PHẢ CỦA CHÚA GIÊSU (Mt 1, 1-17). CON THIÊN CHÚA ĐI VÀO LỊCH SỬ
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C: CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?
- NHỮNG ĐOẠN TRÍCH TỪ CUỐN TỰ TRUYỆN « HY VỌNG » CỦA ĐỨC PHANXICÔ
- ĐỨC PHANXICÔ TIẾT LỘ NGÀI ĐÃ THOÁT KHỎI HAI VỤ MƯU SÁT TRONG CHUYẾN TÔNG DU TỚI IRAK
- ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI CORSE NHƯ MÔ HÌNH CỦA “TÍNH THẾ TỤC LÀNH MẠNH”
- ĐỨC PHANXICÔ NÓI VỚI HÀNG GIÁO SĨ CORSE: “HÃY CHĂM SÓC CÁC BẠN VÀ NGƯỜI KHÁC”
- VIDEO TRỰC TUYẾN CHUYẾN TÔNG DU CORSE