LUẬT TỰ NHIÊN
LUẬT TỰ NHIÊN[1]
Lý thuyết về luật tự nhiên hướng dẫn đời sống luân lý cũng như những quyết định luân lý, đã xuất hiện khá lâu rồi trong tiến trình tư tưởng Tây phương. Kể từ khi người Hy Lạp đầu tiên suy tư về triết học. Trong tác phẩm của Aristote, Rhetoric and Ethics, (Tu Từ Học và Đạo đức học), ta thấy có mô tả về thứ luật phổ quát này đang áp đặt cho con người.
Luật riêng là luật do mỗi cộng đoàn lập ra và bó buộc tuân thủ cho những thành viên riêng biệt của nó, một phần thành văn và một phần không thành văn. Luật phổ quát là luật tự nhiên. Bởi thực ra, như từng người nhận thấy tùy theo cấp độ, có lẽ công bình hay bất công tự nhiên nào đó đang áp đặt trên tất cả mọi người. (Aristotle, Rhetoric. Bk.1, ch.13, 1373b).
Cicero đề cập đến một thứ “luật trường cửu và bất biến có giá trị cho mọi dân tộc và mọi thời, do Thượng Đế như người Thầy và Đấng cai quản hết mọi người, đặt ra”. (De Republica, bk. III, XXII, 33). Dẫu vậy, ông ta cũng đề cập đến “lề luật chính hiệu là lý trí chính trực hòa hợp với thiên nhiên”. Các tác giả hiện đại tin rằng người Hy lạp đã đưa ra khái niệm về luật tự nhiên đã được thiết định và đặt nền tảng trên trật tự tự nhiên bất biến, trong khi người La mã cho lý trí con người có chức năng quan trọng, lớn lao hơn nơi luật tự nhiên và do vậy luật lệ sẽ uyển chuyển hơn.[2] Ngày hôm nay mối phân chia như trên vẫn còn hiệu lực.
Thuật ngữ “luật tự nhiên” ám chỉ những cái nhìn về luân lý mà con người có thể phát hiện được dựa vào lý trí của mình, mà không cần đến sự mặc khải của Thiên Chúa qua Thánh Kinh. Theo thần học luân lý cổ truyền, luật luân lý tự nhiên là luật hướng dẫn hành vi con người, rút ra từ chính bản tính con người, nhằm giúp con người đạt tới mục tiêu tối hậu tự nhiên của họ, được lý trí tự nhiên nhận biết. Như thế có nghĩa: lý trí là trung gian chủ quan duy nhất nhận biết luật tự nhiên đó. Nói cách khác, luật tự nhiên là luật luân lý xuất phát từ bản tính con người và thụ tạo; luật ấy có thể được lý trí con người nhận ra. Người ta cũng gọi đó là luật tự nhiên của Thiên Chúa vì ta có thể truy ngược về nguồn gốc của chúng là chính ý muốn của Thiên Chúa: Người đã tạo dựng nên thiên nhiên và bởi đó Người cũng muốn những qui luật rút ra từ thiên nhiên ấy.[3] Như thánh Phaolô đã đề cập đến trong thư gởi các tín hữu thuộc giáo đoàn Rôma. Ngài viết:
“Dân ngoại là những người không có luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì Luật dạy, thì họ là Luật cho chính mình, mặc dầu họ không có luật Mô-sê. Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải.” (Rm 2:14-6).
Vậy ở đây “tự nhiên” có nghĩa là:
- Không siêu nhiên, không được thông tri bằng con đường siêu nhiên;
- Không thiết định hay không phải là kết luận suy ra từ một mệnh lệnh của thẩm quyền lập pháp, như trong luật thiết định của con người hay của Thiên Chúa;
- Được tìm thấy nơi bản tính con người hay được suy diễn từ bản tính con người.
Qua những lối giải thích như trên, ta có thể thấy lý thuyết về luật tự nhiên có liên quan đến đạo đức học tự nhiên nói chung; Luật tự nhiên, luật luân lý dựa theo bản tính tự nhiên, đạo đức học tự nhiên và luân lý tự nhiên là những thành ngữ tương đương với nhau.
Lý thuyết về luật tự nhiên có tầm quan trọng rất cơ bản vì hai lý do như sau:
- Trước hết, đó là nền tảng cho một trật tự luân lý có tính phổ quát, hay là nguồn của sự khôn ngoan đạo đức mà các Kitô hữu đang chia sẻ với tất cả mọi người, vì nó dựa trên chính thực tại mà ai ai cũng có: đó là nhân tính và những điều kiện hiện sinh, chung cho hết mọi người.
- Thứ đến, luật tự nhiên là biện pháp duy nhất thích đáng để chống lại sự độc đoán của những quyền lực chính trị và lập pháp. Đó là tòa chung thẩm cho con người nại tới để phản đối những luật lệ bất công và thiên vị do các nhà lập pháp nhân loại đưa ra.
Chính Ulpian (d.228) đã giới thiệu từ “luật tự nhiên” vào những danh từ đã có sẵn ở bộ luật dân sự [jus civile] và luật muôn dân [jus gentium] do luật gia Gaius (c.160) đã san định. Theo Ulpian, luật tự nhiên (jus naturale) là “luật hành xử chung cho mọi người và mọi sinh vật”. Do vậy, ông ta đã phục hưng điều người Hy lạp nhấn mạnh trên luật tự nhiên như là điều thiên nhiên chỉ dạy cho muôn loài, nghĩa là luật tự nhiên được hiểu trong phạm vi trật tự thiên nhiên. Điều này, có thể trái ngược với việc hiểu luật tự nhiên như những gì lý trí chúng ta đòi thực hiện, sao cho phù hợp với những chiều hướng vốn đặc thù của thân phận con người, nghĩa là luật tự nhiên được hiểu theo phạm vi trật tự lý trí. Ta sẽ mô tả và nêu bật các chi tiết về những mối khác biệt giữa hai cách hiểu về luật tự nhiên này.
I. LUẬT TỰ NHIÊN VÀ TRẬT TỰ THIÊN NHIÊN
Theo sự hiểu biết về luật tự nhiên dưới nhãn quan như vậy, thiên nhiên, bao gồm cả bản tính nhân loại giống như bản phác thảo ý muốn của Thiên Chúa cho chúng ta. Ta sẽ biết lối hành xử chính trực qua việc khám phá và tuân thủ các lề luật thuộc giới tự nhiên, đặc biệt nhấn mạnh đến khía cạnh vật lý và sinh học của bản tính con người. Bản tính nhân loại bao hàm một vài khả năng vật lý và sinh học, và những khả năng này có những mục tiêu, cứu cánh rõ rệt để thực hiện, ví dụ khả năng ngôn ngữ (giúp cho con người có thể thông tin liên lạc và trao đổi kiến thức với nhau), hoặc khả năng sinh lý (giúp ta lưu truyền sự sống). Ta phải hành xử sao cho xứng hợp với chúng. Tránh ức chế chúng. “Đừng hành động chống lại tự nhiên”.
Theo cách nhìn này, chức năng của lý trí là ghi nhận và chấp nhận những khả năng tự nhiên cùng những mục tiêu của chúng. Vậy việc ngừa thai nhân tạo là sai (theo nguyên tắc khách quan), vì nó ngăn chặn việc thông ban sự sống qua hành vi giao hợp mà kết quả và mục đích của nó là sinh sản làm nối dài hậu duệ. Những giáo trình hay sách giáo khoa luân lý cũ đã so sánh bản tính nhân loại và những khả năng của nó như một bản thiết kế máy móc, trong đó bản tính của chiếc máy (chúng ta) đòi buộc phải được hoạt động đúng cách đúng kiểu, đúng mục đích đã được thiết kế. Nhiệm vụ của lý trí nhân loại là xem xét đến “những gì đã được ban” cho bản tính nhân loại, nắm bắt cách sắp đặt và mục tiêu, rồi mới thi hành những mục tiêu của các “dữ liệu” thuộc bản tính nhân loại và tránh ức chế chúng. Theo sự hiểu biết và giải thích như thế về luật tự nhiên, thì chúng ta nhận thấy rằng điều đó không được uyển chuyển cho lắm, con người duy nhất chỉ có một việc là khám phá ra những gì đã được thiết kế trong trật tự tự nhiên và chiếu theo đó mà thi hành.
II. LUẬT TỰ NHIÊN VÀ TRẬT TỰ LÝ TRÍ
Sự hiểu biết về luật tự nhiên như thế đã được nhiều tác giả suy diễn theo những kiểu khác nhau. Vincent MacNamara mô tả luật tự nhiên như là ý thức của con người biết phân biệt điều đúng khỏi điều sai quấy. Con người có thể vạch ra những đường hướng cơ bản cho việc phân biệt này, bằng cách suy tư trên ý nghĩa cuộc sống của con người. Làm người nghĩa là gì?
Timothy O’Connell nói đến khả năng của con người và sự hiểu biết nhờ vào kinh nghiệm mà khám phá ra những gì xứng hợp với hạnh phúc và sự triển nở con người của mình. Riêng Richard Gula, trong cuốn “Họ nói gì về những chuẩn mực luân lý”,[4] ông nói đến lương tâm như là “Sự suy tư của lý trí trên kinh nghiệm nhân loại để khám phá ra giá trị luân lý”. Rõ ràng theo cách giải thích luật tự nhiên như thế này thì lý trí, chứ không phải cơ cấu thể lý của những khả năng con người tự đảm nhiệm lấy chính nó để trở thành tiêu chuẩn của luật tự nhiên. Trật tự sinh học và thể lý hay những khả năng con người đóng vai trò cung cấp dữ kiện/dữ liệu và sáng soi để con người nhờ lý trí mà tư duy [suy tư], nhằm thấu hiểu những gì mang lại hạnh phúc cho họ với giá trị luân lý đích thực.[5]
Tóm lại, theo một số triết gia và thần học gia, luật tự nhiên không là tự nhiên – theo nghĩa là nó không thể bị đồng hóa với những định luật sinh học và vật lý – và nó không là luật theo nghĩa nó không phải là toàn bộ những mệnh lệnh đã được hệ thống hóa (nghĩa là đã được thiết định). Cách chung, luật tự nhiên được xem như thứ luật cắm rễ sâu nơi bản tính con người, con người nhờ có năng lực sử dụng lý trí mà suy tư trên bản tính của mình, để biết phân biệt điều hay lẽ phải khỏi điều sai trái. (Ở đây tầm quan trọng của những chức năng thể lý và sinh học, cũng như những mục tiêu của chúng bị xem nhẹ). Nhờ xem xét đến cái mẫu cuộc đời của mình, kiểu cách con người mà chính mình muốn trở thành mà mỗi người có thể tìm ra lối hành xử xứng hợp với chính bản thân, nhằm phát huy điều thiện hảo để cho mình được triển nở.
Triết gia Augustine Fagothey nhận định như sau: “Mỗi thụ tạo hướng về cứu cánh (mục tiêu tối hậu) của mình, nhờ hoạt động vốn được bản tính hướng dẫn. Loài người, do vậy cũng không ra ngoài định luật trên, bản tính nhân loại hướng dẫn họ hành động, và họ nhận ra rằng chính bản tính này là phương thế hướng dẫn họ đi đến cùng đích, đó chính là ý nghĩa của luật tự nhiên.”[6]
Thánh Tô-ma A-qui-nô dường như đã tháp nhập cả hai cách tiếp cận trên đây vào bài thảo luận của ngài về luật tự nhiên. Ngài cho rằng “thuộc về luật tự nhiên những gì mà con người được sắp đặt cách tự nhiên nào đó, và giữa những gì đó thật thích hợp cho con người hành xử theo lý trí của mình.” Luật tự nhiên được hiểu ở đây như là luật tự nhiên biệt chủng (specific natural law) (x. Summa Theologiae, I-II, q. 94, a. 9). Ngài cũng cho rằng luật tự nhiên có chung cho mọi loài, cách hiểu này xem luật tự nhiên như luật tự nhiên thuộc loài (generic natural law) (x. S.T, I-II, q. 95, a. 4).
Theo quan niệm như thế, thì trật tự tự nhiên (order of nature) được thông ban trực tiếp từ Thiên Chúa, như vậy Ngài là đấng sáng lập ra luật ấy, nó cũng giả định rằng: trật tự tự nhiên có phần vượt hẳn và ưu việt hơn trật tự của lý trí (order of reason) được xuất phát trực tiếp nơi con người. Thánh Tôma đã giữ luận điệu lập luận này khi giải quyết những vấn nạn liên quan đến luân lý tính dục. “Lý trí bao hàm những vấn đề đã được định đoạt bởi tự nhiên… do đó, một khi cung cách hành động của chúng ta đi nghịch lại vơí những gì đã được sắp đặt bởi tự nhiên, thì điều ấy sẽ trở nên nghiêm trọng và ghê tởm.” (x. S.T., II-II, q. 154, a. 12)
Tính cách nước đôi trên đây đã khiến Charles Curran kết luận trong chương “Luật tự nhiên và thần học luân lý” trong tác phẩm “Những vấn đề hiện đại trong thần học luân lý” của ông:
“Luật tự nhiên theo cách hiểu của thánh Tô-ma, dao động tuỳ lúc giữa trật tự tự nhiên và trật tự lý trí. Chung chung ngài có chiều hướng thiên về sự trổi vượt của lý trí trong quan điểm về luật tự nhiên của ngài. Dầu vậy, nơi thánh nhân, đã có chiều hướng dứt khoát trong việc xác định những đòi hỏi của luật tự nhiên với những tiến trình sinh học và vật lý.”[7]
III. NỘI DUNG LUẬT TỰ NHIÊN
Ta dễ thắc mắc tại sao có nhiều bất đồng ý kiến về nội dung luân lý nếu đã có luật tự nhiên vốn chung cho muôn loài. Luật tự nhiên bao hàm những chỉ thị mang nhiều mức độ quan trọng khác nhau, vì sự an sinh cho cá nhân mỗi người và cho cả cộng đồng. Chỉ thị càng cơ bản bao nhiêu thì dễ được nhận ra bấy nhiêu, ngược lại, những chỉ thị rút ra từ bản tính con người nhờ vào lý trí mà thiếu tính chất cơ bản thì vẫn còn chỗ để bị hiểu lầm và gây bất đồng ý kiến. Thật ra, có vài vị theo cách phân chia của Thánh Tô-ma để liệt kê ra 4 cấp bậc của những chỉ thị như thế này:
- Nguyên tắc luân lý thứ nhất, theo lý trí thực tiễn, được tìm thấy nơi tính chất của sự thiện, nghiã là sự thiện thì đều được mọi người tìm kiếm. Từ đó suy ra, “Điều thiện nên làm và được cổ vũ, còn điều xấu cần phải tránh xa” (Do goods and avoid evils). Những soi dẫn khác của luật tự nhiên đều được đặt nền tảng trên sự soi dẫn hay nguyên tắc cơ bản này.
- Những nguyên tắc chung hay tổng quát khác thì cũng được đặt trên nền tảng của nguyên tắc thứ nhất trên đây – có thể được liệt kê như sau: tự bảo tồn hay bảo vệ sự sống của mình, bao gồm cả việc bảo toàn thân xác cũng như sự kính trọng trong xã hội; tự hoàn thiện, bao gồm cả việc mở rộng kinh nghiệm và kiến thức cũng như cải thiện các điều kiện sống; sinh sản và giáo dục con cái; quan tâm và chăm lo cho sự phát triển tinh thần và vật chất của đồng bào mình; tính đồng đội trong xã hội để thăng tiến công ích; dấn thân phục sự tốt lành và các giá trị ở mức tuyệt đối và siêu việt, nhất là kết hợp với Thiên Chúa qua việc thờ phượng Người; tránh vi phạm đến những người sống chung quanh ta.
- Ở cấp độ thứ ba, ta có những kết luận phát xuất từ một tiến trình lý luận phức tạp hơn. Ví dụ như kết luận về luân lý tính của việc chấm dứt đau đớn cho bệnh nhân [the morality of mercy killing], việc thụ tinh nhân tạo bằng ống nghiệm, việc đa thê [polygamy] v.v…
- Công việc khó khăn nhất là việc ứng dụng những nguyên tắc rút ra từ luật tự nhiên cho những nố riêng cụ thể, từ sự suy nghĩ của lý trí, thế nào là con người, để chúng ta có một sự chọn lựa cho nó xứng hợp hơn.
IV. NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN THUYẾT LUẬT TỰ NHIÊN.
Đã có biết bao chống đối từ nhiều phía về luật tự nhiên. Sigmund Freud (1856-1939) cho rằng vô thức điều khiển chúng ta chứ không phải lý trí theo thứ quan niệm đã được thi vị hóa. Karl Marx (1818-1885) nhấn mạnh đến những sức mạnh ngoại lai điều khiển ta và tạo ra những quyết định nơi đời ta. Trong khi ấy, một số tâm lý gia [develomental psychologists] chủ trương có những mẫu mực nơi con người vượt biên giới xã hội và địa dư, tỷ dụ như các tâm lý gia: Jean Piaget, Erik Erikson, Lawrence Kohberg, cho nên những lý thuyết gia về luật tự nhiên vẫn còn phải trả lời cho một vài vấn đề cấp bách.[8]
- Trước tiên, điều mà thường được tham chiếu khi bàn thảo về luật tự nhiên, đó chính là bản tính con người hay còn gọi là nhân tính. Vậy nhân tính là gì?[9] Nhân tính đó có cố định hoặc không bao giờ thay đổi không? Nếu như bản tính con người có sử tính, nghiã là nó cùng tiến triển vơí lịch sử, vậy thì những suy tư của chúng ta liên quan đến bản tính con người cũng sẽ thay đổi.[10] Do vậy một vài chỉ thị phát xuất từ lý trí nhằm suy tư về điều gì là thiện ích và thích hợp cho con người cũng sẽ phải được canh tân đổi mới.[11] Vậy liệu luật tự nhiên có chấp nhận mở ra để đón nhận những sự thay đổi không? Bởi vì bản tính con người chưa hẳn là một sự thể hoàn tất, nhưng vẫn tiếp tục đang trên con đường dẫn đến sự hoàn thiện, lẽ đó mà người ta đã dùng một lối nói đầy tượng hình là “kiếp sống con người là một hành trình” để nhằm diễn tả cái chiều kích không ngừng phát triển của nó. Trên cấp độ “trật tự tự nhiên”, ta có thể hỏi tại sao việc ức chế những tiến trình tự nhiên hay mục tiêu của những khả năng thể lý (physical faculties) của chúng ta là điều sai trái?
- Nếu ta chấp nhận theo nguyên tắc rằng: lý trí là tiêu chuẩn của luật tự nhiên, theo ý nghĩa lý trí tư duy trên bản tính con người và trên kinh nghiệm của chúng ta, và lý trí ấy có thể khám phá ra những gì thích hợp cho loài người, hoặc những gì đem đến hạnh phúc, thịnh đạt, do vậy ta phải theo những điều lý trí chỉ cho chúng ta phải thực hiện hay hoàn thành. Giống như vậy, những gì không hợp cho ta hay dẫn đến tự hủy hay bất hạnh nên cần tránh xa. Rồi ta hỏi đâu là điều thiện hảo cơ bản khiến cho mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hóa đều đeo đuổi như là dấu chỉ về luật tự nhiên, vốn chung nhất cho hết mọi người? John Finnis trong tác phẩm, Luật tự nhiên và quyền lợi tự nhiên,[12] trình bày luật tự nhiên như lý thuyết cung cấp cách xác định những điều thiện hảo cơ bản của con người cần được đeo đuổi. Finnis liệt kê bảy điều thiện hảo cơ bản xuất phát từ luật tự nhiên: cuộc sống, tri thức, giải trí, cảm nghiệm thẩm mỹ, xã hội tính hay tình bạn, khả năng suy luận thực tế và tôn giáo.
Hành xử rập theo bản tính con người là tìm những điều thiện hảo trên, hầu mang lại sự triển nở con người. Không ai được hành xử trực tiếp chống lại các điều thiện hảo. Chính chỉ thị sau cùng này: “đừng bao giờ hành xử trực tiếp chống lại các điều thiện ích” đã gây nên nhiều bất đồng ý kiến cả giới triết gia lẫn thần học gia luân lý. Ta phải làm gì trong tình huống xung đột, khi mà một điều thiện hảo cơ bản nhân loại được rút ra từ luật tự nhiên đang xung khắc với một điều thiện hảo cơ bản nhân loại khác? Tỷ dụ việc sinh sản con cái và trách nhiệm giáo dục chúng cho đến nơi đến chốn, cả hai đều là những thiện ích trong đời sống hôn nhân gia đình và cũng là bổn phận của vợ chồng. Nếu như sanh con qúa nhiều và không có đủ khả năng để nuôi dưỡng và giáo dục chúng cho cân xứng, thì thiết nghĩ vợ chồng nên bàn thảo với nhau để có thể chọn lựa một trong hai sự thiện ích trên đây.
Đứng trước những tình huống như vậy, chúng ta phải làm sao để giải quyết vấn đề khi có hai sự đòi hỏi của hai mục tiêu hiện sinh đã đi vào thế xung đột. Để giải đáp vấn đề này, ta sẽ dựa vào tiêu chuẩn là mục tiêu tối hậu của con người. Theo định nghiã về luật tự nhiên, bản tính con người không phải là nguồn khách quan duy nhất để nhận ra luật luân lý, kết hợp với bản tính ấy còn có mục tiêu tối hậu nữa. Chính mục tiêu tối hậu này sẽ xác định thứ tự ưu tiên giữa các mục tiêu hiện sinh khác nhau. Trong trường hợp có xung đột giữa hai mục tiêu hiện sinh, mục tiêu nào cần hơn cho việc thực hiện mục tiêu tối hậu, mục tiêu ấy sẽ thắng thế. Ngoài ra, mỗi khi hy sinh một trong các mục tiêu hiện sinh mà để phục vụ tốt hơn cho mục tiêu tối hậu, thì được phép hy sinh; đôi khi buộc phải làm nữa.
Ví dụ: Cần giữ gìn sức khỏe, đừng phí phạm năng lực nhằm bảo tồn sinh mạng. Nhưng khi tình huống cấp bách của quốc gia, cho phép hay thậm chí đòi hỏi chúng ta phải sử dụng hết năng lực và khả năng của mình vì ích lợi chung. Vì trong số các mục tiêu hiện sinh, còn có mục tiêu liên kết với người khác (một trong những nguyên tắc của luật tự nhiên) để thăng tiến công ích, xây dựng đất nước và bảo vệ ngoại xâm.
- Điểm tiếp theo là cách giải thích luật tự nhiên theo “Trật tự tự nhiên” được Giáo hội sử dụng khi dạy luân lý liên quan đến y học và giới tính, ví dụ các Thông điệp Casti connubii,[13] Humanae Vitae (1968) và Humana Persona (1975). Cách giải thích luật tự nhiên theo “Trật tự lý trí ” được Giáo hội chấp nhận sử dụng trong những thông điệp về xã hội, ví dụ Rerum Novarum (1891), Pacem in terris (1963), Gaudium et Spes (1965), Populorum Progressio (1967). Từ đó chúng ta có thể nghiệm thấy rằng: ít ra là cũng có hai lối chú thích về luật tự nhiên được Giáo Hội sử dụng trong việc giáo huấn của mình. Và với lối áp dụng hai cách thức chú giải khác nhau về luật tự nhiên thì hẳn nhiên, chúng ta sẽ có hai hậu kết khác nhau. Về điểm này, chúng ta cũng thấy rõ thêm là đôi khi Giáo Hội chấp nhận lối giải thích “luật tự nhiên theo trật tự tự nhiên” thì có trổi vượt hơn lý trí và bó buộc chúng ta phải tuân theo các trật tự của tự nhiên. Ngược lại, khi truyền dạy về công bình xã hội, thì Giáo Hội lại áp dụng “luật tự nhiên theo trật tự lý trí,” do đó lý trí lúc này được chiếm một vị trí ưu thế hơn, khi con người cố gắng rút ra những chuẩn mực luân lý về phương diện công bằng, hầu xây một thế giới công bình bác ái.
Do đó chúng ta có thể tiên nghiệm hay suy đoán ra được cái kết luận mà Giáo Hội muốn đề đạt cho con cái của mình nói riêng, và cho toàn thể nhân loại nói chung. Điều này không thể tránh khỏi sự phê bình và chỉ trích của một vài thần học gia luân lý của Giáo Hội Công Giáo lẫn các anh em tôn giáo bạn.
Linh mục Phêrô Trần Mạnh Hùng
Copyright©tác giả giữ bản quyền 2023.
————————————————————–
LIÊN HỆ NHÀ SÁCH ĐỨC BÀ HOÀ BÌNH
Địa chỉ: Số 1 Công Xã Paris,
Phường Bến Nghé, Quận 1, Sài Gòn
– Điện thoại: 0938.037.175 – (028) 3.8250.745
– Email: nsachducbahoabinh@gmail.com
– Website: https://ducbahoabinhbooks-osp.com
——————————————————————–
[1] . Xem Lm Trần Mạnh Hùng, Thần học luân lý: một cái nhìn mới (Hà Nội NXB Tôn Giáo, 2004 và tái bản năm 2012), Chương 6.
https://ducbahoabinhbooks-osp.com/luan-ly/than-hoc-luan-ly-mot-cai-nhin-moi/
[2] . Xem Timothy O’Connell, Principles for a Catholic Morality (New York: Seabury Press, 1976), ch.13.
[3] . Ngoài ra chúng ta còn có Luật mặc khaỉ của Thiên Chúa trong Kinh Thánh, tỷ dụ như Mười Điều Răn. Luật mặc khải trong Thánh Kinh được gọi là “Luật thiết định” của Thiên Chúa. Gọi là “thiết định”, vì chúng được đặt ra do ý muốn đầy uy quyền của T.C, khi Người ngỏ lời vơí con người qua sự mặc khải. Và thêm vào đó, chúng ta còn có luật của con người (nhân luật). Nguồn gốc trực tiếp của luật này là thẩm quyền của con người. Nhân luật có thể chỉ tái khẳng định những đòi hỏi của luật tự nhiên, như các khoản cấm giết người hay trộm cắp (x. Peschke, Thần Học Luân Lý Tổng Quát, tập I, trang 166-7).
[4] . Richard Gula, What Are They Saying about Moral Norms (New York: Paulist Press, 1982).
[5] . It is clear that in this interpretation of the natural law, reason, not the physical structure of human faculties taken by themselves becomes the standard of natural law.
[6] . A. Fagothey, Right and Reason (Saint Louis: C.V. Mosby Company, 1967), trg 120.
[7] . Charles Curran, Contemporary Problems in Moral Theology (Notre Dame: Fides, 1970). “The Thomistic natural law concept vacillates at times between the order of nature and order of reason. The general Thomistic thrust is toward the predominance of reason in Natural Law theory. However, there is in Thomas a definite tendency to identify the demands of the natural law with physical and biological processes.”
[8] . Tất cả những điều này cho thấy rằng khi chúng chấp nhận lối giải thích của luật tự nhiên như đã được trình bày ở trên, chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn và vấn nạn mà các nhà tâm lý học cũng như xã hội học đưa ra. Việc chấp thuận luật tự nhiên là luật phổ quát có thể áp dụng cho tất cả mọi người, qua mọi thời đại sẽ không được nền tảng hậu thuẩn vững chắc, khi trong thực tế chúng ta thấy rằng ở tại một số quốc gia thể theo phong tục và tập quán của họ cho phép chế độ đa thê, hay việc em chồng lấy chị dâu, và coi đó như là một nghĩa vụ cao cả để bảo vệ giống nòi của họ. Thêm vào đó, lý thuyết cổ truyền về luật tự nhiên đã gặp nhiều chỉ trích và phản đối. Người ta lập luận rằng đòi hỏi của luật tự nhiên là trở nên có giá trị phổ quát đã thất bại trước tình trạng có quá nhiều bộ luật luân lý khác nhau của các dân tộc và các thời đại. Hơn thế nữa, luật tự nhiên không đánh giá đúng mức lịch sử của các chuẩn mực luân lý.
[9] . Theo từ điển tiếng Việt là tính chất chung tốt đẹp của con người, tính người. Tỷ dụ như, tính quảng đại, rộng lượng. Tính bác ái, Tính tương thân tương trợ. Tính khoan dung, đại lượng v.v…
[10] . Thực vậy, với các khoa như nhân học, xã hội học và tâm lý học hiện nay đã giúp chúng ta rất nhiều đến việc tìm hiểu về nguồn gốc và bản tính con người. Giúp cho chúng ta có một cái nhìn chính xác và thấu đáo hơn, so với những quan niệm trước đây hằng nhiều thế kỷ về con người… Ta cũng có thể nghiệm thấy điều này là những suy tư của chúng ta về con người và bản tính của nhân loại đã thay đổi rất nhiều (từ việc hiếu chiến hay gây thù oán đến việc yêu thích hoà bình và việc hợp tác giữa các quốc gia).
[11] . Tỷ dụ trước đây, con người vì chưa có những phương tiện truyền thông hiện đại và những phương tiện di chuyển tối tân như ngày nay. Cho nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, con người muốn liên lạc với nhau đôi khi mất cả tháng hay năm, tuỳ theo khoảng cách xa gần. Nhưng nay nhờ những phát minh mới la, tỷ dụ như máy vi tính hoặc điện thoại, con người có thể liên lạc với nhau trong tích tắc bất kỳ ở đâu. Nhờ những phương tiện trên mà con người thời nay đã xích lại gần với nhau hơn, do đó đã xoá bỏ được phần nào sự hiềm thù, kỳ thị về chủng tộc, óc vị kỷ. Con người cũng có thể trao đổi với nhau về những kiến thức mới lạ, hầu nâng cao trình độ nghề nghiệp hoặc hợp tác làm ăn với nhau, cùng nhau phác họa một chương trình nhằm phục vụ cho sự hạnh phúc và an ninh cho cả toàn cầu. Con người đã thu gắn lại cái khoảng cách biên giới, nếu điều đó chưa thực hiện được trên thực tế, thí ít ra trong cái não trạng của họ, đã có một sự xích lại gần nhau. Họ bớt đi tính ích kỷ và chỉ nghĩ đến cái lợi của riêng mình, nhưng ngược lại, họ ý thức hơn về cái vấn nạn và khó khăn mà thế giới ngày nay đang phải đương đầu, tỷ dụ như bề mặt của vỏ điạ cầu đang gia tăng sức nóng… hay vấn đề ô nhiễm môi sinh. Hiện nay các cường quốc trên thế giới đã ký kết một hiệp ước nhằm giảm thiểu chất đốt, đặc biệt là các loại chất đốt dó thể gây ra nhiều khí carbonic, ví dụ như than đá. Tất cả những điều này có được, một phần lớn là do thành qủa của những phát minh khoa học hiện đại ở thế kỷ thứ hai mươi này đem lại, cũng như sự thăng tiến về tầm ý thức của con người. Ngày nay qua màn hình TiVi, hoặc qua hệ thống Internet, ta có thể theo dõi những diễn biến đang xảy ra trên thế giới, chúng ta có thể am tường những gì đang xảy ra trong thế giới mà chúng ta đang sống. Điều này ảnh hưởng rất lớn trên bản tính con người của chúng ta.
[12] . John Finnis, Natural Law and Natural Rights (Oxford: Claredon Press, 1980).
[13] . Xem thông điệp Casti Connubii của Đ.T.C Pio XI, ban hành tháng 12 năm 1930, nhằm duy trì giáo huấn truyền thống của Giáo Hội Công Giáo về việc ngừa thai. Muốn biết thêm chi tiết xin đọc tác phẩm của linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R., Đạo Đức Sinh Học và Những Thách Đố Hiện Nay (Hà Nội: Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2003), chương 2.
Tags: Luật tự nhiên
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG NĂM C: TẠ ƠN CHÚA VỀ HỒNG ÂN SỰ SỐNG
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO GIÁO TRIỀU RÔMA NHÂN DỊP CHÚC MỪNG GIÁNG SINH 2024: HÃY NÓI TỐT CHỨ ĐỪNG NÓI XẤU
- BÁO CÁO CỦA HỘI THỪA SAI PARIS VỀ CÁC VỤ LẠM DỤNG TÌNH DỤC
- SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI HÒA BÌNH 2025
- LỜI KHUYÊN CỦA MỘT GIÁO PHỤ SA MẠC ĐỂ THÁO GỠ MỐI DAY OÁN HẬN
- ĐỨC PHANXICÔ : KHÔNG ĐƯỢC LOẠI BỎ BẤT KỲ MẠNG SỐNG NÀO
- NGHỀ NÀO HẠNH PHÚC NHẤT THẾ GIỚI?
- ĐẶT CHÚA KITÔ TRỞ LẠI TRUNG TÂM
- THẦN BÍ SAI LẠC VÀ LẠM DỤNG THIÊNG LIÊNG, MỘT NHÓM LÀM VIỆC ĐƯỢC THÀNH LẬP TẠI VATICAN
- TẠI SAO ĐỨC PHANXICÔ KÊU GỌI QUAY TRỞ LẠI VỚI LỊCH SỬ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC ?
- DIỄN VĂN CỦA PHANXICÔ CHO CÁC THAM DỰ VIÊN CUỘC HỌP ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI TÒA THƯỢNG THẨM RÔMA
- THƯ VỀ VIỆC ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ GIÁO HỘI
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- CÔNG ÍCH THƯỜNG BỊ PHỚT LỜ TRONG HÀNH ĐỘNG
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP