LUXEMBOURG: ĐỨC PHANXICÔ CA NGỢI SỰ HỢP TÁC VÀ LIÊN ĐỚI GIỮA CÁC QUỐC GIA

Written by xbvn on Tháng Chín 26th, 2024. Posted in Học thuyết xã hội, Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên tại Đại Công quốc trong khuôn khổ chuyến tông du tới hai quốc gia vùng Benelux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg), Đức Phanxicô đã kêu gọi “những người được trao quyền bính” dấn thân vào văn hóa đối thoại và thỏa hiệp nhằm xây dựng an ninh và hòa bình cho tất cả mọi người.

Được đón tiếp bởi Đại công tước Henri và Nữ công tước Maria Teresa của Luxembourg cũng như Thủ tướng Luc Frieden, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các đại diện dân sự và ngoại giao của đất nước vào sáng 26/9/2024 tại trung tâm hội nghị Cercle Cité của thành phố Luxembourg. Trong bài phát biểu đầu tiên của chuyến tông du lần thứ 46, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh đến lợi ích của sự hợp tác giữa các quốc gia nhằm chống lại “những hậu quả tai hại của những quan điểm cứng rắn và việc theo đuổi ích kỷ (…) lợi ích cá nhân”.

Trước khi Đức Thánh Cha phát biểu, Thủ tướng Luxembourg đã phát biểu cảm ơn người đứng đầu Giáo hội Công giáo vì sự hiện diện của ngài tại đất nước này, “40 năm sau sự hiện diện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II”. Luc Frieden nhắc lại: “Ngài không chỉ đến thăm thủ đô của Luxembourg, mà còn đến thăm một trong ba thủ đô của Liên minh Châu Âu”. Ông cũng nhấn mạnh sự gắn bó của đất nước mình, chịu ảnh hưởng của các giá trị Do Thái-Kitô giáo, với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, cũng như quyền tự do lương tâm, biểu thị và tôn giáo, được coi là những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Luxembourg.

Giao lộ lịch sử của Lục địa già

Về phần mình, Đức Phanxicô trước tiên vẽ ra một bức chân dung địa lý về một trong những quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất ở Châu Âu, nằm trên “biên giới của các khu vực ngôn ngữ và văn hóa khác nhau”, nép mình giữa Pháp, Đức và Bỉ. Do đó, Luxembourg “thường xuyên đứng trước các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của châu Âu” và hai lần phải hứng chịu “sự xâm lược và tước đoạt tự do, độc lập” vào đầu thế kỷ XIX. Được hướng dẫn bởi lịch sử của mình, Đại Công quốc Luxembourg sau đó đã hành động “trong việc xây dựng một Châu Âu thống nhất và liên đới”. Vang vọng lại nhận xét của Thủ tướng, Đức Thánh Cha nhắc lại vai trò của “thành viên sáng lập của Liên minh Châu Âu và các Cộng đồng trước nó” của đất nước này, nơi “đặt trụ sở của nhiều tổ chức Châu Âu bao gồm Tòa án Công lý của Liên minh, Tòa án Kiểm toán và Ngân hàng Đầu tư”.

Vượt quá tầm quan trọng của châu Âu, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh “cấu trúc dân chủ vững chắc”, “tha thiết với phẩm giá của con người và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của họ” và cảnh báo chống lại “những nguy cơ phân biệt kỳ thị và loại trừ”. Những điều kiện được Đức Thánh Cha cho là cần thiết để đảm nhận một vai trò quan trọng như vậy ở quy mô lục địa cũng như quốc tế, Luxembourg ngày nay là một trung tâm kinh tế và tài chính toàn cầu, đồng thời là một mô hình hợp tác giữa các quốc gia. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Về vấn đề này, những lời của Thánh Gioan Phaolô II trong chuyến viếng thăm Luxembourg năm 1985 của ngài vẫn có tính thời sự: “Đất nước của các bạn vẫn trung thành với ơn gọi của mình, ở giao lộ quan trọng của các nền văn minh, nơi trao đổi và hợp tác chặt chẽ giữa ngày càng nhiều quốc gia. Tôi tha thiết mong muốn rằng ước muốn liên đới này sẽ đoàn kết các cộng đồng quốc gia ngày càng rộng rãi hơn và mở rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia thiếu thốn nhất” (Bài phát biểu tại nghi thức chào đón ngày 15 tháng 5 năm 1985)”.

Sự giàu có là một trách nhiệm, để phục vụ những người nghèo nhất

Tiếp đến, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại hai chủ đề lớn trong triều đại giáo hoàng của ngài, đó là bảo vệ công trình tạo dựng và tình huynh đệ. Phát biểu với chính quyền của một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, Đức Thánh Cha nhắc lại giàu có là một trách nhiệm thuộc. Vì vậy, phát triển kinh tế một mặt phải “không phá hủy hay làm suy thoái ngôi nhà chung của chúng ta”. Mặt khác, nó không được “gạt các dân tộc hoặc các nhóm xã hội ra bên lề”. “Do đó, tôi yêu cầu chúng ta luôn cẩn thận để không bỏ rơi những quốc gia thiệt thòi nhất, và thậm chí chúng ta giúp họ phục hồi khỏi tình trạng bần cùng hóa của họ. Đây là một con đường quan trọng để đảm bảo rằng số lượng người bị buộc phải di cư sẽ giảm, thường là trong những điều kiện vô nhân đạo và nguy hiểm”, Đức Phanxicô nhấn mạnh như thế tại đất nước có 654.000 dân, gần một nửa trong số đó là người nhập cư châu Âu và toàn cầu. Đức Thánh Cha cũng cảm ơn tinh thần chào đón và hội nhập dành cho những người di cư.

Chữa lành “bệnh xơ cứng nguy hiểm” của bạo lực, bằng cách nhìn lên Thiên Chúa

Mở rộng bài phát biểu của mình trong giây lát tới toàn bộ lục địa Châu Âu, Đức Phanxicô lấy làm tiếc sự xuất hiện trở lại của “những rạn nứt và thù địch mà, thay vì được giải quyết trên cơ sở thiện chí chung, của đàm phán và công việc ngoại giao, lại dẫn đến những hành động thù địch công khai, với sự hủy diệt và cái chết kèm theo”. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Để chữa lành căn bệnh xơ cứng rất nguy hiểm này, vốn khiến các quốc gia lâm vào tình trạng đau yếu nghiêm trọng và có nguy cơ đẩy họ vào những cuộc mạo hiểm với cái giá phải trả to lớn về con người bằng cách tái diễn những cuộc thảm sát vô nghĩa, cần phải hướng nhìn lên cao, cuộc sống hằng ngày của các dân tộc và những người cai trị họ phải được thúc đẩy bởi những giá trị tinh thần cao cả và sâu xa, vốn ngăn chặn sự điên rồ của lý trí và sự quay trở lại vô trách nhiệm với những sai lầm trong quá khứ, càng trở nên trầm trọng hơn bởi sức mạnh kỹ thuật lớn hơn mà con người có được ngày nay”. Phát biểu với xã hội Luxembourg rất tục hóa này, Đức Thánh Cha đã muốn làm chứng cho “nhựa sống” của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, “Đấng duy nhất có khả năng biến đổi sâu xa tâm hồn con người bằng cách khiến nó có khả năng làm điều tốt, thậm chí trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, để dập tắt hận thù và hòa giải các bên xung đột.”

Phục vụ, theo hình ảnh Chúa Kitô

Đức Thánh Cha kết thúc bài phát biểu của mình bằng cách nhắc lại khẩu hiệu của chuyến đi đến Luxembourg, “Để phục vụ”. Theo hình ảnh của Chúa là tôi tớ, Giáo hội hiện diện để phục vụ nhân loại. “Nhưng,” Đức Phanxicô nêu rõ, “cho phép tôi nhắc các bạn rằng đó cũng là danh hiệu cao quý nhất dành cho mỗi người trong quý vị, nhiệm vụ chính, phong cách phải đảm nhận hằng ngày. Xin Chúa ban cho quý vị luôn phục vụ với tinh thần vui tươi và quảng đại.”

Tý Linh

(theo Alexandra Sirgant – Vatican News)

Tags: , , , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31