MALTA, « PHÒNG THÍ NGHIỆM CỦA HÒA BÌNH » VÀ TRUNG TÂM LOAN BÁO TIN MỪNG

Written by xbvn on Tháng Tư 6th, 2022. Posted in Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Truyền giáo, Tý Linh

Như truyền thống mong muốn sau mỗi chuyến tông du, Đức Thánh Cha dành bài giáo lý của mình cho chuyến viếng thăm gần đây đến Malta, diễn ra vào ngày 2-3/4/2022. Ngài đã tổng hợp những điểm chính của hai ngày tông du này và rút ra những bài học cụ thể.

Ngài nhấn mạnh đến những lời mà chúng ta tìm thấy trong trình thuật về thánh Phaolô và các bạn đồng hành bị mắc cạn ở bờ biển Malta. « Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có » (Cv 28, 2). Một lối diễn đạt còn vang vọng hôm nay như một lời mời gọi, để « thế giới trở nên huynh đệ hơn, đáng sống hơn, và được cứu khỏi một cuộc « đắm tàu » đang đe dọa tất cả chúng ta », Đức Thánh Cha mong muốn.

Chứng tá của những người bé nhỏ

Đức Thánh Cha nói tiếp, Malta là một nơi quan trọng theo quan điểm địa lý. Theo vị trí của nó, nó là một « nơi gặp gỡ của các dân tộc và các nền văn hóa ». Nó cũng tượng trưng cho « quyền và  sức mạnh của « những người bé nhỏ », của các quốc gia bé nhỏ nhưng giàu lịch sử và văn minh, vốn là hiện thân của lôgíc tôn trọng và tự do, (…) của sự cùng chung sống của các khác biệt, đối lập với sự thực dân hóa của những kẻ quyền lực ». Đang khi « ngày nay người ta thường nói đến « địa chính trị », nhưng thật không may, lôgíc  thống trị là lôgíc của các chiến lược của các  Nhà nước quyền lực nhất nhằm khẳng định lợi ích của họ bằng cách mở rộng vùng ảnh hưởng kinh tế, hay ảnh hưởng ý thức hệ và ảnh hưởng quân sự : chúng ta đang thấy điều này với chiến tranh ». Ngài lấy làm thất vọng vì « sau Thế Chiến II, những nỗ lực đã được thực hiện để đặt nền móng cho một lịch sử hòa bình mới, nhưng không may – chúng ta không học được – lịch sử cũ của các cường quốc cạnh tranh vẫn tiếp tục ». Rồi Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng « trong cuộc chiến hiện nay ở Ucraina, chúng ta là nhân chứng về sự bất lực của các tổ chức của Liên Hiệp Quốc ».

Một trách nhiệm đối diện với người di cư

Tiếp đến, Malta là nơi quan trọng liên quan đến việc di cư. Đức Thánh Cha đã có thể gặp gỡ người di cư ở trung tâm đón tiếp Gioan XXIII. Một cuộc viếng thăm cho phép ngài lặp lại rằng « mỗi người di cư là độc nhất (…) mỗi người di cư là một nhân vị với phẩm gia của riêng mình, cội nguồn của mình, văn hóa của mình ». Ngài nói thêm : « Chúng ta đừng quên rằng Châu Âu được tạo nên bởi những cuộc di cư ». Hiện tượng này là « một dấu chỉ của thời đại chúng ta » vốn có thể trở thành nguồn xung đột hay hòa bình. Ngài tuyên bố : « Điều đó tùy thuộc vào chúng ta ». Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng toàn thể quốc gia Malta, qua cư xử của mình, « là một phòng thí nghiệm của hòa bình ». Nó có thể tiếp tục như thế bằng cách duy trì cách sống động các giá trị mà Tin Mừng truyền đạt cho nó.

« Niềm vui của Giáo hội là loan báo Tin Mừng »

Và chính điểm thứ ba được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ trong bài giáo lý này : Malta « là một nơi quan trọng theo quan điểm loan báo Tin Mừng », bởi vì nó mang cho thế giới chứng tá Kitô giáo. « Như thể chuyến ghé qua của thánh Phaolô đã để lại sứ mạng trong ADN của người dân Malta ! » Tuy nhiên, cư dân của Malta không được miễn  trừ rủi ro. Đức Thánh Cha nhấn mạnh : « Đối diện với làn gió của chủ nghĩa thế tục và nền văn hóa toàn cầu hóa », đã đến lúc cần có một « cuộc tân Phúc Âm hóa » ở Malta, « để Tin Mừng có thể nảy sinh với sự tươi mới của cội nguồn và làm sống lại di sản lòng đạo đức bình dân của mình ».

Một lần nữa Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng « niềm vui của Giáo hội là loan báo Tin Mừng ». Trích dẫn thánh Phaolô VI, ngài nói thêm : « Ơn gọi của Giáo hội là loan báo Tin Mừng ». Đó là « định nghĩa đẹp nhất về Giáo hội » đối với Đức Thánh Cha.

Tý Linh

(theo Vatican News)

 

Tags: , , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Hai 2024
H B T N S B C
« Th11    
  1
2 3 4 5 6 7 8
9 10 11 12 13 14 15
16 17 18 19 20 21 22
23 24 25 26 27 28 29
30 31