MẠNG XÃ HỘI : ĐÂU LÀ QUYỀN TỰ DO NGÔN LUẬN CỦA GIÁO SĨ ? TÔI THỰC SỰ ĐANG TÌM KIẾM ĐIỀU GÌ ?

Written by xbvn on Tháng Tám 31st, 2021. Posted in Linh mục, Thế Giới, Tý Linh

Hôm thứ Bảy 28/8/2021, HĐGM Pháp và Giáo phận Sens-Auxerre đã phản ứng trước cuộc tranh cãi xung quanh linh mục Matthieu Jasseron. Là ngôi sao trên mạng xã hội TikTok, cha Matthieu đã khẳng định trong một video rằng đồng tính luyến ái không phải là một tội, khơi lên những phản ứng mà tác động của nó vượt quá mạng xã hội. Câu chuyện này đặt ra vấn đề phát ngôn công cộng của các linh mục.

+ « Cần thiết, nhưng sự tự do giọng điệu phải được đồng hành »

Cha Pierre-Hervé Grosjean, cha sở giáo xứ Montigny-Voisins-le-Bretonneux (Yvelines) và là nhà đồng sáng lập Padreblog.

« Đối với một linh mục, các mạng lưới xã hội là một cơ hội truyền giáo, cơ hội để chia sẻ sứ điệp Tin Mừng vượt quá biên giới giáo xứ của mình, cơ hội để nói với các vùng ngoại vi. Đặc biệt trên mạng xã hội, mỗi người có thể hưởng được sự tự do giọng điệu thực sự : một linh mục không phát biểu trên TikTok hay Youtube như là một Giám mục phát biểu trong thư mục vụ cho Giáo phận của ngài !

Tôi không có gì chống lại sự kiện các linh mục phát biểu, Giáo hội cần những con người biết sử dụng mạng xã hội để loan báo sứ điệp Tin Mừng, làm cho sứ điệp này được tiếp cận hơn. Điều đó có thể là một việc phục vụ đích thực ! Nhưng sự gan dạ này phải được đồng hành bằng sự khôn ngoan thận trọng, bằng sự hài hòa và lòng trung thành thực sự.

Hàng giáo sĩ có trách nhiệm đặc biệt trên loại nền tảng này bởi vì, do chính thừa tác vụ của họ, họ mang một sứ điệp vốn không phải của họ, nhưng họ là người phục vụ sứ điệp đó. Phát ngôn của linh mục dấn thân còn hơn chính bản thân linh mục ! Chúng tôi không được truyền chức để bày tỏ quan điểm cá nhân hay những nghi ngờ của chúng tôi, nhưng để loan báo một Chân Lý vốn vượt xa chúng tôi. Chắc chắn, Tin Mừng cần những chứng nhân để thể hiện mình, với những nhân cách của họ, các đặc sủng của họ và các giọng điệu khác nhau của họ…nhưng đó phải vẫn là chính Tin Mừng !

Cũng như người ta không phải là linh mục mà không cần đến Giáo hội, thì một giáo sĩ không thể giảng dạy hay loan truyền một điều khác với những gì Lời Chúa và đức tin của Giáo hội giảng dạy – nhất là về những chủ đề mà Huấn quyền đã bày tỏ rồi. Đó là một vấn đề trung thành với sứ mạng được nhận lãnh ! Cuối cùng đó cũng là trách nhiệm như khi một linh mục giảng lễ…

Chính vì thế sự tự do giọng điệu này, dù cần thiết, nhưng phải có trách nhiệm và được đồng hành. Có trách nhiệm, vì linh mục ý thức rằng lời nói của mình, thính giả của mình, chức năng của mình dấn thân bản thân mình và dấn thân Giáo hội mà từ đó mình đã lãnh nhận những gì mình là. Linh mục phải vẫn là người phục vụ cho sứ điệp của Giáo hội. Cuối cùng, chính sứ điệp mà người ta phải giữ lại hơn là sứ giả. Điều đó càng quan trọng hơn nữa với các mạng xã hội, vốn có khuynh hướng đặc biệt làm nổi bật hình ảnh người nói trước ống kính.

Sự tự do được đồng hành vì người ta không bao giờ là linh mục một mình, nhưng trong sự hiệp thông với toàn thể Giáo hội. Điều quan trọng là duy trì sự vâng phục với Giám mục của mình, mà vai trò của Giám mục là canh chừng sự mạch lạc của những gì được rao giảng bởi các linh mục của Giáo phận của mình. Một giáo sĩ càng dấn thân nhiều, thì điều quan trọng là ngài càng cần để mình được đồng hành, ngài cần có các anh chị em giúp đỡ mình phân định.

Điều đó đã là rất quý báu đối với tôi khi  tôi bắt đầu dấn thân về mặt truyền thông. Điều quan trọng là có thể thường xuyên tự đặt cho mình câu hỏi này : tôi thực sự đang  tìm kiếm điều gì ? Chắc chắn, mục đích là có thể truyền đạt Tin Mừng cho nhiều người, nhưng cần phải đảm bảo rằng việc tìm kiếm thính giả không được làm hại đến sứ điệp. Cũng cần phải có thể giữ neo bám vào thực tế, qua đời sống giáo xứ vốn là nơi kiểm chứng. »

+ « Phát ngôn của chúng ta phải giới hạn vào quyền hạn được giao phó cho chúng ta »

Đức cha Emmanuel Gobilliard, Giám mục phụ tá Giáo phận Lyon và là thành viên của Hội đồng truyền thông của Hội đồng Giám mục Pháp.

« Có một nền thần học đích thực về truyền thông, dù là bằng phương tiện nào. Vả lại, Thiên Chúa là nhà truyền thông tuyệt vời, qua Con của Người là Chúa Giêsu vốn là « hình ảnh của Thiên Chúa vô hình ». Nhưng truyền thông không bao giờ là một cứu cánh tự nó…điều mà có thể là mối nguy của các mạng xã hội.

Bởi vì người ta đang ở trên các nền tảng này, nên chính vai trò của Giáo hội là hiện diện trên không gian công cộng. Trên các mạng xã hội, có một chiều kích tình cảm và cá nhân mà cho rằng sự hiện diện của chúng ta không thể chỉ mà mang tính thể chế. Nhưng điều đó là một phần của cuộc chơi : khi được truyền chức linh mục, chúng ta phải  chấp nhận chiều kích công cộng kèm theo đó. Cũng như bất người người của công chúng nào, một linh mục không thể chỉ truyền thông nhân danh bản thân mình !

Một trong những vấn đề thường xuyên được đặt ra cho Hội đồng truyền thông liên quan đến việc giới hạn địa lý của sứ mạng của chúng ta. Cách thức chúng ta thể hiện bản thân phải được sống trong phạm vi của một sứ mạng được xác định về mặt địa lý. Một cha sở đồng hành thiêng liêng với một giáo xứ, như Đức Giám mục đồng hành giáo phận của mình. Thế nhưng, trên các mạng xã hội, phát ngôn của chúng ta vượt quá ranh giới này, và người giáo sĩ nói với các cư dâng mạng vốn không được giao phó cho mình trong giáo xứ hay trong giáo phận.

 Nếu phát ngôn của linh mục trên các mạng xã hội đi theo một trục khác với phát ngôn của linh mục trong giáo xứ, thì điều đó đặt ra một vấn đề hiệp thông. Chính vì thế, điều quan trọng là cần phải có một lời phổ quát, mà mỗi người có thể chịu trách nhiệm : chúng ta có thể chia sẻ lại (retweeter) lời của Đức Giáo hoàng, hay Lời Chúa được một linh mục chia sẻ lại.

Ở Giáo phận Lyon, chúng tôi đào tạo các tác nhân mục vụ về truyền thông, và đưa ra những quy tắc rất đơn giản cho các linh mục về mạng xã hội : không tham gia vào việc chỉ trích, gợi lên những điều liên quan đến thừa tác vụ của mình, nhân từ, không bao giờ luận chiến, đừng dành quá nhiều thời gian vào đó…Cuối cùng ở trên mạng xã hội như ta mong muốn sống ở trong đời !

Bởi vì các mạng lưới xã hội là những nơi mà lòng say mê bản thân đặc biệt có thể nổi lên, nên điều quan trọng là được đồng hành bởi một nhóm truyền thông. Đôi khi cần phải canh chừng chính bản thân mình ! Vì chỉ một sai lầm truyền thông trên các mạng xã hội cũng có thể dẫn đến mất tin tưởng vào bản thân và mất đi niềm vui trong thừa tác vụ của mình.

Giữa các Linh mục và Giám mục hiện diện trên các mạng xã hội, chúng ta nói chuyện giữa chúng ta với nhau, trong khuôn khổ sửa lỗi huynh đệ. Đó không phải là điều cấm kỵ, vì tất cả chúng ta không phải thuộc cùng một thế hệ và có cách sử dụng khác nhau về các mạng xã hội. Nhưng chúng ta tự giáo dục bản thân, chúng ta sửa lỗi cho nhau.

Đôi khi tôi chất vấn các Giám mục về những phát ngôn như vậy như kia trên các mạng xã hội, khi điều đó không liên hệ đến giáo phận của ngài, khi điều đó thiếu bác ái hay quá chính trị. Phát ngôn của chúng ta với tư cách là giáo sĩ phải hạn chế vào quyền hạn mà chúng ta có. Nếu không điều đó được gọi là giáo sĩ trị. »

——-

Tý Linh chuyển ngữ

(theo nhật báo La Croix)

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31