MARSEILLE : BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC THÁNH CHA TRONG THÁNH LỄ NGOẠI LỊCH KÍNH ĐỨC TRINH NỮ MARIA CANH GIỮ

Written by xbvn on Tháng Chín 24th, 2023. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh, Đức Maria

Trước hơn 50.000 tín hữu tụ tập tại sân vận động Vélodrome ở Marseille, ngày 23/9/2023, Đức Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kết thúc chuyến viếng thăm của ngài tại thành phố Marseille. Trong bài giảng, ngài mong ước rằng chúng ta sẽ nhảy mừng trước cuộc sống và trước những người lân cận của chúng ta như người con của bà Elisabét đã nhảy mừng trước Đức Maria:Chúng ta cần tìm thấy lại niềm say mê và lòng nhiệt huyết, khám phá lại sở thích dấn thân cho tình huynh đệ, vẫn dám mạo hiểm tình yêu trong các gia đình và đối với những người yếu đuối nhất, và tìm lại được trong Tin Mừng một ân sủng biến đổi và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp”.

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha :

Thánh Kinh kể rằng Vua Đavít, sau khi thành lập vương quốc của mình, đã quyết định chuyển Hòm Bia Giao ước đến Giêrusalem. Sau khi triệu tập dân chúng, ông đứng dậy và lên đường để đi đón Hòm Bia. Trên đường đi, ông nhảy múa trước mặt Hòm Bia với dân chúng, vui mừng trước sự hiện diện của Chúa (2 Sm 6, 1-15). Chính với hậu cảnh này mà thánh sử Luca kể cho chúng ta về việc Đức Maria viếng thăm người chị họ mình là bà Êlisabét: Đức Maria cũng chỗi dậy và đi lên vùng Giêrusalem, và khi Mẹ vào nhà bà Êlisabét, đứa trẻ mà bà chị họ đang mang trong bụng, nhảy lên vì vui mừng khi nhận ra sự xuất hiện của Đấng Mêsia, bắt đầu nhảy múa như vua Đavít đã làm trước Hòm Bia (x. Lc 1, 39-45).

Do đó, Đức Maria được trình bày như Hòm Bia Giao ước thực sự, giới thiệu Chúa nhập thế. Mẹ là Trinh nữ trẻ đến gặp người phụ nữ già son sẻ và, khi mang Chúa Giêsu, Mẹ trở thành dấu chỉ sự viếng thăm của Thiên Chúa, Đấng chiến thắng mọi sự son sẻ. Mẹ đi lên miền núi Giuđa để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đang trên đường đến với chúng ta, để tìm kiếm chúng ta bằng tình yêu của Người và làm cho chúng ta vui mừng hân hoan. Chính Thiên Chúa lên đường.

Nơi hai người phụ nữ này, Đức Maria và bà Elisabét, cuộc viếng thăm của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại: một người trẻ và một người già, một người trinh nguyên và một người son sẻ, thế nhưng cả hai đều đang mang thai đang khi mà điều đó là “không thể”. Đây là công trình của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta: Ngài làm cho khả thi ngay cả những gì dường như bất khả, Ngài tạo ra sự sống, ngay cả trong tình trạng son sẻ.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy tự hỏi với tấm lòng chân thành: chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Chúa, một cách kín đáo và thường không thể đoán trước, đang hành động trong lịch sử, thực hiện những kỳ công và cũng đang hoạt động trong các xã hội của chúng ta vốn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa thế tục thế tục và một sự thờ ơ tôn giáo nào đó không?

Có một phương cách để phân định liệu chúng ta có lòng tin cậy nơi Chúa hay không. Phương cách nào? Tin Mừng kể rằng “khi bà Êlisabét nghe lời chào của Đức Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng” (c.41). Đó là dấu hiệu: nhảy mừng. Người nào tin, cầu nguyện, đón tiếp Chúa thì nhảy mừng trong Thánh Thần, cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động bên trong, họ “nhảy múa” vì vui mừng. Và tôi muốn tập trung vào điều này: sự nhảy mừng trong đức tin.

Trên hết, cảm nghiệm đức tin gợi lên một sự nhảy mừng trước cuộc sống. Nhảy mừng, đó là “được chạm từ bên trong”, có sự rung động nội tâm, cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong lòng mình. Nó trái ngược với một trái tim phẳng lặng, lạnh lùng, yên thân trong một cuộc sống lặng lẽ, được che chắn trong sự thờ ơ và trở nên vô cảm, trở nên chai lì, vô cảm với mọi thứ và với mọi người, ngay cả với sự vứt bỏ đầy bi thảm của sự sống con người mà ngày nay bị chối bỏ đối vói nhiều người di cư, nhiều trẻ em chưa được sinh ra và nhiều người già bị bỏ rơi. Một trái tim lạnh lùng và phẳng lặng kéo lê cuộc sống một cách máy móc, không có say mê, không có động lực, không có ham muốn. Và chúng ta có thể ngã bệnh với tất cả những điều này trong xã hội Châu Âu của chúng ta: sự hoài nghi, sự vỡ mộng, sự cam chịu, sự không chắc chắn, một cảm giác buồn bã chung – tất cả cùng một lúc: nỗi buồn, nỗi buồn ẩn giấu trong tâm hồn này -. Có người gọi đó là “những đam mê buồn”: đó là một cuộc sống không có nhảy mừng.

Trái lại, ai sinh ra trong đức tin sẽ nhận ra sự hiện diện của Chúa, giống như hài nhi trong bụng bà Êlisabét. Họ nhận ra công trình của Người khi bình minh đến và họ nhận được một cái nhìn mới để nhìn thực tế. Ngay cả giữa những khó khăn, những vấn đề và đau khổ, họ vẫn cảm nhận được sự viếng thăm của Thiên Chúa hằng ngày và cảm thấy được Ngài đồng hành và nâng đỡ. Đối mặt với mầu nhiệm của đời sống cá nhân và những thách thức của xã hội, những người có đức tin cảm nghiệm được một sự nhảy mừng, một niềm say mê, một ước mơ phải vun trồng, một mối quan tâm thúc đẩy họ dấn thân một cách cá nhân. Bây giờ, mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: Tôi có cảm thấy những điều này không? Tôi có những thứ này không? Người như thế biết rằng Chúa hiện diện trong mọi người, những người mà Ngài kêu gọi, những người mà Ngài mời gọi làm chứng cho Tin Mừng để nhẹ nhàng xây dựng một thế giới mới, qua những hồng ân và đặc sủng đã nhận được.

Cảm nghiệm đức tin, ngoài sự nhảy mừng trước cuộc sống, còn tạo ra sự nhảy mừng trước người lân cận. Thật vậy, trong mầu nhiệm Đức Mẹ thăm viếng, chúng ta thấy rằng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa không diễn ra thông qua các sự kiện ngoại thường trên trời, nhưng trong sự đơn giản của một cuộc gặp gỡ. Thiên Chúa đến trước ngưỡng cửa một gia đình, trong cái ôm dịu dàng giữa hai người phụ nữ, trong sự gặp gỡ của hai bào thai đầy ngạc nhiên và hy vọng. Và trong cuộc gặp gỡ này, có sự quan tâm của Đức Maria, sự ngạc nhiên của bà Elisabét, có niềm vui chia sẻ.

Chúng ta hãy luôn nhớ, ngay cả trong Giáo hội: Thiên Chúa là tương quan và Ngài thường đến thăm chúng ta qua những cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, khi chúng ta biết cách cởi mở với người khác, khi có sự nhảy mừng trước cuộc sống của những người đang trải qua bên cạnh chúng ta mỗi ngày và khi trái tim chúng ta không còn thụ động và vô cảm trước những vết thương của những người mỏng manh nhất. Các thành phố đô thị của chúng ta, và rất nhiều quốc gia Châu Âu như Pháp, nơi các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, theo nghĩa này là một thách thức lớn chống lại sự bùng nổ của chủ nghĩa cá nhân, chống lại sự ích kỷ và khép kín vốn tạo ra sự cô độc và đau khổ. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu để cảm thấy rung động trước những người sống bên cạnh chúng ta, chúng ta hãy học nơi Ngài là Đấng, trước đám đông mệt mỏi và kiệt sức, cảm thấy lòng trắc ẩn và xúc động (x. Mc 6, 34), nhảy mừng vì thương xót trước thân xác bị tổn thương bởi những người mà Ngài gặp gỡ. Như vị thánh vĩ đại của các bạn, thánh Vinh Sơn Phaolô, đã nói, “cần phải cố gắng làm mềm lòng mình và làm cho nó nhạy cảm với những đau khổ và khốn cùng của người lân cận, và cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tinh thần thương xót thực sự, vốn là tinh thần của chính Thiên Chúa”, đến mức nhận ra rằng người nghèo là “chúa và chủ của chúng ta” (Correspondance, entretiens, documents, Paris 1920-25, trang 341; trang 392-393).

Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến nhiều “sự nhảy mừng” mà nước Pháp đã trải qua, đến lịch sử phong phú về sự thánh thiện, văn hóa, nghệ sĩ và nhà tư tưởng vốn đã làm say mê biết bao thế hệ. Ngay cả ngày nay, cuộc sống của chúng ta, cuộc sống của Giáo hội, nước Pháp, châu Âu cũng cần điều này: ơn nhảy mừng, ơn nhảy mừng mới mẻ trong đức tin, đức ái và đức cậy. Chúng ta cần tìm thấy lại niềm say mê và lòng nhiệt huyết, khám phá lại sở thích dấn thân cho tình huynh đệ, vẫn dám mạo hiểm tình yêu trong các gia đình và đối với những người yếu đuối nhất, và tìm lại được trong Tin Mừng một ân sủng biến đổi và làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp.

Chúng ta hãy nhìn vào Đức Maria, Đấng đã băn khoăn khi lên đường và dạy chúng ta rằng Thiên Chúa chính xác là như thế: Ngài quấy rầy chúng ta, Ngài khiến chúng ta chuyển động, Ngài khiến chúng ta “nhảy mừng”, như trường hợp của bà Elisabét. Và chúng ta muốn trở thành những Kitô hữu gặp gỡ Thiên Chúa qua cầu nguyện và là anh chị em của chúng ta qua tình yêu, những Kitô hữu nhảy mừng, rung động, đón nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần để mình được đốt cháy bởi những vấn đề ngày nay, bởi những thách thức của Địa Trung Hải, bởi tiếng kêu của nghèo, bởi “những điều không tưởng thánh thiện” về tình huynh đệ và hòa bình đang chờ được thực hiện.

Thưa anh chị em, cùng với anh chị em, tôi nguyện xin Đức Trinh Nữ, Đức Mẹ Canh Giữ, canh phòng cuộc sống của anh chị em, gìn giữ nước Pháp, gìn giữ toàn thể Châu Âu, và làm cho chúng ta nhảy mừng trong Chúa Thánh Thần. Và tôi muốn cầu nguyện với những lời của Paul Claudel:

Con thấy nhà thờ mở cửa. […]

Con không có gì để dâng tiến và không có gì để cầu xin.

Thưa Mẹ, con chỉ đến để nhìn ngắm Mẹ thôi.

Nhìn ngắm Mẹ, khóc vì hạnh phúc, biết rằng:

Con là con của Mẹ và Mẹ đang ở đây. […]

Lạy Mẹ Maria, được ở với Mẹ, ở nơi nơi Mẹ đang ở […]

Bởi vì Mẹ ở đây mãi mãi,

Đơn giản vì Mẹ là Mẹ Maria,

Đơn giản vì Mẹ đang hiện hữu,

Lạy Mẹ Chúa Giêsu Kitô, con xin cảm ơn Mẹ! ”

 (« La Vierge à midi », Poèmes de Guerre 1914-1916, Paris, 1922).

——————————————-

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

 

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30