MẾN YÊU VÀ HỌC ĐÒI MẸ MARIA, MẸ THIÊN CHÚA VÀ MẸ CHÚNG TA
1. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa
Chúng ta có những chứng cứ Thánh Kinh, như ngôn sứ Isaia tiên báo: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14); sứ thần Gabriel nói với Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu” (Lc 1,31-33); lời chúc mừng do ơn Chúa Thánh Thần soi sáng của bà Elisabet: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm tôi?” (Lc 1,43); thánh Phaolô cũng viết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người nữ, và sống dưới Lề Luật, để cứu chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4). Cuối cùng, Thánh Gioan trong sách Khải Huyền xem thấy một người phụ nữ, đầu đội mặt trời, chân đạp mặt trăng, và trên đầu có triều thiên 12 ngôi sao. Người phụ nữ đó “sinh ra một người Con Trai và người Con Trai đó sẽ lấy vương trượng sắt chăn dắt các dân hết thảy” (Kh 12,1-5).
Công đồng Nicêa năm 325 đã lên án lạc giáo Ariô cho rằng Chúa Giêsu được tạo dựng và không đồng bản thể với Chúa Cha, đồng thời định tín Ngôi Lời đồng bản thể với Đức Chúa Cha, và đặt ra Kinh Tin Kính, gọi là kinh Tin Kính Nicêa chúng ta đọc trong thánh lễ. Công đồng Êphêsô năm 431 kết án lạc thuyết của Nestôriô (386-451) cho rằng “Đức Maria chỉ là mẹ của một con người mà Con Thiên Chúa đã kết hợp với” và dứt khoát xác định Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Công đồng Chalcedoine năm 451 và Constantinople năm 533 nhắc lại khẳng định này chống lại lạc thuyết Adoptionism (Nghĩa tử thuyết) cho rằng Chúa Kitô được sinh ra như một người bình thường rồi sau đó được nhận là con Thiên Chúa.
Chính Công đồng Can-xê-đoan xác định cách minh bạch tín điều về huyền nhiệm của Chúa Giêsu và Mẹ Maria rằng: “Tất cả chúng tôi đồng lòng tuyên xưng một Chúa Con độc nhất và luôn luôn là một. Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta toàn vẹn về thiên tính, toàn vẹn về nhân tính, Thiên Chúa thật và người thật, được cấu thành bởi một linh hồn có lý trí và một thân xác, đồng bản tính với Chúa Cha do thiên tính, đồng bản tính với chúng ta bởi nhân tính, tất cả đều giống như chúng ta trừ tội lỗi (Dt 4,15), được sinh ra bởi Chúa Cha, trước mọi thời gian theo thiên tính, được sinh ra trong những ngày cuối cùng này vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, bởi Đức Maria, Mẹ trinh nguyên của Thiên Chúa theo nhân tính: một Chúa Ki tô duy nhất. Con độc nhất, mà chúng ta phải nhận biết trong hai bản tính không lẫn lộn, không thay đổi, không phân ly, không tách biệt.”
GLGHCG tuyên xưng “Trong dòng dõi bà Evà, Thiên Chúa đã chọn Ðức Trinh Nữ Maria làm Mẹ của Con Ngài… Ðức Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa vì là Mẹ của Con Thiên Chúa làm người, người Con hằng hữu ấy cũng chính là Thiên Chúa” (x. số 508-509). “Thực vậy, từ những thời rất xa xưa, Ðức Nữ Trinh đã được tôn kính dưới tước hiệu “Mẹ Thiên Chúa”, và các tín hữu đã khẩn cầu cùng ẩn náu dưới sự che chở của Mẹ trong mọi cơn gian nan khốn khó… Sự tôn kính ấy, như vẫn luôn có trong Hội Thánh… được diễn tả qua các lễ phụng vụ dành cho Thánh Mẫu Thiên Chúa và trong kinh nguyện kính Ðức Mẹ như kinh Mân Côi, được xem như “tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (số 971).
Công đồng Vatican II (1962-1965) dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa… Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo hội…” (LG số 63).
Đức Gioan Phaolô II nói trong bài giảng khai mạc ba năm chuẩn bị Đại Năm Thánh 2000: “Khi làm người, Con Thiên Chúa, Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã nhận lấy thời gian của chúng ta trong mọi chiều kích và Ngài hướng thời gian về vĩnh cửu. Thực vậy, vĩnh cửu là chiều kích của Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người, với nhân tính của Ngài, Con Thiên Chúa cũng chấp nhận trọn vẹn thời gian của nhân loại, để dẫn con người qua mọi chiều kích của thời gian này hướng về vĩnh cửu, và cho con người được tham dự vào cuộc sống thần linh vốn là gia sản đích thực của Chúa Cha, Chúa Con, và Thánh Linh.”
Lui về quá khứ, chúng ta gặp thấy ĐGH Pio XI viết trong Thông điệp “Ánh sáng Chân lý” (Lux Veritatis) rằng: “Đấng đã sinh hạ Chúa Giêsu xứng đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Nếu Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa, thì tất cả mọi người chắc chắn phải gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chứ không chỉ là Mẹ của Đức-Kitô-Người mà thôi. Cũng như các phụ nữ khác được gọi là mẹ và họ thực sự là mẹ, bởi vì họ đã hình thành trong lòng dạ họ bản chất con người phải chết, chứ không phải là họ đã tạo dựng nên linh hồn con người, thì cũng vậy Đức Maria đã chiến hữu được chức làm Mẹ Thiên Chúa vì đã sinh ra Con Người duy nhất của Chúa Giêsu, Con Mẹ.” Đây là một vinh dự lớn lao Thiên Chúa dành riêng cho một mình Mẹ, một người duy nhất trong tất cả loài người chúng ta.
2. Lễ Mẹ Thiên Chúa
Mười lăm thế kỷ sau Công đồng Ephêsô (năm 431), năm 1931, để kỷ niệm ngày tuyên bố tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, ĐGH. Piô XI lập lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, kính trọng thể trong khắp Giáo Hội vào ngày 11 tháng 10 hằng năm. ĐGH. Phaolô VI dời ngày lễ vào đầu năm dương lịch 01 tháng 01, để cho mọi người hướng về Mẹ Maria khi bước vào năm mới và cầu nguyện cho Hoà Bình Thế Giới. Ngài viết: “Lễ này cũng là dịp rất tốt để chúng ta tôn thờ Vua Hòa Bình mới sinh, và nghe lại lời chúc hoà bình của các thiên sứ (Lc 2,14), để cầu Chúa, nhờ sự can thiệp của Nữ Vương Hòa Bình, ban cho ta ơn cao cả nhất là Hòa bình” (ĐGH Phaolô VI, Marialis Cultus, số 5b). Năm mới, chúng ta có Mẹ trong đời thật quá tuyệt vời!
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa là tước hiệu chính của Đức Mẹ. Đây là địa vị cao trọng nhất Thiên Chúa ban tặng cho Mẹ Maria. Các ơn khác của Mẹ đều bắt nguồn từ ơn trọng đại này. Giáo Hội không cử hành lễ mừng kính Đức Mẹ nào mà không chúc tụng Mẹ vì đặc ân lớn lao làm Mẹ Thiên Chúa này: Giáo Hội kính chào Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa khi Mẹ được thụ thai vô nhiễm nguyên tội, Lễ Sinh Nhật Đức Mẹ trong ngày Mẹ sinh ra, Lễ Truyền Tin Ngôi Lời nhập thể, Lễ Thăm Viếng khi Mẹ đi thăm bà Elizabeth, Lễ Mong Triệu Thăng Thiên trong biến cố Mẹ hồn xác về trời. Các Nghị Phụ Công Đồng Ephêsô đã thêm vào lời chào “Kính mừng Maria” câu “Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử” và chúng ta vẫn tuyên xưng khi lần hạt Mân Côi kính Đức Mẹ.
3. Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu và Mẹ của chúng ta
Chúa Giêsu cần có một người mẹ để được cưu mang, được sinh ra, được lớn lên như một con người, huống gì chúng ta. Đức Maria không chỉ là Mẹ Thiên Chúa, mà còn là Mẹ của Nhân Loại, một Evà mới đem lại sự sống cho nhân loại. Lẽ nào chúng ta lại không muốn có được người Mẹ này. Một người Mẹ đã được Thiên Chúa sủng ái, được cất nhắc lên bậc cao trọng phi thường, được đặt vào chỗ cao nhất sau Thiên Chúa. Chúng ta không còn đủ lời ca tụng nào hơn để tôn vinh danh Đức Maria cho cân xứng. Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu cảm xúc nói với Mẹ Maria trong Truyện Một Tâm Hồn rằng “con là người có phúc hơn Mẹ, vì con có Mẹ là Mẹ. Còn Mẹ không được phúc như con, vì Mẹ không có mẹ giống như Mẹ.”
Công đồng Vaticanô II nói trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội rằng “Ðức Maria luôn tiếp tục thiên chức làm mẹ, từ khi Ngài tin tưởng ưng thuận trong ngày Truyền Tin – sự ưng thuận mà Ngài đã không ngần ngại giữ vững bên thập giá – cho tới lúc vĩnh viễn hoàn tất việc cứu rỗi mọi người được tuyển chọn. Thật vậy, sau khi về trời, vai trò của Ngài trong việc cứu độ không chấm dứt, nhưng Ngài vẫn tiếp tục liên lỉ cầu bầu để đem lại cho chúng ta những ân huệ giúp chúng ta được phần rỗi đời đời. Với tình từ mẫu, Ngài chăm sóc những anh em của Con Ngài đang lữ hành trên dương thế và đang gặp bao nguy hiểm, thử thách, cho đến khi họ đạt tới hạnh phúc quê trời. Vì thế, trong Giáo Hội, Ðức Nữ Trinh được kêu cầu qua các tước hiệu: Trạng Sư, vị Bảo Trợ, Ðấng Phù Hộ và Ðấng Trung Gian” (LG số 62).
“Ðức Trinh Nữ nhờ ân huệ và sứ mệnh làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó Ngài được hiệp nhất với Con là Ðấng Cứu Chuộc, và nhờ các ân huệ và nhiệm vụ đặc biệt khác, Ngài còn kết hiệp mật thiết với Giáo Hội, như thánh Ambrosiô đã dạy, Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hiệp nhất hoàn hảo với Chúa Kitô… Thiên Chúa đã đặt Người Con Ngài sinh ra làm Trưởng Tử trong nhiều anh em (x. Rm 8,29), nghĩa là các tín hữu, mà Ngài cộng tác vào việc sinh hạ và giáo dục với tình thương của một người mẹ” (LG số 63).
Người mẹ đó được chính Chúa Cứu Thế ban đặc biệt cho các linh mục qua người môn đệ yêu quí là thánh Gioan, như chính ngài thuật lại trong Phúc Âm của mình: “Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mácđala. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25-27).
4. Mẹ là nơi chúng ta chạy đến nương ẩn
Đức Giáo Hoàng Pio XI đã viết trong Thông điệp Ánh sáng chân lý: “Hôm nay, khi kính chào Mẹ với tước hiệu lớn lao là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta đừng quên rằng bởi chính sự kiện đã trao ban sự sống cho Đấng Cứu Rỗi loài người, Mẹ đã trở thành Mẹ rất dịu hiền của chúng ta, và Chúa Kitô đã muốn chúng ta là em của Người. Khi lựa chọn Mẹ là Mẹ của Con Người, Thiên Chúa đã khắc ghi nơi Mẹ các tâm tình hoàn toàn hiền mẫu, chỉ hít thở tình yêu và sự tha thứ.” Từ vinh quang thiên quốc nơi Mẹ đang sống, xin Mẹ nhớ đến chúng con, chúng con cầu khẩn Mẹ với biết bao vui mừng và trông cậy.
Thánh Bonaventura đã nói: “Đấng Toàn Năng ở với Mẹ và cùng Người, cho Người và sau Người, Mẹ cũng toàn năng”… Và thánh Thánh Bênađô tha thiết: Mẹ biết một cách chắc chắn rằng Thiên Chúa nhận các ước mong của Mẹ. Chúng con là những kẻ tội lỗi, nhưng Mẹ đã trở thành Mẹ Thiên Chúa vì chúng con và “chưa từng nghe nói có ai trong số những người chạy đến với Mẹ mà bị Mẹ từ bỏ. Ôi Trinh Nữ của các trinh nữ, ôi Mẹ của chúng con, được linh hoạt bởi sự trông cậy đó, chúng con chạy đến với Mẹ, rên siết dưới sức nặng các lỗi lầm của chúng con, và chúng con sấp mình dưới chân Mẹ, ôi Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể, xin đừng khinh chê các lời cầu của chúng con, xin ghé mắt nhìn và nhận lời chúng con.”
Đức Maria là mẹ chúng ta, nên Mẹ luôn nâng đỡ bầu cử cho chúng ta trước mặt Chúa. Không biết đến Mẹ là không biết đến món quà quí giá mà Thiên Chúa đã ban tặng, đó chính là tình mẫu tử của Mẹ Maria đối với chúng ta. Có câu chuyện hư cấu về một bà mẹ kia không thể nào quên được đứa con tử nạn đã lâu. Nỗi sầu thương cứ mãi mãi vương vấn tâm hồn, bà luôn cầu nguyện để được gặp lại con. Chúa sai thiên thần hỏi bà muốn gặp nó vào tuổi nào: như một người trưởng thành, hoặc như một đứa bé chạy nhảy trên sân trường, hay như một em bé nép mình trong lòng bà? Không do dự, bà muốn được gặp lại con như một đứa bé yếu đuối, nước mắt ràn rụa chạy đến ngả vào lòng bà. Quả thật như người mẹ thường nói “Dù con lớn bao nhiêu tuổi, con vẫn là con của mẹ, dù con có đi tới cùng trời cuối đất thì lòng mẹ vẫn hằng theo con suốt đời.” Còn thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu vào những ngày cuối đời cũng đã thân thưa với Đức Mẹ: “Mẹ đã đến mỉm cười với con trong buổi tinh sương đời sống thì giờ đây nữa xin Mẹ cũng đếm mỉm cười với con vì đây là buổi chiều tà.”
5. Mẫu gương vâng phục và phó thác của Đức Mẹ
Thánh sử Luca ghi: “Bà Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2, 19). Mẹ lặng thinh chiêm ngắm và chiêm nghiệm tình yêu Thiên Chúa đã mặc khải qua Đức Giêsu – Ngôi Lời Nhập Thể. Việc thường xuyên tiếp xúc với Chúa của Mẹ đã giúp Mẹ luôn sống và kết hiệp với Ngài và nhờ đó cả cuộc đời Mẹ là một cuộc đời “xin vâng” và phó thác theo ý của Thiên Chúa: thuận theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh cho tới phút cuối cùng khi đứng dưới chân thập giá của Đức Giêsu, Con Mẹ. Trước hồng ân vĩ đại được làm Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria chỉ biết dâng lời ca khen Thiên Chúa, “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1, 49). Dù ở địa vị làm Mẹ Thiên Chúa, một địa vị cao nhất, nhưng không vì thế Mẹ tỏ thái độ kiêu căng, trái lại Mẹ trở nên dụng cụ rất khiêm tốn để Thiên Chúa thực hiện ý của Ngài: “Này tôi là tớ nữ của Chúa, hãy thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Mẹ Maria đã dâng cho Thiên Chúa tất cả: máu huyết của mình, danh dự của mình, đời sống của mình. Tất cả trong tâm tình khiêm tốn và phó thác, suy niệm và tạ ơn. Như Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, cộng tác với chương trình cứu độ nhân loại qua những bổn phận hàng ngày của chúng ta. Tâm tình của chúng ta cần được hoà quyện với tâm tình của Mẹ Maria và thánh Phaolô: “tôi có là gì cũng nhờ hồng ân Thiên Chúa.”
“Dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Mẹ Maria chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG số 68). “Tất cả mọi Kitô hữu hãy thiết tha khẩn nguyện Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ loài người, để như Ngài đã trợ giúp Giáo Hội sơ khai bằng lời cầu nguyện của mình, thì ngày nay được tôn vinh vượt trên các Thần Thánh trên trời, Ngài cũng cầu bầu cùng Con Ngài trong sự hiệp thông toàn thể các thánh cho tới khi mọi dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia” (LG số 69).
Hãy tiếp rước Đức Mẹ vào lòng, vào gia đình và vào môi trường xã hội nơi chúng ta làm việc. Có Đức Mẹ đồng hành, chúng ta sẽ bước đi trong an ninh và không sợ hãi bất cứ điều gì. Tiến bước với Đức Mẹ và được Đức Mẹ chở che, chắc chắn chúng ta sẽ gặp được Đức Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha Biển-Đức XVI, khi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng sau khi được bầu Giáo Hoàng, đã nói: “Chúng ta hãy can đảm tiến bước vì có Đức Mẹ Maria ở với chúng ta”. Có Đức Mẹ bên cạnh thì đường chúng ta đi sẽ trở nên an toàn. Có Đức Mẹ đồng hành chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, công chính và huynh đệ. Có Đức Mẹ cùng đi, chúng ta sẽ không bao giờ bị lạc lối. Có Đức Mẹ dẫn đường, chắc chắn chúng ta sẽ được tới bến thiên đàng. Amen.
Chủng Viện Thánh Tâm Mỹ Đức Thái Bình
Tĩnh Tâm tháng 1, 2013
Lm. Micae-Phaolô Trần Minh Huy, pss
(sưu tầm và biên tập)
Trackback from your site.
Bài viết cùng chủ đề
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 14. CÁC ƠN CỦA HIỀN THÊ. CÁC ĐẶC SỦNG, NHỮNG ƠN CỦA CHÚA THÁNH THẦN VÌ ÍCH CHUNG
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO NGÀY QUỐC TẾ GIỚI TRẺ LẦN THỨ 39 : TÔI XÂY DỰNG CUỘC SỐNG CỦA TÔI TRÊN NHỮNG NIỀM HY VỌNG NÀO ?
- THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHAN-XI-CÔ VỀ VIỆC KÍNH NHỚ CÁC THÁNH, CHÂN PHƯỚC, ĐẤNG ĐÁNG KÍNH VÀ TÔI TỚ CHÚA CỦA CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B: MỌI SỰ ĐỀU QUA ĐI, CHÚA KITÔ VẪN CÒN MÃI
- HÌNH ẢNH ĐỨC PHANXICÔ ĂN TRƯA VỚI 1300 NGƯỜI NGHÈO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO : XIN ĐỪNG QUÊN NGƯỜI NGHÈO
- “HÃY ĐẾN TẤT CẢ CÁC NHÀ TÙ”
- LAO ĐỘNG: PHÚC LÀNH HAY HÌNH PHẠT THEO THÁNH KINH?
- NÊN THÁNH, ĐÓ LÀ “ĐỂ MÌNH ĐƯỢC BIẾN ĐỔI BỞI SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA”
- NGƯỜI CÔNG GIÁO, NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH HOẠT ĐỘNG TÌNH NGUYỆN Ở PHÁP
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 13. MỘT BỨC THƯ ĐƯỢC VIẾT BỞI THÁNH THẦN CỦA THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG : ĐỨC MARIA VÀ CHÚA THÁNH THẦN
- Ở RÔMA, SỰ TRIỂN LÃM ĐÁNG KINH NGẠC VỀ VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH PHÊRÔ NHỜ TRÍ TUỆ NHÂN TẠO
- NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO: ĐỨC PHANXICÔ SẼ DÙNG BỮA TRƯA VỚI 1.300 NGƯỜI NGHÈO
- SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO NGÀY THẾ GIỚI NGƯỜI NGHÈO LẦN THỨ VIII (2024) : TRỞ THÀNH BẠN HỮU CỦA NGƯỜI NGHÈO
- KINH TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B: CHỐNG LẠI CÁM DỖ ĐẠO ĐỨC GIẢ
- Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC, BÀI HỌC CỦA ĐỨC PHANXICÔ VỀ KIẾN THỨC BẰNG XƯƠNG BẰNG THỊT
- ĐỐI VỚI ĐỨC PHANXICÔ, HIẾN MÁU LÀ NGUỒN VUI VÀ BẰNG CHỨNG CỦA TÌNH YÊU
- NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TRÚT BỎ NHỮNG GÌ THỪA THÃI VÀ TIẾN BƯỚC HƯỚNG TỚI NIỀM HY VỌNG
- BÀI GIÁO LÝ VỀ CHÚA THÁNH THẦN VÀ HIỀN THÊ – BÀI 12. « CHÚA THÁNH THẦN CHUYỂN CẦU CHO CHÚNG TA ». CHÚA THÁNH THẦN VÀ KINH NGUYỆN KITÔ GIÁO
- BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC PHANXICÔ TRONG THÁNH LỄ TƯỞNG NHỚ CÁC HỒNG Y VÀ GIÁM MỤC ĐÃ QUA ĐỜI