Mồng Ba Tết Giáp Ngọ (Mt 25,14-30)

Written by lcd on Tháng Một 30th, 2014. Posted in Lm Lê Công Đức

THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM

 Người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ…”

Chúa dạy ta siêng năng làm việc

 Hôm kia, mồng một tết, lời Chúa dạy ta “đừng lo lắng lấy gì mà ăn, lấy gì mà mặc” để làm nổi bật thông điệp “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa”. Chúa không hề có ý bảo ta đừng làm việc! Như phụng vụ lời Chúa của ngày Mồng Ba Tết hôm nay nêu rõ:

-Bài đọc I: Nối vào công cuộc tạo dựng của Ngài, Thiên Chúa “đem con người đặt vào vườn Ê-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2,15);

-Bài đọc II: Thánh Phaolô đường hoàng nói về chính mình: “Chính anh em biết rõ, những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp” (Cv 20,34);

-Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu kể dụ ngôn về ông chủ giao của cải cho các đầy tớ để sinh lợi. Ông chủ khen ngợi những người siêng năng và khiển trách kẻ lười biếng (x. Mt 25,14-30).

Đối với nhiều người và nhiều gia đình trong chúng ta vốn quanh năm lam lũ đầu tắt mặt tối, chỉ mong sao cho được “hằng ngày dùng đủ”, không phải thiếu trước hụt sau, thì giáo huấn về ‘siêng năng làm việc’ nghe có vẻ hơi thừa. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Nhiều người ngay trong những ngày tết này cũng chưa chắc đã được nghỉ, hoặc nếu có được nghỉ tay chân thì tâm trí cũng đầy ắp những bận rộn lo toan về công ăn việc làm sắp tới, trong thời buổi kinh tế rất khó khăn này.

Nhưng ta sẽ không thấy giáo huấn ‘siêng năng làm việc’ là thừa, nếu hiểu rằng chứa đựng trong giáo huấn này là lời Chúa mời gọi ta thánh hóa công ăn việc làm của mình nữa. Đây cũng chính là chủ đề của phụng vụ ngày Mồng Ba Tết hôm nay.

 Thánh hóa công ăn việc làm

Trước hết, ta nhớ lại lời Thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31). Công ăn việc làm của người Kitô hữu, vì thế, không chỉ là phương thế để mưu sinh. Đó còn là chỗ để ta thờ phượng và tôn vinh Chúa, là chỗ để ta đem đạo vào đời, không phải bằng những điểm xuyết màu mè đạo đức bên ngoài, nhưng là bằng tinh thần và thái độ sâu xa bên trong.

Chúng ta làm việc, dù là nông nghiệp hay công nghiệp hay buôn bán hàng hóa, dịch vụ, dù là lao động tự do hay làm việc trong văn phòng, nhà máy, trường học… thì đó là chúng ta đang vinh dự tham gia vào công cuộc sáng tạo của Thiên Chúa và công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu. Chỉ cần chúng ta làm việc với Chúa và trong Chúa.

Làm việc với Chúa và trong Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không dấn mình vào những việc xằng bậy, bất chính, những gương mù gương xấu. Chúng ta sẽ không lấy những mục đích tốt để biện minh cho các phương tiện xấu.

Làm việc với Chúa và trong Chúa, chúng ta sẽ làm việc với lương tâm và trách nhiệm, với sự ngay thẳng liêm chính, không vì lợi nhuận mà gian dối lọc lừa. Chúng ta sẽ trân trọng mọi công việc lương thiện, dù đó là những việc có vẻ tầm thường mấy đi nữa. “Giá trị lao động của một người được ấn định trước hết không phải bởi loại công việc mà người ấy làm, nhưng là bởi vì công việc ấy được làm bởi một nhân vị” (Thông Điệp Laborem exercens, 6).

Làm việc với Chúa và trong Chúa, chúng ta sẽ trân trọng phẩm giá con người hơn công việc, sẽ quân bình giữa làm việc và cầu nguyện, giữa lao động và nghỉ ngơi. Nếu là chủ việc, chúng ta sẽ không coi các nhân viên của mình như những cỗ máy, sẽ quan tâm đến các điều kiện làm việc của họ và trả công cho họ xứng đáng.

Làm việc với Chúa và trong Chúa, chúng ta sẽ làm cho công việc, môi trường làm việc và các mối tương quan ở đó thấm đẫm các giá trị Tin Mừng của Chúa Giêsu. Làm việc với tinh thần và thái độ như thế, đó là chúng ta đang thánh hóa công việc của mình, tức là chúng ta đang tôn vinh Thiên Chúa vậy.

 Trong hoàn cảnh thất nghiệp

Theo con số chính thức, vào thời điểm giữa năm 2013 tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam là 3%, tức vào khoảng 2 triệu người lao động không có việc làm. Con số thực tế chắc cao hơn.

Nếu nhìn nhận lao động là chiều kích nền tảng của con người trên trái đất và là ơn gọi của con người, thì thật đau buồn trước hoàn cảnh của những anh chị em muốn làm việc nhưng không thể kiếm được một chỗ làm. Gắn liền với thất nghiệp là muôn vàn khó khăn và bế tắc của cá nhân, gia đình và xã hội.

Liệu ngày “thánh hóa công ăn việc làm” có ý nghĩa gì cho những anh chị em đang ở giữa nỗi khó khăn lớn lao này không? Chác chắn là có.

Chúng ta cần biết cảm thông, nâng đỡ và cầu nguyện cho các anh chị em ấy, để họ biết thánh hóa chính hoàn cảnh thất nghiệp của mình, để họ biết cách – có thể nói – thất nghiệp với Chúa và trong Chúa, và nhất là để họ sớm tìm được công việc làm xứng hợp và ổn định.

                                                              Lm. Le Cong Đuc

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31