MỘT CÁI NHÌN MỚI VỀ VIỆC XƯNG TỘI, BÍ TÍCH CỦA NIỀM VUI

Written by xbvn on Tháng Chín 18th, 2021. Posted in Linh mục, Lm Võ Xuân Tiến, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Ở trung tâm của ơn tha thứ, có Thiên Chúa ôm lấy chúng ta, chứ không phải danh sách các tội lỗi và sự tủi nhục của chúng ta.

Việc xưng tội là một « Bí tích của niềm vui », thậm chí là một « lễ vui mừng », trên Trời và dưới đất. Hôm thứ Ba ngày 14/9/2021, tại sân vận động ở Kosice, như thể Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn vào mắt của từng bạn trẻ …để mời gọi họ sống Bí tích Sám hối một cách mới mẻ. Và những gì Đấng kế vị thánh Phêrô nói với họ  đã là một sự an ủi không chỉ cho những người đang hiện diện, nhưng còn cho tất cả những ai theo dõi cuộc gặp gỡ này trên truyền hình hay trên web, hay thậm chỉ đã đọc diễn văn của Đức Giáo hoàng.

Không phải là Bí tích, mà ngày nay ít người lui tới, đã thay đổi. Những gì Đức Phanxicô đã đề nghị là một tầm nhìn hoàn toàn khác về việc xưng tội so với những gì mà nhiều Kitô hữu đang sống và với một di sản lịch sử nào đó.

Trước tiên, Đức Giáo hoàng đã chỉ ra  trong Bí tích này « phương thuốc » cho những lúc trong cuộc sống « chúng ta bị hạ gục ».

Và trước câu hỏi của một bạn trẻ Slôvakia, cô Petra, người đã hỏi ngài làm thế nào những người đương thời của mình có thể « vượt lên trên những trở ngại trên con đường thương xót của Thiên Chúa », ngài đã trả lời bằng một câu hỏi khác : « Nếu Cha hỏi các con : các con nghĩ đến điều gì khi các con xưng tội ? Cha hầu như chắc chắn về câu trả lời : tội lỗi. Nhưng tội lỗi có thực sự là trung tâm của việc xưng tội không ? Phải chăng Thiên Chúa muốn các con xích lại gần Ngài bằng cách nghĩ đến các con, đến tội lỗi các con hay đến Ngài ? »

Đức Phanxicô đã nói hai lần trước đó ở Budapest : con đường Kitô hữu bắt đầu bằng một bước lùi lại, bằng việc rút lui khỏi trung tâm của cuộc sống để dành chỗ cho Thiên Chúa. Chính tiêu chí này, chính cái nhìn này được áp dụng vào việc xưng tội có thể gây nên một cuộc cách mạng Copernic nhỏ hay lớn trong đời sống của mỗi người : ở trung tâm của Bí tích Sám hối, không còn cái tôi nữa, tủi nhục với một danh sách tội lỗi – có lẽ luôn cùng những tội đó – được xưng thú cách khó khăn với linh mục. Ở trung tâm, có cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, Đấng đón tiếp, ôm lấy, tha thứ và nâng dậy.

Đức Thánh Cha đã hỏi các bạn trẻ : « Các con đừng xưng tội như những người bị trừng phạt mà phải tủi nhục, nhưng như những người con chạy đến đón nhận sự ôm ấp của người Cha. Và người Cha cho chúng ta thấy trong mọi hoàn cảnh, Ngài tha thứ mọi tội lỗi. Các con hãy nghe rõ điều này : Thiên Chúa luôn tha thứ ! Các con hiểu chứ ? Thiên Chúa luôn tha thứ ! Chúng ta không nói với một thẩm phán để giải quyết vấn đề, nhưng với Chúa Giêsu yêu thương và chữa lành tôi ».

Đức Phanxicô đã khuyên các linh mục đứng vào chỗ của Thiên Chúa : « Họ hãy đứng vào chỗ của Thiên Chúa là Cha, Đấng luôn tha thứ, ôm lấy và đón tiếp. Chúng ta hãy dành cho Thiên Chúa chỗ nhất trong việc xưng tội. Với Thiên Chúa, nếu Ngài là nhân vật chính, thì tất cả trở nên đẹp đẽ và việc xưng tội trở nên bí tích của niềm vui. Vâng, của niềm vui : không phải của sự sợ hãi và phán xét, nhưng của niềm vui. »

Vì thế, cái nhìn mới mẻ về Bí tích Sám hối được Đức Giáo hoàng đề nghị đòi hỏi chúng ta đừng tiếp tục là tù nhân của nỗi xấu hổ về tội lỗi chúng ta – nỗi xấu hổ vốn « là một điều tốt » – nhưng vượt lên trên nó vì « Thiên Chúa không bao giờ xấu hổ về các con. Ngài yêu thương các con nơi đâu các con xấu hổ về các con. Và Ngài luôn yêu thương các con ».

Đối với những ai không thể luôn tha thứ cho mình, tin rằng chính Thiên Chúa không thể làm như thế « bởi vì tôi sẽ lại luôn sa vào cũng chính những tội lỗi đó », Đức Phanxicô nói : « Có khi nào Thiên Chúa cáu tức khi bạn đến xin Ngài tha thứ ? Không, không bao giờ. Thiên Chúa đau khổ khi chúng ta nghĩ rằng Ngài không thể tha thứ cho chúng ta, vì đó là như thể chúng ta nói với Ngài : « Chúa còn yếu kém trong tình yêu »… Nhưng Thiên Chúa vui mừng tha thứ cho chúng ta, mọi lúc. Khi Ngài nâng chúng ta lên, Ngài tin tưởng vào chúng ta như Ngài đã làm như thế lần đầu tiên, Ngài không nản lòng. Chính chúng ta mới nản lòng, chứ không phải Ngài. Ngài không nhìn các tội nhân để dán nhãn, nhưng là những người con yêu dấu ; có lẽ bị tổn thương, và như thế Ngài còn trắc ẩn và dịu dàng hơn nữa. Và mỗi lần chúng ta xưng tội – các con đừng bao giờ quên – chúng ta đang hân hoan cử hành trên Thiên đàng. Hãy cũng là như thế trên trần gian. »

Từ xấu hổ đến hân hoan cử hành, từ tủi nhục đến niềm vui. Đó không phải là Đức Giáo hoàng Phanxicô, nhưng là Tin Mừng, trong đó chúng ta đọc thấy người cha lo âu chờ đợi người con tội lỗi của mình, liên tục chăm chú nhìn chân trời, và ngay cả trước khi người con này có thời gian hạ mình tủi nhục, kể lể chi tiết mọi lỗi lầm của mình, thì Ngài ôm lấy anh ta, nâng anh lên và ăn mừng với anh và cho anh.

Tý Linh chuyển ngữ

(theo Andrea Tornielli, Vatican News)

Tags: , ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31