MỘT CHUYẾN ĐI

Written by xbvn on Tháng Tư 24th, 2015. Posted in Huế, Việt Nam, Đà Nẵng, Đại Chủng Viện Huế

            Trong niềm hân hoan tràn ngập mừng Chúa Phục Sinh, người Kitô hữu được mời gọi thông chuyển, trao ban niềm vui và tin mừng Chúa Sống Lại cho mọi người dưới mọi hình thức. Với tâm tình đó, Đại Chủng Viện Huế đã tổ chức một cuộc thăm viếng mục vụ đầy ý nghĩa dành cho các thầy của hai lớp Tu Đức và Thần Học I, để đến bên cạnh những anh chị em bất hạnh và kém may mắn hơn đang cần được yêu thương, được cảm thông và chia sẻ. Đó là những người đau khổ đang sống ở Làng Vân thuộc thành phố Đà Nẵng, với căn bệnh mà thi sĩ Công giáo Hàn Mặc Tử đã từng mắc phải.

            Sáng 16 tháng 5 năm 2015, bầu khí gia đình ở Đại Chủng Viện Huế thật khẩn trương và nô nức. Từ sáng sớm, các thầy của hai lớp Tu Đức và Thần Học I đã mau mắn chuyển những bao gạo và nhu yếu phẩm lên xe để chuẩn bị cho một chuyến đi khác với những cuộc xuất du thông thường mà ai cũng nóng lòng thực hiện. Vẻ rạng rỡ là nét nổi bật trên từng gương mặt những người trẻ. Sau những phút dâng mình cho Đức Mẹ Phù Trợ trong sân Đại Chủng Viện, Cha đặc trách Mục Vụ Phêrô Võ Xuân Tiến hô to hai tiếng “lên đường” làm vỡ òa bao tấm lòng nô nức mong đợi. Thoáng chốc, hai chiếc xe, một lớn, một nhỏ, reo vui lăn bánh chuyên chở những tấm lòng, chuyên chở những yêu thương, chở những tâm hồn noi gương Đức Giêsu Mục Tử lên đường đi tìm người anh, người chị, người em đang đau khổ, đi tới những “vùng ngoại vi”.

            Khoảng 9 giờ 45 phút, đoàn xe đã đến với khu chung cư của những anh chị em không may. Những vòng bánh xe vừa ngừng lại, những món quà nhanh chóng được xếp đặt ở căn phòng sinh hoạt cộng đồng của Làng Vân. Các thầy tản ra để gặp gỡ, tiếp xúc với những con người ở đó. Rồi mọi người có cuộc gặp chung tại nhà sinh hoạt cộng đồng của làng. Cùng hiện diện với các thầy, có Cha đặc trách Mục Vụ Đại Chủng Viện Huế Phêrô Võ Xuân Tiến và Cha Micae Nguyễn Hữu Đức. Sau những lời ngỏ đượm tình thân ái của Cha Phêrô, những món quà được trao đến tay các gia đình bệnh nhân với cả tấm lòng trìu mến.

            Mỗi phần quà, xét về giá trị vật chất thì không lớn, nhưng qua đó và hơn thế nữa, đó là biểu hiện thiết thực của sự sẻ chia, sự đồng cảm và cả tâm tình yêu mến của những người trao tặng.

            Khu chung cư mới thiết lập có tên gọi thật đẹp “Làng Vân” (Phường Hòa Hiệp Bắc, Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), gồm 78 hộ gia đình đang sinh sống. Trước đây, những gia đình này vốn ở thôn Hòa Vân, một nơi hẻo lánh, biệt cư dưới chân đèo Hải Vân. Họ chuyển về khu định cư mới này từ đầu tháng 8 năm 2012.

           

Các thầy đi vào thăm từng gia đình, gặp gỡ từng người, trao đổi nhiều câu chuyện về cuộc đời, về bệnh tình, về cuộc sống quá khứ, hiện tại và những mong ước tương lai. Hơn nữa, các thầy được lắng nghe những tấm lòng bất hạnh cất tiếng tình tự về cuộc đời. Tuy một số người có vẻ bằng lòng về nơi ở mới vì gần chợ, gần bệnh viện, giao thông thuận tiện…, nhưng cũng không thiếu những anh chị em gặp phải nhiều khó khăn như không thể canh tác nông nghiệp, không thể đánh bắt cá như nơi ở trước đây. Quan trọng hơn hết, họ được đưa về sống kề cận với cộng đồng người, có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với thế giới người xung quanh.

            Hành trình đi từ hẻo lánh, cách ly, kỳ thị, bị phân biệt đối xử, đến đời sống cộng đồng, sống chung hòa hợp, được nhìn nhận, không còn bị phân biệt đối xử đòi hỏi nhiều cam go và nước mắt. Một cụ già kể lại, lúc cư dân trong miền và các vùng lân cận nghe tin Làng Vân thiết lập ở đây, họ đã biểu tình phản đối và chối từ… vì họ chưa hiểu biết thật sự đầy đủ về những con người và sự thiếu may mắn mà những người này phải đeo mang trong bất hạnh của phận người.

            Bệnh phong là một trong tứ chứng nan y của y học cổ thời. Nhưng sự tiến bộ cùng với những thành quả của y học hiện đại đã tìm ra phương dược chữa khỏi căn bệnh này một cách triệt để. Hầu hết mọi cư dân của Làng Vân đã khỏi bệnh hoàn toàn, trên thân thể của họ chỉ còn những di chứng do sự tàn phá của căn bệnh như: những ngón tay co quắp, những phần thân thể không lành lặn, những vùng da đổi màu…

            Điều mà chúng tôi xúc động cảm nhận được nơi họ không phải là sự tàn phá về thể lý của chính căn bệnh họ vô tình vướng phải, nhưng nổi đau thật sâu của họ chính là cái nhìn của những người khác. Vì thế, gặp gỡ bất cứ ai, họ cũng giải thích về căn bệnh của mình. Những người mà chúng tôi có dịp nói chuyện tâm sự đều lên tiếng khẳng định họ đã khỏi bệnh. Y học đã chữa khỏi bệnh cho con người, thế nhưng ánh mắt của một số người khác lại không nhìn nhận sự lành sạch của họ.

            Chính vì thế, trong khi tiếp xúc với những người ở Làng Vân, cảm giác đầu tiên là có cái gì đó e ngại do khoảng cách họ tự tạo ra. Còn khoảng cách nghĩa là chưa thật sự gần gũi, chưa kề cận nhau. Còn khoảng cách nghĩa là còn chướng ngại cho sự trải lòng. Hiểu được điều đó cũng đồng nghĩa là chúng tôi phải nỗ lực tiến gần hơn, tiến sát hơn đến với anh chị em mình. Chúng tôi đã cố gắng cởi mở thân tình và tìm cách xóa nhòa ranh giới bằng cử chỉ nhỏ bé là đặt tay mình lên bàn tay không còn nguyên vẹn của họ trong khi trò chuyện. Cử chỉ đơn sơ thân tình đó đã làm họ thật sự xúc động, có người trong họ đã òa khóc và lòng chúng tôi cảm thấy rưng rưng…

            Về mặt tôn giáo, ở đó có 40 hộ gia đình là tín hữu Tin lành, 13 hộ Công giáo, còn lại là những tín hữu Phật giáo hay tín ngưỡng thờ kính ông bà tổ tiên… Một cụ già là tín hữu Tin lành đã hạnh phúc chia sẻ với chúng tôi: “Dù bệnh tật, nhưng chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì được là con cái của Thiên Chúa”. Như vậy, tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Một chân lý đức tin Kitô giáo đơn sơ mà chúng tôi được nhắc nhớ nơi đây cách sinh động ngang qua những mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi ra đi và đến đây để được học, để được nhận, được trao ban… Trong cái nghiệt ngã của phận người, những anh chị em này không chỉ đảm nhận được cuộc đời mình mà còn đảm nhận nó một cách hạnh phúc vui tươi, chỉ vì một lý do: họ có Thiên Chúa là Cha, và mọi người sống trong tình huynh đệ với nhau. Họ là những nhân chứng đức tin sống động ngay giữa lòng thế giới hôm nay, làm chứng bằng chính nỗi đau và sự vượt lên trên những cay đắng của phận người khi chân nhận tình Phụ tử nơi Thiên Chúa.

            Sau khoảng thời gian tâm sự, trao đổi những tâm tư, tình cảm trong sự cởi mở, vui tươi, đón nhận và trong niềm luyến tiếc những khoảnh khắc vô giá, đoàn xe đưa chúng tôi dần xa những anh chị em mình.

            Chuyến xe ra về trong sự thinh lặng đầy ắp ý nghĩa.

            Thinh lặng để học bài học nhận được từ những người ở lại,

            Thinh lặng để thấu cảm cái thương tích của người anh em,

            Thinh lặng để thấm nhiễm những tâm tình của tha nhân, những nỗi đau của đồng loại,

            Thinh lặng để thấy bóng dáng chính mình trong những thống khổ của phận người và trong những nghiệt ngã của anh em,

            Thinh lặng để cảm được hình ảnh của Thiên Chúa trong những anh chị em đã mất đi những chi thể của hình hài,

            Thinh lặng để nhận ra phẩm giá cao quý của con người và của người con Thiên Chúa,

            Thinh lặng để hun đúc, nung nấu một trái tim yêu, biết rung cảm với mọi giai điệu trầm bổng của phận người,

……….

            Một chuyến đi ngắn gợi lên những tâm tình, phác họa những đường nét cơ bản của một hành trình dài trong cuộc đời dâng hiến của người chủng sinh hướng đến thiên chức linh mục theo gương Thầy Chí Thánh – Đức Giêsu mục tử, Đấng không ngừng ra đi tìm chiên lạc, vác chiên lên vai, đưa về ràn, thuyên chữa những thương tích, xoa dịu những đau thương, cho chiên được nghỉ ngơi bên dòng suối mát, bên đồng cỏ xanh tươi…

            Những tưởng đi là để cho nhưng hóa ra đi để được nhận những món quà vô giá và đi để được học những bài học đầy ý nghĩa…

            Trong bầu khí tĩnh lặng của đường về, giai điệu một bài hát cứ ngân nga, nhảy múa trong tâm trí tôi “Here I am, Lord” (Này con đây, Lạy Chúa!)

Simon Trương Duy Lam

Lớp Thần Học I

 

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười Một 2024
H B T N S B C
« Th10    
  1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30