MỘT THOÁNG LIÊN TÔN

Written by xbvn on Tháng Mười Hai 20th, 2013. Posted in Huế, Thương Huyền, Truyền giáo, Việt Nam, Đại Chủng Viện Huế

Mùa Vọng đã bước dần vào những ngày cuối. Nhiều máng cỏ đã được dựng lên đó đây trong các giáo xứ và cả ở Chủng Viện nữa. Tiết trời khá lạnh càng làm cho tâm tình chờ đón Chúa trở nên tha thiết hơn. Trong bối cảnh “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” như thế, ngày hôm qua 19.12.2013, lớp Thần Học I chúng tôi, dưới sự hướng dẫn của Cha đồng hành Vinh-sơn Trần Minh Thực, đã đến thăm Hội Thánh Tin Lành Chi Hội Huế (Gia Hội).

Đúng 14g30’, cả lớp tề tựu lại bên Diễm Tụ Đài hát vang bài ca “Xin Vâng”. Không gian như ngưng đọng trong lời hát của mỗi anh em. Tinh thần Fiat của Mẹ vẫn như là kim chỉ nam để mỗi người cũng biết mang Chúa đến với người khác như Mẹ đã làm. Sau bài hát, cả lớp chúng tôi cùng lên đường, trực chỉ hướng cầu Gia Hội. Cảnh tượng của hơn 20 chiếc xe đạp cùng đi thành nhóm với nhau, trò chuyện rôm rả ít nhiều gây ngạc nhiên cho những người đi đường. Quãng đường trở nên gần hơn và chỉ gần 20 phút sau, anh em chúng tôi đã có mặt tại nhà thờ Tin Lành Gia Hội.

Tiếp chúng tôi là Mục sư Nguyễn Hữu Thượng Thanh – Quản nhiệm Hội Thánh Tin Lành Chi Hội Huế. Sau ít giây phút bỡ ngỡ, vị mục sư trung niên này như cởi mở tấm lòng hơn, trò chuyện cách thân mật gần gũi hơn. Cha giáo của chúng tôi cũng rất khéo léo khi bắt đầu câu chuyện từ những biến cố đời thường, từ những câu chuyện về in ấn Thánh Kinh … Từ đó, tâm tư như được khơi nguồn, hai bên đã trao đổi chuyện trò thật vui vẻ ấm áp.

Trò chuyện trong một bầu khí trân trọng và cởi mở như thế, tôi nhận ra được hai điểm tích cực, đó là biết tôn trọng những khác biệt của người khác và biết từ bỏ tư thế phòng thủ của mình.

Những khác biệt giữa anh em Tin Lành và những người Công Giáo thì có lẽ là quá rõ ràng từ giáo lý, phụng tự đến cơ cấu, tổ chức. Thật khó để có đối thoại nên chỉ chăm chăm vào những điều khác biệt này. Trong cuộc tiếp xúc, điểm chung giữa hai bên đã phát huy ưu thế, đó là Thánh Kinh. Trong suốt buổi nói chuyện, có đến vài lần vị mục sư trích dẫn lời thư Phao-lô, thư Phê-rô … điều này mang lại cảm giác gần gũi cho anh em chúng tôi – là những người đang học môn Tìm Hiểu các thư Thánh Phao-lô do chính Cha giáo Vinh-sơn đứng lớp. Khởi đi từ những điểm chung này, người ta mới có thể mạnh dạn đi đến những khác biệt trong sự đón nhận với tấm lòng thiện chí tìm đến chân lý.

Tiếp đến, việc từ bỏ tư thế phòng thủ cũng là một bước tiến cần thiết để đi đến đối thoại. Từ thế kỷ 15, sau khi ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo, anh em Tin Lảnh ngày càng lớn mạnh và lắm lúc được xem như một thế lực cạnh tranh xứng tầm với Giáo Hội Công Giáo. Những cuộc lên án nhau chỉ kết thúc với Công Đồng Vatican II, song dư âm của sự chia rẽ ấy vẫn còn ẩn hiện thấp thoáng. Ở Việt Nam, mối liên hệ huynh đệ giữa Tin Lành và Công Giáo dường như vẫn còn trong trạng thái tiềm năng, một ranh giới vô hình “nước sông không phạm nước giếng”, hai bên chẳng ai nói tới ai … Có dịp đến những vùng truyền giáo xa xôi của huyện Đức Trọng – Lâm Đồng, tôi có dịp nhận ra khoảng cách ấy. Có những vùng truyền giáo thật đặc biệt, trên cùng một con đường thì dãy bên này là những nhà Công Giáo và bên kia đường là những nóc nhà của các tín hữu Tin Lành. Hai bên ít khi ngó ngàng tới nhau, và những qua lại giữa hai bên luôn bị những ánh mắt nghi ngại dè chừng cản trở. Vô hình trung, con đường độc đạo dẫn vào làng mà mỗi ngày họ đi chung cũng chính là ranh giới phân tách họ với nhau. Thêm nữa, anh em Tin Lành khá mạnh mẽ và xác tín khi có thể nói về Chúa ở bất cứ nơi nào, với bất kỳ ai, tư thế phòng thủ từ đó xem ra ngày càng nặng nề hơn. Một khi mang trong mình tư thế phòng thủ, điều này có nghĩa là có một thành kiến nào đó sâu đậm trong tôi khiến tôi phải đề phòng và nhiều lúc chính cách tôi đề phòng lại mang dáng dấp của một kiểu tấn công khác, khiến người đối diện cũng phải phòng thủ và con đường đối thoại rơi vào ngõ cụt. Một suy nghĩ tếu lâm chợt nảy lên trong tôi, phải chăng vì nhận ra anh em chúng tôi đều là những chủng sinh nên vị mục sư chẳng lo phải truyền đạo cho chúng tôi vì xem ra không khả thi và dường như chúng tôi cũng không hề có tham vọng thay đổi vị mục sư nê hai bên chuyện trò rất thoải mái đến từng góc cạnh cuộc sống.

Có lẽ vì cùng là Ki-tô giáo nên chúng tôi chia sẻ được khá nhiều quan điểm chung. Phải nhận ra rằng nơi những anh em Tin Lành cũng có những điều đáng học hỏi. Họ rất chuyên chăm đọc và nghiên cứu Thánh Kinh cũng như dùng chính Thánh Kinh để cắt nghĩa Thánh Kinh – một lối tiếp cận rất giống với phương pháp của Công Giáo. Tiếp đến, anh em Tin Lành rất xác tín khi rao giảng về Chúa và họ sẵn sàng rao giảng với bất cứ ai mà không nề hà chi cả. Cũng tại nhà thờ Tin Lành này, cách đây hai năm, trong một dịp đi mục vụ lưu động ngày Chúa Nhật, tôi đã có dịp nghe vị mục sư giảng thuyết. Trong phần giảng thuyết của mình, vị mục sư cũng thông báo cho thính giả về sự phát triển của Tin Lành ở đó đây như Truồi, Đông Hà, Phong Điền … Dù được thêm chỉ có vài người nhưng họ rất quan tâm và mời gọi nhau cầu nguyện cho những người mới gia nhập ấy.

Một điểm khác biệt nữa cũng rất ý nghĩa cho anh em chúng tôi, cách riêng là tôi, đó là khi nói về bổn phận của mình, vị mục sư đã dùng cụm từ “hầu việc Chúa”, một cụm từ theo tôi có thể gọi là tóm kết được tinh thần của linh đạo Linh Mục. Một cụm từ đầy đủ ý nghĩa, vừa nói lên tính cách khiêm tốn, tin tưởng, phó thác của người mục tử, vừa xác nhận cách nào đó vai trò tối thượng của Thiên Chúa trên công việc mình đang làm cũng như xác tín Thiên Chúa vẫn đang hiện diện và thật sự làm việc trong mọi biến cố của nhân loại.

16g00’, anh em chúng tôi chia tay vị mục sư hiếu khách và đáng mến này với những lời chúc tốt đẹp từ thầy trưởng lớp. Những nụ cười, những cái bắt tay nồng ấm như vẫn còn lưu luyến mối chân tình. Quà của mục sư Thượng Thanh cho anh em chúng tôi là những quyển Thánh Kinh Tân Ước bỏ túi, được in ấn rất trang nhã lịch sự gọn gàng. Đây cũng là món quà mà anh em Tin Lành vẫn thường hay trao tặng cho mọi người. Điều này làm tôi suy nghĩ:

–          Tôi đã có khi nào trao ban Lời Chúa cho anh em mình cách cụ thể và sống động chưa ?

–          Tôi có can đảm để nói với người lạ về Chúa chưa ? Hay trái lại, tôi ngại ngùng với người xa lạ nhưng lại rất hùng hồn với các tín hữu của mình. Hùng hồn đến mức có thể nói bất cứ gì, nói nhăng nói cuội, nói như một cái máy vô hồn, nói mà chẳng hiểu mình nói gì ?

Một thoáng liên tôn với gần 90 phút. Ngần ấy thời gian cũng tựa như hai tiết học. Hai tiết học mở ra nhiều cơ hội cho những nỗ lực đi ra như đường lối mà Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề nghị. Giáo Hội và con cái mình cần phải mở cửa không chỉ để đón tiếp những ai tìm đến nhưng còn để bước ra, đi tìm đến những anh em xa lạ, bé nhỏ, thấp hèn.

Một thoáng liên tôn với những ai em cùng chung chia niềm tin nơi Ngôi Lời Nhập Thể, điều này cũng thật ý nghĩa trong những ngày cuối mùa Vọng. Niềm vui của gặp gỡ và sẻ chia chính là hình ảnh viễn tượng của ngày Ngôi Hai làm người lại đến – Người là ánh sáng để cho muôn dân không phân biệt tôn giáo, màu da, gai cấp tìm đến bái lạy.

Vì thế, một thoáng tôn giáo của ngày hôm nay, đối với tôi, thật nhiều ý nghĩa. Deo gracias !

THƯƠNG HUYỀN

Tags:

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Một 2025
H B T N S B C
« Th12    
  1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31