MỘT TRÁI TIM THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Written by xbvn on Tháng Mười 25th, 2024. Posted in Luân lý, Nhân bản, Tâm linh, Thế Giới, Tý Linh

Thông điệp Dilexit nos của Đức Thánh Cha Phanxicô giúp chúng ta hiểu cách thức Chúa Kitô yêu thương chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong thông điệp mới của mình rằng “Chúa Kitô không muốn giải thích nhiều về tình yêu của Người dành cho chúng ta, nhưng Người đã thể hiện điều đó qua những cử chỉ của Người. Chúng ta khám phá ra khi thấy Người hành động theo cách Người đối xử với mỗi người chúng ta...”. Là con cái của chủ nghĩa duy lý Hy Lạp, chủ nghĩa duy tâm hậu Kitô giáo, chủ nghĩa duy vật, và ngày nay, trong nền văn hóa lỏng lẻo của chủ nghĩa cá nhân, chúng ta khó khăn để hiểu trọn vẹn rằng Kitô giáo không thể bị giảm thiểu thành một lý thuyết, một triết lý, một tập hợp các chuẩn mực đạo đức, thậm chí không thể giảm thiểu thành một chuỗi cảm xúc tình cảm. Ngược lại, đó là cuộc gặp gỡ với một con người sống động.

Do đó, việc hiểu được cách thức Chúa yêu thương chúng ta, nghĩa là thu hút và mời gọi chúng ta, cũng như việc bước vào mối quan hệ với Người không thể bị giảm thiểu vào một lý luận, vào một bản sắc văn hóa cần được phô trương hoặc một cẩm nang các quy tắc để tham khảo khi cần đến. Hiểu được Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế nào là vấn đề của trái tim: đó là một câu chuyện về cử chỉ, cái nhìn và lời nói. Đó là câu chuyện về tình bạn, một công việc của trái tim. Người kế vị Thánh Phêrô viết: “Tôi là trái tim của tôi, bởi vì chính nó phân biệt tôi, uốn nắn tôi theo căn tính thiêng liêng của tôi và giúp tôi hiệp thông với người khác”. Đức Phanxicô gợi ý, chúng ta có thể hiểu Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế nào, “bằng cách nhìn Người hành động”, nghĩa là bằng cách suy ngẫm về những khung cảnh của Tin Mừng và để cho mình ngạc nhiên trước những sự kiện Tin Mừng tiếp tục xảy ra xung quanh chúng ta, có lẽ ở nơi chúng ta ít mong đợi nhất.

Khi nhìn Người hành động, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu “quan tâm đến mọi người, đến những bận tâm của họ, đến nỗi đau khổ của họ”. Điều mà Người Nadarét đề nghị, đó là “sự thuộc về hỗ tương của những người bạn. Người đã đến, Người vượt qua mọi khoảng cách, Người trở nên gần gũi với chúng ta trong những điều đơn giản và đời thường nhất của cuộc sống. Người mang tên khác là “Emmanuel”, thực sự có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, Thiên Chúa gần gũi với cuộc đời chúng ta, sống giữa chúng ta. Con Thiên Chúa đã nhập thể” và trút bỏ chính mình bằng cách trở thành tôi tớ và hy sinh chính mình vì tình yêu.

Gặp gỡ đức tin Kitô giáo, đó là gặp gỡ trái tim của Chúa Kitô, trái tim không thể thờ ơ này ôm lấy chúng ta bằng lòng thương xót vô hạn và mời gọi chúng ta bắt chước nó. Điều này có những hậu quả xã hội, bởi vì thế giới, vốn sông sót giữa chiến tranh, giữa sự mất cân bằng kinh tế xã hội, giữa chủ nghĩa tiêu dùng và việc sử dụng công nghệ phản nhân loại, “có thể thay đổi từ trái tim”. Do đó, thông điệp Dilexit nos trở thành chìa khóa giải thích cho toàn bộ triều đại giáo hoàng.

Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của Truyền thông Vatican

————————————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: vatican.va)

Tags: ,

Trackback from your site.

Bài viết cùng chủ đề

Dữ liệu Website cũ

Xem nhiều gần đây nhất

Đang online

Lịch đăng bài

Tháng Mười 2024
H B T N S B C
« Th9    
  1 2 3 4 5 6
7 8 9 10 11 12 13
14 15 16 17 18 19 20
21 22 23 24 25 26 27
28 29 30 31